TPHCM là đô thị sôi động, hiện đại bậc nhất nước ta với nhiều loại hình dịch vụ, ngành nghề, kinh doanh khác nhau đã tạo nên một nền kinh tế năng động. Cùng với sự năng động, trẻ trung ấy thì tại TPHCM hiện nay vẫn còn những làng nghề truyền thống đã có mặt tại thành phố này hàng trăm năm trước. Trong số đó có Làng nghề đúc lư đồng thủ công An Hội tại quận Gò Vấp.
Qua giới thiệu của dân địa phương, chúng tôi đã có dịp tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, nơi mà những người trong nghề gọi là Làng đúc lư đồng An Hội. Gọi là làng nghề nhưng thật ra nơi đây chỉ còn 4 hộ gắn bó với nghề gần 1 thế kỷ qua. Để có một cơ sở làm nghề đúc lư đồng thủ công thì đòi hỏi phải có diện tích đất khá lớn, vài trăm đến hàng ngàn mét vuông để làm nhà xưởng, nơi gia công. Trong khi với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì đất ở có giá trị rất lớn, nhất là ngay tại quận Gò Vấp. Nên chính vì vậy mà nhiều người đã chuyển nghề và dành phần đất ấy để ở hoặc sang nhượng lại lấy vốn làm ăn.
Ông Nguyễn Minh Toàn, một trong số ít chủ cơ sở còn bám lại với nghề gia truyền từ đời ông của mình bày tỏ: “Trước đây ở đây có đến hơn 20 cơ sở làm nghề. Nhưng sau đó người ta bỏ bớt đi. Vì đất rộng nên họ bán hoặc cất nhà cho thuê. Riêng mình vì yêu nghề nên giữ lại dù rất cực”.
Với diện tích đất hơn 1000 m2 để làm nhà xưởng, hiện nay theo giá thị trường ông Toàn cho biết nếu sang nhượng thì gia đình ông sẽ thu về hơn 50 tỷ đồng. Trong khi làm nghề đúc lư đồng nếu năm nào kinh doanh tốt, khách mua nhiều thì doanh thu được từ 400-500 triệu, trừ đi chi phí thì chỉ còn lãi hơn trăm triệu. Nhưng vì yêu nghề nên cố bám giữ. Một chiếc lư đồng hoàn chỉnh phải trải qua gần 10 công đoạn từ: nhào nặng đất, làm khuôn, định hình vào khuôn sáp, bọc đất sét, rồi đến vẻ hoa văn, đưa vào lò nung, đánh bóng… Cũng như những cơ sở khác, ông Trần Văn Thắng đã cố bám giữ nghề hơn 50 năm với nhiều khó khăn, vất vả: “Tôi sống với nghề này mấy chục năm nên không bỏ được. Tôi đã truyền nghề cho con. Cơ sở làm tính luôn người nhà thì có 10 người”.
Tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm lư đồng đều được làm thủ công và đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo và tính cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Chính vì yêu cầu cao nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực để làm nghề cũng là vấn đề khó khăn của các cơ sở hiện nay. Phần lớn những người thợ làm trong các cơ sở này là người lớn tuổi, chăm chỉ, chịu khó và đã gắn bó nhiều năm với nghề.
Nghệ nhân Huỳnh Thị Xum chia sẻ thêm về quy trình nhào trộn đất để làm lư đồng thủ công: “Đất này gọi là đất trấu, có 3 phần hòa chung với nhau, nhồi dẻo thành cục. Lớp này bảo đảm khi chế đồng vô không bị bung ra”.
Việc pha chế đồng trước khi nung chảy cũng đặc biệt công phu và quan trọng, không chỉ pha theo công thức mà phải lượng theo kinh nghiệm tay nghề của mỗi người, mỗi xưởng lại có một cách chế khác nhau, tạo ta những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu riêng biệt. Qua nhiều công đoạn thủ công để tạo ra sản phẩm lư đồng, nhưng đến khi tiêu thụ thì cũng gặp không ít khó khăn, vì hiện nay với công nghệ hiện đại đã cho ra đời những sản phẩm đẹp hơn, giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó sản phẩm lư đồng thường chỉ tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm nên doanh số thường hạn chế. Đã quyết định theo nghề truyền thống của cha mình, nhưng ông Trần Văn Tiến vẫn lo lắng cho tương lai với nghề truyền thống của gia đình: “Nghề này lo nguồn nhân công, vì khi người cao tuổi nghỉ thì không có người thay thế. Hàng chỉ bán đắt vào tháng Chạp khi người dân thờ cúng nhiều”.
Theo thời gian, số cơ sở làm lư đồng thủ công ở làng nghề An Hội hiện đã thưa thớt dần. Những người đam mê yêu quý nghề truyền thống này vẫn đang lo sợ nghề của mình sẽ bị mai một theo thời gian. Điều mà họ mong ước hiện nay là chính quyền địa phương có những chính sách, cơ chế để giữ lại nghề truyền thống này, vừa tạo ra nét đặc trưng văn hóa giữa lòng thành phố nhộn nhịp, vừa lưu giữ những ngành nghề truyền thống của dân tộc đã tồn tại hàng trăm năm ngay giữa lòng Sài Gòn - TPHCM.