Với những làng nghề trên địa bàn TPHCM, không khí mùa xuân càng rạo rực, sôi động hơn nhiều khi hàng hoá từ nơi đây được toả đi khắp các tỉnh thành, mang sắc xuân, không khí sum vầy cho bao gia đình khi Tết đến.
Những ngày này, làng se nhang Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh như nhộn nhịp tất bật hơn. Người đứng máy, người phơi nhang, người giũ bột, xếp bó... cứ phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành nhanh nhất các công đoạn...
Vất vả, nhưng nét mặt người nào cũng đầy phấn khởi bởi họ biết rằng công sức bỏ ra sẽ được chi trả xứng đáng. Ngày tết, tục cúng kiếng tổ tiên, đưa ông Táo, rước ông bà... trở nên thiêng liêng và có ý nghĩa hơn với những nén nhang thơm như kết nối, gửi gắm ước mong, tâm tình cùng gia chủ. Chính vậy mà từ tháng 10 âm lịch các cơ sở làm nhang của làng nghề đã tăng giờ làm, thuê thêm nhân công để kịp thời cung ứng hàng hoá cho dịp Tết.
Bà Phan Thị Bảy, một người tiên phong làm nhang nơi đây cho biết, nếu bình thường gia đình bà chỉ chạy một máy làm nhang tự động, thì nay bà phải tăng cường lên gấp đôi. Mặt hàng thế mạnh của cơ sở bà là nhang sào, loại nhang lớn để đốt ở chùa chiềng và những dịp quan trọng.
Để chuẩn bị cho mùa nhang Tết, bà đã sớm đặt thêm mấy chuyến xe nguyên liệu gồm bột, tăm nhang, keo... để có thể cung ứng kịp thời cho việc sản xuất. Bà Phan Thị Bảy cho biết nhang của cơ sở được đưa đi nhiều thị trường để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết: "Nhang của tôi đi cùng hết, miền Trung cũng có, miền Tây cũng có. Người ta mua một lần có khi đến 50-60 triệu, cứ 1 thiên nhang (sào) là 1 triệu. Người ta mua để đi hành hương".
Tại cơ sở sản xuất nhang của chị Nguyễn Cát Bụi Thuý, ấp 2 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, không khí Tết thể hiện trên nét mặt hân hoan của những anh chị công nhân đang tăng ca làm thêm giờ ngày tết. Giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo đi cùng với nụ cười, niềm hi vọng vào nguồn thu nhập được tăng lên đáng kể trong dịp làm ăn cuối năm này.
Chị Thuý cho biết, dù năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình sản xuất gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ công tác quản lý chặt chẽ nguồn bệnh của trong cả nước, nên cơ sở vẫn đang duy trì ổn định. Chị chia sẻ: "Gần Tết nói chung chị em nào cũng nôn nao. Nghe hàng hút, người ta mừng lắm. Sang năm mới mong sao hết dịch để thị trường ổn định lại, ổn định giá cả lại để làm. Mình chỉ mong nhiêu đó thôi".
Không chỉ làng nhang, không khí làm việc khẩn trương cũng xuất hiện tại các cơ sở tráng bánh trên địa bàn xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Hình dáng tròn trặn, đặc tính dẻo thơm, gắn kết của những chiếc bánh tráng cũng mang nhiều ý nghĩa biểu trưng trong mâm cơm đầu năm của các gia đình. Nhờ đó, làng nghề trăm tuổi này không chỉ duy trì mà còn phát triển khá tốt trong suốt thời gian qua. Nếu bánh tráng làm máy có lợi thế đối với các thị trường xuất khẩu thì bánh tráng thủ công lại nhộn nhịp sôi động với thị trường tại chỗ, nhất là trong dịp Tết như hiện nay.
Theo chị Hồ Quế Châu, ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, 3 đời làm nghề tráng bánh, nếu thường ngày làng nghề có khoảng 80 hộ tráng bánh thủ công, thì dịp giáp Tết, nhiều bà con đã dẹp lò, lại mang bếp ra nổi lửa tráng bánh, nên số hộ làm bánh tăng lên rất nhiều. Riêng hộ gia đình chị thường ngày tráng khoảng 1.000 bánh thì dịp Tết cũng tráng tăng lên từ 1.200-1.500 bánh.
Chị Châu cho biết thêm: "Tết thì tráng nhiều hơn. Những người lớn tuổi, bình thường người ta nghỉ coi cháu, coi con nhưng vẫn để lò đó, liếp cũng đậy đó. Đến Tết người ta lại tranh thủ tráng tặng cho người thân, cho gia đình ăn Tết hoặc đem ra chợ bán thêm".
Vì vậy, khoảng từ rằm tháng Chạp, các bếp lò tráng bánh nổi lửa từ rất sớm. Từ 2-3 giờ sáng tiếng người gọi nhau, tiếng lục đục bắt bếp... làm cho không khí lao động ở làng nghề thêm nhộn nhịp. Nhu cầu tăng cao nên các lò tráng bánh máy cũng tấp nập không kém.
Tại cơ sở tráng bánh của chị Trần Thị Thanh Huyền, ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông, ngày thường công nhân làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng vào những ngày cận Tết như hiện nay cơ sở làm việc đến 8-9 giờ tối.
Chị Thanh Huyền cho biết: "Mùa Tết là mùa cao điểm nhất của bánh tráng. Từ tháng 11 âm lịch cho đến hết tháng 12, nhu cầu người dân tích trữ để bán Tết. Ngày thường cơ sở mình xuất ra thị trường khoảng 700kg đến 800kg bánh tráng, còn những ngày Tết phải từ 1 tấn đến 1,2 tấn bánh thành phẩm".
Từ năm 2005, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông được UBND Thành phố phê duyệt đề án và tiến hành xây dựng làng nghề. Cũng từ đó, việc sản xuất bánh tráng cũng như những chính sách hỗ trợ người dân làm nghề cũng được tập trung hơn. Thành lập hợp tác xã, tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ vốn vay đầu tư máy móc... là những công tác được địa phương tích cực thực hiện trong thời gian qua.
Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông thông tin: "Hiện nay, quá trình hội nhập và phát triển nhanh của khoa học công nghệ kỹ thuật đòi hỏi các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực bánh tráng phải thay đổi tư duy và thói quen. Bên cạnh đó, họ phải áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại vào quy trình để đem lại những sản phẩm chất lượng cao và có giá thành phù hợp để đáp ứng như cầu tiêu dùng".
Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết bánh tráng Phú Hòa Đông và nhang Lê Minh Xuân nằm trong số những làng nghề thế mạnh của thành phố. Thời gian qua, chính sách hỗ trợ lãi vay đã giúp nhiều hộ dân và doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất tại các làng nghề.
Thành phố cũng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới, trong đó bao gồm tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến khâu tiêu thụ được quan tâm đầu tư.
Bà Hoàng Thị Mai cho hay: "Sở Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ dân, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề. Đặc biệt chú trọng phát triển các hợp tác xã được xem là những đầu mối thực hiện những nhiệm vụ đầu vào đầu ra, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau để có thể hoạt động tốt hơn, giúp hộ dân ngày càng có thu nhập cao hơn".
Xuân về, không khí nô nức tại các làng nghề không chỉ mang ý nghĩa là mùa làm ăn chính trong năm, mà còn mang cả không khí nhộn nhịp, phấn khởi cho những khởi đầu mới. Trong đó, có sự ấm cúng, vuông tròn từ những sản phẩm làng nghề, có cả niềm hi vọng vào một cái Tết an vui, một năm mới mạnh khoẻ, bình an đến mọi nhà.