Nghề nhang Lê Minh Xuân - Dấu ấn văn hóa của tiến trình phát triển đô thị

(VOH) - Nằm trên địa bàn huyện ngoại thành Bình Chánh, năm 2014, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân chính thức được thành phố công nhận và có những chính sách hỗ trợ phát triển.

Làng nghề không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp không ít hộ dân vươn lên thoát nghèo mà còn là lưu giữ những nét văn hoá của vùng đất ngoại thành.

Đi dọc tuyến đường Mai Bá Hương kéo dài từ ấp 1 sang ấp 2 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, sắc vàng sắc đỏ của những giàn phơi nhang thu hút sự hiếu kỳ của không ít người đi đường.

Theo các hộ dân nơi đây, nghề làm nhang trên địa bàn đã xuất hiện từ hơn 20 năm nay, khi người dân vùng ngoại thành nhận thấy điều kiện đất đai thổ nhưỡng của vùng rốn phèn khó lòng phát triển giống cây trồng nào hiệu quả. Đặc biệt khi giá mía cứ ngày càng sụt giảm, cũng là lúc bà con bắt đầu tìm kiếm thêm thu nhập từ nghề làm nhang, phơi nhang.

Thời điểm đó, nghề nhang tại các quận nội thành như quận 5, quận 6 với nhiều hãng nhang nổi tiếng lại phải tìm hướng di dời xa thành phố để có được sân phơi đồng thời bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường. Hai nhu cầu gặp nhau, nghề làm nhang bắt đầu hình thành dọc theo kênh Xáng trên địa bàn xã Lê Minh Xuân cho đến ngày nay.

Nghề nhang Lê Minh Xuân - Dấu ấn văn hóa của tiến trình phát triển đô thị
Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh.

Công việc làm nhang khá phù hợp với nhiều người, từ người già đến trẻ nhỏ, từ người dân địa phương đến lao động nhập cư đều có thể tham gia làm nhang để có thêm thu nhập. Nếu nông dân trồng mía, làm mai có thể tranh thủ thời điểm nông nhàn, thì chị em phụ nữ cũng có thể tranh thủ sau khi xong việc bếp núc, trẻ em sau những giờ học ở trường,... đều có thể làm nhang.

Bà Phan Thị Bảy, từng trải qua nhiều nghề từ kéo lưới, gói bánh...rồi trở thành một trong những người làm nhang đầu tiên trên địa bàn chia sẻ: "Ở đây hồi đó kinh tế khổ lắm, đâu phải như bây giờ. Hồi đó khó khăn, tôi làm tay, qua nhiều công đoạn, chủ yếu lấy công làm lời. Một ngày tôi se được 6-7 thiên nhang, nuôi 5 đứa con đi học giờ tụi nó ra đại học hết rồi".

Nghề làm nhang trên địa bàn trải qua rất nhiều giai đoạn. Lúc đầu bà con chủ yếu se tay, rồi đến nhang nhúng. Dần dần, người dân nơi đây sáng chế ra máy se nhang bán thủ công chỉ cần đưa tăm nhang vào đầu bên này sẽ thành phẩm nhang đã áo bột ra đầu bên kia.

Công nghệ ngày càng được cải thiện, tới nay các cơ sở làm nhang lớn đã sử dụng hệ thống tự động với hiệu suất tăng hơn gấp nhiều lần. Thậm chí khâu lựa tăm nhang cũng được thực hiện tự động bằng máy lừa tăm, công đoạn phơi nhang cũng được thay bằng máy sấy.

Nhìn chung trước năm 2020, làng nghề se nhang phát triển khá ổn định. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều cơ sở còn xuất nhang sang các thị trường ngoài nước như Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan...

Chị Nguyễn Cát Bụi Thuý, ấp 2 xã Lê Minh Xuân, cũng sớm quen với việc se nhang từ năm 12-13 tuổi, đến năm 19 tuổi, cô gái trẻ đã tự mình mở cơ sở sản xuất nhang. Tuy nhiên, tuổi đời non trẻ nên chị cũng nhiều va vấp. Nhưng đến nay, chị cũng đã gầy dựng và tạo lập tên tuổi cho xưởng làm nhang của gia đình. Nhang của cơ sở đi khắp các tình miền Đông, miền Tây Nam Bộ và cả một số thị trường phía Bắc.

Tuy nhiên, chị cho biết từ đầu năm đến nay, đầu ra của nhang gặp khó khăn hơn dù nhu cầu người dân vẫn có nhiều. Nếu trước đây mỗi ngày cơ sở của chị xuất ra thị trường khoảng 1 xe với gần 3 thiên nhang, thì nay do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, mỗi tuần chị chỉ xuất được khoảng  3 xe nhang.

Chị Thuý mong muốn tình hình dịch bệnh được khống chế để đầu ra sản phẩm làng nghề được thuận lợi: "Không xuất khẩu được nên những người làm nhang chuyển hướng làm nhang nội địa. Thay đổi thị trường nên người ta không có mối như mình. Họ sẽ vô chào hàng các mối của mình nên dịch mình khó làm ăn là như vậy".

Từ khi được chính thức được công nhận là làng nghề vào năm 2014, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ và bảo tồn làng nghề.

Hiện trên địa bàn xã đã xây dựng được 4 tổ hợp tác se nhang với hơn 120 thành viên. Tham gia vào tổ hợp tác, nhiều hộ sản xuất đã có được đầu ra sản phẩm ổn định. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo, địa phương còn hỗ trợ máy làm nhang, hoặc hỗ trợ nguyên liệu như bột nhang, tăm nhang, keo… để làm vốn ban đầu cho bà con sản xuất.

Từ những chính sách đầu tư phát triển làng nghề, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, số lượng hội viên tham gia vào tổ hợp tác tăng lên, việc sản xuất cũng thuận lợi hơn. Chị Phạm Thị Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho rằng: "Nghề nhang thực sự giúp đỡ rất nhiều cho người dân, đặc biệt là người dân nhàn rỗi có thêm thu nhập. Nhà nước, chính quyền và hội đoàn thể các cấp hỗ trợ máy móc, bà con phấn khởi hơn, góp phần kéo giảm hộ nghèo của địa phương, đời sống được nâng lên. Nếu người dân nào chịu làm thời gian tới sẽ không còn hộ nghèo nữa".

Nghề se nhang ở Lê Minh Xuân không chỉ là nguồn kinh tế, thu nhập mà còn là dấu ấn văn hoá của tiến trình phát triển một đô thị lớn như TPHCM. Với những điều kiện thuận lợi sẵn có tại địa phương, cũng như những chính sách hỗ trợ, bảo tồn phát huy làng nghề, nghề se nhang trên địa bàn đã có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc.