Chờ...

Làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình rộn ràng chuẩn bị cho Tết Trung thu

(VOH) – Cận Tết Trung thu, nhiều hộ gia đình thuộc làng nghề truyền thống Phú Bình (quận 11, TPHCM) tất bật chuẩn bị và mua bán lồng đèn.

Mỗi dịp Tết trung thu đến, trên khắp phố phường lại được trang trí bằng những chiếc đèn lồng đa màu sắc. Bên cạnh lồng đèn điện tử, những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn là món đồ biểu tượng, đặc trưng cho nét đẹp văn hóa của ngày người Việt.

Chuẩn bị nguyên vật liệu từ sớm

Gia đình của chị Nguyễn Kim Thu làm nghề làm lồng đèn truyền thống đã hơn 20 năm. May mắn hơn nhiều hộ gia đình khác là gia đình chị vẫn duy trì được nghề và các thành viên trong gia đình đều thạo nghề, có thể hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh mà không cần người khác phụ giúp. “Không có ai thì một mình tôi làm hết, không có tôi thì chồng tôi làm, có lúc mấy đứa nhỏ đi học về thì cũng phụ”, chị Thu chia sẻ.

Làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình rộn ràng chuẩn bị cho Tết Trung thu 1
Nghệ nhân tự tay vót tre để tạo khung cho đèn

Lồng đèn truyền thống đa dạng từ màu sắc cho đến kiểu dáng cho nên để làm ra một chiếc lồng đèn người làm phải thật khéo tay và tỉ mỉ thì mới tạo nên một sản phẩm đẹp. Việc chuẩn bị các vật dùng để làm lồng đèn phải được sẵn sàng từ nhiều tháng và càng đến gần Tết trung thu mới bắt đầu rộn ràng hơn.

Ngay từ những tháng đầu năm, gia đình chị Thu đã bắt đầu tìm những vật liệu để làm lồng đèn. “Tre nứa thì lấy từ trên rừng xuống, có người quen trên Lâm Đồng trồng sẵn tre, nứa trên đó rồi đưa xuống nên đỡ được một phần. Sau đó, cả nhà chia nhau công việc, người thì dán lồng đèn phụ, người thì vớt nứa… mới có thể làm được nhiều sản phẩm hơn, kinh tế ổn định hơn”.

Vào đúng mùa thì gia đình chị Thu lại tập trung toàn thời gian để hoàn thành việc gia công làm lồng đèn truyền thống.  

Làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình rộn ràng chuẩn bị cho Tết Trung thu 2
Nghệ nhân Nguyễn Kim Thu tất bật làm lồng đèn để kịp giao cho các tiểu thương và trường học

Hiện nay, ngoài việc giữ nghề truyền thống, những hộ dân ở đây cũng phải thích nghi và linh hoạt để những chiếc đèn giấy kiếng vốn quen thuộc có thể cạnh tranh với các loại đèn trung thu hiện đại thông qua việc sáng tạo mẫu mã, nét vẽ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.  

Duy trì lửa nghề truyền thống

Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại và sự ưa chuộng của những món hàng lạ mắt, sinh động đèn lồng truyền thống dần được thay thế bằng những loại đèn điện tử, đèn xếp giấy… với giá thành rẻ lại đánh vào tâm lý của trẻ em thích sự vui nhộn, bắt tai hay mắt. Vô hình trung, điều đó trở thành một thách thức lớn đối với nghệ nhân làm nghề lồng đèn truyền thống.

Không ít những hộ gia đình, những nghệ nhân làm đèn đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh trên mảnh đất Sài Gòn tấp nập. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ gia đình như gia đình chị Kim Thu, anh Bình, gia đình ông Uyên, bà Xuân, ông Nguyễn Văn Hạnh… vẫn sắt son một lòng quyết tâm duy trì ngọn lửa nghề truyền thống của gia đình.

Làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình rộn ràng chuẩn bị cho Tết Trung thu 3
Hoa văn trên đèn được thay đổi thường xuyên đáp ứng thị hiếu của người mua

Anh Bình tâm sự: “Làm nghề này vất vả lắm, đau lưng, mỏi gối, thu nhập cũng chỉ vừa đủ sống thôi nhưng vẫn làm vì đam mê và duy trì nghề truyền thống của gia đình”.

Đứng trước nguy cơ nghề lồng đèn truyền thống có thể bị mai một và thách thức của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều nghệ nhân cũng liên tục thay đổi và đa dạng hóa các loại mặt hàng, cho ra đời nhiều mẫu mã. Đặc biệt hơn là phát triển việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử như shopee, lazada…

 Làng nghề đèn truyền thống Phú Bình náo nhiệt vào dịp tết Trung Thu
Làng nghề đèn truyền thống Phú Bình náo nhiệt vào dịp tết Trung Thu

Tuy nhiên, việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử cũng khiến những người nghệ nhân làm nghề lâu năm gặp khó khăn. Chị Kim Thu thổ lộ: “Khi bán hàng trên các thương mại điện tử có một số người ăn cắp hình ảnh của chị, làm giả hàng và giao hàng kém chất lượng với giá cả rẻ hơn khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Thời gian tới sẽ tìm hiểu rõ hơn về việc bán hàng qua mạng để đảm bảo về hình ảnh cũng như chất lượng của làng nghề mình”.

Không chỉ dịp tết Trung thu, lồng đèn Phú Bình còn được trang trí trên các con đường vào những dịp lễ tết, lễ hội lớn… như một phần tôn vinh và gìn giữ ngành nghề truyền thống của xóm đạo Phú Bình và một nét văn hoá của dân tộc.