Lao động nữ đặt vòng tránh thai cũng được hưởng chế độ thai sản

(VOH) - Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sẽ được hưởng chế độ thai sản khi đặt vòng tránh thai. Đây là điều đã được quy định rõ nhưng không phải ai cũng biết.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay quy định cụ thể về chế độ thai sản, trong đó, trường hợp lao động nữ đặt vòng tránh thai cũng sẽ được hưởng một số chế độ thai sản.

Được nghỉ tối đa 7 ngày khi đặt vòng tránh thai

Theo Điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ đặt vòng tránh thai và người lao động thực hiện biện pháp triệt sản được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian nghỉ khi đặt vòng tránh thai được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai, người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Theo đó, thời gian nghỉ việc tối đa được quy định là 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; và 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. Thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

đặt vòng tránh thai

Hiện nay, một trong những biện pháp tránh thai an toàn được lao động nữ sử dụng phổ biến đó là đặt vòng.

Cách tính tiền thai sản khi nghỉ đặt vòng tránh thai

Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, số tiền chế độ thai sản trong thời gian nghỉ đặt vòng tránh thai được xác định theo công thức:

Tiền chế độ thai sản khi đặt vòng = 100% Mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ do đặt vòng tránh thai : 30 x Số ngày nghỉ.

Trong trường hợp lao động nữ đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng mà thực hiện biện pháp đặt vòng thì mức hưởng nói trên sẽ được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng Bảo hiểm xã hội.

Thủ tục nhận tiền thai sản khi đặt vòng tránh thai

Do đặt vòng tránh thai cũng được nhận chế độ thai sản, do đó, khi làm các thủ thuật đặt vòng tránh thai, lao động nữ cần lưu giữ các loại giấy tờ liên quan để thực hiện thủ tục hưởng chế độ.

Căn cứ Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cùng một số quyết định liên quan, người lao động cần phối hợp với người sử dụng lao động để thực hiện thủ tục hưởng chế độ thai sản khi đặt vòng tránh thai.

Khi đi đặt vòng tránh thai, người lao động cần nói trước với các y bác sĩ về việc sẽ thực hiện các thủ tục nhận chế độ thai sản khi đặt vòng tránh thai để được cung cấp các loại giấy tờ phù hợp. Trong đó, một số giấy tờ cần thiết để chuẩn bị hồ sơ nhận chế độ như sau:

  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Khi đủ giấy tờ, người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày lao động nữ đặt vòng tránh thai trở lại làm việc.

Đơn vị sử dụng lao động sau đó sẽ hoàn thiện giấy tờ và nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sau một khoảng thời gian giải quyết các chế độ, tiền chế độ thai sản sẽ được chi trả cho lao động nữ theo hình thức đăng ký: lấy trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc thông qua doanh nghiệp hoặc qua thẻ ATM.