Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đặt vòng tránh thai có đau không?

Vừa mới kết hôn, vừa sinh con hay chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ thì chị em có thể lựa chọn đặt vòng tránh thai. Thế nhưng, không ít chị em lại đang băn khoăn đến việc đặt vòng tránh thai có đau không?

Cũng giống như viên thuốc ngừa thai, đặt vòng là biện pháp tránh thai khá phổ biến được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn. Với ưu điểm là không ảnh hưởng đến ‘chuyện chăn gối’ và ít tốn kém, ngừa thai trong thời gian dài nên nhận được sự tin tưởng của rất nhiều người.

Tuy nhiên, với những ai mới sử dụng biện pháp tránh thai này lần đầu thì sẽ rất muốn biết vòng tránh thai hoạt động như thế nào, đặt vòng tránh thai có đau không hay có ảnh hưởng gì đến cơ thể hay không?...

1. Đặt vòng tránh thai là gì?

Vòng tránh thai (viết tắt là IUD) là một dụng cụ có hình chữ T, được sử dụng như một biện pháp tránh thai an toàn của phụ nữ. Vòng tránh thai có kích thước nhỏ, được đặt vào tử cung để ngăn cản sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.

Có khá nhiều loại vòng tránh thai được sử dụng trong việc ngừa thai. Một số loại vòng tránh thai phổ biến như:

  • Vòng tránh thai chữ T có chất đồng
  • Vòng tránh thai hình chữ V bằng silastic có chất đồng
  • Vòng kim loại đơn thuần hoạt tính 165 và vòng có sức chống đỡ cao, có chất đồng.
  • Vòng tránh thai nhiều phụ tải có chất đồng.

2. Vòng tránh thai hoạt động như thế nào nào?

Các bác sĩ sẽ đặt vòng tránh thai vào bên trong tử cung của người phụ nữ. Vòng tránh thai như ‘người gác cửa’ không cho phép trứng đã thụ tinh về làm tổ và hình thành phôi thai. Nó tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tinh trùng tiếp cận trứng hoặc cho phôi thai tiếp cận bám vào niêm mạc tử cung.

dat-vong-tranh-thai-co-dau-khong-voh

Vòng tránh thai nếu được đặt đúng cách sẽ đạt hiệu quả đến 99% (Nguồn: Internet)

Hiệu quả của vòng tránh thai cao, nếu đặt vòng tránh thai đúng cách hiệu quả đến 99% và kéo dài từ 5 – 10 năm, tùy từng loại.

2.1 Những ưu điểm và nhược điểm khi đặt vòng vòng tránh thai

Ưu điểm

  • Mang lại hiệu quả tránh thai cao, có tác dụng tức thì và lâu dài.
  • Chi phí đặt vòng khá phù hợp, dễ sử dụng, không tạo cảm giác khó chịu cho chị em.
  • Không ảnh hưởng đến chuyện 'yêu’.
  • Không gây tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của phái đẹp và an toàn trong giai đoạn cho con bú.

Nhược điểm

  • Sau khi đặt vòng tránh thai sẽ bị ra nhiều khí hư do dịch tiết âm đạo tăng lên.
  • Có khả năng viêm nhiễm phụ khoa do khi đặt vòng sẽ làm thay đổi về sinh hóa và tế bào của nội mạc tử cung, dẫn đến việc sức đề kháng của cơ quan sinh dục yếu, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
  • Sau khi đặt vòng tránh thai, những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ ra lượng máu nhiều hơn, có thể gây rối loạn hoặc kéo dài kinh nguyệt.

3. Đặt vòng tránh thai có đau không?

Phần lớn các trường hợp đã đặt vòng tránh thai đều cho rằng, chỉ có một chút nhói diễn ra trong lúc đặt vòng, cơn đau sẽ ít hơn và chấm dứt sau khi kết thúc.

Quá trình đặt vòng thường diễn ra rất nhanh nhưng vẫn được xem là tiểu phẫu nên một số mẹ sẽ gặp phải hiện tượng chuột rút như khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt.

dat-vong-tranh-thai-co-dau-khong-1-voh

Cảm giác đặt vòng tránh thai đau hay không đau phụ thuộc vào cảm nhận mỗi người (Nguồn: Internet)

Cũng tương tự như lúc đặt vòng, tháo vòng tránh thai cũng chỉ gây ra cảm giác đau nhẹ như lúc đặt vòng và quá trình tháo vòng cũng khá đơn giản, diễn ra nhanh chóng.

Vì vậy, nếu các chị em đang muốn đặt vòng hay tháo vòng tránh thai nhưng vẫn lo sợ về cơn đau thì có thể trao đổi cùng bác sĩ để tìm ra được giải pháp giảm đau phù hợp.

4. Lưu ý cần nhớ khi đặt vòng tránh thai

  • Vòng tránh thai có khả năng hoạt động tốt đối với những phụ nữ đã từng mang thai. Phụ nữ chưa từng mang thai có thể gặp khó khăn trong việc giữ IUD trong tử cung.
  • Một số phụ nữ đặt vòng tránh thai bị đau lưng, chuột rút, chảy máu nhẹ (từng đốm nhỏ) trong 1 hoặc 2 ngày. Để cải thiện, chị em có thể dùng túi nước ấm đặt lên bụng để giảm đau và giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • Kiểm tra vòng tránh thai theo chu kỳ để tránh trường hợp vòng tránh thai bị lệch dẫn đến có thai, hoặc gây ra nhiều tình trạng như đau bụng âm ỉ, xuất huyết bất thường.
  • Vòng tránh thai không thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
  • Sau khi đặt vòng, chị em cần nằm yên trong khoảng 1 tiếng, nghỉ ngơi tối thiểu 2 ngày và không làm việc nặng trong 1 tuần. Sau 2 tuần mới nên có quan hệ ‘chăn gối’ trở lại.
  • Trong trường hợp bị đau bụng ngày càng nhiều, ra máu âm đạo nhiều, kéo dài và kèm theo sốt, tiểu gắt, đau khi quan hệ... sau khi đặt vòng tránh thai thì nên đến gặp bác sĩ.

4.1 Những trường hợp nào không nên sử dụng vòng tránh thai?

  • Nghi ngờ có thai hoặc đang có thai.
  • Phụ nữ có tiền sử bị các bệnh lây qua đường tình dục trong 3 tháng trước đó.
  • Mắc các bệnh phụ khoa như: Viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến tử cung, viêm cổ tử cung mủ nhầy, u xơ cổ tử cung gây biến dạng lòng tử cung.
  • Ra máu ở bộ phận sinh dục bất thường và chưa được chẩn đoán cũng như điều trị.
  • Từng phá thai và từng bị nhiễm trùng.

Như vậy, đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai an toàn, phù hợp với những chị em không thích uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng bao cao su. Và việc đặt vòng tránh thai có đau không sẽ tùy thuộc vào cảm nhận mỗi người. Với những thông tin trên đây hi vọng sẽ giúp chị em phụ nữ có thể yên tâm hơn về phương pháp tránh thai mình lựa chọn.

Bình luận