Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Loài chim quý hiếm nhất hành tinh thoát tình trạng “tuyệt chủng”

VOH - Cò quăm đầu hói phương Bắc, còn được biết đến với tên gọi Waldrapp hay cò quăm hermit, là một trong những loài chim quý hiếm nhất trên thế giới.

Với bộ lông đen bóng, chiếc mỏ cong đỏ và khuôn mặt trần đỏ đặc trưng, chúng nổi bật với sự chung thủy suốt đời với một bạn đời. Loài chim này từng phổ biến ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi nhưng đã biến mất khỏi nhiều khu vực do nạn săn bắn, mất môi trường sống và việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Sự tồn tại của loài này tưởng như đã kết thúc vào thế kỷ 17, khi đàn chim cuối cùng rời châu Âu. Tuy nhiên, một phép màu đã xảy ra tại Maroc vào những năm 1990, khi các nhà sinh vật học phát hiện một cặp cò quăm đầu hói còn sống trong tự nhiên. Nhờ vào các nỗ lực bảo tồn bền bỉ, số lượng loài đã phục hồi từ 59 cá thể lên hơn 500 cá thể trên toàn cầu.

Chim quy hiem
Cò quăm đầu hói phương Bắc

Ngày nay, Maroc là nơi có quần thể cò quăm hoang dã lớn nhất thế giới, được bảo vệ đặc biệt nhờ Công viên Quốc gia Souss-Massa, thành lập năm 1991. Bên trong công viên, cò quăm có môi trường làm tổ và kiếm ăn an toàn. Năm 1994, một chương trình giám sát đã được thiết lập để bảo vệ loài này, giúp quần thể cò quăm hói ở Maroc dần ổn định và không còn di cư theo mùa.

Đặc biệt, các dự án tái du nhập loài này ở châu Âu cũng mang lại hy vọng phục hồi lâu dài. Một dự án dẫn dắt bởi nhà sinh vật học Johannes Fritz ở Áo và Đức đã bắt đầu từ năm 2003, nhằm hướng dẫn các cá thể cò quăm di cư theo một lộ trình mới. Lấy cảm hứng từ bộ phim "Fly Away Home" (1996), Fritz đã sử dụng máy bay siêu nhẹ để dẫn đường cho những đàn cò quăm từ Đức đến Ý và sau đó là Tây Ban Nha. Kể từ năm 2003, 17 chuyến di cư đã thành công, và hiện nay, đàn cò quăm châu Âu dần trở nên độc lập, không cần sự trợ giúp từ con người.

Tuy nhiên, loài cò quăm hói vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Việc sử dụng thuốc trừ sâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thức ăn của chúng, đặc biệt là côn trùng. Nạn săn trộm cũng gây thiệt hại lớn; năm 2023, có tới 17% tổng số cò quăm di cư ở châu Âu bị săn trộm, và biến đổi khí hậu khiến hành trình di cư của chúng trở nên khó khăn hơn.

Dù gặp nhiều thách thức, loài cò quăm đầu hói phương Bắc đã thoát khỏi tình trạng cực kỳ nguy cấp và hiện nằm trong danh sách "nguy cơ tuyệt chủng" của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Những nỗ lực bảo tồn bền vững vẫn đang tiếp tục, nhằm giúp loài chim biểu tượng này duy trì và phát triển, mang lại hy vọng về một tương lai bền vững cho một trong những loài quý hiếm nhất hành tinh.

Bình luận