Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Mâm cúng Trung thu - Rằm tháng 8 có gì đặc biệt?

(VOH) - Mâm cúng ông bà tổ tiên trong ngày Rằm tháng Tám tức là tết Trung thu có gì đặc biệt so với các rằm lớn khác?

Tết Trung thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Tết Trung thu vào đúng ngày rằm tháng 8, cũng là ngày trăng tròn và đẹp nhất trong năm. Cùng với khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm, ngắm trăng vào rằm trung thu trở thành một phong tục tập quán, một kỷ niệm với bất cứ ai từng là trẻ con.

Vì Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng, bên cạnh những hoạt động vui chơi, những tín ngưỡng thờ cúng cũng được đặc biệt chú ý. Theo phong tục, cúng rằm tháng 8 hay cúng rằm Trung thu nên cúng vào đúng ngày 15/8 âm lịch, khác với các ngày rằm lớn khác có thể cúng vào ngày 14 hoặc 15 âm lịch, hoặc từ 10 – 14 âm lịch.

Khác biệt thứ hai là cách bày biện trên mâm cỗ.

mâm cúng, rằm tháng Tám, trung thu

Trái cây được bày biện đẹp mắt sinh động trong mâm cúng Rằm tháng Tám. Hình: internet

Mâm cỗ Rằm tháng Tám nhất định phải có bánh nướng và bánh dẻo – hai loại bánh truyền thống của trung thu. Mâm trái cây cũng được bày biện kỹ lưỡng, đẹp mắt.

mâm cúng, rằm tháng Tám, trung thu

Bánh trung thu truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ cúng rằm tháng Tám. Hình: internet

Mâm cỗ trung thu đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày Tết trung thu của người Việt. Mâm cỗ trung thu truyền thống mỗi năm lại được trang trí sinh động hơn, bắt mắt hơn nhờ tài khéo léo và sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân, mỗi gia đình.

Mâm cỗ trung thu truyền thống thường gồm những loại hoa quả đặc trưng vùng miền và đặc trưng của mùa thu.

Nói về ý nghĩa của mâm cỗ trung thu, người xưa quan niệm: Quả bưởi tượng trưng cho những điều may mắn. Quả lựu mang ý nghĩa sinh sôi, quả na mang lộc ở, quả hồng mang hi vọng, quả dưa đỏ cầu bình an cho cả nhà.

Chính vì vậy, mâm cỗ trung thu phải thể hiện được ý nghĩa đẹp đẽ nhất, hài hòa nhất để cầu mong sự may mắn, bình an cho mỗi gia đình.

Mâm cỗ trung thu truyền thống của người Việt gồm bánh nướng, bánh dẻo, các loại trái cây như bưởi xanh, thanh long, mía, chuối tiêu, dưa hấu. Chính giữa mâm cỗ thường là một chú chó bông xù làm bằng những tép bưởi với hai mắt tròn xoe bằng trái nho. Xung quanh bày biện các loại bánh và hoa quả. Có thể thêm nhiều bánh chay hình đàn lợn, cá chép,...

Cách phá cỗ trung thu

Khi cỗ bàn bày biện đầy đủ, trăng rằm đã lên cao sáng tỏ, giây phút này cũng là lúc mọi người quây quần lại bên nhau. Người ta lần lượt dỡ bánh, trái cây xuống, chia phần cho trẻ nhỏ và mọi người cùng thưởng thức. Người lớn thì ăn bánh trung thu uống trà tâm tình đôi ba câu chuyện, trẻ em ăn bánh trái và cầm lồng đèn sặc sỡ thắp sáng vừa đi vừa hát bài “Chiếc đèn ông sao”, “Rước đèn tháng Tám”, vui đùa với nhau hoặc xem những đoàn lân nhảy múa trong tiếng trống rộn ràng náo nhiệt.

Ai cũng có một tuổi thơ, dù trung thu nay đã khác nhưng ý nghĩa đoàn viên vẫn tròn vẹn. Đón trung thu nay cũng khác nhiều nhưng những nét đặc trưng của mâm cỗ trung thu vẫn giữ nguyên giá trị.

5 địa điểm vui chơi Tết Trung thu tại TPHCM 

(VOH) – VOH online gợi ý những địa điểm vui chơi, giải trí nhân dịp Trung thu 2019 tại TPHCM.

Bình luận