Mâu thuẫn tài chính: Dấu hiệu cảnh báo và cách ứng phó

VOH - Tiền bạc luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra xung đột trong các mối quan hệ.

Theo các chuyên gia tài chính và tâm lý, nhận diện sớm các dấu hiệu “đỏ” về tiền bạc ở đối phương có thể giúp ngăn ngừa những căng thẳng không đáng có trong tương lai.

Dấu hiệu cảnh báo tài chính trong mối quan hệ

1. Chi tiêu bí mật

Minh bạch tài chính là nền tảng của mối quan hệ bền vững. Tuy nhiên, khi đối tác bí mật chi tiêu mà không thông báo, đây có thể là dấu hiệu của sự không chung thủy về tài chính. Theo khảo sát của Bread Financial, 45% số người được hỏi thừa nhận đã từng che giấu việc mua sắm. Gen Z và Millennials thường có xu hướng mở tài khoản riêng để chi tiêu mà không chia sẻ với đối phương.

Gia USD
Ảnh minh hoạ

Nếu hành vi này làm chệch hướng các mục tiêu tài chính chung hoặc xung đột với giá trị tài chính đã thống nhất, nó không chỉ gây tổn thương mà còn dẫn đến những mâu thuẫn sâu sắc hơn.

2. Thường xuyên vay mượn tiền

Mượn tiền trong trường hợp khẩn cấp không phải là vấn đề lớn, nhưng khi hành vi này trở thành thói quen lặp lại mà không có nỗ lực trả nợ hoặc cải thiện tình hình tài chính, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Theo chuyên gia tài chính Danielle Seurkamp, dựa dẫm tài chính vào người khác thể hiện sự thiếu trách nhiệm và có thể gây ra áp lực cho cả mối quan hệ lẫn gia đình.

3. Cờ bạc hoặc nghiện mua sắm

Việc chi tiêu không kiểm soát, cờ bạc hoặc mua sắm vượt khả năng tài chính không chỉ làm tiêu hao tài sản mà còn thể hiện cách sống không có kế hoạch dài hạn. Điều này có thể làm suy yếu mối quan hệ khi các mục tiêu chung như tiết kiệm, mua nhà, hay đầu tư giáo dục bị ảnh hưởng.

Làm gì khi đối phương có dấu hiệu “đỏ” về tài chính?

Theo khảo sát của Achieve năm 2024, 38% người được hỏi sẵn sàng kết thúc mối quan hệ nếu phát hiện đối tác giấu nợ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng không phải tất cả dấu hiệu tài chính tiêu cực đều là lý do để chia tay.

1. Giao tiếp trung thực

Hãy trò chuyện với đối phương để hiểu rõ hơn về tình trạng tài chính của họ và cùng tìm giải pháp. Sự thẳng thắn và minh bạch là bước đầu để giải quyết các vấn đề.

2. Lập kế hoạch tài chính chung

Xây dựng ngân sách chung, đặt mục tiêu tiết kiệm và kế hoạch trả nợ cụ thể. Việc cả hai cùng đồng lòng trong việc quản lý tài chính sẽ giúp cải thiện tình hình.

3. Đặt ra giới hạn

Nếu đối phương không sẵn lòng thay đổi, hãy cân nhắc xem mối quan hệ có còn phù hợp với bạn không. Một mối quan hệ lành mạnh không chỉ dựa trên tình cảm mà còn cần sự đồng thuận trong cách sống và quản lý tài chính.