Ý nghĩa câu tục ngữ "Đồng tiền đi liền khúc ruột"

VOH - Ông cha ta thường nói “Đồng tiền đi liền khúc ruột” để chỉ tiền bạc quý như thân thể. Mọi chuyện trên đời chỉ cần đụng đến tiền bạc đều có thể dẫn đến những rắc rối không cần thiết.

Dù sống trong thời đại nào thì chúng ta cũng đều phải công nhận một điều “tiền” là một thứ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Chúng ta, ai cũng cần tiền. Để có tiền, chúng ta phải lao động vất vả, nhọc nhằn. Vì hiểu rõ đồng tiền khó kiếm nên dân gian mới có câu “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Để có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ này, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột” là gì?

Khi nhắc đến tiền bạc, ông cha ta có một câu nói rất hay đó là: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Câu tục ngữ này hàm chứa một quan niệm của dân gian trong việc ứng xử với giá trị vật chất, mà cụ thể là với đồng tiền.

Ý nghĩa câu tục ngữ
"Đồng tiền đi liền khúc ruột" hàm chỉ một quan niệm của dân gian trong việc ứng xử với đồng tiền - Ảnh: Internet

Theo Từ điển Tiếng Việt  (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng năm 2020), đồng tiền vốn là “đơn vị tiền tệ nhỏ nhất ở Việt Nam” thời phong kiến. Thời xưa, tiền kim loại được đúc bằng đồng bởi chúng dễ gia công, bền và có tính thẩm mỹ cao. Mặc dù, bạc hay kẽm cũng được dùng để đúc tiền, nhưng đồng vẫn là chất liệu phổ biến và tiện lợi.

Ngày nay, để phân biệt tiền tệ của quốc gia này với quốc gia khác, người ta cũng dùng đến “đồng tiền”, ví dụ: đồng tiền Việt Nam, đồng tiền Ba Lan, đồng tiền chung Châu Âu… 

Có thể thấy rằng, dù vào thời phong kiến xa xưa hay trong xã hội hiện đại, đồng tiền luôn đóng một vai trò quan trọng. Nó được xem là vật trung gian trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ nói chung.

Trong cuốn Từ điển Tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Chung (NXB Tổng hợp TPHCM năm 2010) có viết: “Đồng tiền vốn gắn liền với khúc ruột của từng người”, nên khi tiền của bị hao mòn ai cũng cảm thấy xót xa.

Còn tác giả Việt Chương (trong Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai năm 2003) thì đưa ra những lời giải thích chi tiết hơn, ông cho rằng: “Đồng tiền không phải tự nhiên mà có, chính là do mồ hôi nước mắt công sức của mình tạo ra. Vì vậy mới có chuyện “Đồng tiền liền khúc ruột”. Tiền của như vậy là do một phần thân xác hao hụt ra mới có, cho nên tiền mất là ruột đau xót biết chừng nào”.

Như vậy, câu tục ngữ "đồng tiền đi liền khúc ruột" hàm chỉ rất rõ ràng về nhận thức của con người về giá trị của đồng tiền. Thậm chí, nhiều người còn ví “tiền” như một phần cơ thể, chi tiêu không đúng, không hợp lý thì tiếc, khi hao hụt, mất mát thì đau xót như bị đâm vào ruột gan.

Vì sao lại có câu “Đồng tiền liền khúc ruột”?

Thật ra tiền không phải là tất cả. Tiền không mua được thời gian, tiền không mua được tình yêu, tiền cũng không mua được sức khỏe. Thế nhưng, dù tiền “không toàn năng” nhưng không có nghĩa là chúng “không quan trọng”, nhất là khi những đồng tiền đó được tạo ra bởi chính mồ hôi, nước mắt của mình.

Người ta hay nói, trên đời có 2 thứ nhất định phải rạch ròi, 1 là tình yêu, 2 là tiền bạc. Tình yêu đôi khi không rạch ròi vẫn có thể nhân nhượng, nhưng “đồng tiền liền khúc ruột”, chỉ cần đụng đến tiền thì sẽ rất dễ sứt mẻ tình cảm.

Vì tiền là thứ không thể thiếu trong xã hội này, ai sống trên đời mà chẳng cần đến tiền, dù nhiều hay ít? Đặc biệt, khi tiền lại còn như một thứ “ma lực” giúp con người gắn kết với nhau, nhưng đồng thời nó cũng khiến người ta xa cách, thậm chí xích mích, đánh nhau.

Chúng ta sống ở đời sẽ không tránh được những lúc cần thiết phải dùng đến tiền. Người có thể cho bạn vay tiền vô điều kiện lúc bạn cần, đó chính là quý nhân trong cuộc đời bạn. Cho nên đừng làm tổn thương người đã giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn.

Và cũng sẽ có những lúc người khác đến mượn tiền bạn và bạn gật đồng đồng ý. Nhưng hãy nhớ rằng, không phải ai cũng uy tín trả đúng hạn. Có người lúc mượn thì “một cọc”, nhưng khi trả thì trả dần từng đồng lẻ, có người khất dần ngày này qua tháng nọ, cũng có người im lặng và quỵt hẳn luôn số tiền mượn bạn.

Dẫu biết rằng, sống trên đời nhân nghĩa, tình cảm mới quan trọng, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, nhưng điều đó chỉ đúng với những người thực sự giàu có, họ chưa từng nếm trải nỗi đau thiếu tiền. Còn với những người lao động bình thường thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”.

Chúng ta có thể vì nhiều lý do mà cho người khác mượn tiền, nhưng cũng mong họ hiểu rõ một điều: Có vay phải có trả. Đừng để “tiền khi cho vay là tình cảm, khi đòi lại như là kẻ thù”.

Xem thêm:
50+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tiền bạc cực kỳ thấm thía
Những bài thơ về tiền sâu sắc khiến bạn phải suy ngẫm
100 danh ngôn, câu nói hay về tiền bạc, nợ tiền và giá trị đồng tiền

Sức mạnh của đồng tiền trong đời sống xã hội

Đồng tiền được dùng để chỉ giá trị vật chất do con người tạo ra từ sức lao động của chính mình. Chúng ta có làm mới có tiền, có tiền mới có ăn và có tiền mới có những tiện ích phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng như các mối quan hệ xã hội.

Chúng ta thật sự sẽ không thể nào sống nổi nếu không có tiền, nên việc nhiều người cho rằng “Đồng tiền đi liền khúc ruột” cũng không hề sai. Nếu nói tiền của người giàu là quý, thì tiền của người lao động còn quý hơn gấp trăm lần, bởi họ dùng tiền để nuôi sống bản thân và cả một gia đình ở phía sau.

Ý nghĩa câu tục ngữ
Đồng tiền chứa đựng sức mạnh to lớn đối với đời sống của con người trong xã hội - Ảnh: Internet

Hãy nhìn ra ngoài xã hội để thấy, bất kể nông thôn hay thành thị, tiền đều trở thành một thứ khiến bao người phải lao đao. Vì tiền mà vợ phải xa chồng, con cái phải rời xa cha mẹ… Vì tiền mà biết bao người phải sống cảnh “tha phương cầu thực”, với hy vọng được đổi đời, để giúp cuộc sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn.

Khi chúng ta khỏe mạnh, chúng ta nói "tiền không quan trọng", chỉ đến khi lâm vào hoàn cảnh đau ốm, bệnh tật, cần tiền để kéo dài mạng sống thì mới biết tiền quan trọng như thế nào. Bởi thế mới nói, đồng tiền quả thật có khả năng mang đến sức mạnh cho con người, vì chỉ khi có tiền trong tay thì người ta mới cảm thấy an tâm và yên lòng.

Thật ra, xã hội ngày càng phát triển, cơ hội vẫn mở ra mỗi ngày cho những người biết cố gắng. Chỉ cần chúng ta kiên trì và quyết tâm thì sẽ đạt được điều mình muốn. Dù đồng tiền có quan trọng và chúng ta xem “đồng tiền liền khúc ruột” nhưng cũng đừng làm nô lệ cho chúng. Hãy để chúng tự nguyện chạy vào túi của mình, khi ấy chúng ta sẽ hiểu thế nào là niềm vui và hạnh phúc thật sự.

Bài học từ câu tục ngữ “Đồng tiền đi liền khúc ruột”

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Tiền không mua được hạnh phúc nhưng không thể hạnh phúc nếu thiếu tiền”. Đồng tiền vốn là vật thiết thân với mỗi người, gắn bó như “liền khúc ruột” - một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể con người.

Khi nhắc đến những mối quan hệ gần gũi, máu mủ không thể tách rời trong gia đình, người ta thường nói: cha ruột, mẹ ruột, anh chị em ruột… Trong xã hội, những mối quan hệ thân thiết cũng được người ta liên tưởng và nhắc đến cơ quan nội tạng này: “Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/ Có con, có mẹ còn thêm đồng bào.” (Tố Hữu)

Chính vì “đồng tiền” được ông cha ta gắn liền với “khúc ruột” nên mới thấy “tiền” dù là của ai cũng đều phải biết quý trọng và tôn trọng.

Chúng ta nhận đồng tiền của người khác gửi trao (tiền từ thiện, tiền cho vay, tiền hỗ trợ…) thì phải trân trọng và giữ gìn. Bên cạnh đó, phải biết sử dụng sao cho hiệu quả thiết thực.

Khi một người đứng ra đại diện nhận tiền bạc, vật chất từ nhiều người khác để giúp đỡ những người nghèo khó, trong cơn thất cơ lỡ vận thì hãy ứng xử sao cho phải phép, kịp thời, công tâm, công bằng và nhân văn.

Đừng biến mình thành kẻ tham lam, cứ thấy đồng tiền là lóa mắt, không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái, bất chấp sự công minh của pháp luật. Cũng đừng nhập nhằng, không công bằng trong việc đóng góp, ăn chia. Hãy nhớ câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Cái đẹp nhân cách cao hơn đồng tiền”.

Xem thêm:
Những status về tiền hay, cap về tiền bạc ngắn gọn hài hước
100 câu nói hay về cuộc sống mưu sinh, stt đi làm vất vả
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống’ nói đến điều gì?

Một vài thành ngữ, tục ngữ, câu nói hay về đồng tiền

Nhắc đến “đồng tiền” có lẽ bạn từng nghe qua rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn hoặc những câu nói khác từ những người xung quanh. “Đồng tiền đi liền khúc ruột” là một điển hình và dưới đây là một vài câu nói khác về đồng tiền mà bạn có thể tham khảo thêm:

  • Tiền không mua được hạnh phúc.
  • Tiền là gốc rễ của mọi tội lỗi.
  • Có tiền không phải là tất cả, không có nó mới là tất cả.
  • Mượn tiền thấu lòng người, trả tiền thấu nhân phẩm.
  • Một người thông minh nên giữ tiền trong đầu chứ không phải trong tim.
  • Đừng bao giờ tiêu tiền trước khi bạn có nó.
  • Tiền là một người chủ tồi tệ, nhưng lại là kẻ đầy tớ xuất sắc.
  • Bạn phải làm chủ được tiền của mình, bằng không tình cảnh thiếu thốn sẽ mãi mãi kiểm soát bạn.
  • Quá nhiều người đang sử dụng đồng tiền của mình để mua những thứ họ không muốn và gây ấn tượng với những kẻ họ chẳng ưa.
Ý nghĩa câu tục ngữ
Những câu thành ngữ, tục ngữ châm ngôn về đồng tiền nhiều ý nghĩa - Ảnh: Internet
  • Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.
  • Có tiền mua tiên cũng được.
  • Tiền nào của nấy.
  • Tiền mất tật mang.
  • Đồng tiền đi trước. Mực thước theo sau.
  • Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng.
  • Anh em hiền thật là hiền
    Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau.
  • Không tiền chịu thấp, chịu lùn
    Có tiền thì chúng xưng hùng, xưng vương.
  • Ba con đổi lấy một cha
    Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền.
  • Tiền tài nay đổi mai dời
    Nghĩa nhân gìn giữ trọn đời với nhau.

Ông cha ta nói “Đồng tiền đi liền khúc ruột” để con cháu người ngày sau hiểu rằng tiền của ai cũng là tiền mồ hôi nước mắt. Chúng ta trân trọng tiền của người khác và cũng phải biết tôn trọng đồng tiền mình có được. Từ đó học cách chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí và sử dụng chúng đúng với công sức mình bỏ ra.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận