Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là gì?

VOH - “Ba chìm bảy nổi” hay “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” có nghĩa là gì mà khi miêu tả số phận, cuộc đời, cảnh ngộ long đong, vất vả người ta thường dùng câu thành ngữ này?

Thành ngữ Việt Nam phong phú, mang đến góc nhìn đa diện về cuộc sống và giúp chúng ta thu được không ít kinh nghiệm hữu ích. Ví như thông qua việc cùng VOH tìm hiểu “Ba chìm bảy nổi” là gì, bạn không chỉ hiểu được điều mà người xưa muốn gửi gắm mà còn có thêm góc nhìn mới về những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” có nghĩa là gì?

“Ba chìm bảy nổi” hay “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, “Bảy nổi ba chìm” đều có ý nghĩa giống nhau, chỉ khác một chút ở cách viết, cách diễn đạt. Đây là câu thành ngữ được dùng để chỉ những cảnh ngộ, cuộc đời, số phận long đong, phiêu dạt, gặp nhiều khó khăn, vất vả, gian truân, nhiều phen lên xuống.

Giải thích thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là gì? 1

Cái hay của thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” nằm ở hai động từ có nghĩa trái ngược nhau là “chìm - nổi” và hai số đếm “ba - bảy” ( 3 - 7). Theo đó:

  • “Chìm - nổi”: “chìm” là di chuyển tờ mặt nước xuống dưới đáy, “nổi” là di chuyển từ phía dưới lên mặt nước. Trong câu thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” hay “Bảy nổi ba chìm”, sự đối lập của hai động từ này biểu thị tính liên tục của hành động hết chìm lại nổi. Cho nên, nó đại điện cho sự vất vả, gian truân, lận đận, nhiều phen éo le, trắc trở.
  • “Ba - bảy”: tổ hợp “ba - bảy” từng xuất hiện trong nhiều câu thành ngữ, tục ngữ như ‘Ba lo bảy liệu”, “Ba bè bảy mảng”, “Ba vuông bảy tròn”, “Ba ngày béo, bảy ngày gầy”… Ở đây, người xưa không dùng các con số khác mà dùng số 3 và số 7 hay thêm số 9 - “chín lênh đênh” - là do muốn chỉ số nhiều. Điều này càng nhấn mạnh vào sự chìm nổi vô định, lặp đi lặp lại nhiều lần của cuộc đời, số phận.

Qua phần giải thích, giải nghĩa trên, ta có thể hiểu thành ngữ “Ba chìm bảy nổi’ được dùng ví von cuộc sống lận đận, vất vả, khó nhọc của con người trong xã hội cũ. Ý nghĩa này có nét tương đồng với một số thành ngữ, tục ngữ như:

  • Dãi gió dầm mưa
  • Dãi nguyệt dầu hoa
  • Chân le chân vịt
  • Đi ngược về xuôi
  • Phận mỏng cánh chuồn

“Bảy nổi ba chìm với nước non” là gì?

Nhắc đến thành ngữ “Ba chìm bảy nổi”, ta không thể bỏ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là câu thơ “Bảy nổi ba chìm với nước non”.

 “Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Giải thích thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là gì? 2

“Bảy nổi ba chìm với nước non” ở đây được hiểu theo nhiều cách. Có người cho rằng đó là trạng thái nổi lập lờ khi vừa chín tới của bánh trôi, có người lại cho rằng bánh trôi muốn chín thì phải “bảy lần nổi, ba lần chìm”. Tuy nhiên rõ ràng, bên cạnh hình ảnh được tả thực là bánh trôi thì chúng ta vẫn có thể nhận ra hình ảnh ẩn dụ bánh trôi là người phụ nữ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mượn ý câu thành ngữ quen thuộc để nói về số phận của người phụ nữ xưa.

Xem thêm:
60 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về phụ nữ - lời gửi gắm từ cha ông xưa
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày
Chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Bài học từ thành ngữ “Bảy nổi ba chìm”

Cuộc sống thăng trầm

Đọc câu thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” chúng ta có thể thấy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, sẽ có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui, lúc sướng lúc khổ… Nói cách khác, khó khăn, thử thách chính là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng phải chấp nhận, học cách thích nghi, rèn luyện sự kiên cường và tìm cách vượt qua mọi hoàn cảnh.

Khi thăng trầm, giông bão trong cuộc đời không thể đánh bại bạn thì chúng sẽ giúp bạn trưởng thành, thậm chí trở thành cơ hội của bạn. Chính vì vậy, đừng vội chán nản, đừng vội từ bỏ khi gặp khó khăn hay để những yếu tố khác quyết định cuộc sống của mình. Hãy kiên trì, kiên định với mục tiêu, nghĩ về những thứ bản thân đã làm được, bạn sẽ có thêm động lực để tiến về phía trước.

Giải thích thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là gì? 3

Sống hết mình, trân trọng và tận hưởng mọi khoảnh khắc

“Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, con người không thể dự đoán tương lai cũng không thể vì những thử thách chưa tới mà bỏ qua cuộc sống của mình. Do đó, dù “chìm”, “nổi” hay “lênh đênh” chúng ta cũng nên trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc đời.

Mỗi người chỉ sống có một lần, hãy làm hết những gì có thể và tận hưởng cả những điều tốt đẹp lẫn chưa được tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng. Đôi khi, con người phải học cách hài lòng, loại bỏ bớt phiền não, nhìn đời bằng đôi mắt tích cực để tìm được niềm vui và niềm hạnh phúc. Vì suy cho cùng, suy nghĩ tiêu cực, than thân hay trách phận… cũng chẳng thể khiến cho hoàn cảnh, cuộc đời của bất cứ ai trở nên tốt hơn.

Xem thêm:
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay và ý nghĩa
22 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tinh thần lạc quan yêu đời
23 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về ý chí nghị lực giúp rèn luyện tâm tính con người

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về số phận con người

Số phận là một trong những điều được người xưa đặc biệt quan tâm. Cho nên, ngoài thành ngữ “Ba chìm bảy nổi”, chúng ta còn có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay bàn về chủ đề này.

Giải thích thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là gì? 4

1. Trời kêu ai nấy dạ

2. Phận hẩm duyên ôi

3. Học tài thi phận

4. Canh bạc ăn nhau về sáng

5. Chạy chẳng khỏi trời

6. Có phúc có phận

7. Cứu căn không ai cứu được số

8. Duyên ai phận nấy

9. Duyên ưa phận đẹp

10. Đói không ai tha, giàu ra số phận

11. Gặp chăng hay chớ

12. Giàu khó tìm, nghèo khó lánh

13. Giàu tại phận, khó tại duyên

14. Hồng nhan bạc mệnh

15. Mỏng như tờ

16. Phận mỏng cánh chuồn

17. Nặng nợ má đào

18. Phải duyên phải số

19. Phận bạc như vôi

20. Phú quý giai do mệnh

21. Than thân trách phận

22. Tốt số hơn bố giàu

23. Tránh đầu phải tai

24. Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả

25. Trời chẳng đóng cửa ai

26. Số lao đao phải sao chịu vậy

Số ăn mày bị gậy phải mang

27. Số giàu tay trắng cũng giàu

Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.

28. Trống điểm ba, con trăng đà xế núi,

Vận bất tề may rủi tại anh.

29. Chẳng qua số phận long đong

Cột trâu trâu đứt, cột tròng tròng trôi.

30. Số giàu đem đến dửng dưng

Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.

31. Chuyến đò còn nhớ nhau thay

Huống chi phận thiếp bấy lâu nay cùng chàng.

32. Số thầy là số lôi thôi

Quanh năm lận đận, cạy nồi vét xoong

Số thầy là số long đong

Quanh năm thầy chỉ đoán non đoán già.

33. Em chê thuyền thúng chẳng đi

Em đi thuyền ván có khi gập ghềnh

Ba chìm bảy nổi lênh đênh

Có khi đổ ngả đổ nghiêng thiệt thòi.

“Ba chìm bảy nổi” hay “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” là câu thành ngữ miêu tả số phận, cảnh đời long đong, lận đận, vất vả, nhiều phen chìm nổi vô định của con người. Với phần giải thích của VOH Sống đẹp, hy vọng bạn có thể hiểu và rút ra được bài học sống hữu ích cho bản thân.

Bình luận