Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích thành ngữ "Đục nước béo cò" và bài học cuộc sống

VOH - Dân gian thường sử dụng câu thành ngữ “Đục nước béo cò” để nói về những người có dã tâm, cố tình lợi dụng lúc người khác gặp khó khăn để mưu cầu lợi ích cá nhân…

Với hàm nghĩa tương tự thành ngữ “Mượn gió bẻ măng”, ông cha ta ngày xưa cũng dùng câu “Đục nước béo cò” để đến một loại người trong xã hội. Họ là những người chuyên lợi dụng cơ hội để kiếm chát, vơ vét lợi lộc về mình, bất kể người khác có bị thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần hay không. Trong bài viết này, VOH sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa câu thành ngữ “Đục nước béo cò”.

“Đục nước béo cò” nghĩa là gì?

Có lẽ với tất mọi người, dù sinh ra và lớn lên ở nông thôn hay thành thị đều ít nhiều biết đến con cò, một loài vật vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Con cò đã đi vào lòng người qua những câu thơ dân gian quen thuộc như: “Con cò bay lả bay la/Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. (Ca dao)

Con cò gắn liền với cuộc sống ruộng đồng cùng hình ảnh tự thân kiếm ăn. Cò chuyên sống thành từng đàn trong những lùm cây rậm rạp. Chúng thường bay đến nơi có nước, như đồng ruộng, đầm lầy mò tôm tép để ăn.

Giải thích thành ngữ
"Đục nước béo cò" là thành ngữ dân gian Việt Nam - Ảnh: Internet

Bằng kinh nghiệm quan sát của mình, ông cha ta đúc kết ra câu nói “Đục nước béo cò”. Câu thành ngữ này được hiểu theo hai nghĩa. Trong đó nghĩa đen của câu nói là:

  • Đục nước: Nước dưới ruộng sau mỗi dịp người nông dân cày bừa, xới đất trở nên đục ngầu. Trong điều kiện ấy, những loài tôm, cá, ốc sống phía dưới không chịu được phải ngoi lên mặt nước để hít thở không khí. Ngoài ra, hiện tượng đục nước cũng có thể do đàn cá tranh ăn, cá lớn nuốt cá bé, khuấy động làn nước trong thành đục.
  • Béo cò: Cò là loài động vật kiếm ăn vào ban đêm. Thức ăn của chúng là các loại tôm, cua, ốc và cá nhỏ. Tuy nhiên, việc kiếm ăn của cò không hề dễ dàng, bởi cá tôm vốn là loài chuyên sống dưới nước nên bơi lội rất nhanh. Cho nên không phải lúc nào cò cũng có đủ cái ăn. Do đó, cò đã nhân cơ hội “nước đục” để không phải vất vả công lao mà vẫn kiếm được miếng mồi ngon, nuôi thân béo mập.

Thế nhưng, câu thành ngữ không chỉ đơn giản là nói về việc đàn cò biết lợi dụng sự “đục nước” để lắp đầy cái bụng rỗng của nó. Với những câu thành ngữ xưa, ông bà ta luôn kèm theo những lời nhắc nhở, ngợi ca hay phê phán điều gì đó bằng sự ẩn dụ tinh tế trong câu chữ.

Ở nghĩa bóng, câu thành ngữ “Đục nước béo cò” không chỉ phản ánh một tình thế lộn xộn, rối ren do hoàn cảnh mà còn phê phán hành vi đốn mạt của những kẻ lợi dụng cơ hội để trục lợi cá nhân. Những kẻ chỉ thích ngồi rình mò, chờ đợi lúc người khác gặp khó khăn để kiếm chác trên nỗi đau của họ. Đó là hành vi tàn độc của những kẻ máu lạnh, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại.

Bài học từ câu thành ngữ “Đục nước béo cò”

Trong xã hội hiện nay, có không ít người sống theo kiểu “Đục nước béo cò”. Không khó để bắt gặp thực trạng những người lợi dụng lúc có tin đồn hàng hóa khan hiếm, chuẩn bị tăng lương hay gặp thời tiết bất thường… liền gom hàng đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Hay trong trận đại dịch Covid-19 vừa qua, cũng không ít những cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính, “xập xí xập ngầu” mua kit xét nghiệm “dởm” sau đó hô biến thành sản phẩm “xịn” rồi nâng giá lên “ngất trời” để lấy tiền túi người dân.

Còn bình dân hơn nữa thì phải kể đến những vụ “hôi của” của một số người thiếu ý thức, tình thương đang sống trong cộng đồng. Rõ ràng, truyền thống từ xưa của dân ta là “Lá lành đùm lá rách” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thế mà khi thấy có người gặp nạn, một số người chẳng những không giúp đỡ mà còn lao vào tranh cướp của cải hòng kiếm chút lợi cho mình.

Giải thích thành ngữ
Trong xã hội hiện nay có không ít những kẻ sống "Đục nước béo cò" - Ảnh: Internet

Dẫu biết rằng những thành phần “Đục nước béo cò” vẫn đang tồn tại khắp nơi, chỉ cần hoàn cảnh thuận lợi là họ sẽ xuất hiện. Có thể điều họ đang làm chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại làm xấu đi hình ảnh của chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế. Ngay cả chính chúng ta còn phải lắc đầu ngao ngán bởi cái xã hội “loạn lạc” trong thời bình.

Người dân Việt Nam đã từng tự hào biết bao khi là con cháu lạc hồng, trọng tình trọng nghĩa, yêu thương lẫn nhau. Thế nhưng, có lẽ thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ, thay đổi cả lòng người. Liệu rằng một đất nước mà đạo đức không còn được đặt lên hàng đầu thì những lớp trẻ mai sau nhìn vào đâu noi gương, nhìn vào đâu mà học hỏi và phấn đấu?

Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi phần lớn những việc chúng ta làm là do ý thức của chúng ta quyết định. Sống trên đời, đừng lợi dụng “Đục nước béo cò” mà quên đi đúng sai, phải trái. Chỉ cần mỗi người đều biết nghĩ cho người khác, chủ động tu dưỡng và rèn luyện bản thân theo hướng tốt thì tương lai về một đất nước tốt đẹp sẽ không còn xa.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Rán sành ra mỡ' nói về điều gì?
Giải thích thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì?
Giải thích thành ngữ "Được ăn cả, ngã về không" nghĩa là gì?

Tục ngữ, thành ngữ nói về sự lợi dụng

Thật đáng buồn khi đâu có trong xã hội vẫn còn những kẻ sống “Đục nước béo cò”. Cuộc sống này, khó khăn không thiếu, ai cũng sẽ có những lúc gặp hoạn nạn. Vậy nên đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể sống mãi trên công sức, mồ hôi lao động hay đồng tiền của người khác.

Hãy cùng đọc những câu thành ngữ, tục ngữ nói về sự lợi dụng dưới đây để “tu dưỡng” lại tâm hồn mình.

1. Đắm đò nhân thể giặt mẹt: Tận dụng cơ hội, nhận tiện sự cố xảy ra để làm thêm việc khác.

2. Mượn gió bẻ măng: Lợi dụng tình thế để mưu lợi cá nhân

3. Giậu đổ bìm leo: Lợi dụng lúc người khác gặp khó khăn để vùi dập, lấn lướt.

Giải thích thành ngữ
Những câu thành ngữ, tục ngữ về sự lợi dụng - Ảnh: Internet

4. Tát nước theo mưa: Lợi dụng cơ hội để trục lợi.

5. Theo đóm ăn tàn: Hùa theo người khác để hưởng ké lợi lộc.

6. Thừa nước đục thả câu: Phê phán những kẻ lợi dụng lúc hỗn loạn để trục lợi.

7. Thừa nhân chi nguy: Thừa lúc người khác gặp khó khăn, trắc trở đến tấn công, lấy lợi ích về cho bản thân.

8. Vắt chanh bỏ vỏ: Lợi dụng công sức của người khác rồi lại ruồng bỏ một cách tàn nhẫn.

9. Ăn mít bỏ sơ, ăn cá bỏ lờ: Phê phán những kẻ thiếu tình nghĩa, bội bạc với người từng giúp mình.

10. Vay ơn nhất thời, đòi oán tam đại: Lúc được cho vay thì tay bắt mặt mừng, nhưng khi người ta đòi trả thì trở mặt thù ghét.

Ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam là một kho tàng về những bài học về cách đối nhân xử thế của con người trong xã hội. Nhờ những đúc kết từ quan sát và kinh nghiệm sống lâu năm mà ông cha ta đã mang đến cho đời những câu tục ngữ, thành ngữ ca dao vẹn nguyên giá trị qua nhiều thế hệ. Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa câu “Đục nước béo cò” và bài học ẩn dụ đằng sau.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận