Trong cuộc sống, đôi lần chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc cãi vã. Khi cãi nhau, nếu ta nghe lời giải thích của ai đó về sự việc nào đó mà họ chỉ ra được cái lẽ phải trái/đúng sai bằng những phân tích, lập luận chặt chẽ thì ta không thể nào cãi được. Thế nhưng, vẫn có những người dù biết mình sai vẫn cố cãi lại cho bằng được. Những người như thế, dân gian gọi là kẻ hay “cãi chày cãi cối”.
Vậy “cãi chày cãi cối” là gì? Vì sao ông cha ta lại dùng "chày" và "cối" để chỉ những người hay cãi mà không phải là dụng cụ khác? Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên.
“Cãi chày cãi cối” là gì?
“Cãi chày cãi cối” là một trong những câu thành ngữ Việt Nam. Câu thành ngữ này được giải thích theo nhiều cách nhau.
Theo cách lý giải của Việt Nam tự điển, “chày” là đồ dùng bằng gỗ hoặc bằng gang, dùng để giã vào cối. Còn “cối” là dụng cụ làm bằng vật liệu rắn như đá, gỗ… ở giữa có lòng sâu, dùng để đựng các thứ khi giã hoặc xay.
Khi giã, chày được vận dụng sức người để giã liên tục, kéo dài, khiến cho vật bị giã dù có cứng/dai/rắn cỡ nào đi nữa, thì cũng phải nằm yên “chịu trận”, không thể thoát ra ngoài. Cuối cùng, dưới sự vung lên nện xuống của cái chày, vật bên trong bị giã đến nhuyễn nhừ.
Còn theo Lê Gia, tác giả cuốn Tiếng nói nôm na (sưu tầm dân gian) giải thích, “cối” trong “cãi chày cãi cối” ban đầu là từ “côi” với ý nghĩa chỉ sự lạ lùng, hiếm có, quái gở; cũng do chữ “cứ” chỉ sự bướng bỉnh, xấc láo; còn chữ “chày” có nghĩa là lâu lắc, kéo dài… Cộng thêm “cối” và "chày" là hai dụng cụ có hình dáng thô lỗ, thô bạo (hành động giã) nên người ta nói luôn là “cãi chày cãi cối”.
Trong cuốn Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức thì viết, chữ “chày” gốc trong “cãi chày” vốn là biến âm của “chầy” tức là “chậm, muộn, lâu”. Hiểu theo nghĩa rộng, “chầy” có nghĩa là “dài, kéo dài”. Cụm từ “cãi chầy” có nghĩa là "cãi dai, cãi lâu". Theo thời gian, người ta biến âm "chầy" thành "chày" và đánh đồng với cái chày giã gạo tạo nên câu "cãi chày cãi cối" như hiện nay.
Tuy có nhiều cách lý về sự hình thành của câu “cãi chày cãi cối” nhưng ý nghĩa của câu nói cũng không thay đổi. Câu thành ngữ được dùng để chỉ những kẻ cố dùng lời nói lớn tiếng lấn át người khác, phản đối đến cùng một một điều gì đó không cần biết bản thân đúng hay sai. Họ chỉ chăm chăm giữ lấy ý kiến của riêng mình, không chịu nhìn nhận, tiếp thu ý kiến của người khác.
Ý nghĩa của câu “cãi chày cãi cối”
Trong tiếng Việt của chúng ta có một lối chơi chữ thú vị, đó là sử dụng từ gần âm để tạo nên những cụm từ nhiều màu sắc, ví dụ: tiếng Anh, tiếng Em; văn nghệ, văn gừng; lý do lý trấu; không nhưng không nhị…
Tương tự, người ta đã lồng ghép hai từ “chày” và cối” để tạo nên câu “cãi chày cãi cối” nhằm chỉ những người cãi bừa, cãi bướng, cãi đi cãi lại, cãi không có lý lẽ nhưng vẫn bất chấp đúng sai, thái độ như chày liên tục nện vào cối.
Lời ăn tiếng nói là một hình thức bộc lộ tính cách, nhân cách và tình cảm của con người trong giao tiếp cũng như đời sống xã hội. Khi cư xử, giao tiếp đúng chuẩn mực thì con người sẽ được yêu thương, tôn trọng.
Ngược lại, nếu ngang ngược, cố chấp, không chịu tiếp thu ý kiến người khác thì rất dễ bị mọi người xa lánh. Dân gian có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nghĩa là hãy dùng sự khéo léo của mình trong lời nói, diễn đạt thấu tình đạt lý để thuyết phục người nghe, chứ không phải dùng khí thế của mình để lấn át người khác.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cá mè một lứa’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Vàng thật không sợ lửa” nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” khuyên ta điều gì?
“Cãi chày cãi cối” vi phạm phương châm gì?
Mặc dù là câu thành ngữ có từ ngàn xưa, nhưng “cãi chày cãi cối” nếu xét theo những phương chậm hội thoại thường dùng thì đã vi phạm phương chậm hội thoại về chất.
Phương chậm hội thoại về chất là trong giao tiếp cần nói đúng sự thật. Những thông tin được đưa ra phải đúng, có bằng chứng cụ thể. Không nói những điều mà bản thân không tin là đúng, hoặc không có bằng chứng xác thực.
Như vậy, với câu thành ngữ “cãi chày cãi cối” thì người ta đã đi ngược với phương châm hội thoại về chất. Để giành phần thắng về mình, những người này đã ngoan cố, không thừa nhận sự thật dù có bằng chứng rõ ràng. Thậm chí, họ còn đưa ra những lý lẽ thiếu thuyết phục để cố cãi cho được phần mình.
Ca dao, tục ngữ về giao tiếp
Ông bà ta từ xưa đến này vẫn rất quan trọng về lời ăn tiếng nói cũng như cách cư xử giữa người với người trong xã hội. Hàng trăm câu thành ngữ, tục ngữ về giao tiếp ra đời là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Thế nhưng, trong đời sống vẫn có không ít người gặp sự việc nào đó, dẫu biết mình sai vẫn cố cãi lấy cho bằng được, chuyện “đã rõ như ban ngày rồi” vậy mà cứ “cãi chày cãi cối”, cãi bừa cho được mới thôi.
Dưới đây là một số câu thành ngữ tục ngữ khác liên quan đến vấn đề giao tiếp mà bạn có thể đã nghe qua:
- Ăn ốc nói mò
- Khua môi múa mép
- Ăn đơm nói đặt
- Ăn không nói có
- Ăn có nhai, nói có nghĩ
- Nói dơi nói chuột
- Cãi nhau như mổ bò
- Cãi nhau như vỡ chợ
- Cãi nhau như chém chả
- Được cãi chày, thua cãi cối
- Cãi xàng quay như cối xay cùn
- Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời
- Một câu nhịn bằng chín câu lành
Dù cuộc sống đôi lúc không như ý muốn, những trận cãi vã giữa người với người do bất đồng ý nghĩa, chưa thấu hiểu nhau làm sao tránh khỏi. Chỉ mong rằng, chúng ta khi đang ở trong hoàn cảnh nào cũng đều biết phân định đúng sai, phải trái, đừng cố “cãi chày cãi cối” để rồi mất đi những hòa khí với người thân, bạn bè, mất luôn cả tình làng nghĩa xóm.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.