Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì?

VOH - Ông bà ta ngày xưa hay dùng câu “Có tật giật mình” để chỉ những người không sống lương thiện sẽ luôn lo lắng người khác nói xấu về mình.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, có rất nhiều câu nói chứa đựng những bài học, lời khuyên của cha ông hướng con người tới cái tốt, cái đẹp của cuộc sống. Thành ngữ “Có tật giật mình” không chỉ nói về thái độ của con người khi làm điều xấu mà còn chứa đựng bài học nhân văn khác. 

Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn giải mã ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì để thấy được những triết lý, bài học nhân sinh ý nghĩa.

“Có tật giật mình” là gì?

“Có tật giật mình” là câu thành ngữ quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tuy vậy, để hiểu ý nghĩa thành ngữ này, bạn phải biết được “tật” và "giật mình” là gì. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, hai từ trên được giải nghĩa như sau:

  • "Tật" nghĩa là thói quen, tật xấu khó sửa.
  • "Giật mình" là đột nhiên thấy lo, do tác động của một điều hoàn toàn không ngờ đến hoặc không nghĩ đến.

Trong câu thành ngữ "Có tật giật mình", ta có thể hiểu "tật" là một hành động, trạng thái đã xảy ra, dù vô tình hay cố ý nhưng có gây tác động xấu đến bản thân hoặc người khác. Còn "giật mình" là trạng thái bất ngờ, cảnh giác khi có ai đó đề cập vấn đề có liên quan đến hành động xấu mà bản thân muốn giấu giếm.

Theo Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, “Có tật giật mình” là sự bộc lộ thái độ và những dấu hiệu khiến người ta dễ phát hiện mình là người có lỗi và đang cố ý giấu giếm. 

Ví dụ: Chẳng qua là do có tật giật mình đấy thôi.

Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ của Nguyễn Lân, “Có tật giật mình” nghĩa là bản thân có tật xấu nên khi người khác nói chạm đến những chuyện tương tự thì dễ bị chột dạ vì cho rằng họ ám chỉ mình.

Ví dụ: Vì có tật giật mình nên cô ấy cứ ngỡ là bè bạn ám chỉ mình khi họ nói chuyện với nhau.

Như vậy, trong dân gian, ông cha ta đã dùng thành ngữ “Có tật giật mình” để ám chỉ những người có làm việc xấu xa, mờ ám sẽ luôn sống trong trạng thái nơm nớp nghi ngờ, lo sợ người khác nói về mình.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì? 1
Người có "tật" sẽ dễ lo lắng người khác bàn tán về mình - Ảnh: iStock

“Có tật giật mình” tiếng Trung là gì?

Trong tiếng Trung, “Có tật giật mình” là 做 贼心 虚, 谈虎色变 /Zuò zéixīn xū tán hǔ sè biàn/. Tạm dịch như sau: Nếu bạn là người biết cắn rứt lương tâm, bạn sẽ tái mặt khi bị nói đến điều đó (việc xấu, việc làm sai).

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cốc mò cò xơi” nhắc đến bài học nào?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Ngựa quen đường cũ” nói đến điều gì?

Điển tích của người xưa về thành ngữ “Có tật giật mình”

Khi nhắc đến câu thành ngữ “Có tật giật mình”, người ta lại nhớ về một điển tích ngày xưa.

Trong Đi tìm điển tích của thành ngữ của Tiêu Hà Minh, câu chuyện về thành ngữ “Có tật giật mình” được diễn giải như sau: Có một ông quan huyện có tài xét xử, ngày nọ ghé vào một ngôi chùa lớn vãn cảnh. Sư phụ thấy quan nên kính cẩn mời vào phương trượng uống trà. Khi nói chuyện, sư phụ than thở: “Hôm trước nhà chùa bị mất một khoản tiền lớn, không biết nghi ngờ cho ai.” Quan mới hỏi rõ sự tình rồi chỉ vào tượng Phật, bảo sư phụ: “Đức Phật ngài thiêng lắm, có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu nhà chùa muốn, tôi sẽ xin Đức Phật tìm kẻ gian giúp cho.”

Nói rồi, quan bảo sư phụ biện lễ cúng Phật, còn mình thì mời tất cả các sư vãi và những những người trong chùa ra để chạy đàn. Mỗi người chạy đàn một tay cầm nhang, một tay cầm nắm thóc đã ngâm nước. Rồi quan nói: “Sư phụ vừa cho biết là nhà chùa bị mất tiền chưa rõ ai lấy trộm. Đức Phật ngài rất thiêng. Trên tay các người đều có cầm nắm thóc đã ngâm, các người vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, Đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy, gian ngay tỏ rõ, khỏi phải tra khảo nghi ngờ cho phiền phức.” 

Trong đoàn đang chạy, có một chú tiểu thỉnh thoảng lại giật mình, hé tay cầm nắm thóc ra xem. Chạy vòng thứ hai cũng vậy, chú tiểu lại giật mình, mở tay ra xem thóc đã nảy mầm hay chưa. Ngay lúc đó, quan cho bắt chú tiểu vì chỉ có kẻ hay giật mình, hẳn là kẻ có tật nên mới hay nhìn trộm như thế. Chẳng cần tra khảo gì nhiều, chú tiểu nhận tội.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì? 2
Điển tích "Có tật giật mình" được áp dụng dựa trên tâm lý lo lắng của người người làm việc sai trái - Ảnh: Internet

Trong các câu chuyện cổ, cách phá án đánh vào tâm lý "Có tật giật mình" được xuất hiện rất nhiều và lưu truyền qua bao đời. Người xưa đã tài tình lợi dụng một số đặc điểm tâm lý của tội phạm như lương tâm cắn rứt, sợ bị phát giác, muốn che đậy tội lỗi bằng mọi giá, tự bảo vệ bản thân quá mức để từ đó dùng kế "gậy ông đập lưng ông". Trong điển tích trên, ta thấy rằng, vì chú tiểu luôn đã làm việc xấu (trộm tiền chùa) nên sợ rằng “thóc sẽ nảy mầm”, sinh ra trạng thái lo lắng, thấp thỏm. Chính vì điều đó đã tự tố cáo chú tiểu.

Như vậy, bài học về câu thành ngữ “Có tật giật mình” chính là muốn hướng con người đến lối sống ngay thẳng, chính trực, lương thiện, tử tế để luôn sống tự tin và hạnh phúc.

Bài học cuộc sống từ câu thành ngữ “Có tật giật mình”

Nhìn từ góc độ xã hội, câu nói “Có tật giật mình” phê phán lối sống trái đạo đức, trái pháp luật, đồng thời khuyên răn chúng ta sống thật, sống ngay thẳng.

Khi chúng ta hướng về sự thật, tôn trọng lẽ phải thì không phải lo sợ ánh mắt nghi kỵ, lời nói bóng gió gièm pha của người khác. Bởi khi đó, ta không cần phải lấp liếm, bưng bít bất cứ điều gì. Khi không phải cất giấu những việc xấu xa, ta có thể đường hoàng, tự tin đối diện với cuộc đời mình.

Như vậy, thành ngữ "Có tật giật mình" cũng đề cao những người sống ngay thẳng, chính trực, liêm minh, lương thiện. Những phẩm chất đáng quý đáng quý trên cần được phát huy, bởi đấy là những kỹ năng quan trọng mà con người cần rèn luyện để trở thành phiên bản tốt nhất, hạnh phúc nhất của chính mình.

Làm thế nào để không phải "giật mình"?

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam rất đa dạng và phong phú, chứa đựng lời khuyên mọi người “tu tâm dưỡng tính” đến những kinh nghiệm hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Để không phải sống với tâm thế “Có tật giật mình”, bạn nên rèn luyện những đức tính, những lối sống như sau:

Sống ngay thẳng, chính trực, trung thực

Sống ngay thẳng, chính trực không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó mang lại hạnh phúc và sự tự do, bình yên trong tâm hồn. Khi ta không làm điều gì trái với luân thường đạo lý hay trái pháp luật, ta có thể hiên ngang mà sống, không phải lo sợ bất cứ điều gì, không có lời nói nào có thể khiến tâm hồn ta lay động.

Khi bản thân trong sạch, ngay thẳng cùng với ý chí kiên định, vững vàng thì dù có gặp phải bất cứ khó khăn nào đi chăng nữa, ta nhất định sẽ vượt qua. Đặc biệt, người hội tụ những phẩm chất tốt đẹp trên sẽ luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến từ người xung quanh.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì? 3
Sống ngay thẳng, chính trực, sẽ khó có điều gì làm lay động được chúng ta - Ảnh: Unsplash

Sống lương thiện

Ông cha ta từng nói: "Nhân chi sơ, tính bản (bổn) thiện". Tức là con người từ khi sinh ra đã được ban cho bản tính lương thiện. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên, dưới tác động của mọi thứ xung quanh, dần dần bản tính nguyên sơ của con người sẽ thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Để sống lương thiện, con người cần rất nhiều dũng khí.

Người lương thiện là người không bao giờ có ác tâm hãm hại người khác, sống bao dung, vị tha với mọi người. Lương thiện như những hạt mầm được gieo vào tâm hồn mỗi người, nếu được nuôi dưỡng sẽ trở thành bóng mát, bảo vệ tâm hồn ta trở nên đẹp đẽ, trong sáng, an lành. 

Người sống lương thiện chưa chắc đã nhận về những điều tốt đẹp nhất, nhưng sẽ luôn cảm thấy tâm hồn mình ngày càng nhẹ nhàng và trong sáng. Dẫu biết rằng, cuộc sống đầy rẫy những nguy hiểm và mình buộc phải phòng vệ trước những nguy cơ đó, hãy cố gắng hướng về điều tốt mà sống như đóa hoa hướng dương để không phải nuối tiếc, dằn vặt điều gì.

Xem thêm:
Sống là gì? Những lẽ sống ở đời và ý nghĩa của cuộc sống có giá trị
Sống đẹp là gì? Để có lối sống đẹp mỗi ngày cần rèn luyện những phẩm chất nào?
Top 15 quan điểm sống tích cực nhất mà bạn không thể bỏ qua

Không “có tật” nhưng vẫn “giật mình” - nỗi khổ tâm của những người quá nhạy cảm

Đôi lúc, những câu nói vô tình lại khiến chúng ta suy nghĩ khôn nguôi. Người ta không phải nói mình nhưng tự mình cảm thấy có lỗi rồi "giật mình", dằn vặt. Đấy là biểu hiện của việc quá nhạy cảm.

Nhạy cảm là một trạng thái bình thường của con người, nhưng quá nhạy cảm lại rất có hại về mặt cảm xúc lẫn tinh thần cho bản thân và người xung quanh. Quá nhạy cảm trong cuộc sống có thể khiến bạn trở nên overthinking, luôn mệt mỏi và đa nghi. Do đó, làm thế nào để kiểm soát sự nhạy cảm của mình, không phản ứng thái quá với những việc trong cuộc sống là một kỹ năng cần rất nhiều thời gian để rèn luyện.

Mọi người không để ý tới bạn nhiều như bạn tưởng

Hãy nhớ rằng, mọi người trên thế giới này đều rất bận rộn với vấn đề của riêng mình. Chính vì thế, không phải ai cũng có thời gian quan tâm đến người khác ngoài bản thân. Những lời nói, những hành động của người đó đôi lúc xuất phát một cách ngẫu nhiên, không chủ đích. Nếu quá để tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và dễ đánh mất chính mình.

Những sai lầm trong quá khứ sẽ là bài học của hiện tại và là bước ngoặt trong tương lai. Hãy cố gắng đừng bao giờ lặp lại những sai lầm mình từng phạm phải. Hãy thay đổi một cách tích cực và tin tưởng rằng, nếu mình luôn cố gắng sống tốt, cuộc đời sẽ nhẹ nhàng với mình mà thôi. 

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì? 4
Đa nghi thái quá sẽ khiến chúng ta luôn nhìn cuộc sống đầy những tiêu cực - Ảnh: Freepik

Đừng quá đa nghi

Chúng ta nên đa nghi vì điều đó cần thiết để phòng tránh rủi ro, nhưng thiếu hay thừa đều không tốt. Hãy chỉ đa nghi ở mức độ vừa phải, đừng gặp cái gì, gặp ai cũng đa nghi.

Đa nghi thái quá cũng khiến cho cách nhìn cuộc sống luôn đầy những tiêu cực, lúc nào cũng cảm thấy người khác có ý khiển trách, châm chọc mình. Chính vì vậy, hãy đa nghi tích cực để bảo vệ cá nhân trong môi trường thông tin và tin tức tràn ngập, chứ không phải để thui chột niềm tin trong các mối quan hệ giữa người và người.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực

Sống trung thực, liêm khiết, chính trực là những phẩm hạnh mà con người ta luôn phải tự răn mình và rèn luyện. Cùng VOH đến với các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về sự chính trực, trung thực dưới đây để chiêm nghiệm lời dạy về cách sống cao đẹp ấy.

1. Vàng thật không sợ lửa.

2. Cây ngay không sợ chết đứng.

3. Thật thà ma vật không chết.

4. Thật thà là cha thằng dại.

5. Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.

6. Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vẹo.

7. Áo rách cốt cách người thương.

8. Chết đứng còn hơn sống quỳ. 

9. Chết vinh hơn sống nhục

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì? 5

10. Dù cho đất đổi trời thay

Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời​.

11. Của phi nghĩa có giàu đâu,

Ở cho ngay thẳng giàu sau mới bền.

12. Những người tính nết thật thà,

Đi đâu cũng được người ta tin dùng.

13. Người gian thì sợ người ngay,

Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo.

14. Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong gian hiểm giết người không đao.

15. Ai ơi! Giữ chí cho bền

Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Trên đây là lý giải về ý nghĩa của câu thành ngữ “Có tật giật mình”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm cái nhìn sâu sắc về câu nói cũng như có được những bài học đắt giá cho bản thân để vận dụng vào cuộc sống của mình.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận