Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’

(VOH) - Câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ đề cao lòng tự trọng của con người. Đây là một phẩm chất vô cùng quý giá mà mỗi chúng ta cần phải biết quý trọng.

Trong cuộc sống, lòng tự trọng là đức tính đặc biệt quan trọng đối với mỗi con người. Đánh mất lòng tự trọng là đánh mất luôn cả danh dự, nhân cách của bản thân. Chính vì thế, ông cha ta mới có câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’, ý nói phải biết giữ gìn nhân phẩm, nên có thái độ sống đúng đắn, tôn trọng bản thân mình.

1. “Chết vinh còn hơn sống nhục” có nghĩa là gì?

Sống-chết, vinh-nhục luôn đi liền với nhau và là hai trạng thái đối lập nhau. Sống-chết là quy luật của tự nhiên, trong đó sống là tồn tại nhờ sự trao đổi chất, là sinh ra, lớn lên, trái ngược với chết là trạng thái không còn biểu hiện của sự sống, mất khả năng sống. Vinh là được coi trọng, được đánh giá cao còn nhục chỉ sự xấu xa, đáng khinh bỉ.

Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ 1
“Chết vinh còn hơn sống nhục” là câu tục ngữ bàn về cách làm người

Trong câu tục ngữ “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “chết vinh” có nghĩa là dù có chết đi nhưng người đó vẫn bảo vệ được nhân phẩm, danh dự của bản thân và gia đình. Chết nhưng vẫn vinh quang, tốt đẹp trong lòng mọi người.

Trái ngược với "chết vinh" là "sống nhục", chỉ những người sống trái với đạo đức, chuẩn mực xã hội, đánh mất lòng tự trọng bị người đời khiển trách, chê bai.

Xem thêm: 58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tôn trọng sự thật, căn dặn sống làm người chính trực

2. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Chết vinh còn hơn sống nhục”

“Chết vinh còn hơn sống nhục” là câu tục ngữ mang ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống. "Chết vinh" là sống ngay thẳng, luôn ngẩng cao đầu. Nếu có gặp khó khăn trở ngại, người biết giữ gìn nhân phẩm sẽ nhất quyết không làm chuyện trái với lương tâmđạo đức. “Sống nhục” là sống hèn nhát, sợ hãi, nhịn nhục đủ điều. Người sống không biết quý trọng nhân phẩm thường vì lợi ích cá nhân mà buôn gian bán lận, không coi trọng danh dự để rồi làm theo những điều xấu, gây hại cho bản thân lẫn người xung quanh.

Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ 2
Thà “Chết vinh còn hơn sống nhục” là châm ngôn sống của nhiều người

Trong cuộc sống, khi bị một ai đó xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự, biểu hiện đầu tiên của đa số chúng ta là đứng lên phản kháng để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Tuy nhiên, có một số người lại làm ngược lại, họ lo sợ, không dám đứng lên vì chính nghĩa. Họ chấp nhận sống nhịn nhục, tự hạ thấp mình để mong cầu sự bình yên hoặc thu lợi về cho bản thân mình. Điều đó là sai trái.

Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ 3
Chúng ta nên sống ngay thẳng, luôn làm những điều đúng đắn

Ví như là học sinh, khi kiểm tra, việc sao chép bài của bạn bè là một điều không tốt. Nếu học sinh không tự học tập, không tự rèn luyện bản thân thì kiến thức và kết quả đạt được không cao. Cố ý gian lận, sử dụng “phao”, điểm số có thể cao nhưng danh dự và nhân phẩm - thứ theo con người cả đời - của bạn sẽ khó mà lấy lại được. Vì vậy, đừng vì thành tích nhất thời, vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua những hệ quả trong tương lai.

Nếu không làm được bài, chúng ta hãy chấp nhận điều đó và lấy đó làm kinh nghiệm quý báu. Bản thân phải tự đứng lên, rèn luyện mỗi ngày và học hỏi nhiều điều tốt đẹp. Không những rèn luyện về trí tuệ mà còn phải biết giữ gìn nhân phẩm, danh dự, sống có đạo đức, đúng với chuẩn mực xã hội cũng như chuẩn mực của chính bản thân mình.

Như vậy, câu tục ngữ “Chết vinh còn hơn sống nhục” ý chỉ những người sống ngay thẳng, luôn làm những điều đúng đắn chứ quyết không chịu sống trong sự nhục nhã, thà chết mà nhận được sự tôn trọng, giữ được mình còn hơn là sống trong sự chê bai. Đây cũng là lời nhắc nhở mỗi con người nên giữ gìn nhân phẩm, lòng tự trọng. 

Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ 4
Dù có khó khăn cũng không làm những điều trái với đạo đức

Câu tục ngữ khuyên chúng phải biết cố gắng phấn đấu, dù có khó khăn, vất vả cũng không được nghe theo kẻ xấu làm những điều trái với lương tâm, đạo đức. Hãy luôn giữ tâm hồn trong sạch, không tự hạ thấp nhân phẩm, danh dự mà phải bảo vệ lòng tự trọng của mình. Rèn luyện bản thân cũng như những thói quen tốt, tránh những điều xấu, điều nhục nhã. Có như thế, bạn mới dễ dàng vượt qua mọi rào cản để đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống. Và quan trọng là để lại danh tiếng tốt đẹp, “tiếng thơm” cho con cháu, cho đời.

3. Những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ về lòng tự trọng

Có rất nhiều câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đó đều là kinh nghiệm quý báu mà ông cha ta đúc kết lại để dạy bảo con cháu đời sau. Ngoài việc ghi nhớ, chúng ta còn cần giữ gìn và phát huy những đức tính tốt ấy. Dưới đây là một số  thành ngữ, ca dao, tục ngữ mang ý nghĩa tương tự câu tục ngữ “Chết vinh còn hơn sống nhục”.

  1. Chết trong còn hơn sống đục.
  2. Chết đứng còn hơn sống quỳ.
  3. Được tiếng còn hơn được miếng.
  4. Đói miếng, tiếng đời.
  5. Đói cho sạch, rách cho thơm.
  6. Ăn một miếng, tiếng một đời.
  7. Tốt danh hơn lành áo.
  8. Danh dự quý hơn tiền bạc.
Giải thích câu tục ngữ ‘Chết vinh còn hơn sống nhục’ 5
Danh dự quý hơn tiền bạc
  1. Giấy rách phải giữ lấy lề.
  2. Người chết, nết còn.
  3. Cây ngay không sợ chết đứng.
  4. Bụt không thèm ăn mày ma.
  5. Cọp chết để da, người chết để tiếng.
  6. Sống chớ khom lưng, ôm gối, dập đầu.
  7. Giữ quần áo lúc mới may, giữ thanh danh lúc còn trẻ.
  8. Thuyền dời bến nào bến có dời/ Khăng khăng quân tử một đời nhất ngôn.
  9. Cây ngay bóng thẳng, cây cong bóng vẹo.
  10. Rượu ngon bất luận be sành/ Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may.

Xem thêm: 37 câu ca dao, tục ngữ về lòng tự trọng rèn dũa phẩm chất con người

Trên đây là phần giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “Chết vinh còn hơn sống nhục” cũng như một vài câu ca dao, tục ngữ nói về lòng tự trọng.  Qua bài biết này, hy vọng bạn đã trang bị cho mình thêm những kiến thức bổ ích và áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày. Hãy biết giữ gìn và bảo vệ lòng tự trọng, không làm điều sai trái để ảnh hưởng đến nhân phẩm, đạo đức. Vì khi sống đúng với chuẩn mực xã hội bạn sẽ nhận được nhiều sự tin tưởng từ những người xung quanh. Từ đó, bạn có nhiều cơ hội để phát triển bản thân và thành công hơn trong cuộc sống.

(Nguồn ảnh: Internet)