Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Chín bỏ làm mười' khuyên ta điều gì?

(VOH) - Câu thành ngữ “Chín bỏ làm mười” là lời nhắc nhở con người về thái độ sống bao dung độ lượng, bỏ qua lỗi lầm cho người khác.

Từ xưa, những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động sản xuất, những bài học về cách sống, cách làm người luôn được ông cha ta đúc kết qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Thái độ sống bao dung là một trong số đó và thành ngữ “Chín bỏ làm mười” là một ví dụ điển hình.

1. Thành ngữ “Chín bỏ làm mười” là gì?

Mượn hình ảnh ẩn dụ từ những con số, câu thành ngữ gợi ra trường liên tưởng sâu xa. “Chín” và “mười” là đại diện cho cái chưa vẹn toàn và cái vẹn toàn. “Chín bỏ làm mười” nghĩa là bỏ qua phần “một”- phần thiểu số, để nhìn cuộc sống trong sự tròn trịa hơn.

Từ cách nói độc đáo ấy, ông cha ta muốn đề cập đến một đức tính của con người, đó là lòng khoan dung, là thái độ sống tích cực, rộng lượng bỏ qua lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác. Đây là phẩm chất tốt đẹp cần có ở con người.

2. Ý nghĩa của thành ngữ “Chín bỏ làm mười” 

Đạo Phật đã dạy: “Oán thù nên cởi không nên buộc”, có những điều trong cuộc sống cần phải “nhắm mắt cho qua”. Đó không phải là thờ ơ, vô tâm với cuộc sống, đó là thái độ sống nhường nhịn và bao dung. Bởi lòng vị tha có ý nghĩa vô cùng đối với con người, nên thay vì hoàn giận, trách móc ta nên vun vén mà tha thứ cho nhau.

“Chín bỏ làm mười” là chấp nhận bỏ qua, châm chước cho những lỗi lầm, giận hờn là điều đương nhiên nhưng sau đó sẽ bỏ qua, tha thứ cho nhau để cùng nhau vun vén cho hiện tại và tương tương lai. 

Con người ai cũng vậy, ai cũng có cái tôi của riêng mình, nhưng biết bỏ qua lỗi lầm cho người khác cũng chính là dành cho nhau một sự tôn trọng, mình tôn trọng người và người tôn trọng mình. Khi ấy, người mắc lỗi sẽ bị cảm động, sẽ tự nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Như vậy, “Chín bỏ làm mười” đã chuyển hóa quá trình giáo dục thành tự giáo dục, là cách giáo huấn khéo léo và nhẹ nhàng. 

Thành ngữ 'Chín bỏ làm mười' nghĩa là gì? 1
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

Từ sai lầm của người khác thay vì chỉ trích, ta có thời gian để suy ngẫm và rút ra bài học cuộc sống cho riêng mình. Đó là cách mà con người trưởng thành trong cuộc sống. Không những thế, khi ta bỏ qua lỗi lầm cho người, sau này người sẽ lại tha thứ cho ta, chuyển hóa hận thù thành động lực và tình yêu thương, là sợi dây gắn kết con người trong xã hội.

“Chín bỏ làm mười” - bỏ qua cho người chính là bỏ qua cho mình. Bỏ qua một cái gai trong mắt, bỏ qua một gánh nặng trong lòng, bỏ qua để hướng tới một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Khi ta chấp chước hận thù, tâm vô tình sẽ sinh phiền não, suy nghĩ hơn thua, là tự mình làm khổ mình.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ 'Bói ra ma quét nhà ra rác' nói đến điều gì?

3. Vì sao phải “Chín bỏ làm mười”?

Bởi lẽ “nhân vô thập toàn”, phàm làm người không có ai là hoàn hảo. Ai rồi cũng sẽ mắc lỗi, ai rồi cũng sẽ sai lầm, vì thế hãy biết tha thứ cho nhau. Bao dung độ lượng là một thước đo để đánh giá phẩm chất của con người, là nền tảng của xã hội hòa bình êm đẹp.

Nếu con người không “Chín bỏ làm mười”, cứ “chuyện bé xé ra to” thì những mối quan hệ sẽ dần rạn nứt, người mắc lỗi không nhận ra sai lầm của mình, người bắt lỗi càng trở nên chấp chước. Như vậy con người vô tình tự làm khó nhau, tự đánh mất những người bạn của mình.

Thành ngữ 'Chín bỏ làm mười' nghĩa là gì? 2
“Chuyện bé xé ra to”

Xem thêm: Câu tục ngữ “Tích tiểu thành đại” và bài học về tính tiết kiệm của người xưa

4. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn cùng nói về lòng khoan dung.

Bên cạnh “Chín bỏ làm mười”, trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ răn dạy con người về lòng khoan dung như:

1. Thương nhau chín bỏ làm mười.

2. Yêu con người, mát con ta

3. Yêu con cậu mới đậu con mình.

4. Cao cành nở ngọn, mọi bạn mọi đến.

5. Thương người như thể thương thân.

6. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.

7. Giơ cao đánh khẽ.

8. Trẻ nhà người như trẻ nhà ta.

9. Của anh như của chú.

10. Một điều nhịn, chín điều lành.

Thành ngữ 'Chín bỏ làm mười' nghĩa là gì? 3

11. Những người đức hạnh thuận hòa
Đi đâu cũng được người ta tôn sùng.

12. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

13. Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

14. Hoa thơm ai dễ bỏ rơi
Người khôn ai nỡ nặng lời với ai.

Cùng tư tưởng với văn học Việt Nam, văn học thế giới cũng có một kho tàng những câu danh ngôn về lòng bao dung của những người vĩ đại:

1. Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung. - Helen Keller

2. Người nắm quyền hành phải biết nhìn xa, trông rộng, lòng dạ ngay thẳng, điều độ khoan dung, biết thương dân, biết nắm thời cơ để khi cần thì thu hút được dân vào việc lớn. - Khổng Tử

3. Giận dữ và không khoan thứ là kẻ thù của sự thông hiểu đúng đắn. - Mahatma Gandhi

4. Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗ lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp. - Helen Keller

5. Anh càng biết nhiều, anh càng tha thứ nhiều. - Catherine II

6. Khi bạn không tha thứ cho một ai đó, tức là bạn đang quay lưng lại với tương lai của mình. Khi bạn bao dung, điều đó có nghĩa bạn đang tiến về phía trước. - Tyler Perry

7. Nhà phú quý nên học cách khoan dung, người thông minh nên học thói trung hậu. - Trần Kế Nho

8. Sự khoan dung là sợi dây xích vàng gắn kết xã hội lại với nhau. - William Blake

9. Hãy luôn là bạn đồng hành với lòng khoan dung, chúng ta sẽ an toàn. - Khuyết danh

10. Lòng khoan dung trở thành tội lỗi khi dành cho cái ác. - Thomas Mann

Câu thành ngữ “Chín bỏ làm mười” ngắn gọn mà xúc tích đã đúc kết bài học của ông cha ta về thái độ sống vị tha, khoan dung độ lượng. Hy vọng qua câu thành ngữ này, các bạn sẽ có thái độ sống bao dung, sống bỏ qua lỗi lầm của người khác.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet