Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Trâu buộc ghét trâu ăn’ là gì?

(VOH) - Sử dụng hình ảnh “con trâu” bình dị, gần gũi, ông cha ta đã gửi gắm biết bao bài học nhân sinh quý báu về cách sống, cách làm người qua tục ngữ “Trâu buộc ghét trâu ăn”.

Thói ghen tị, hay so sánh mình và người khác không chỉ làm bản thân tự rước họa mà còn khiến người khác có cái nhìn không tốt về mình. Câu tục ngữ “trâu buộc ghét trâu ăn” chính là một lời răn dạy qua những kinh nghiệm được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế đó. 

1. “Trâu buộc ghét trâu ăn” ý nghĩa là gì?

trau-buoc-ghet-trau-an-voh-1

Ý nghĩa câu tục ngữ "Trâu buộc ghét trâu ăn"

Thông qua cụm từ “trâu buộc” và “trâu ăn” trong câu thành ngữ, người đọc có thể dễ dàng hình dung ra hình ảnh một chú trâu bị buộc vào cột trong tình trạng đói, khát. Trong khi đó chú trâu còn lại được tự do ăn cỏ, hoạt động mà không chịu sự trói buộc nào. 

Hình ảnh hai chú trâu ấy càng khiến chúng ta liên tưởng đến một thực trạng trong cuộc sống, đó là lòng đố kỵ. Xã hội từ xưa đến nay, bao giờ cũng có những người thành công và những người thất bại. Chính điều này đã dẫn đến sự ghen tị giữa người với người, kẻ thấy người khác có chức, có quyền, có tài và có tiền hơn nên sinh ra ganh ghét, ghen tị vì họ giỏi hơn mình. 

Sự ghen tị đó không chỉ dừng ở việc ngấm ngầm ghen ghét, so sánh mà đôi khi chỉ vì đố kỵ mà con người sẵn sàng làm ra những hành động xấu, nhằm bôi nhọ danh dự, đổ lỗi, hạ nhục người khác chỉ để thỏa mãn lòng ganh ghét, ích kỷ vô lý của mình. 

Xem thêm: Cách dùng thành ngữ ‘Một nắng hai sương’ trong đời sống như thế nào?

2. “Trâu buộc ghét trâu ăn” chê trách điều gì?

Những câu thành ngữ, tục ngữ từ xưa đến nay đều là bài học nhắc nhở hoặc phê phán, chê trách những thói hư tật xấu của con người. Và “Trâu buộc ghét trâu ăn” dường như là lời chê trách, phê phán của cha ông ta về thói đố kỵ, không biết hài lòng của con người. Bất cứ ai sống trên đời đều có xu hướng tự so sánh bản thân với người khác, sự so sánh ấy có thể trở thành động lực hoặc thành sự ganh ghét xấu xí, ngăn cản bản thân mỗi người tự phát triển. 

Không phải đa số nhưng một số người thường quá tập trung vào người khác, cả ngày bận rộn soi mói, để ý, tìm ra những khuyết điểm để hạ bệ đối tượng mình ganh ghét, trong khi lại quên mất chính bản thân mình. Để rồi chính bản thân bị chìm trong những thói hư, tật xấu. 

trau-buoc-ghet-trau-an-voh-2
Câu tục ngữ phân phán thói ghen tị 

Bên cạnh đó, câu tục ngữ “Trâu buộc ghét trâu ăn” còn là lời nhắc nhở đầy ân tình rằng mỗi người không nên quá để tâm đến lời nói của người khác. Con người sống trên đời có rất nhiều chuyện dù mình không làm gì nhưng vẫn luôn bị người khác ghen tị. Vì thế, hãy sống và cống hiến vì bản thân, làm những điều mình thích và đừng e ngại ánh mắt của người xung quanh.

Đồng thời, học cách giúp đỡ những người gặp khó khăn, đừng để mình trở thành “trâu buộc”, trở thành người luôn đánh giá, khắt khe với người khác. Biết “kính trên nhường dưới”, tôn trọng và đối xử thật tâm với những người xung quanh. Chắc chắn cuộc sống cũng sẽ đối xử tốt với bạn, vì “ở hiền ắt gặp lành”.

Xem thêm: Thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ và nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa

3. Làm thế nào để loại bỏ sự đố kỵ?

trau-buoc-ghet-trau-an-voh-3
Học cách loại bỏ sự ghen tị

Câu thành ngữ “trâu buộc ghét trâu ăn” giúp chúng ta nhận ra sự xấu xí của thói ganh tỵ, bởi vậy dưới đây là những tips giúp bạn vượt qua sự mặc cảm, đố kỵ với mọi người

3.1. Không so sánh bản thân mình với người khác

Lý do chính dẫn tới sự ganh tị đó chính là so sánh mình với người khác. Mỗi người đều có một điểm xuất phát, một lý tưởng sống và quá trình phát triển khác nhau. Việc bạn tự so sánh mình với những người khác không chỉ khiến bản thân cản bước phát triển của chính mình, mà còn khiến bạn thêm ganh tị, ghen ghét với họ. 

3.2. Ngưng kết nối với những mối quan hệ tiêu cực

Khi càng lớn, vòng tròn bạn bè và những mối quan hệ của chúng ta ngày càng rộng thêm. Nếu chúng ta kết bạn cùng những người tiêu cực, thích than phiền, so sánh sẽ liên tục làm chúng ta cảm thấy bị tiêu cực theo. Một mối quan hệ tích cực, lành mạnh sẽ giúp cuộc sống của chúng ta thoải mái, nhẹ nhàng và hạn chế việc ganh tỵ, “trâu buộc ghét trâu ăn” với người khác. 

3.3. Phát triển bản thân hơn

Việc ghen tị với người khác thường xuất phát từ việc bạn cảm thấy thua kém họ, bạn tự ti vào bản thân. Để không còn cảm thấy ganh ghét người khác, hãy bắt đầu ngay vào việc nâng cấp phát triển bản thân. Nếu bạn thấy thua kém về vật chất, hãy tự tiết kiệm tiền và thử những công việc mới. Nếu bạn thấy mình chưa giỏi bằng họ thì chăm chỉ học tập hơn,... Có rất nhiều cách để bạn phát triển bản thân, đừng ngại thử!

3.4. Chấp nhận con người thật của bản thân

Học cách hài lòng và tôn trọng những gì bạn đang có. Bạn có thể không có gia tài hàng tỷ nhưng có gia đình luôn ở bên, yêu thương và chăm sóc. Bạn có thể không có những người bạn giàu có nhưng lại có người bạn thân luôn yêu mến, trân trọng bạn. Bạn có thể không có nhan sắc hay học thức khủng, nhưng bạn lại chăm chỉ, tốt bụng. 

Vậy nên hãy học cách hài lòng với những gì bản thân đang có, tập trung phát triển và yêu chính mình hơn. 

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’ dạy chúng ta bài học về tinh thần đoàn kết trong gia đình

4. Những câu ca dao, tục ngữ, câu nói hay về lòng đố kỵ 

Sự đố kỵ giữa người với người luôn tồn tại từ bao đời nay, chính bởi vậy người xưa đã kín đáo gửi gắm những tâm tư, lời nhắc nhở của mình về đức tính xấu ấy qua nhiều câu ca dao, tục ngữ khác nhau

  1. Ghen ăn tức ở muôn đời khổ,
    Yêu thương nhường nhịn vạn kiếp vui.
  2. Con gà tức nhau tiếng gáy.
  3. Trâu cày ghét trâu cột, trâu cột ghét trâu ăn.
  4. Ghen ăn tức ở.
  5. Lòng ghen tị là tài khéo đếm những phước lành của kẻ khác thay vì phước lành của chính mình.
  6. Hạnh phúᴄ là người thầу hà khắᴄ, đặᴄ biệt là hạnh phúᴄ ᴄủa người kháᴄ - Aldous Huxley
  7. Bạn không thể vừa ghen tị và vừa hạnh phúc - Frank Tyger
Bài học về lối sống đẹp hơn qua câu tục ngữ ‘Trâu buộc ghét trâu ăn’ 4
  1. Sự ghen tị với người khác nuốt chửng chúng ta nhiều nhất. - Aleksandr Solzhenitsyn
  2. Có lẽ chẳng có hiện tượng nào chứa nhiều cảm xúc tiêu cực như sự phẫn nộ vì đạo đức, nó cho phép ghen tị được hoành hành dưới vỏ bọc của đức hạnh- Erich Fromm
  3. Khi sự thịnh vượng đến, lòng ghen tị vây hãm và tấn công nó; và khi nó rời đi, để lại phía sau là đau khổ và ăn năn - Leonardo da Vinci
  4.  Nếu bạn ghen tị với những người thành công, bạn tạo ra một trường lực lượng tiêu cực đẩy bạn khỏi những điều bạn cần làm để thành công. Nếu bạn khâm phục những người thành công, bạn tạo ra một trường lực lượng tích cực hấp dẫn bạn trở nên ngày càng giống những người bạn muốn giống - Brian Tracy
  5. Không ai có thể khiến bạn ghen tị, tức giận, thù hận hay tham lam - trừ phi bạn cho phép điều đó - Napoleon Hill
  6.  Sự cao cả là ở chỗ không cảm thấy ghen tị khi nhìn những người khác đạt được những thành công mà bản thân mình khao khát - Sưu tầm
  7.  Lòng ghen ghét là tuyên ngôn của sự thấp kém - Napoleon Bonaparte
  8.  Sự lớn lao luôn luôn bị ghen tị - chỉ sự tầm thường mới có thể khoe mẽ cả đống bạn bè - Marie Corelli

Từ thành ngữ “trâu buộc ghét trâu ăn” giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về lòng ghen tị sẽ khiến bản thân mỗi người trở nên xấu xí và tội tệ. Bởi vậy hãy học cách yêu bản thân, tự tin hơn vào chính mình nhé!

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet