Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ” là gì?

VOH - Chỉ với một câu thành ngữ bốn chữ “Giơ cao đánh khẽ”, người xưa đã gợi lên cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc. Vậy “Giơ cao đánh khẽ” là gì, có ý nghĩa gì?

Bàn về lòng bao dung, nhân ái, bàn về cách nhắc nhở, răn dạy, răn đe, người xưa có câu “Giơ cao đánh khẽ”. Để hiểu được ý nghĩa cũng như bài học mà ông cha ta đúc kết qua câu thành ngữ này, mời bạn đọc cùng VOH phân tích “Giơ cao đánh khẽ” nói về điều gì?

“Giơ cao đánh khẽ” là gì?

“Giơ cao đánh khẽ” là một trong những câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi nhất từ xưa đến nay. Bởi lẽ, ý nghĩa của chúng phù hợp và có thể sử dụng trong nhiều trường hợp. Đây cũng là lý do mà khi giải thích ý nghĩa “Giơ cao đánh khẽ” là gì, chúng ta nên xem xét trên nhiều phương diện.

Trước hết, về nghĩa đen “Giơ cao đánh khẽ” được hiểu là hành động giơ roi (hoặc đồ vật có tác dụng tương tự) lên thật cao rồi đánh xuống với lực thật nhẹ. Thông thường, chỉ khi cần hoặc muốn đánh thật mạnh, thật đau, con người mới “giơ cao” tay. Cho nên hành động “giơ cao” nhưng “đánh khẽ” trong câu thành ngữ này đã gợi lên nhiều suy nghĩ. Đây chính là nghĩa bóng cũng là điều mà ông cha ta muốn nhắn gửi.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ” là gì? 1
Thành ngữ "Giơ cao đánh khẽ" gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa - Ảnh: Indiatimes

Thứ nhất, “Giơ cao đánh khẽ” là biểu hiện của lòng nhân ái, bao dung, vị tha, độ lượng. Vì lý do này cho nên giơ roi vọt cao, mắng mỏ nặng nề… nhưng kỳ thực đánh lại rất khẽ, xử lý rất nhẹ nhàng.

Thứ hai, “Giơ cao đánh khẽ” cũng có thể chỉ việc ra vẻ hung dữ, trừng phạt nặng nề cốt khiến cho người khác sợ chứ không có chủ ý làm như vậy. Mục đích là để nhắc nhở, răn dạy hoặc để lấy lệ (làm cho có, cho phải phép).

Với câu thành ngữ này, người xưa không bày tỏ thái độ khen, chê rõ ràng nên ý nghĩa có thể thay đổi tùy vào hoàn cảnh sử dụng. Cả hai cách giải thích đều hợp lý, thậm chí có thể bổ sung và giúp cho ý nghĩa của nhau trở nên trọn vẹn hơn. Do đó, muốn hiểu hoặc giải thích “Giơ cao đánh khẽ” nói về điều gì thì chúng ta nên căn cứ vào ngữ cảnh.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Thương người như thể thương thân'
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Chín bỏ làm mười' khuyên ta điều gì?
‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’ có ý nghĩa gì?

Lòng bao dung, nhân ái và cách ứng xử trong “Giơ cao đánh khẽ”

Trong cuộc sống, ai cũng có thể mắc phải lỗi lầm. Đây được xem là điều khó tránh khỏi cũng là cách giúp con người tiến bộ, trưởng thành nhanh nhất. Do đó, đứng trước sai lầm của người khác hay của chính bản thân, chúng ta nên khoan dung, độ lượng như một phần ý nghĩa của câu thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ”.

Người xưa có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”. Khi người phạm phải lỗi sai không cố ý, biết ăn năn, sửa đổi họ hoàn toàn có cơ hội được tha thứ và giúp đỡ. Cách xử lý này không chỉ đơn giản thể hiện tấm lòng nhân ái, cảm thông, sự rộng lượng, cư xử văn minh mà còn đem lại nguồn năng lượng tích cực.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ” là gì? 2
Sự bao dung lan tỏa năng lượng tích cực cho cuộc sống - Ảnh: Pixabay

Trước hết, “Giơ cao đánh khẽ” giúp người mắc lỗi cảm thấy được quan tâm, tôn trọng cũng như có động lực để hoàn thiện bản thân. Với người bao dung, ngoài tâm hồn thanh thản, họ cũng nhận lại được sự yêu thương, tôn trọng và những mối quan hệ tốt đẹp. Với cộng động, xã hội, khoan dung đẩy mạnh sự gắn kết, lan tỏa thông điệp, hành động tốt đẹp và bài trừ sự ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm.

Xem thêm:
Danh ngôn, câu nói hay về lòng vị tha, khoan dung, tha thứ
21 câu ca dao tục ngữ về khoan dung, độ lượng hay nhất
Tha thứ lỗi lầm chính là giải thoát cho bản thân

“Giơ cao đánh khẽ” và những hệ lụy

“Giơ cao đánh khẽ” có thể biểu đạt tấm lòng bao dung, độ lượng. Tuy nhiên nếu áp dụng sai cách, áp dụng trong các tình huống không phù hợp thì sẽ dẫn đến những hệ lụy, thậm chí trở thành hiện tượng tiêu cực.

Tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, pháp luật… và có trách nhiệm với hành vi của bản thân là điều bất cứ người trưởng thành nào cũng phải học. Cho nên, nếu một người làm ra hành vi sai trái, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì không thể “Giơ cao đánh khẽ”.

Bởi lẽ, nó có thể khiến người phạm sai lầm không nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, không có ý thức sửa chữa. Điều này cũng dẫn đến sự bất bình, bất công và ảnh hưởng đến tính minh bạch trong xã hội.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ” là gì? 3
"Giơ cao đánh khẽ" người vi phạm pháp luật dẫn đến sự bất công trong xã hội - Ảnh: Freepik

Bài học từ thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ”’

Từ việc phân tích ý nghĩa của câu thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ”, chúng ta có thể rút ra cho bản thân khá nhiều bài học về cách ứng xử trong cuộc sống.

  • Nên tha thứ, bao dung với những người có tâm ý tốt, không cố ý gây ra lỗi lầm hoặc đã biết sửa chữa, hoàn thiện bản thân.
  • Không nên quá mềm lòng, khoan dung với người có tâm địa không tốt, vi phạm pháp luật, có hành vi sai trái, làm hại người khác. Vì điều đó sẽ khiến họ không không sợ hãi, tiếp tục phạm sai lầm.
  • Trong đối nhân xử thế hay khi giải quyết một vấn đề, hãy nhẹ nhàng, tôn trọng, cư xử văn minh, biết thông cảm, không xúc phạm, gây tổn thương người khác. 

Xem thêm:
30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người
28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái giáo dục nhân cách mỗi con người
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày

Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về bao dung, độ lượng

Khoan dung, độ lượng là một đức tính tốt đẹp và được đề cập đến rất nhiều trong văn học dân gian. Vì vậy, ngoài câu thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ”, kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam còn khá nhiều câu nói bàn về vấn đề này. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu do VOH tổng hợp và giải thích.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giơ cao đánh khẽ” là gì? 4

1. Có dong kẻ dưới mới là người trên: chỉ việc người trên (vai vế, trình độ, tuổi tác…) nên bao dung, độ lượng với người ở dưới.

2. Đại nhân năng dụng tiểu nhân: người tài giỏi, bao dung, độ lượng mới có năng lực sử dụng, sai khiến kẻ kém cỏi.

3. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại/Đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại: với người đã biết lỗi, biết quay đầu sửa chữa, nên bao dung, vị tha.

4. Rộng bụng hơn rộng nhà/Không sợ hẹp nhà, sợ hẹp bụng: người có tấm lòng nhân hậu, độ lượng thì mọi thiếu thốn, khó khăn đều có thể khắc phục. Coi trọng tình cảm gắn bó thân thiết, không đòi hỏi nhiều về vật chất.

5. Ăn cơm mới, không nên nói chuyện cũ: chuyện đã qua không nên nhắc lại, nên khoan dung, độ lượng. 

6. Làm anh làm ả, phải ngả mặt lên/Kẻ cả thì ngả mặt lên: làm người ở trên phải biết nhường nhịn, độ lượng.

7. Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay: là trượng phu, là anh hùng thì phải rộng lượng, vị tha.

8. Ơn ai một chút chớ quên, oán ai một chút để bên dạ này: khuyên bảo con người nên coi trọn ân nghĩa, rộng lòng và vị tha.

“Giơ cao đánh khẽ” không chỉ là câu thành ngữ răn dạy con người mà còn có mối liên hệ với nhiều hiện tượng trong cuộc sống. Muốn sử dụng cũng như hiểu được chính xác ý nghĩa, chúng ta nên lưu ý đến hoàn cảnh.

Mong rằng phần giải thích “Giơ cao đánh khẽ” là gì của VOH Sống đẹp đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích.