Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu “Dùi đục chấm mắm cáy” là gì?

VOH - Lời ăn tiếng nói của con người trong giao tiếp là rất quan trọng. Thế nhưng, có một số người hiện nay lại nói như dùi đục chấm mắm cáy. Vậy “dùi đục chấm mắm cáy” nghĩa là gì?

Trong giao tiếp hàng ngày, bạn có thể đã từng được nghe ai đó nói “dùi đục chấm mắm cáy” nhưng lại không hiểu hoặc chưa hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó là gì. Vậy hãy cùng VOH tìm hiểu câu thành ngữ “dùi đục chấm mắm cáy” trong bài viết dưới đây.

“Dùi đục chấm mắm cáy” là gì?

“Dùi đục chấm mắm cáy” là câu thành ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Tuy vậy, để hiểu ý nghĩa thành ngữ này, bạn phải biết được “dùi đục” và ‘mắm cáy” là gì?

Dùi đục chính là một vật dụng bằng gỗ hay sắt, đầu được mài hoặc vót nhọn. Đây là dụng cụ mà người thợ mộc dùng để gõ chàng, gõ bạt, gõ đục, gõ ráp mọng…

Mắm cáy là một món ăn được làm Cáy (hay còn gọi là Còng lửa). Đây là một loại động vật giáp xác, hình dạng giống Cua, thường sống ở những vùng nước mặn hay nước lợ. Mắm cáy mà ông bà ta ăn ngày xưa là thứ mắm xổi thời ban sơ, được ướp rất mặn.

(chèn link) Giải thích ý nghĩa câu “Dùi đục chấm mắm cáy” là gì? 1
Ý nghĩa thành ngữ "dùi đục chấm mắm cáy" ít người hiểu rõ - Ảnh: Internet

Theo cách diễn giải này, “dùi đục” và “mắm cáy” đều là những vật dụng và món ăn quen thuộc, thô mộc, gần gũi với mỗi gia đình.

Thế nhưng, vì thành ngữ là tập hợp của các từ ngữ có tính tượng hình tượng trưng. Nghĩa của thành ngữ có thể hiểu trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo thành, nhưng nó thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh để nói đến một vấn đề khác trong cuộc sống.

Ví như câu “dùi đục chấm mắm cáy”, theo nét nghĩa thông thường, thì “dùi đục” và “mắm cáy” chỉ là vật dụng, món ăn quen thuộc của cụ ta ngày xưa. Thế nhưng, từ tính giản dị, thô mộc của hai khái niệm, ý nghĩa của hai cụm từ đã được chuyển nghĩa rõ rệt.

Phép so sánh “nói như dùi đục chấm mắm cáy” thường dùng để ám chỉ cách nói trắng trợn, nói trực tiếp không giữ kẻ, thậm chí thiếu đi sự ý tứ, thanh nhã trong lời nói. Nói cách khác, ý câu thành ngữ này tương đương với cụm từ “nói thô thiển”.

Bàn luận sâu hơn về thành ngữ “dùi đục chấm mắm cáy”

Có thể chúng ta thường nghe nhiều đến câu “dùi đục chấm mắm cáy”, tuy nhiên, “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là cách nói biến thể. Câu thành ngữ gốc ban đầu là “bầu dục chấm mắm cáy”. Một dị bản khác dường như ra đời sớm hơn là “bầu dục chấm nước cáy”.

Theo Việt Nam từ điển định nghĩa, “bầu dục” là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Cụm từ “bầu dục” trong câu thành ngữ được hầu hết mọi người hiểu là quả cật/thận heo. Bầu dục heo là một món ăn ngon và hiếm.

Còn “Cáy” là một loại giáp xác như cách giải thích phía trên. Cáy có thể đem chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng ở một số vùng người ta dùng Cáy để làm mắm.

Mắm cáy ngày xưa là thứ mắm xổi mặn chằn, chẳng mấy ngon lành. Món bầu dục chấm với loại mắm này chẳng khác nào “sỉ nhục” một món ngon khi đem chấm với một thứ nước không phù hợp.

Thời xưa, món bầu dục phải đem chấm với chanh, còn mắm cáy chỉ để chấm rau lang, rau muống. Ca dao ngày xưa cũng đã từng nhắc rằng: Sáng ngày bầu dục chấm chanh/ Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá mè. Do đó, ý nghĩa ban đầu của câu thành ngữ “bầu dục chấm mắm cay” có thể chỉ đơn giản là như vậy.

(chèn link) Giải thích ý nghĩa câu “Dùi đục chấm mắm cáy” là gì? 2
Thành ngữ "Dùi đục chấm mắm cáy" là dị bản của "Bầu dục chấm mắm cáy" - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, ở thời nay nếu “bầu dục chấm mắm cáy” lại là chuyện khác. Mắm cáy bây giờ là loại mắm có thời gian ủ đến 4 - 5 tháng. Vị mắm dịu lại, vi khuẩn kỵ khí tỏa mùi thơm, mắm có độ sền sệt. Nếu đem so sánh, bầu dục chấm chanh sẽ chẳng là gì so với bầu dục chấm mắm cáy ngày nay.

Vậy từ khi nào “bầu dục chấm mắm cáy” lại biến thành “dùi đục chấm mắm cáy”? Có thể, ban đầu câu thành ngữ “bầu dục chấm mắm cáy” chỉ nói về ẩm thực, nhưng theo thời gian, nó đã bị biến hóa lên một tầng nghĩa mới với câu “dùi đục chấm mắm cáy”.

Chúng ta có thể hiểu “dùi đục” là một thứ tạo ra âm thanh thô lỗ, cộc cằn khi nện vào cán đục, cán chàng, cán bạt… còn “mắm cáy” là thứ mắm xổi thời ban sơ, chưa được ủ lên men ngon như bây giờ. Hai thứ đó kết hợp với nhau tạo ra một nét nghĩa mới chỉ sự thô bạo, vụng về, không phù hợp. Và dân gian thường dùng nó để nói đến tính cách, cử chỉ của con người, giống như câu “nói như dùi đục chấm mắm cáy” mà ngày nay chúng ta vẫn thường nghe.

Xem thêm:
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
200 câu thành ngữ hay về cuộc sống mà bạn dùng hằng ngày
85 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về thiên nhiên quan hệ tới lao động sản xuất của con người

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời ăn tiếng nói

Ca dao, tục ngữ không chỉ là tiếng nói chứa đựng tâm tư, tình cảm của người lao động, nó còn là một kho tàng kinh nghiệm sống quý giá muôn đời. Ông bà ta ngày xưa rất coi trọng lời ăn tiếng nói, do đó đã để lại không ít những câu ca dao, tục ngữ như một lời răn dạy cho các thế hệ sau. Dưới đây là một số câu ca dao, tục ngữ hay viết về lời ăn, tiếng nói mà bạn có thể tham khảo.

1. Lời nói gói vàng

2. Lời chào cao hơn mâm cỗ

3. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành

4. Ăn có nhai, nói có nghĩ

5. Lưỡi sắc hơn gươm

6. Học ăn, học nói, học gói, học mở

7. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày

8. Ăn đàn sóng, nói đàn gió

9. Ăn bớt bát, nói bớt lời

10. Một câu nhịn, chín câu lành

(chèn link) Giải thích ý nghĩa câu “Dùi đục chấm mắm cáy” là gì? 3
Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói được dân gian lưu truyền - Ảnh: Internet

11. Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

12. Nói chín thì phải làm mười
Nói mười làm chín kẻ cười người chê.

13. Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

14. Kim vàng ai nở uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

15. Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên.

16. Tu thân rồi mới tề gia
Lòng ngay nói thật, gian tà mặc ai.

Qua bài viết, chúng ta biết rằng “bầu dục chấm mắm cáy” là câu nguyên bản, còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là câu nói dị bản sau này. Dân gian dùng nó để phê phán những người cư xử kém, thô bạo, thiếu tế nhị, không phù hợp trong lời nói hay việc làm hàng ngày. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa thành ngữ “dùi đục chấm mắm cái” là gì.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận