Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì?

VOH - Giải thích chi tiết “Đầu tắt mặt tối” là gì và những bài học mà ông cha ta muốn nhắn nhủ con cháu qua câu nói quen thuộc này.

Không chỉ trong xã hội xưa mà trong xã hội nay, chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy câu nói “Đầu tắt mặt tối”. Tuy nhiên, “Đầu tắt mặt tối” nghĩa là gì, mang đến những bài học gì thì không phải ai cũng hiểu rõ. VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu trong bài viết này.

“Đầu tắt mặt tối” là thành ngữ hay tục ngữ?

“Đầu tắt mặt tối” là thành ngữ - một “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó” (theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học).

Thành ngữ không tạo thành câu hoàn chỉnh, không diễn đạt trọn vẹn một ý mà chỉ đề cập đến một khái niệm. Trong khí đó, tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt một ý trọn vẹn nhằm nhận xét, đánh giá quan hệ xã hội, truyền đạt kinh nghiệm sống hay phê phán sự vật, hiện tượng…

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” nghĩa là gì?

Thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” (hay “Đầu tro mặt muội”) thường được người xưa dùng diễn tả việc làm lụng vất vả, khó nhọc, làm hết việc này đến việc khác. Hơn hết, sự vất vả này không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà diễn ra liên miên, liên tục khiến con người không có lúc nào được nhàn rỗi, không lúc nào được nghỉ ngơi.

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì? 1
Thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” mô tả sự vất vả của người xưa trong lao động sản xuất - Ảnh: Pixabay

Đặt vào hoàn cảnh xưa, khi người dân còn thiếu thốn, nghèo đói, bữa đói bữa no, phải chạy ăn từng bữa chúng ta mới thấm thía được sự lam lũ, vất vả, nhọc nhằn ấy. Cách diễn đạt “Đầu tắt mặt tối” của câu thành ngữ này cũng gợi liên tưởng đến hình ảnh những con người cúi đầu cặm cụi làm việc từ sớm tinh mơ đến đêm tối mịt cũng chẳng thể ngẩng đầu lên. Đây không chỉ là hiện thực, là một góc nhỏ trong bức tranh xã hội xưa được tái hiện lại mà còn là lời nhắc nhở ý nghĩa về việc lao động trong cuộc sống.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Một nắng hai sương’ ngụ ý điều gì?
Giải thích câu tục ngữ ‘Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’
Tục ngữ 'Muốn ăn thì lăn vào bếp' nói lên điều gì? 

Bài học từ thành ngữ “Đầu tắt mặt tối”

Giá trị của lao động

Lao động là hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, giúp con người nhận thức thế giới cũng như phát triển bản thân. Chỉ có chăm chỉ lao động, con người mới có thể nuôi sống mình, tạo ra thành quả, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Không những thế, lao động còn là thước đo giá trị của mỗi cá nhân, là nguồn gốc của văn hóa, sáng tạo, nghệ thuật; giúp thế giới tinh thần, cuộc sống của con người trở nên ý nghĩa, tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì? 2
Lao động tạo ra thành quả về vật chất và tinh thần cho xã hội - Ảnh: Pixabay

Đây là lý do cũng chính mục tiêu khiến con người chăm chỉ, nỗ lực làm việc từ xưa đến nay. Cho nên, thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” không chỉ đơn giản diễn tả sự vất vả, khó nhọc trong công cuộc lao động sản xuất của người xưa. Nó còn là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng của ông cha ta rằng “Có làm thì mới có ăn”, muốn thay đổi cuộc sống, con người phải hiểu được giá trị của lao động và học cách lao động.

Trân trọng, biết ơn người lao động

Sản phẩm vật chất hay tinh thần không có sẵn mà do con người vất vả làm ra. Không chỉ hiểu được sự cần thiết và giá trị của lao động, chúng ta cũng phải học cách trân trọng và biết ơn những người đã tạo ra thành quả.

Đó là thế hệ cha ông đã không quản khó nhọc, vất vả tập trung sản xuất để từng bước khôi phục, xây dựng, phát triển đất nước sau hòa bình. Là những con người không ngại góp sức, góp tiền của (cũng chính là công sức lao động)…  làm giàu, làm đẹp cho quê hương. Là ông bà, cha mẹ, anh chị…, những người đã làm lụng vất vả để cho chúng ta một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì? 3
Những người chăm chỉ lao động, tạo ra thành quả từ đôi bàn tay của mình đều đáng được trân trọng - Ảnh: Pixabay

Như vậy, thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” không chỉ tái hiện bức tranh hiện thực vất vả, nhọc nhằn của người lao động mà còn nhắc nhở mỗi cá nhân trân trọng người đã tạo ra thành quả cho cuộc sống.

Cân bằng công việc với cuộc sống

Xưa, thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” thường được dùng để chỉ sự vất vả, khó nhọc của người nông dân trong lao động sản xuất. Nay, câu thành ngữ này vẫn được sử dụng để diễn tả sự bận rộn, vất vả của con người nhưng ý nghĩa đã được mở rộng hơn.

Không còn gói gọn trong những công việc lao động chân tay, “Đầu tắt mặt tối” được dùng cho cả những công việc lao động trí óc và dùng để chỉ nhiều đối tượng khác nhau. Ví như nói về người phụ nữ bận rộn với việc nhà, “việc nước” mà chẳng có thời gian dành cho bản thân, người ta có thể dùng “Đầu tắt mặt tối” để hình dung. Nói đến giai đoạn học sinh vì chuẩn bị cho kỳ thi cam go mà tăng tốc học thêm, giải đề, thi thử… thành ngữ “Đầu tắt mặt tối’ cũng là một cách diễn ra rất phù hợp. 

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì? 4
Chăm chỉ làm việc nhưng đừng quên cân bằng công việc với cuộc sống nếu bạn muốn sống trọn vẹn và ý nghĩa - Ảnh: Pixabay

Trong nhịp sống hiện đại, trong thời đại mà chỉ cần ngoảnh mặt một cái, mọi thứ đều có thể thay đổi một cách nhanh chóng con người dường như dễ bị cuốn vào công việc hơn. Dưới cái nhìn tích cực “Đầu tắt mặt tối” có thể giúp bạn nhanh chóng mài giũa, phát triển, khẳng định bản thân. Nhưng khi đó, quỹ thời gian dành cho chính mình, cho gia đình cũng như các mối quan hệ khác sẽ bị thu hẹp lại. Đây chính là cái “mất” để đổi lại cái “được”.

Người ta thường nói rằng một đời quá dài, nếu chỉ mải miết đuổi theo công việc, cuộc sống của bạn liệu có ý nghĩa và hạnh phúc? Cuộc sống không chỉ có công việc. Con người cũng cần được nghỉ ngơi, cần có nguồn cảm hứng, động lực mới có thể duy trì niềm vui, sự nhiệt huyết đối với những gì mình đang làm

Cho nên, suốt ngày “Đầu tắt mặt tối” không phải là lựa chọn tốt. Cân bằng công việc với cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý, hết mình với mục tiêu nhưng cũng không quên quan tâm bản thân, gia đình, bạn bè… mới là cách để sống trọn vui, sống trọn vẹn và tích cực.

Xem thêm:
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về lao động sản xuất
45 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng, kiên trì
Ca dao tục ngữ về lười biếng - Đầu đời biếng nhác, cuối đời bết bát!

Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lao động sản xuất

Trong chùm ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lao động sản xuất, ngoài "Đầu tắt mặt tối" còn khá nhiều câu thành ngữ, tục ngữ diễn tả sự vất vả, khó nhọc của người xưa. Dưới đây là một số ví dụ do VOH tổng hợp. Mong rằng chúng có thể giúp bạn hình dung được một phần cuộc sống của thể hệ trước để thêm trân trọng cuộc sống hiện tại và phát huy truyền thống cần cù, chăm chỉ của dân tộc.

Thành ngữ, tục ngữ chỉ sự vất vả, khó nhọc trong lao động sản xuất 

1. Đâm sấp dập ngửa

2. Ăn đất nằm sương

3. Ăn no vác nặng

4. Mồ hôi nước mắt

5. Buôn gánh bán bưng

6. Một cổ hai tròng

7. Một nắng hai sương

8. Chân lấm tay bùn

9. Cổ cày vai bừa

10. Nằm sương gối đất

11. Nằng dầu mưa dãi

12. Dãi gió dầm mưa

13. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

14. Tắm gió gội sương

15. Vài gánh tay cuốc

16. Lặn ngòi, ngoi nước

17. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

18. Sống ngâm da, chết ngâm sương

19. Tha cày cuốc góc, nghỉ nhọc chăn trâu

20. Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng

21. Làm ruộng tháng năm, coi tằm tháng mười

22. Một đồng kiếm nát đồng cỏ, hai đồng kiếm đỏ con mắt

Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì? 5

Ca dao về lao động sản xuất

1. Vì tằm, em phải chạy dâu

Vì chồng, em phải qua cầu đắng cay.

2. Trời xanh muối trắng cát vàng

Thứ gì cũng đẹp riêng nàng lầm than.

3. Ai đem em đến chốn này

Thức khuya dậy sớm mắt cay như gừng.

4. Em tham nơi quần rộng áo dài

Nên em phải vác hai vai hai cày

Em về em lấy anh đây

Hai vai hai cày anh lại vác cho.

5. Cái cò lặn lội bờ sông

Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Bãi xa sông rộng sóng to

Vì lo cái bụng đi mò cái ăn.

6. Cái cò cái vạc cái nông

Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?

Không, không! Tôi đứng trên bờ

Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi

Chẳng tin ông đứng ông coi

Mẹ con nhà nó còn ngồi đấy kia.

7. Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần.

8. Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.

9. Trâu ơi, ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

10. Chồng em đi kéo ngao ngoài biển,

Đêm khuya, trời phất phưởng ngọn gió đông

Da thời lạnh ngắt như đồng,

Tay bồng con dại, cám cảnh cho chồng lắm thay!

11. Ruộng đầm nước cả bùn sâu,

Suốt ngày anh với con trâu cày bừa.

12. Sông sâu mà biển cũng sâu

Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài.

13. Xuống bàu bắt ốc, hái rau

Bắn bông, kéo vải tôi giàu hơn cô.

14. Ví dầu quần áo tả tơi

Một sương hai nắng mà thảnh thơi trong lòng.

15. Tay ôm bó mạ xuống đồng

Nửa dạ thương chồng, nửa dạ thương con

Mạ non như thể trăng tròn

Ruộng sâu như thể tình con nghĩa chồng.

16. Một bên quần rộng áo dài

Một bên cày cấy lấy khoai đổ bồ

Hai bên em chuộng bên mô?

Hai bên em chuộng bên bồ khoai lang.

17. Ai đi kéo gỗ qua đồi

Về cho sớm sớm kẻo trời đổ mưa

Ai kia má đỏ hồng hồng

Để cho anh thấy đem lòng nhớ thương.

18. Bảo nhau gặt lúa vội vàng

Mang về nhặt, suốt, luận bàn thóc dôi

Người thì nhóm bếp bắc nồi

Người đem đãi thóc để rồi đi rang

Người đứng cối, kẻ giần sàng

Nghe canh gà gáy phàn nàn chửa xong

Trong làng già trẻ thong dong

Sớm khuya bện chổi chớ hòng rỗi tay.

19. Nửa trưa ăn bữa cơm đồng

Xế chiều anh lượm, anh gồng anh mang

Đôi ta rảo bước nhẹ nhàng

Cánh đồng phơ phới như hàng cò bay.

20. Canh nông, sớm tối ngoài đồng

Suốt ngày cặm cụi, chổng mông lên trời

Bữa ăn như bữa vét nồi

Đói cào đói rã, mồ hôi ướt đầm

Sống gì sống tối sống tăm

Khổ ngày khổ tháng khổ năm khổ đời

Bắc thang lên hỏi Phật Trời

Cớ sao lại để kiếp người đắng cay.

Qua việc tìm hiểu thành ngữ “Đầu tắt mặt tối” nghĩa là gì, chúng ta có thể tự rút ra cho bản thân một số bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Ấy là hiểu được giá trị của lao động, trân trọng thành quả lao động cũng như mỗi người người lao động. Đặc biệt là noi theo tấm gương chăm chỉ, cần cù của ông cha, không ngừng nỗ lực, cố gắng nhưng cũng không quên cân bằng cuộc sống.

Cùng VOH cập nhật những kiến thức mới, những thông tin thú vị, hấp dẫn tại chuyên mục Sống đẹp.

Bình luận