Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho"

VOH - "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta về tinh thần tự giác lao động, làm việc chăm chỉ.

"Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" là câu tục ngữ khuyên nhủ mọi người làm việc chăm chỉ, tự lập, tự lực để nuôi bản thân hay rộng hơn là hoàn thành mục tiêu. Cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn về câu tục ngữ này qua bài viết dưới đây nhé.

Giải thích câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho"

Nghe qua câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" có lẽ ai cũng hiểu được ý nghĩa chứa đựng trong đó. Ấy là con người ta phải bắt tay vào làm, phải lao động thì mới có cái để ăn, mới có thể nuôi sống bản thân. Sẽ không có ai tự động đem đồ ăn đến cho bạn, phục vụ bạn vì vậy hãy dựa vào bản thân, đừng nhờ vả, trông chờ, dựa dẫm vào người khác.

Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 1
Phải lao động thì mới có cái ăn - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, hiểu rộng ra, "phần" để "ăn" không chỉ đơn giản là cơm, là cái ăn bình thường mà còn là thành quả, thành tựu, mục tiêu mà bạn muốn có được, muốn hướng đến. Còn "làm" chính là sự nỗ lực, cố gắng, là tâm huyết của bạn chứ không chỉ đơn giản là việc lao động tay chân.

Ý nghĩa sâu xa mà ông cha ta gửi gắm trong câu tục ngữ này chính là khuyến khích sự siêng năng, tinh thần hăng say lao động, tự lập, tự chủ. Muốn ăn "quả ngọt" bạn phải đổ mồ hôi, công sức, không có ai đem thành quả đến cho bạn ngoài chính bản thân bạn nên  đừng lười biếng.

Xem thêm:
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về lao động sản xuất
Tục ngữ ‘Muốn ăn thì lăn vào bếp’ nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Nước lã mà vã nên hồ' nói về đức tính nào?

Câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" khuyên chúng ta điều gì?

"Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" là một lời nhắn nhủ mà ông cha ta để lại cho con cháu của mình. Câu tục ngữ không chỉ đặc biệt phù hợp với thời kỳ cần lao động, gây dựng đất nước mà đúng với cả xã hội hiện đại ngày nay hay thậm chí là mãi về sau.

Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 2
Cha ông ta luôn đề cao tinh thần lao động

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, câu tục ngữ trên đề cao tinh thần lao động làm việc để tạo ra của cải vật chất, tạo nên những giá trị có ích cho cuộc sống. Nếu chúng ta lao động chăm chỉ, chúng ta sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời khiến con cái hay thế hệ sau có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong xã hội hiện đại ngày nay cũng như vậy. Đừng đòi hỏi có được thành công hay có được tiền bạc cũng đừng than vãn rằng bạn không có gì để làm. Công việc luôn có, cơ hội luôn rất rộng mở, ai cũng có thể tìm được cho mình vị trí phù hợp. Chỉ là bạn có chịu làm, có chăm chỉ và tự mình nỗ lực hay không mà thôi.

Dù là việc tay chân hay việc liên quan đến trí óc thì lao động chân chính, tự nuôi sống bản thân là cách giúp con người ta trưởng thành và khiến người khác nể phục. Đương nhiên, khi đạt được thành quả bằng chính sức lao động của mình thì bạn cũng biết trân quý, hiểu được giá trị của “trái ngọt và có quyền tự hào về bản thân. Nghề nghiệp không phân sang - hèn, lao động chính là vinh quang.

Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 3
Lười lao động mà vẫn muốn có ăn dễ mắc phải những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội thậm chí là vi phạm pháp luật - Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, "không dưng ai dễ đem phần đến cho" cũng là một cách phê bình, mỉa mai những người có tư tưởng lười lao động, chỉ muốn ngồi “há miệng chờ sung”. Khi không chịu lao động mà vẫn muốn có cơm ăn, muốn được hưởng thành quả chúng ta sẽ rất dễ bị những suy nghĩ sai lệch chi phối. Cuối cùng dẫn đến những hành vi như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo… để lại hậu quả đáng tiếc.

Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về sự siêng năng, chăm chỉ 

Nói về sự siêng năng chăm chỉ làm việc, ông cha ta có rất nhiều câu nói hay để động viên khuyến khích chúng ta. Sau đây là một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng tiêu biểu trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam.

Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 4
Chỉ có siêng năng chăm chỉ lao động thì mới đạt được thành quả - Ảnh: Internet
  1. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
  2. Muốn ăn thì lăn vào bếp.
  3. Hay làm đắp ấm vào thân.
  4. Kiến tha lâu đầy tổ.
  5. Hay lam hay làm.
  6. Cần cù bù thông minh.
  7. Cày sâu cuốc bẫm.
  8. Chịu thương, chịu khó.
  9. Đắp đập be bờ.
Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 5
Chăm chỉ làm việc rồi cũng sẽ có ngày bạn có của ăn của để
  1. Trời nào có phụ ai đâu
    Hay làm thì giàu có chí thì nên.
  2. Ai ơi sớm tối chuyên cần
    Cày sâu cuốc bẫm có phần về sau.
  3. Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
    Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
  4. Chăm làm vàng đống vàng mười
    Ai chăm gánh nặng ai lười trắng tay.

Xem thêm:
Giải thích câu tục ngữ ‘Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ "Năng nhặt chặt bị" khuyên chúng ta điều gì?
45 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tính siêng năng, kiên trì

Những câu nói hay về lao động, sản xuất

Ngoài câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho", muốn nhắc nhở mọi người bạn còn có thể tham khảo những câu nói hay về lao động đến từ các danh nhân trên thế giới.

Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 6
Câu nói hay về tinh thần lao động
  1. Người lao động chăm chỉ không bao giờ phải tuyệt vọng, bởi bạn sẽ có được tất cả mọi thứ nhờ hai điều: chăm chỉ và lao động. (Menander)
  2. Thành công không ngẫu nhiên mà đến, đó là sự chăm chỉ, kiên trì, không ngừng nghiên cứu, và quan trọng nhất là tình yêu đối với việc mình đang làm. (Pelé)
  3. Kiên nhẫn, bền bỉ và lao động là sự kết hợp hoàn hảo giúp bạn luôn thành công, không bao giờ bị đánh bại. (Napoleon Hill)
  4. Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi. (Thomas Edison)
  5. Mong muốn có được thành công mà không làm việc chăm chỉ cũng giống như cố gắng thu hoạch khi chưa hề gieo trồng. (David Bly)
Giải thích câu tục ngữ 'Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho' 7
Lao động là vinh quang
  1. Không chăm chỉ lao động, sẽ chẳng có gì mọc ngoài cỏ dại. (Gordon B. Hinckley)
  2. Tôi chưa bao giờ vô tình làm điều gì, cũng không có phát minh nào của tôi đến từ sự vô tình, chúng đến từ lao động. (Thomas Edison)
  3. Hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười, chuẩn bị khi người khác chơi, và đạt được giấc mơ khi người khác chỉ có thể ao ước. (William Arthur Ward)
  4. Công việc giúp chúng ta tránh xa khỏi 3 tệ nạn lớn: chán nản, thói hư tật xấu và sự thiếu thốn. (Voltaire)
  5. Người nghệ sĩ sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi tài năng, nhưng tài năng sẽ chẳng là gì nếu không làm việc. (Emile Zola)

Hy vọng với phần giải thích về câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn không dưng ai dễ đem phần đến cho" bạn đã hiểu hơn về đạo lý này cũng như rút ra được bài học cho bản thân.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.