Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trưởng thành là gì? Biểu hiện của sự trưởng thành trong tình yêu và cuộc sống

(VOH) - Sự trưởng thành là một chủ đề xuất hiện rất nhiều và được quan tâm trong đời sống hằng ngày. Vậy bạn đã thực sự hiểu trưởng thành là gì chưa?

Trong công cuộc đi tìm chính mình, sự trưởng thành là một vấn đề, một khái niệm, một khía cạnh đáng được quan tâm. Vậy trưởng thành là gì? Thế giới của người trưởng thành trông như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

1. Trưởng thành là gì?

“Nói chuyện trưởng thành lên một chút đi” hay “khi nào thì mới chịu trưởng thành vậy?!” là những câu nói vô cùng quen thuộc mà chúng ta nghe được rất thường xuyên trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, thậm chí dạo một vòng các trang mạng xã hội thì những câu nói mang ý nghĩa tương tự cũng không hề ít. Nói thì như vậy, nhưng thật sự rất ít người có thể hình dung và hiểu được trưởng thành là như thế nào?

Trưởng thành theo quan điểm của người xưa chính là việc một người sinh ra và lớn lên với một thân thể khỏe mạnh. Thế nhưng, khi xét trong tâm lý học, một người được xem là trưởng thành khi có khả năng thích ứng được với môi trường xã hội, nhận thức được thời gian và địa điểm chính xác, từ đó có những cư xử đúng mực và biết được khi nào nên làm gì, dựa vào hoàn cảnh và phụ thuộc vào nền văn hóa xã hội đang sống.

Như vậy, khái niệm trưởng thành ngày nay sử dụng không chỉ là sự lớn lên về thể xác mà còn là sự chín chắn trong nhận thức, suy nghĩ và hành động.

Trong tiếng anh, tính từ mature có nghĩa là trưởng thành. Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng những cụm động từ khác để đề cập đến sự trưởng thành như to come of age, to grow up, to reach adulthood, be grown-up.

2. Biểu hiện của sự trưởng thành là gì?

Chúng ta không nên nhìn vào một người đàn ông 40 tuổi và nói anh ta đã “trưởng thành”, cũng như không thể đánh giá một người còn “trẻ con” chỉ vì họ chỉ mới 17 tuổi. Bởi trưởng thành không phải là một điểm đến, nó là một hành trình để chúng ta trải nghiệm, từ đó thu về những kinh nghiệm sống cho bản thân mình.

Nếu muốn nhận định một người có chín chắn, trưởng thành hay không, bạn có thể dựa vào những biểu hiện dưới đây:

2.1. Trưởng thành trong tác phong và thái độ: chững chạc và điềm tĩnh 

Đây là yếu tố đầu tiên và dễ thấy nhất để đánh giá một con người. Ở giai đoạn trưởng thành, con người ta thường hướng tới những trang phục giản dị, gọn gàng. Cũng dễ hiểu, họ còn nhiều điều phải lo toan, nhiều mối bận tâm khác ngoài việc ăn mặc. Không chỉ thế, sự gọn gàng đứng đắn ấy còn nói lên tích cách con người: chững chạc và chỉn chu.

Đi cùng với trang phục là tác phong. Người trưởng thành luôn có phong thái nhã nhặn, cư xử chuẩn mực. “Con người càng lớn lên, cái tôi càng phải nhỏ lại”. Khi ấy những suy nghĩ bản ích kỷ, mang tính bản năng nhường chỗ cho sự khôn khéo, cho một hình tượng, một con người đẹp.

2.2. Trưởng thành là độc lập và mạnh mẽ

Sự trưởng thành khiến con người ta trở nên đơn độc nhưng lại mạnh mẽ. Khi ấy, một cuộc sống tự lập là điều bắt buộc. Bởi trưởng thành là giai đoạn phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn trong cuộc đời. Việc tự chủ, không phụ thuộc vào bất kỳ ai trong cuộc sống giúp chúng ta có được sự bền bỉ, tự duy nhạy bén, khả năng làm việc độc lập và cuộc sống chủ động tự do.

Xem thêm: Hiểu biết về bản ngã trong Phật giáo để biết cái tôi là tốt hay xấu

Trưởng thành là gì? Người trưởng thành sẽ như thế nào? 1
Trưởng thành là sống có trách nhiệm

2.3. Trưởng thành là sống có trách nhiệm

Thật vậy, con người ta càng lớn, trách nhiệm trên vai càng lớn. Bước sang tuổi 18, mỗi đứa trẻ chính thức trở thành một công dân, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. Khi ấy con người có nghĩa vụ, trách nhiệm với chính bản thân, với tương lai và cuộc sống của mình.

Không chỉ vậy, trưởng thành còn là khi bạn biết sống vì người khác. Bên cạnh nghĩa vụ với bản thân, người trưởng thành còn phải thực hiện nghĩa vụ với mọi người. Họ phải gánh trên vai một gia đình, nuôi mẹ già, chăm con nhỏ; họ phải đi nghĩa vụ và bảo vệ tổ quốc,.... Khi ấy, lợi ích cá nhân phải đặt sau lợi ích cộng đồng.

2.4. Trưởng thành là khi ta biết được giới hạn của bản thân

Sự trưởng thành trong nhận thức còn là khi bạn biết mình là ai giữa cuộc sống này, tự ý thức được giới hạn của bản thân mình. Trưởng thành không có nghĩa là không được mơ và mơ lớn, những ước mơ của người trưởng thành phải thực tế, có cơ sở và có mục đích rõ ràng.

2.5. Trưởng thành là biết rút ra bài học

Càng trưởng thành, con người ta càng có nhiều trải nghiệm, có quả ngọt và cả trái đắng. Khi đó, việc đứng lên sau vấp ngã là cơ sở của sự trưởng thành. Chính sự mài dũa rèn luyện, rút ra kinh nghiệm từ thất bại, chúng ta mới có được bài học cuộc sống cho riêng mình.

Xem thêm: Đã bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi bản thân: "Ý nghĩa cuộc sống là gì?" hay "Mình sống để làm gì" chưa?

2.6. Khi tưởng thành, con người bắt đầu biết hoài niệm, tiếc nuối và trân trọng

Càng lớn lên nhiều, chúng ta càng mất đi nhiều: sự bao bọc, sự hồn nhiên, sự ngây thơ, tình cảm, thậm chí là cả những người thân. Khi ấy, chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng và trân trọng những thứ mình đang có, tiếc nuối về những thứ đã qua. 

Trưởng thành là khi con người bắt đầu biết hoài niệm về những kỷ niệm tuổi thơ, nhớ về bản thân của một thời trèo cây bẻ quả, dầm mưa tắm nắng,hay nhớ về thời áo trắng có một người áo trắng gieo lại trong lòng bạn những tình cảm đầu tiên.

Trưởng thành là khi con người biết thứ mình đang có đây là quý giá: cha mẹ, người thân, bạn bè và một cuộc sống bình yên. Bởi không có gì là mãi mãi, ai rồi cũng sẽ phải mất đi. Vì thế người trưởng thành không chỉ hoài niệm quá khứ, hướng đến tương lai mà còn sống cho cuộc sống thực tại.

2.7. Người trưởng thành luôn biết kiểm soát cảm xúc và nghĩ đến cảm xúc của người khác

Cùng với tự lập, trách nhiệm, trân trọng, người trưởng thành còn có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân và đồng cảm với cảm xúc người khác. Bởi trưởng thành là khi con người qua đã trải qua biết bao sóng gió, đứng ở bao vị trí và gánh trên vai nhiều trách nhiệm khác nhau. Do đó, người trưởng thành luôn đồng cảm, luôn đặt chính mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu và sẻ chia. 

2.8. Trưởng thành trong tình yêu là tôn trọng và tha thứ

Người trưởng thành lấy “dĩ hòa” làm “quý”, lấy sự hòa thuận đặt lên hàng đầu. Trong cuộc sống hàng ngày, họ tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Đối diện với vấn đề, họ ngồi xuống nói chuyện để thấu hiểu nhau thay vì cãi vã. 

Đối với tình yêu, một người trưởng thành họ sẽ không phải học cách yêu mà học cách không đánh mất tình yêu. Những người trưởng thành yêu nhau họ luôn trân trọng và vun vén cho tình yêu, tuyệt không để mối quan hệ phải đi vào góc chết.

Không những thế, tình yêu trưởng thành là tình yêu có kế hoạch. Con người lúc bấy giờ đã đi hết quá nửa thanh xuân, không còn nhiều thời gian để tiếp tục thử và sai lầm. Vì thế tình yêu ở đây đã được lựa chọn bằng tình cảm và cả lý trí, là mối quan hệ rõ ràng, có định hướng để đi đến cái đích sau cùng là hôn nhân.

Xem thêm: Vì sao cần sống bao dung độ lượng với mọi người trên đời?

Trưởng thành là gì? Người trưởng thành sẽ như thế nào? 2
Trưởng thành trong tình yêu là tôn trọng và tha thứ.

3. Vì sao con người phải trưởng thành?

Bản chất của cuộc sống là không ngừng vận động. Con người phải lớn lên, phải trải qua sinh - lão - bệnh - tử là một quy luật tất yếu. Vì thế ai rồi cũng sẽ trưởng thành, cả về thể chất lẫn trí tuệ. 

Trong hành trình cuộc sống, con người bắt buộc phải trưởng thành vì trưởng thành mang lại đôi cánh, cho ta bay trên bầu trời tự do; trưởng thành mang lại trải nghiệm, cho ta hiểu ý nghĩa của cuộc sống…Có trưởng thành, con người mới thực sự được sinh ra. 

Trưởng thành là gì? Người trưởng thành sẽ như thế nào? 3
Vận động là quy luật của cuộc sống     

Đoạn đường trưởng thành của mỗi người là một hành trình dài, mà trên hành trình ấy có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, có cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Nhiều người sợ trưởng thành, nhưng trưởng thành thật sự không đáng sợ.

Ai rồi cũng sẽ phải lớn lên và chỉ khi lớn, bạn mới có thể khám phá ra con người và những tiềm năng ẩn chứa bên trong mình.  Mặc dù hành trình trưởng thành luôn gắn liền sự cô đơn, nhưng vì thế bạn lại càng học được cách yêu thương bản thân mình. Và bởi sự trưởng thành có thể khiến bạn sẽ vấp ngã, nhưng cũng nhờ nó bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn giữa cuộc đời.

Nếu như chính sự trưởng thành lấy đây của bạn quá nhiều sự hồn nhiên, vô tư, những năm tháng tươi đẹp,… thì nó cũng sẽ trả lại cho bạn những món quà đặc biệt. Những món quà đó là gì? Bạn sẽ tìm được đáp án trên chính hành trình mà bạn đang đi!.

Tóm lại có thể hiểu trưởng thành là lớn lên- không chỉ về thể chất mà còn nằm ở thái độ sống, quan điểm sống, mối quan hệ với cộng đồng. Trưởng thành cần thiết, nhưng mỗi người cũng cần giữ lại cho mình một chút ngây thơ thời trẻ dại, bởi trưởng thành làm gì quá sớm, để rồi mất đi quá nhanh?!

Xem thêm: Vai trò của đạo đức trong xã hội hiện đại là gì?

4. Muốn trưởng thành phải làm sao?

Trưởng thành là một quá trình dày công tập luyện, không phải ngày một ngày hai là có. Vì thế mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ, hãy ý thức về sự trưởng thành của mình ngay từ bây giờ. 

Để trưởng thành, trước hết chúng ta nên học cách điều tiết cảm xúc, kiểm soát cơn nóng giận. Bởi lẽ bức xúc và chỉ trích không phải là cách để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, hãy dùng một trái tim trưởng thành để yêu thương và thấu hiểu, có như vậy những mối quan hệ cũng trở nên bền vững hơn.

Không những thế, chúng ta cũng cần đặt niềm kỳ vọng nhiều hơn vào bản thân mình, thay vì trông chờ từ người khác. Bởi lòng người không phải nơi an toàn để tin tưởng, đặc biệt là người dưng nước lã. Ngược lại, hãy dùng chính năng lực của mình để tạo nên cuộc sống cho riêng mình, có như vậy, con người mới thực sự trưởng thành.

Cuối cùng, để trở nên trưởng thành, hãy giữ cho mình một tâm lý vững vàng trong cuộc sống. Bởi mọi việc nhiều khi không như ta ước muốn, trách móc và so sánh chỉ tăng thêm sự khổ đau cho tâm hồn. Vậy nên khi không thể thay đổi nghịch cảnh, hãy học cách thích nghi. Đó là cách người trưởng thành đối mặt với cuộc sống.

Thật khó để có thể nó rõ trưởng thành chính xác là như thế nào, bởi nó không được thể hiện thông qua tuổi tác, ngoại hình hay giới tính… mà chỉ là qua những lời nói, hành động, cách suy nghĩ của mỗi người đối với cuộc sống. Tuy vậy, trưởng thành lại đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người. Vì thế bất kỳ ai trong chúng ta cũng nên ý thức và rèn luyện sự trưởng thành của bản thân mỗi ngày.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận