Chúng ta từ khi sinh ra đã mang trong mình bản ngã, trải qua quá trình trưởng thành với điều kiện sống và giáo dục khác nhau. Bản ngã của mỗi người có phần khác biệt và dần hình thành nên những tính cách riêng.
1. Bản ngã là gì?
Bản ngã là khái niệm chúng ta thực sự nên tìm hiểu rõ để trút bỏ áp lực trong tâm trí và hưởng trọn vẹn những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Vậy bản ngã là gì?
Theo từ điển Hán Việt, bản ngã được định nghĩa:
- Bản: là Bổn (本)
- Ngã: là Tôi (我)
- Bản ngã có nghĩa là chính tôi, chính bản thân mình (本我)
Hay bản ngã hiểu ngắn gọn chính là ‘cái tôi” của mỗi người, ám chỉ tính cách hay ý thức riêng biệt. Đồng thời, bản ngã giống như sợi dây vô hình liên kết những ham muốn vô thức với tiêu chuẩn nhân cách của xã hội.
Bạn đã từng nghe qua những câu nói chỉ trích: “Tại sao cái tôi anh cao thế?”, hay lời cảm thán như: “Cái tôi của bạn cao hơn quả núi đấy”, “Bạn làm ơn có thể hạ cái tôi của mình xuống đi!”. Bởi tất cả chúng ta đều đặt bản thân lên hàng đầu, xem mình là “cái rốn” của vũ trụ, và muốn mọi người xem trọng.
Như vậy, bản ngã được định nghĩa là lý tưởng, niềm tin, hay quan niệm cho rằng bản thân mình là một cá thể “độc nhất vô nhị”, và độc lập trong cuộc đời. Đồng thời, luôn tự chịu trách nhiệm cho những việc làm và hành vi của bản thân.
Sống với bản ngã là sống với cái tôi của mình, liên tục phát triển cái tôi đó lớn lên theo thời gian nhằm khẳng định bản thân. Trong Phật giáo, một khi bản ngã càng lớn sẽ khiến bản thân ngày càng mệt mỏi, sinh ra nhiều sai lầm. Ngoài ra còn vô tình tạo ra cảm xúc tiêu cực, khó chịu cho những người xung quanh.
Xem thêm: Cái tôi là gì ? Bí quyết để nắm chắc thành công và hạnh phúc trong tay là biết hạ thấp cái tôi
2. Cơ chế hoạt động bản ngã con người như thế nào?
Bản ngã cũng hoạt động theo một cơ chế thống nhất: từ kiểm soát đến xây dựng và duy trì, cuối cùng là phản chiếu. Sau đó quay ngược lại vòng lặp từ đầu.
2.1 Kiểm soát
Bản ngã tự động hóa bản thân vào tất cả những gì nó tin rằng nó đang kiểm soát. Giống như việc bạn đang điều khiển và kiểm soát tâm trí của mình cũng được gọi là một phần của bản ngã.
2.2 Xây dựng và duy trì
Bản ngã muốn bảo vệ những gì nó kiểm soát, song song đó là không ngừng mở rộng chúng. Bởi, bản chất thực sự của bản ngã là tạm bợ và không có thực, nên nó luôn muốn kiểm soát nhiều thứ nhất có thể.
Đây cũng chính là lý do giải thích cho câu hỏi “Vì sao người luôn sở hữu lòng tham vô đáy về quyền lực, tiền tài?”. Bởi nó cho ta cảm giác được nắm quyền như một vị vua xếp trên vạn người. Đối với bản ngã, sự mất kiểm soát tương tự như việc chết đi.
2.3 Phản chiếu
Bản ngã không có khả năng tự nhìn nhận, đánh giá chính mình. Lấy ví dụ như bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy khuôn mặt để mình xinh đẹp, hay xấu xí bằng cách soi gương.
Do vậy, bản ngã đã hình thành nên vô số bản ngã khác nhau và những cá thể riêng lẻ. Từ đó, bản ngã sẽ tự phản chiếu bản thân thông qua những lời nhận xét, đánh giá từ mọi người xung quanh.
Ví dụ: Phía sau những bộ đồ đắt tiền, và lớp trang điểm “dày cộm” trên khuôn mặt luôn ẩn theo thông điệp: “Hãy chú ý và khen tôi đi. Bạn hãy nói rằng tôi đẹp, tôi giàu có và tôi đang rất hạnh phúc”.
Bản ngã càng cảm thấy chân thực khi nhận được nhiều sự chú ý và phản chiếu từ mọi người.
Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay
3. Liệu một người có thể tồn tại nhiều bản ngã khác nhau?
Đi tìm bản ngã cuộc đời là điều mà hầu như ai trong chúng ta cũng đều đã được nghe qua. Thế nhưng, một người thực sự có bao nhiêu bản ngã?
Bản ngã không phải là một khái niệm bất biến. Giống như nhà triết học Aristotle từng nói “Chúng ta bản chất là những gì chúng ta thường xuyên làm”. Theo đó, thói quen sẽ tạo nên tính cách, khi thói quen được thay đổi thì tính cách cũng sẽ thay đổi. Cho nên, khi con người nhắm tới những mục tiêu khác nhau thì sẽ xuất hiện những bản ngã mới.
Không thể xác định chính xác một người tồn tại bao nhiêu bản ngã bởi nó chỉ là những lát cắt nhất thời, những thói quen bị dán nhãn tính cách, những tác động của các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, những vết hằn của hình ảnh thường xuyên diễn ra trong cuộc sống.
Bản ngã thúc giục nhiều người “lao đầu” vào danh lợi nhằm thỏa mãn cảm giác được kiểm soát và nắm mọi quyền lực trong tay. Muốn được mọi người quan tâm, chú ý đến mình và mong muốn người khác công nhận.
Chúng ta thường có xu hướng phát triển cái tôi lớn lên mỗi ngày, thay vì kiềm hãm nó lại. Để rồi ta ngày càng mệt mỏi và chênh vênh không biết mình cần gì và muốn gì.
Một số người cho rằng nếu thiếu đi “cái tôi” mọi việc trong cuộc sống sẽ trở nên “bình bình”. Tuy nhiên, sự cố gắng phát triển bản thân không đồng nghĩa với bản ngã hay “cái tôi” cá nhân. Chúng ta mỗi ngày đều phải làm việc, sinh hoạt và tận hưởng những điều tốt đẹp.
Vì vậy ta cần quên phần bản ngã hòa nhập với cộng đồng, để thấy giữa người và ta không có sự khác biệt, từ đó giúp ta có thể trở thành một người ung dung, tự tại.
4. Bí quyết để bạn vượt qua bản ngã của chính mình
Đi tìm bản ngã của chính mình là cuộc hành trình đòi hỏi sự thấu hiểu bản thân, nhận thức rõ: Tôi là ai?, Tôi muốn gì? và Tôi cần điều gì trong cuộc đời này? Mọi u sầu, tranh giành và gập ghềnh trong cuộc đời đa phần đều bắt nguồn từ chính suy nghĩ, nhận thức bên trong chúng ta.
Do đó, bạn cần học cách vượt qua bản ngã của chính mình và hướng đến những điều tích cực trong xã hội:
Đầu tiên, ta nên biết chấp nhận sự thật, hãy ngưng đổ lỗi cho số phận và oán than với đất trời. Việc oán trách không bao giờ thay đổi được những việc đã xảy ra. Thay vào đó, hãy thử tìm cơ hội cho bản thân từ những sai lầm hay điều kém may mắn ấy, rút ra bài học và biến đau thương thành động lực để phát triển mỗi ngày, vượt qua bản ngã của chính mình.
Tiếp theo, hãy sống hết mình và trọn vẹn với ngày hôm nay. Vì quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hiện tại mới chính là khoảng thời gian bạn cần trân trọng.
Cuối cùng bạn cần ngừng so sánh bản thân với người khác. Đặc biệt với những người tài giỏi hơn mình. Vì chúng ta chỉ nên nhìn vào họ để làm tấm gương để học hỏi và noi theo. Bởi sự so sánh không giúp bạn tốt hơn mà ngược lại còn khơi dậy “cái tôi” tiêu cực của mỗi cá nhân.
Mỗi người sinh ra đều có thế mạnh riêng, không ai giống nhau. Có thể bạn không xinh đẹp nhưng bạn dễ thương, tính cách hiền hòa. Hay bạn không phải người phụ nữ của công việc nhưng lại là người vợ thủy chung và hậu phương vững chắc cho chồng.
Bernard Shaw từng nói rằng: “Cuộc sống không phải là hành trình tìm kiếm bản ngã, mà là kiến tạo một bản ngã mới”. Quả thật, không có việc gì chúng ta không thể thay đổi, chỉ là “muốn hay không” mà thôi. Để nhận biết và vượt qua bản ngã cần hành trình kiên trì và sự cố gắng tự thân.
Theo triết lý Phật giáo, cuộc sống này là vô thường, những thứ có được rồi cũng sẽ tan biến. Vậy tại sao chúng ta hàng ngày phải đắm chìm trong bản ngã vô hình cùng với những khổ đau, tranh giành? Mà không hướng đến tình yêu thương, đời sống bình yên, hạnh phúc và được là chính mình trong cuộc đời này.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet