Mục lục
Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe những câu nói như “đời là vô thường” hay “cuộc sống vô thường”. Vậy vô thường là gì? Tại sao người ta hay nói rằng "cuộc sống vô thường nào biết đến ngày mai" với những nét đượm buồn trên khuôn mặt? Hãy cùng tìm hiểu những ý nghĩa sâu sắc ẩn sau hai chữ “vô thường” đơn giản này.
1. Vô thường là gì?
Vô thường là một từ Hán Việt, nghĩa là “không chắc chắn”, “không trường tồn”, “thay đổi”. Trong Đạo Phật, vô thường được biết đến là một trong ba tính chất của tất cả các sự vật trên thế gian theo Tam pháp Ấn, gồm: vô thường, khổ và vô ngã. Chính vì vậy, vô thường thường được gắn với các triết lí liên quan đến Phật giáo.
Từ “vô” có nghĩa là “không”, “không có thật”. Từ “thường” được hiểu theo nghĩa “bền vững”, “trường tồn”. Ghép lại với nhau, ta có cách hiểu đơn giản vô thường chính là “không bền vững”, “không trường tồn”.
Bên cạnh đó, vô thường cũng có mối tương quan với học thuyết vô ngã. Nguyên nhân gây ra sự không bất biến chính là do tham sân si của con người trong cuộc sống.
Vô thường được gắn liền với sự biến chuyển xoay vần xung quanh cuộc sống con người với đa chiều ý nghĩa như:
1.1 Cuộc sống vô thường
Cuộc sống được hiểu một cách cơ bản là tổng thể những hoạt động trong đời sống của con người hay xã hội. Cuộc sống vô thường có nghĩa là những hoạt động đời sống đang xảy ra quanh ta sẽ luôn luôn biến động, thay đổi, không có gì là nguyên vẹn như ta đang nhìn thấy.
“Cuộc sống vô thường nào ai biết trước được ngày mai”. Con người không thể kiểm soát hoàn toàn những sự việc xảy ra theo ý muốn của mình. Luôn có những điều bất ngờ ập tới, có thể là những điều tốt lành, lại cũng có thể là những tin tức xấu.
Việc gì đến cũng sẽ đến, đi cũng sẽ đi. Cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng quy luật “vô thường” của nó. Đời người luôn có những thay đổi, biến động không ngừng và không thể lường trước được. Không có gì là mãi mãi, không có gì là không bao giờ thay đổi. Chính vì thế, Phật luôn nói rằng đời là vô thường hay cuộc sống vô thường.
1.2 Nhân sinh vô thường
Nhân sinh có nghĩa là đời người. Vậy thành ngữ nhân sinh vô thường được hiểu là đời người luôn thay đổi, biến động, trong cuộc đời mỗi người không có gì là trường tồn vĩnh viễn.
Nhân sinh vô thường là đạo lý được đúc kết trong Phật giáo. Phật dạy rằng, đời người cũng như vạn vật, hình thành bởi nhân duyên, tồn tại theo quy luật mà bản thân không thể kiểm soát hay thay đổi được. Đó là thành - trụ - hoại - không hay sinh - lão - bệnh - tử. Đây là quy luật của vạn vật, mọi sự vật, hiện tượng hiện tại chỉ tồn tại một cách tạm bợ, không vĩnh cửu.
Đời người là một vòng luân hồi nên sinh lão bệnh tử là chuyện tất yếu xảy ra, chuyện được mất, tán tụ nên coi là lẽ thường, không nên nóng giận, thù oán. Đạo lý vô thường sẽ đi cùng con người suốt cả cuộc đời.
1.3 Thế sự vô thường
Thế sự có nghĩa là những hoàn cảnh, hiện tượng xã hội đang diễn ra quanh ta. Tương tự như nhân sinh vô thường, thế sự vô thường có nghĩa là hoàn cảnh xã hội hay những sự vật, hiện tượng quanh ta sẽ luôn thay đổi, không vĩnh cửu, không trường tồn.
Thật vậy, lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất của triết lý này, chứng minh một cách sâu sắc rằng không có gì là mãi mãi, vô thường tồn tại trong nội tại của vạn vật. Xã hội loài người đã trải qua biết bao thăng trầm, biến đổi từ xã hội nguyên thuỷ sơ khai đến chế độ phong kiến, nô lệ, rồi đến chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội ngày nay.
Bất cứ một điều gì tồn tại ở hiện tại đều không thể chắc chắn sẽ tồn tại vĩnh viễn. Từ những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, trong tương lai sẽ dần được cải tiến và biến đổi hơn. Hay như đời người, được sinh ra, lớn lên và già đi, không điều gì có thể thay đổi quy luật này.
1.4 Sống chết vô thường
Bởi lẽ cuộc sống vô thường và nhân sinh vô thường nên tất yếu, sự sống chết của con người cũng tuân theo quy luật đó, tức sự sống của con người sẽ không kéo dài mãi mãi, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Sự sống là vô cùng mong manh, dù là con người, động vật hay thực vật cũng đang miệt mài nỗ lực duy trì sự sống. Nhưng cái chết lại có thể đến bất cứ lúc nào, đôi khi chỉ xảy ra trong tích tắc mà ta không thể lường trước được.
1.5 Tâm vô thường
Vô thường có lẽ được nhìn thấy rõ nhất trong tâm trạng, cảm xúc của con người. Tâm vô thường là tâm trạng, cảm xúc luôn thay đổi, lúc vui lúc buồn, lúc mừng lúc giận với đủ loại cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Tâm của mỗi người đều chịu sự chi phối và tác động từ ngoại cảnh và có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Một giây trước, ta còn cảm thấy hạnh phúc tràn ngập, yêu đời nhưng giây sau khi nghe được một tin tức tồi tệ, tâm trạng ta lập tức thay đổi buồn bã, thất vọng hay đau đớn.
Chính vì vậy, hãy dần coi chuyện được mất, tán tụ là lẽ thường tình, không để những chuyện nhỏ bé là ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc. Cần nhìn sự vật, hiện tượng theo hướng tích cực để có những đánh giá khách quan và không để những điều tiêu cực ảnh hưởng đến bạn trong thời gian dài.
Xem thêm:
Hiểu biết về bản ngã trong Phật giáo để biết cái tôi là tốt hay xấu
Tìm hiểu về khái niệm karma nhân quả báo ứng trong cuộc sống
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về luật nhân quả
2. Ý nghĩa vô thường trong phật giáo
Vô thường là đặc tính của tính không hay tánh không - một khái niệm trung tâm của đạo Phật. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng có thể tồn tại được đều dựa trên sự tương tác, trao đổi và sẽ biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Không gì có thể tồn tại độc lập hoàn toàn.
Trong Kinh Đại bát Niết bàn, Kinh Trường bộ số 16, khi Đức Phật đã Niết bàn, Trời Đế Thích than rằng: “Các hành là vô thường, Có sanh phải có diệt. Ðã sanh, chúng phải diệt, Nhiếp chúng là an lạc”. Do đó, đến tận ngày nay, tại đám tang của những Phật tử theo Phật giáo nguyên thuỷ, lời nói trên vẫn được tụng đọc bằng tiếng Pali để nhắc nhở về bản chất phù du của cuộc đời, tức sự vô thường.
Vô thường chính là cốt lõi giáo lý của nhà Phật, đồng thời cũng là nền tảng của hai đặc tính khác của vạn vật thế gian là Khổ và Vô ngã. Hiểu được ba đặc tính này, con người sẽ đạt đến cảnh giới về sự giải thoát của tâm trí, từ đó mà một vị Phật đã ra đời.
3. Những tác động của vô thường trong cuộc sống
Vô thường tồn tại ở mọi khía cạnh cuộc sống, là quy luật không thể phá bỏ. Vậy nên, vô thường mang đến cho con người những bất ngờ không thể lường trước trong cuộc sống, có thể là niềm vui hạnh phúc hay đau khổ tột cùng.
Tâm vô thường nên lòng tin dễ giảm sút, dễ lung lay, lý trí, ý chí cũng dễ dàng thay đổi. Từ yêu thương nhưng gặp nghịch cảnh cũng dễ hoá thành oán giận, trách than. Từ bạn bè bỗng hóa kẻ thù chỉ trong chốc lát.
Thế sự vô thường nên tiền bạc, danh vọng,... đôi khi chỉ là trong thoáng chốc, dễ dàng mất đi vì nhiều nguyên nhân như chiến tranh, thiên tai,... Khi ra đời ta chẳng có một đồng, khi chết đi ta cũng chẳng có một đồng.
Nhân sinh vô thường nên sinh - tử là quy luật cuộc sống, con người không thể nắm chắc hoàn toàn sự sống của mình trong tay. Từ đó, những đau thương, day dứt, hối hận vì không trân trọng cuộc sống, trân trọng con người quanh ta sẽ hiện hữu.
Nhiều người cho rằng vô thường làm ta bi quan, không biết trân trọng và dễ dàng đánh mất những điều đáng quý. Tuy nhiên, nhìn nhận theo một khía cạnh khác, vô thường có lẽ chính là một sự cứu rỗi, là động lực cuộc sống và để ta biết trân trọng cuộc đời ngắn ngủi này.
Thử tưởng tượng, nếu vạn vật đều mãi mãi không thay đổi thì sao ta có được những trải nghiệm mới. Nếu đời người kéo dài mãi mãi sao ta biết trân trọng những người thương yêu hay trân trọng chính sức khoẻ của bản thân. Nếu ngày nào cũng là ngày mưa thì sao ta biết được ánh nắng tuyệt vời như thế nào.
Hôm nay là một ngày buồn bởi thế sự vô thường, nhưng sự vô thường ấy lại tạo cho ta nhiều bất ngờ vào ngày mai, khiến ta càng nỗ lực để phát triển bản thân, biết trân trọng những hạnh phúc, những điều quý giá ở hiện tại. Vô thường, là tốt hay xấu phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người.
Xem thêm:
6 cách nuôi dưỡng niềm tin trong cuộc sống
Top 15 quan điểm sống tích cực nhất mà bạn không thể bỏ qua
Đã bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi bản thân: "Ý nghĩa cuộc sống là gì?" hay "Mình sống để làm gì" chưa?
4. Làm sao để giác ngộ “vô thường” trong tâm thức mỗi người
Cuộc sống hối hả, xô bồ, con người thường chạy theo những hư vinh để rồi khi quay lại, chợt nhận ra thời gian đời người đã sắp cạn, tiền bạc, danh vọng ngoài kia chỉ là phù phiếm khi ta không còn trên cõi đời này.
Chính vì vậy, việc đầu tiên con người cần làm để giác ngộ “vô thường” là coi rằng “Danh vọng vẻ vang chỉ là quá khứ, tiền tài, chức tước chỉ là tạm thời với hiện tại”. Sức khỏe của bản thân là quan trọng nhất. Đó mới chính là cuộc sống của mình trong tương lai. Để từ đó ta biết quan tâm, chăm sóc sức khỏe của bản thân hơn.
Nhìn nhận và đánh giá cuộc sống dưới góc nhìn “vô thường” để thấm nhuần quy luật này, từ đó tránh tham, sân, si, không than thân trách phận, chuyện to hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không bởi sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tuỳ thuộc và sự thưởng thức nó ra sao. Thời gian sẽ là bài thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương.
Bên cạnh đó, cần tạo cho bản thân thói quen tự tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Hãy tốt bụng, biết quan tâm, chia sẻ và làm việc thiện vì những giá trị đạo đức tốt đẹp sẽ trường tồn với thời gian. Cho đi chính là nhận lại, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ bản thân mình.
Giác ngộ “vô thường” để trân trọng cuộc sống hiện tại, trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực hoàn thiện bản thân. Đời người ngắn ngủi, phải sống sao cho xứng đáng.
Hiểu vô thường là gì và những quy luật gắn liền với vô thường là hiểu hơn về xã hội, cuộc đời và nội tâm bản thân ta, giúp ta giảm bớt những đau khổ hay mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực. Vô thường tồn tại trong nội tại vạn vật, là những biến đổi không gì có thể thay đổi.
Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet