Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Karma là gì? Ý nghĩa của karma nhân quả báo ứng trong cuộc sống

(VOH) – Dân gian có câu 'nhân quả không chừa một ai' và khi tìm hiểu ‘karma là gì’ thì bạn sẽ càng hiểu rõ vì sao phải tự quay về với bản tính thiện lương để cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Cuộc đời mỗi người được viết nên bởi biết bao câu chuyện, từ quá khứ, đến hiện tại và cả ở tương lai. Nhưng điều quan trọng nhất cần được quan tâm chính là trân trọng từng giây phút đang diễn ra và gieo những “karma” tốt trong giới hạn có thể cho đi của bạn.

1. Karma là gì?

Karma xuất phát từ tiếng Phạn mang nghĩa là hành động có ý thức, có chủ đích. Trong Phật giáo, Karma mang ý nghĩa là nghiệp, là nguyên nhân dẫn tới quả báo.

karma-la-gi-voh-0

Nghiệp hay còn gọi là “karma” được gây ra từ chính những suy nghĩ, lời nói, hành vi của con người. Bất kì một cử chỉ, hành động nào đó mà hướng đến đối tượng cụ thể, với mục đích rõ ràng thì hành động ấy được gọi là nghiệp. Nghiệp có hai loại bao gồm nghiệp tốt và nghiệp xấu. Một nghiệp tốt sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai và ngược lại, nghiệp xấu sẽ mang về hậu quả là những đau khổ, bất hạnh. 

Karma được xem là cốt lõi của quy luật nhân quả trong đạo Phật, với mỗi tác động (nghiệp/nhân) của con người đối với xung quanh, trong điều kiện cụ thể sẽ tạo nên một quả/kết quả. Khi thời điểm đến, quả báo tương ứng sẽ quay trở lại người đã tạo ra nó. Vì vậy mà người Việt ta thường bảo nhau câu: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”.

Xem thêm: 'Giác ngộ' để cuộc đời an nhiên, hạnh phúc tự tìm đến!

2. Theo đạo Phât tại sao lại tồn tại nhân quả báo ứng?

Con người được sinh ra với bản chất lương thiện. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên dưới tác động của mọi thứ xung quanh, dần dần cuộc sống của mỗi người sẽ đi theo các chiều hướng khác nhau. Chính nghiệp lực “karma” đã kéo con người đến với những viễn cảnh và trải nghiệm riêng biệt. Từ đó mà có câu hỏi được đặt ra là “Tại sao lại tồn tại nhân quả báo ứng?”

Luật nhân quả nằm trong số những quy luật vận hành của vũ trụ. Bởi vậy, từ xưa đến nay, những ai có niềm tin vào luật nhân quả đều sẽ ghi nhớ câu nói: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Mỗi người khi gieo bất kì hạt giống “karma” nào cũng được nhận về kết quả tương ứng. 

Theo quy luật này, sự tồn tại của mỗi con người ở thời điểm hiện tại không chỉ là hiện thân trong một kiếp này mà còn liên quan ở nhiều kiếp khác. Bởi vậy, hoàn cảnh mỗi người không bao giờ là giống nhau. Có người giàu, có người nghèo, có người thì nhàn hạ, hoặc bi thương… Tất cả những gì đã được gieo từ kiếp trước sẽ hình thành nên đời sống cho kiếp này.

Nhân quả báo ứng tồn tại bởi vì con người phải chịu trách nhiệm trước những gì mình đã, đang và sẽ làm. Từ đó mà cuộc sống mới trở nên cân bằng, tốt đẹp, và yêu thương. 

Những kết quả được hình thành từ “karma” sẽ bao gồm ba loại như sau:

  • Hiện báo: là quả báo mà con người phải chịu trong đời sống hiện tại đối với những hành vi mà bản thân đã gây ra từ nhiều đời trước hoặc ở đời này.
  • Sinh báo: là quả báo con người phải chịu ở đời sau do hành động của mình đã làm trong đời này.
  • Hậu báo: là quả báo qua nhiều đời nhiều kiếp khi nào hội tụ đủ cơ duyên thì con người mới trả hết được.

Bởi vậy mà những hạt giống “karma” được gieo ở kiếp này có thể thành quả sớm hoặc muộn. Điều chúng ta cần nên làm ngay bây giờ là hãy nhớ quan sát suy nghĩ, hành động, lời nói có chủ ý của mình để điều chỉnh nó về với bản chất của sự lương thiện. Người sống thiện lương không nói những điều ác, không làm những điều trái với luân thường đạo lý của con người.

Xem thêm: Ý nghĩa của cách sống cống hiến là gì mà lại được xã hội trân trọng đến thế?

3. Cùng điểm qua 12 biểu hiện của luật nhân quả trong cuộc đời

Mọi thứ trong cuộc sống này không bao giờ đứng yên một chỗ, cho nên con người luôn có thể tự hoàn thiện bản thân mình thông qua sự suy ngẫm, học hỏi, điều chỉnh ngày một tốt hơn. Cùng điểm qua 12 quy luật nhân quả dưới đây để rồi soi chiếu lại chính mình và thay đổi theo chiều hướng tích cực bạn nhé!

karma-la-gi-voh-1

12 biểu hiện trong luật nhân quả (Nguồn: Internet)

  1. Luật Đại: Gieo nhân nào gặt quả nấy là biểu hiện cơ bản nhất của luật nhân quả. Bất cứ điều gì ta đã gây ra trong đời này, một ngày nào đó sẽ quay về với ta. Nếu muốn nhận lại niềm vui, hạnh phúc thì hãy gieo điều lành, đừng gieo điều ác.
  2. Luật Tạo: Cuộc sống không tự nó phô bày mọi thứ mà luôn cần có sự tham gia, sáng tạo của con người. Biểu hiện ở đời sống bên ngoài của mỗi người sẽ xuất phát từ bản chất bên trong. Hãy sống tử tế, thành thật và tự tạo nên thực tại tốt đẹp cho mình và mọi người.
  3. Luật Khiêm: Hãy học cách chấp nhận thực tại bao gồm những mặt tốt – xấu, thiện – ác, thuận lợi – khó khăn,… và đối diện với cuộc sống để thấu hiểu và vượt qua.
  4. Luật Tăng trưởng: Khi bạn tự thay đổi những gì đang diễn ra trong chính con người bạn, thế giới bên ngoài sẽ tự động thay đổi theo bạn. Bạn không thể bắt thế giới thay đổi vì mình, mà chỉ có thể tự mình cải thiện chính bản thân ngày một tốt hơn.
  5. Luật Trách nhiệm: Bạn phản ánh thế giới xung quanh và ngược lại, thế giới đang phản ánh chính bạn. Vì vậy, bạn cần phải là người đứng ra và chịu trách nhiệm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn.
  6. Luật Liên kết: Mỗi người đều có sự kết nối, liên kết với mọi thứ xung quanh. Hãy luôn gìn giữ mối liên kết này một cách tốt đẹp, lâu dài và đầy tình yêu thương, sẻ chia, trân trọng, biết ơn.
  7. Luật Tập trung: Mỗi người cần tập trung vào những trách nhiệm, công việc của mình, cũng như tạo dựng những giá trị tinh thần tốt đẹp, tránh cảm xúc, hành vi tiêu cực đối với chính bản thân và người khác.
  8. Luật Cho: Điều cao cả trong đời người chính là cho đi mà không quan tâm việc sẽ được nhận lại. Nhưng khi bạn cho đi với lòng thiện lành, bạn sẽ được nhận về nhiều hơn thế.
  9. Luật Hiện tại: Cuộc sống là những lúc thăng trầm, hãy học cách chấp nhận mọi sự việc đến với mình, không đổ lỗi, trách móc, oán giận.
  10. Luật Thay đổi: Không có điều gì là không thay đổi. Vì vậy, cuộc sống này đổi thay hay không là phụ thuộc ở chính bạn. Hãy thay đổi theo chiều hướng tích cực bạn nhé! 
  11. Luật Nhẫn nại: Hãy kiên nhẫn với con đường bạn đang đi. Muôn vàn sóng gió sẽ là trải nghiệm giúp bạn nuôi dưỡng ý chí và sức mạnh nội tại để vượt qua tất cả. 
  12. Luật Động lực: Bạn tác động vào sự việc như thế nào thì sẽ nhận lại năng lượng tương đương. Hãy đóng góp yêu thương và bạn sẽ nhận về yêu thương.

Xem thêm: Hiểu biết về bản ngã trong Phật giáo để biết cái tôi là tốt hay xấu

4. Nhân quả thường đến muộn, hãy sống lương thiện từ hôm nay

Chúng ta thường khuyên nhau rằng: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, nhưng để hành động đúng như những điều như vậy thật không dễ dàng gì. Có những lúc chúng ta đã gây “karma” và quên đi, nhưng hậu quả của nó thì ập đến một cách bất ngờ. Vì nhân quả thường đến muộn, hãy sống lương thiện từ hôm nay.

karma-la-gi-voh-2

Trong cuộc sống thường ngày, con người tạo ra “karma” một cách vô minh mà hầu hết là xuất phát từ cái tôi của mình. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn nếu như chúng ta không còn chạy theo lòng tham và vật chất. Tuy nhiên, thời đại khoa học kĩ thuật càng phát triển, con người lại càng dễ quên đi việc tu dưỡng đạo đức, nuôi dưỡng tâm hồn của mình.

Khi chúng ta hướng tâm ra ngoài, việc hằng ngày ta làm chỉ là để xây dựng một thế giới đầy đủ về vật chất liên quan đến cảm nhận “an toàn” cho cuộc đời. Bất kể một ý nghĩ ganh tị, tham lam nào đó nảy ra trong đầu, thì ngay lúc đó “karma” đã được gieo xuống. 

Những biểu hiện như sân si, ghen ghét, đố kị, hận thù, hơn thua, trả đũa người khác chưa bao giờ là “karma” tốt. Hãy học cách bình yên trong sóng gió của chính mình, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn cũng như vạch ra cho bản thân con đường phát triển trong niềm vui và lòng biết ơn

Thay vì mang theo những câu chuyện không tốt về người khác hoặc trong mối quan hệ với thế giới xung quanh, hãy tự viết nên những trang sách đời mình bằng trọn trái tim.

Người lương thiện chưa chắc đã nhận về những điều tốt đẹp nhất, nhưng sẽ luôn cảm thấy tâm hồn mình ngày càng thanh nhẹ và trong sáng hơn. Đúng - sai, thiện - ác hay tốt - xấu luôn tồn tại ở thế giới này. Hãy chọn điều gì mà bạn cho rằng nó phù hợp với tiếng gọi của linh hồn mình.

Nhân quả không biểu hiện ngay lúc “karma” được gieo, vậy nên thấu hiểu được quy luật nhân quả sẽ giúp cho con người định hình được ý nghĩ thiện lương, tự tạo lấy cuộc sống cân bằng, hạnh phúc cho mình. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn cảm nhận sâu rộng hơn về “karma là gì” cũng như tự thân mỗi người sẽ có cách đối diện và chấp nhận bài học cuộc đời mình tốt hơn.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận