Chờ...

Tức giận là gì? Làm sao để bản thân không rơi vào tình trạng ‘giận quá mất khôn’?

(VOH) - Dẫu biết rằng một khi cảm thấy tức giận, chúng ta sẽ rất khó kiềm chế cảm xúc cũng như hành động của mình. Nhưng không vì thế mà bạn được phép buông xuôi cho cơn giận ‘ăn mòn’ suy nghĩ.

Cuộc sống là một chuỗi những cảm xúc vui buồn ghét giận và ai trong chúng ta cũng sẽ liên tục trải qua. Trong đó, sự tức giận chính là thứ dễ dàng kéo cảm xúc của bạn xuống hố sâu nhất. Thậm chí, một khi đã tức giận lên đến cực điểm, bạn sẽ không thể ý thức được những hành động mình đang làm là đúng hay sai. Làm sao để ngăn chặn cơn tức giận xâm chiếm.

Tức giận là gì?

Tức giận là một dạng phản ứng tự nhiên của con người về mặt cảm xúc mà ai cũng đều sẽ trải qua nhiều lần trong đời. Chúng bắt nguồn từ việc con người bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại. Ngoài ra, sự tức giận còn có thể là triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe hoặc tâm lý.

Sự tức giận đôi khi sẽ là một điều tốt vì chúng sẽ giúp bạn giải tỏa những năng lượng tiêu cực trong người thay vì cố gắng kìm nén mọi thứ. Bên cạnh đó, khi làm việc nhóm, sự tức giận vừa phải có thể giúp mọi người thẳng thắn thể hiện ý kiến cá nhân để cùng nhau giải quyết vấn đề, từ đó mang đến một kết quả tốt hơn.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh1

Tuy nhiên, khi tức giận thái quá và đạt đến đỉnh điểm, bạn sẽ rất khó kiểm soát được lời nói và hành động của mình, bởi lẽ lúc đó, bạn chỉ muốn tìm ai đó để trút giận cho hả dạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể là bao cát cho bạn trút hết những bực tức trong lòng, đôi khi chính những lời nói vô tình trong lúc giận dữ của bạn sẽ là con dao sắc bén đẩy người khác xuống bờ vực thẳm.

Tác hại của sự tức giận

Khi nhắc đến ảnh hưởng của sự tức giận, người ta sẽ nghĩ đến tác hại nhiều hơn là lợi ích. Bởi lẽ một khi cơn giận dữ ập tới, sẽ khó ai có thể tỉnh táo để kiểm soát chúng ở mức độ vừa phải để không phải buông ra những lời lẽ gây tổn thương người khác. Đặc biệt với những người thân, bạn bè bên cạnh sẽ là những người thường xuyên tiếp xúc với bạn nhiều nhất kể cả khi bạn đang tức giận. Và nếu bạn cứ “giận cá chém thớt” và buông ra những lời lẽ cay độc cho hả dạ của mình thi không sớm cũng muộn những người thân đó cũng sẽ rời bỏ bạn.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh2

Hay trong trường hợp, bạn không biểu lộ sự nóng giận ra ngoài và cố gắng kiềm chế cảm xúc. Điều này sẽ làm chúng bị “đóng chai”, đến một ngày cái chai quá đầy thì tự động sẽ bật nắp và mọi thứ cứ như vậy tuôn ra một cách không kiểm soát. Lúc này có lẽ sự tức giận sẽ không còn thể hiện qua lời nói mà thay vào đó là những hành động mang tính bạo lực. Điều này thực sự sẽ rất nguy hiểm.

Bên cạnh những ảnh hưởng bên ngoài mà bạn có thể dễ dàng cảm nhận được thì tức giận cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn vô cùng nghiêm trọng. Trong đó có thể kể đến một số bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi cơn tức giận như sau: bệnh tim mạch, đột quỵ, suy nhược cơ thể, tổn thương gan, phổi, dạ dày,… Nghe thì có vẻ không liên quan nhưng đây đích thị là những cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn tức giận. Chính vì vậy nên cách tốt nhất là bạn nên kiểm soát cơn tức giận ở mức thấp nhất để tránh gây ra hậu quả về sau.

Làm thế nào để có thể kiềm chế cơn giận dữ?

Cách tốt nhất để sự tức giận không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn chính là bạn phải học cách kiểm soát được nó. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng gì và chúng ta cần phải bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Vậy nên đây sẽ là những gợi ý để bạn có thể tập làm quen với sự tức giận và dần dần “thống lĩnh” được cảm xúc của chính mình nhé!

Cố gắng hạn chế tranh cãi và ra ngoài đi dạo: Đây có lẽ là cách đơn giản nhất mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được. Khi tức giận, dù có tỉnh táo đến mấy thì bạn cũng sẽ vô tình buông ra những lời nặng nề với người đối diện. Việc đó sẽ tạo cho bạn cảm giác hả dạ nhưng cũng vô tình “bóp chết” mối quan hệ. Cách tốt nhất là, hãy dừng ngay cuộc nói chuyện, xin phép ra ngoài và đi dạo một vòng để hít thở không khí. Lúc này, bạn sẽ dần lấy lại bình tĩnh và tỉnh táo hơn để có thể nhìn nhận mọi thứ. Sau khi đã thông suốt mọi chuyện thì hãy hẹn đối phương để có thể cùng nhau tìm ra mấu chốt của vấn đề và giải quyết chúng nhé!

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh3

Nghe một bài nhạc nhẹ nhàng: Âm nhạc chính là liều thuốc có tác dụng rất tốt trong việc chữa lành vết thương. Khi bạn đang trong cơn tức giận, việc nghe thấy một bài nhạc nhẹ nhàng với những giai điệu vui tươi và ca từ trong sáng sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ tích cực hơn, từ đó có thêm nhiều cảm hứng để giải quyết khó khăn mà mình gặp phải.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh4

Nhảy theo một điệu nhạc thật vui: Thay vì vung tay múa chân để đấm cái này, đá cái kia thì tốt nhất là bạn nên dùng chút sức lực đó vào việc nhảy múa sẽ tốt hơn. Khi tức giận, bạn sẽ muốn vung ngay nắm đấm hoặc làm một cái gì để để thỏa mãn cảm xúc của chính mình. Lúc đó hãy bật một bản nhạc thật vui và nhảy theo đó. Cách này sẽ rất tốt trong việc giúp bạn giải tỏa những năng lượng tiêu cực trong đầu và quên đi cơn giận ban đầu đấy nhé.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh5

Hít thở thật sâu rồi đếm ngược từ 50 trở xuống: Vẫn biết là khi tức giận, sẽ rất khó để bạn có thể bình tâm để ngồi lại mà hít thở sâu hay tập đếm số. Tuy nhiên, đây vẫn là cách cụ thể mà thiết thực nhất mà bạn có thể thực hiện để kiểm soát cơn giận nhanh nhất. Đầu tiên, bạn ngồi thẳng lưng trên ghế, sau đó hít thở một hơi thật sâu và bắt đầu đếm ngược từ 50 trở xuống. Trong lúc đếm, hãy chỉ tập trung vào những con số để tạm thời quên đi cơn giận dữ trước đó. Cách này sẽ giúp bạn hạ hỏa và giữ lại cái đầu lạnh để sau đó giải quyết vấn đề tốt hơn.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh6

Những câu nói bạn nên nhớ mỗi khi tức giận

Bên cạnh những cách thức được gợi ý ở trên thì những câu nói dưới đây cũng sẽ có tác dụng truyền cảm hứng cho bạn hạn chế cơn giận trở nên bùng phát.

“Một người đang tức giận hiếm khi dừng lại để nhìn nhận cách cư xử của mình”

“Nụ cười có thể hàn gắn mọi thứ, còn sự tức giận có thể giết chết hàng triệu điều. Cái bắt tay có thể động viên hàng chục người, trong khi cái chỉ tay khiến hàng ngàn người rời xa bạn” - Israelmore Ayivor.

“Tôi không có thời gian để giận dữ bởi tôi luôn luôn bận rộn với tình yêu” - Debasish Mridha.

“Cuộc sống rất ngắn ngủi. Người duy nhất bị tổn thương sau xung đột lại chính là bạn. Hãy tha thứ cho tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân mình” - Tom Giaquinto.

“Giữ sự bực tức trong người giống như bạn đang cầm than nóng trên tay với mục đích ném vào người khác. Bạn chính là người đầu tiên bị đốt cháy” – Đức Phật.

VOH-lam-sao-de-kim-che-su-tuc-gian-voh.com-vn-anh7

Hy vọng rằng những chia sẻ vừa rồi sẽ phần nào giúp bạn giữ được sự bình tĩnh lúc tức giận để tránh trường hợp “giận quá mất khôn” nhé!

Bình luận