Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Há miệng chờ sung’ phê phán đức tính nào?

VOH - Từ ngàn xưa, cha ông ta đã truyền lại nhiều câu thành ngữ nhằm răn dạy con cháu tránh đi các thói hư tật xấu để mỗi cá nhân có thể hoàn thiện và phát triển. Nổi bật có câu "há miệng chờ sung".

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ hay dạy chúng ta cách đối nhân xử thế hoặc phê phán thói hư, tật xấu để đúc kết ra những bài học quý giá cho con cháu đời sau. Như câu thành ngữ ‘há miệng chờ sung’ đã lên án những kẻ lười biếng, lười lao động, không muốn làm chỉ muốn ăn. 

"Há miệng chờ sung" là gì?

Nước ta là một nước thuần nông nên con người Việt Nam luôn mang trong mình những đức tính quý giá như siêng năng, chăm chỉ, cần cù,... Những đức tính ấy được thể hiện rõ qua các câu ca dao, thành ngữ mà cha ông ta đã để lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu đề cao và ca ngợi đức tính tốt của con người, cũng có những câu thành ngữ phê phán các thói xấu như lười biếng, lười lao động như câu “há miệng chờ sung”. Câu thành ngữ như hồi chuông cảnh tỉnh con người mau chóng thay đổi tư duy tiêu cực để đưa cá nhân, cộng đồng hoàn thiện và phát triển hơn. Vì trong cuộc sống, giàu có và thành công không dành cho những kẻ lười nhác.

ha-mieng-cho-sung-voh-0

Câu thành ngữ “há miệng chờ sung” bắt nguồn từ câu chuyện kể về một anh chàng mồ côi cha mẹ, có biệt hiệu là “đại lãn” do anh ta quá lười. Anh ta sức dài vai rộng nhưng không chịu làm lụng. Anh ta chỉ nghĩ cách làm sao có ăn mà không cần động tay động chân vào bất cứ việc gì. 

Một ngày nọ, anh ta ra nằm chờ dưới gốc cây sung, há miệng đợi sung rụng vào miệng rồi ăn. Chẳng may, những quả sung rơi xung quanh mình, không có lấy một quả rơi vào miệng. Thấy vậy, có người đi ngang qua đã dùng chân gắp một quả chín dưới đất bỏ vào miệng cho anh chàng lười này.

Từ câu chuyện há miệng chờ sung, câu thành ngữ “há miệng chờ sung” cũng ra đời, khéo léo lên án, đả kích, châm biếm những kẻ lười biếng trong xã hội. Những thành phần ấy chỉ biết cầu may bởi người khác, chỉ chực chờ ăn sẵn, không muốn lao động và đặt niềm tin viển vông, mơ mộng hảo huyền vào số phận đã an bài. Họ là “con sâu làm rầu nồi canh” trong cái xã hội đang hăng say làm việc và tiến lên mỗi ngày.

Khi rời khỏi ghế nhà trường, chúng ta sẽ tất bật lao động để hưởng thành quả do công sức mình bỏ ra. Không phân biệt lao động chân tay hay trí óc, miễn sao công việc ấy mang lại giá trị cho cuộc sống. Chúng ta có quyền tự hào về sự lao động chân chính ấy, nó giúp ta chinh phục được những đỉnh cao mới. 

Ý nghĩa câu thành ngữ "há miệng chờ sung"

Câu thành ngữ “há miệng chờ sung” truyền tải một thông điệp vô cùng quý giá, nhắc nhở con người phải chăm chỉ lao động để tiến về phía trước. Nếu chúng ta lười biếng, cuộc sống sẽ không dung nạp và đào thải chúng ta ra khỏi cộng đồng. Những người lười biếng chỉ mang toàn tiếng xấu, trở thành gánh nặng của người khác. Họ chẳng tạo nên một giá trị gì cho đời ngoài kinh nghiệm ăn chơi quên ngày tháng.

ha-mieng-cho-sung-voh-1

Trong xã hội, đâu đó vẫn tồn tại những thành phần ham ăn biếng làm, mang trong mình “thói xấu” và tự cho cái quyền được lười nhác, đi ngược lại thời đại. Những kẻ ấy sẵn sàng bám víu và đón nhận thành quả lao động của người khác một cách vô tư. 

Người lười biếng luôn tìm lý do để biện hộ cho sự lười nhác của bản thân. Họ lười suy nghĩ, không tìm tòi, nghiên cứu hay học hỏi những điều mới, chẳng chịu lao động bằng chính đôi tay của mình, hay than thân trách phận. Hai chữ “thành công” thật quá xa xỉ và xa vời vì họ không có lý tưởng sống, mục tiêu để phấn đấu.

Ngày nay, câu thành ngữ “há miệng chờ sung” phê phán những người có biệt hiệu “công chúa bé bỏng” hay “công tử bột”, ám chỉ những cậu ấm cô chiêu chỉ biết nương tựa vào bố mẹ, người thân. Họ không muốn động tay vào bất cứ việc gì vì từ nhỏ đã quen được chăm sóc. Từ đó, hình thành nên những suy nghĩ lệch lạc, chỉ muốn ngồi chờ sung rụng. 

Những suy nghĩ thiếu sót đó khiến họ phải trả giá khi bước vào đời va chạm với xã hội. Cuộc sống rồi sẽ dạy cho họ những bài học quý giá về sự trưởng thành, sự chín chắn, siêng năng và tích cực trong công việc. Vì để vươn đến “thành công”, ta phải đánh đổi rất nhiều thứ - mồ hôi và công sức.

Xem thêm:
Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’
Giải thích thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Gieo gió gặt bão" trong cuộc sống

Cách để chúng ta không trở thành người chỉ biết "há miệng chờ sung"

Lười biếng có thể hiểu là trạng thái ngại vận động, mệt mỏi và khó chịu khi phải làm một việc gì đó. Nó có thể không thuộc về bản chất của con người, nhưng lại được hình thành qua thời gian, biểu hiện qua hành vi trốn tránh, lười nỗ lực và dễ dàng từ bỏ khi đứng trước khó khăn. Do đó, chúng ta hãy tìm cách khắc phục và loại bỏ thói quen xấu này để không biến mình thành kẻ “há miệng chờ sung”. 

ha-mieng-cho-sung-voh-2

Hãy cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tích cực học tập và lao động, tìm tòi những điều thú vị, bổ ích để nâng cấp bản thân. Chúng ta nên đề ra những kế hoạch cụ thể và đặc biệt phải phòng chống lây lan sự lười biếng, từ bỏ môi trường sống tiêu cực. Tìm kiếm những tấm gương thành công để làm mục tiêu phấn đấu, tạo động lực hình thành nên một lối sống lành mạnh.

Thư giãn đúng cách giúp chúng ta tìm thấy động lực và năng lượng để tiếp tục với công việc. Học cách đứng lên khi vấp ngã, tìm cho mình một người bạn đồng hành cùng chung chí hướng, bắt tay vào làm việc ngay khi có ý tưởng. Ngoài ra, chúng ta sống gọn gàng, đơn giản cũng làm cho tâm hồn thư thái, loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực.

Câu thành ngữ “há miệng chờ sung” đã trở thành kim chỉ nam giúp con người có cơ hội nhìn nhận lại bản thân và xây dựng cho mình những tư duy đúng đắn để vững tin bước vào đời. Vì cuộc sống này không chờ đợi bất cứ ai, nó chỉ dành vị trí cho những người xứng đáng khi họ biết nắm bắt cơ hội và siêng năng lao động. Những thứ do chính tay mình tạo ra mới trường tồn mãi mãi.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận