Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ "Nhàn cư vi bất thiện"

VOH – "Nhàn cư vi bất thiện" là câu thành ngữ thấm đượm đạo lý được cha ông ta đúc kết từ xa xưa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về câu nói này qua bài viết dưới đây.

Cuộc sống của mỗi con người có ý nghĩa hay không đều do bạn thân họ quyết định. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa và tươi đẹp hơn nếu bạn chăm chỉ lao động cũng như làm việc để hướng tới cái thiện. Nếu bạn chọn một lối sống nhàn rỗi, lười biếng, không chịu làm gì thì sẽ dẫn đến một cuộc đời vô nghĩa. Như ông cha ta đã có câu thành ngữ để răn dạy thế hệ sau: “Nhàn cư vi bất thiện”. Vậy “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau!

"Nhàn cư vi bất thiện" nghĩa là gì?

“Nhàn” là rảnh rỗi, có ít hoặc không có việc gì để làm, để suy nghĩ. “Cư” nghĩa là ở, hay cư trú. “Nhàn cư” ở đây là trạng thái không có việc làm chứ không phải là cuộc sống an nhàn giống như các nhà thơ ngày trước thường bỏ trốn quan trường mà trở về quê hoặc lên núi ở ẩn. “Vi bất thiện” nghĩa là trở thành không tốt đẹp, không đức hạnh.

Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’ 1
"Nhàn cư vi bất thiện" là câu thành ngữ quen thuộc với người Việt Nam - Ảnh: Internet

Như cách giải nghĩa ở trên ta có thể hiểu, “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là nếu con người ta luôn lựa chọn sự nhàn rỗi, lười biếng, không chịu làm gì thì sẽ dễ dẫn đến các hành động sai lầm, sai trái, thói hư tật xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Nhàn cư vi bất thiện tiếng Anh là gì?

Trong tiếng anh “Nhàn cư vi bất thiện” có thể được diễn đạt qua câu nói: “Doing nothing is doing ill.”

banner-bottom-thuongthuc

“Nhàn cư vi bất thiện” trong cuộc sống hiện đại

Ngày nay, các bạn trẻ nhàn rỗi, không có việc gì làm hoặc không chịu làm rất dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội như hút chích, lô đề, rượu chè... Trường hợp những bạn học sinh, sinh viên không học tập chăm chỉ, chỉ nghĩ tới vui chơi, giải trí… dần sa đà vào những thói xấu cũng là một trong những ví dụ điển hình của “Nhàn cư vi bất thiện”.

Một số ví dụ khác như phụ nữ không có việc làm sẽ dễ ngồi “buôn dưa lê” kể chuyện xấu, gây hiềm khích với hàng xóm láng giềng. Đàn ông không chịu lao động, rảnh rỗi quá mức sẽ dễ tìm đến các thói xấu như cờ bạc, rượu chè thậm chí là đánh mắng vợ con. Đó chính là kết quả của việc không chịu lao động, làm việc từ đó sinh ra những thói hư tật xấu gây ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn mọi người và xã hội.

Ai cũng thích “nhàn cư” để hưởng thụ, tuy nhiên cần phải có chừng mực. Nếu bạn còn trẻ thì càng phải làm việc cống hiến để khi về già, bạn có thể thoải mái hưởng thụ, sống một cuộc sống vui vẻ không muộn phiền, lo nghĩ.

Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’ 2
Lười biếng sẽ giết chết tương lai của bạn - Ảnh: Internet

Những người sinh ra không được may mắn như người bình thường họ bị khuyết tật cơ thể nhưng vẫn lao động bằng nhiều cách để không trở thành gánh nặng của xã hội, để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn Vì vậy, không có lý do gì mà những người khỏe mạnh, có khả năng lao động như chúng ta lại không thể làm một việc tử tế có ý nghĩa cho bản thân, cho cuộc sống.

Có rất nhiều người sống buông thả và nghĩ rằng điều đó không ảnh hưởng đến ai. Song, đó chính là một suy nghĩ thụt lùi, tạo nên tư tưởng sai lầm đúng như câu nói "Nhàn cư vi bất thiện". Vậy làm sao để thay đổi được suy nghĩ lệch lạc đó?

Phần lớn vẫn là bản thân mỗi người phải tự rèn luyện, học tập, thay đổi, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ngay cả khi nhàn hạ chúng ta cũng không nên nghĩ hay làm những việc sai trái. Thay vào đó, hãy tìm cách giải quyết vấn đề vì dù có thất bại bạn cũng không hổ thẹn với bản thân lại có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học để đến gần hơn với thành công.

Nhìn chung, “Nhàn cư vi bất thiện” là câu thành ngữ về cuộc sống rất ý nghĩa mà bất cứ ai cũng nên “nằm lòng”. Muốn sống đẹp, sống có ý nghĩa và có giá trị đồng thời tránh xa những thói hư tật xấu, bạn hãy ghi nhớ.

Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ phê phán thói lười biếng

Ngoài “Nhàn cư vi bất thiện”, ông cha ta còn phê phán thói lười biếng, “ăn sẵn”, không chịu làm lụng… qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ sau: 

  1. Sáng tai họ, điếc tai cày.
  2. Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn.
  3. Cưỡi trâu ra, cột trâu đánh đáo
    Cưỡi trâu về, nói láo trâu no.
  4. Ăn ở trần, mần mặc áo.
  5. Khi ăn thì sấn cổ vào
    Khi làm cả thảy xé rào chạy khan.
  6. Ôm cây đợi thỏ.
  7. Được bữa nào xào bữa ấy
    Bữa nào không thấy đắp chiếu nằm không.
  8. Lánh nặng tìm nhẹ.
  9. Da đen, khu đỏ lắm ló lắm tiền
    Da trắng, khu trắng chỉ phiền vợ con.
  10. Nhịn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng.
  11. Người ăn thì có, người mó thì không.
  12. Lưng dài vai mập ba gang
    Ăn nhai nửa miệng: khô khan chai lười.
  13. Mặt mày sáng sủa như sao
    Ngồi không ăn bám biết bao cho vừa.
Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’ 3
Ông cha ta đã phê phán thói lười biếng qua nhiều câu ca dao, tục ngữ - Ảnh: Internet
  1. Nhà anh có một cây chanh
    Nó chửa ra cành, nó đã ra hoa
    Nhà anh có một mụ già
    Thổi cơm, nấu nước, quét nhà chẳng nên.
    Ăn cỗ thì đòi mâm trên
    Mâm son bát sứ đưa lên hầu bà
    Ăn rồi bà chết giữa nhà
    Gọi con gọi cháu, dắt bà đi chôn
    Có chết thì chôn cho sâu
    Để hai con mắt coi trâu coi bò
    Có chôn thì chôn cho xa
    Đừng chôn gần nhà bà về bà nhát trẻ con.
  2. Anh ăn rồi lại anh nằm
    Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ, thóc đống còn phiền nỗi chi.
  3. Ngồi buồn nghĩ chuyện xưa nay
    Trai tài gái sắc sảo tày người xưa
    Đời nay ăn sớm ngủ trưa
    Ngồi lê đôi mách bỏ thưa việc nhà.
  4. Lạ gì cái thói tiểu nhân
    Ăn bám buổi sáng, ăn bần buổi trưa.
  5. Khoai lang củ sượng, củ trân
    Siêng ăn nhác mần mà lựa củ to.
  6. Ve vẻ vè ve
    Nghe vè mụ nhác
    Không lo sương nác
    Chỉ biết ngồi ăn
    Ăn rồi lại ngủ
    Ngủ rồi lại ngồi
    Nước chảy bòng trôi
    Mỗi ngày qua bữa
    Luộc rau nhác rửa
    Uống nước nhác hâm .
  7. Kẻ đi kiệu, người đánh cờ
    Kẻ thời đọc sách người xem thơ nói tuồng
    Chồng tôi trốn tránh luôn luôn
    Chuyện chi không nói giả tuồng đứa câm
    Nghĩ ra chuốc khổ vào thân
    Trách cho bà Nguyệt xe lầm mối tơ
    Tiếc công phu mấy đợi mấy chờ
    Sĩ nho không gặp, gặp đứa khờ làm chi
    Hay vầy tui chẳng có chồng chi
    Một mình ở vậy quy y lên chùa.
  8. Số nghèo làm chẳng nên giàu
    Thức khuya dậy sớm cho đau xương sườn.
  9. Lập vườn sao anh không sớm viếng tối thăm
    Để trâu bò gặm hết, mấy năm cho thành.
  10. Ăn no rồi lại nằm khoèo
    Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
    Chẳng thèm ăn chả ăn nem
    Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.
  11. Ban ngày thì mải đi chơi
    Tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay.
  12. Học gì mà học
    Học chọc bát cơm
    Học đơm bát cháy
    Học cạy thủng nồi.
  13. Cái cò cái vạc
    Cái nhác cái lười
    Rủ nhau đi chơi
    Ba nơi bốn chốn
    Hay trốn việc nhà
    La cà ruộng, hói
    Tối nằm nhịn đói
    Đất hỡi trời ơi!
    Cho tôi nắm xôi
    Không thời tôi chết.

Dẫu biết rằng một cuộc sống an nhàn là điều chắc hẳn ai cũng mơ ước nhưng ngay cả khi chúng ta có đầy đủ về mọi mặt thì vẫn nên lao động và làm việc. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về ý nghĩa của câu thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận