Chờ...

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ nói đến vấn đề nào?

(VOH) – Việc của mình, của nhà thì bỏ bê, việc của thiên hạ lại cực chăm chỉ, sốt sắng, câu tục ngữ ‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ của cha ông chính là chỉ tình trạng này.

Lười biếng, vô trách nhiệm là một trong những thói xấu cần bị phê phán và bài trừ. Tuy nhiên, người chỉ chăm chăm gánh vác việc thiên hạ còn việc nhà mình thì bỏ bê cũng vô cùng đáng trách. Chẳng vậy mà từ xa xưa, ông cha ta đã có câu tục ngữ 'Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng' nhằm nhắc nhở con cháu vấn đề này.

1. “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” nghĩa là gì?

Câu tục ngữ “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” bao gồm hai vế phân biệt rõ ràng. Vế đầu là “việc nhà thì nhác”, ám chỉ việc những người lười biếng, vô trách nhiệm trong công việc của bản thân mình, hoặc của những người thân thiết xung quanh. Còn “việc cô bác thì siêng” nghĩa là việc của người ngoài, người xa lạ, việc thiên hạ thì tỏ ra rất sốt sắng, giúp đỡ một cách nhiệt tình.

‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ và bài học của cha ông về tính cách con người 1
“Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” không khó để bắt gặp những người như vậy trong cuộc sống hàng ngày

Nhìn chung, câu tục ngữ “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” phê phán tính cách một số người trong cuộc sống. Đây là những người có tính cách bao đồng hay thích sĩ diện, thích thể hiện ra bên ngoài rằng bản thân rất chăm chỉ, nhiều đức tính tốt, tuy nhiên thực tế trong việc của chính bản thân mình, việc nhà thì lại lười biếng, bỏ bê, không chịu khó, nỗ lực, không có trách nhiệm.

Xem thêm: ‘Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’ và bài học về sự chăm chỉ trong lao động

2. “Việc nhà” và “việc chú bác”

Cuộc sống của con người càng ngày càng phát triển, xã hội cũng trở nên ngày càng phát triển, nhưng bài học trong câu tục ngữ “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa của nó. 

Hiện nay vẫn còn rất nhiều người mang suy nghĩ rằng sĩ diện với những người bên ngoài quan trọng hơn cả, còn việc trong nhà hay việc cá nhân thiệt thòi hơn một chút cũng không sao. Tính cách này dẫn tới nhiều tình huống dở khóc dở cười bởi người ngoài nhìn vào thì tưởng là tuyệt vời, tốt đẹp lắm nhưng hóa ra người “trong chăn mới biết chăn có rận.”

‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ và bài học của cha ông về tính cách con người 2
Lười biếng, không có trách nhiệm với việc của bản thân, việc của gia đình là điều không nên

“Việc nhà thì nhác” chưa bao giờ được ủng hộ và khuyến khích trong cuộc sống. Đó là bởi việc của chính mình mà còn lười biếng, không có trách nhiệm thì nói gì đến trách nhiệm với việc của người khác. Sự nhiệt tình ban đầu hay biểu hiện chăm chỉ bên ngoài suy cho cùng chỉ là vỏ bọc, đến một lúc nào đó sẽ sự thật sẽ lộ diện. Con người cũng không thể sống nhờ hư danh mãi mà cuối cùng đều phải sống bằng con người bằng bản chất thật sự.

Trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng đã cãi nhau về tính cách “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” của nửa kia. Ví dụ như người vợ nhờ anh chồng gia cố lại ban công để không bị đọng nước thì anh chồng chỉ gật gù để đấy, lần lữa mấy tuần không chịu làm. Thế nhưng, chiều hôm sau người vợ lại thấy anh chồng đi xuống nhà có việc mà mãi đến tận gần tối mới về. Hỏi ra mới biết anh chồng thấy có gia đình anh này mới chuyển tới nên đi bê đồ đạc giúp và sửa hộ họ cái mái hiên ban công. Thế là vợ chồng cãi nhau, vợ trách chồng lo việc bao đồng, chỉ thích sĩ diện với người ngoài, anh chồng nói người vợ là ích kỷ chỉ biết nghĩ tới bản thân.

Không thể phủ nhận rằng, nếu chúng ta thường xuyên “việc chú bác thì siêng" sẽ tạo được thiện cảm lớn với mọi người xung quanh. Đó là bởi ai cũng thích được ở gần một người nhiệt tình, năng nổ giúp đỡ mình trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nếu chỉ giúp đỡ người xung quanh mà không quan tâm đến những người bên cạnh, “việc nhà thì nhác" thì sẽ trở thành một hệ quả không tốt. Trong trường hợp này, giúp đỡ người khác sẽ trở thành sự bao đồng, lo việc thiên hạ trong khi không lo nổi việc bản thân.

Như vậy, có thể thấy rằng, câu tục ngữ “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” mang ý nghĩa phê phán tính cách sốt sắng lo chuyện bên ngoài nhưng hời hợt với chuyện nhà mình.

Trong xã hội hiện nay, mối quan hệ xã hội đối với mỗi người đều đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cùng không nên để xảy ra tình trạng “bên nặng”, “bên nhẹ”. Cần cố gắng cân bằng giữa “việc nhà” và “việc chú bác”, không để việc giúp đỡ người khác ảnh hưởng tới công việc của mình, của nhà mình và ngược lại.

Xem thêm: Lòng tự ái tiết lộ bí mật tính cách nào của con người?

3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ bàn về tính cách con người 

Để chỉ những người thích gánh vác chuyện thiên hạ còn chuyện nhà mình thì không lo, ngoài câu tục ngữ “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, ông cha ta còn có câu “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, “Ăn cơm nhà, vác ngà voi” hay “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam chúng ta cũng có thể tìm thấy rất nhiều câu nói đề cập đến tính cách con người. 

  1. Áo rách cốt cách người thương.
  2. Quân tử nhất ngôn.
  3. Tham thì thâm.
  4. Khôn khi vô sự, thảo khi no lòng.
  5. Của thế gian đãi người ngoan hiền thiên hạ.
  6. Thật thà như đếm.
  7. Thắng không kiêu, bại không nản.
  8. Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo.
  9. Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời.
  10.  Trăm cái khôn dồn một cái dại.
‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ và bài học của cha ông về tính cách con người 3
  1.  Thẳng như ruột ngựa.
  2.  Khôn ngoan đến cửa quan mới biết.
  3.  Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.
  4.  Khôn khéo vá may, vụng về cày cấy.
  5.  Thật thà là cha quỷ quái.
  6.  Người khôn không nỡ ra đòn, một lời nói nhẹ hãy còn đắng cay.
  7.  Chết đứng hơn sống quỳ.
  8.  Khôn từ trong trứng khôn ra, dại đến già vẫn dại.
  9.  Tốt danh hơn lành áo.
  10.  Miếng ăn quá khẩu thành tàn.
  11.  Có cứng mới đứng được đầu gió.
  12.  Ăn ngay nói thật, mọi tật cũng lành.
  13.  Vô công bất hưởng lợi.
‘Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng’ và bài học của cha ông về tính cách con người 4
  1.  Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may
  2.  Trước có vụng rồi sau mới khéo.
  3.  Khôn khéo lấy miệng mà xài, vụng dại lấy vai mà đỡ.
  4.  Biết việc trời, muôn đời không khổ.
  5.  Thà chết vinh còn hơn sống nhục.
  6.  Thuyền dời bến nào bến có dời,
    Khăng khăng quân tử một lời nhất ngôn.
  7.  Đường giao tiếp cốt vẹn toàn,
    Việc mình không muốn chớ làm cho ai.
  8.  Nói lời phải giữ lấy lời,
    Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
  9.  Ai ơi chớ vội cười nhau,
    Cười người hôm trước hôm sau người cười.
  10.  Cứ trong đạo lý luân thường, 
    Làm người phải giữ kỷ cương làm đầu.

Trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam có khá nhiều câu tục ngữ, thành ngữ phê phán lối sống bao đồng, sĩ diện, nhiệt tình với người ngoài nhưng lại thờ ơ với người nhà, “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” là một ví dụ. Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã hiểu hơn về câu tục ngữ này đồng thời rút ra cho mình những bài học phù hợp.

(Nguồn ảnh: Internet)