Người sống ở đời nên lấy nhân nghĩa làm trọng. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta. Những người lương thiện, hay giúp đỡ người khác thường gặp nhiều điều may mắn, tốt lành. Còn những kẻ sống bất nhân, toan tính hại người thì sẽ chuốc lấy những hậu quả do mình gây ra. Điều này đã được thể hiện qua rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, điển hình như câu “Gieo gió gặt bão”.
Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu ý nghĩa câu “Gieo gió gặt bão” và những bài học nhân văn đằng sau câu nói.
Gieo gió gặt bão là gì?
Khi bàn về quan hệ nhân quả ở đời, ông cha ta đã đúc kết ra rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ thành ngữ, một trong số đó chính là câu “gieo gió gặt bão”. Vậy gieo gió gặt bão là gì?
Gieo gió gặt bão là câu thành ngữ, sử dụng hình ảnh ẩn dụ “gieo gió” và “gặt bão” để nói về luật nhân quả ở đời. Theo đó:
- Gieo gió: Tượng trưng có những điều sai trái, độc ác mà con người ta làm. Thông thường, khi nói đến từ “gieo” chúng ta thường nghĩ ngay hết những hoạt động trong canh tác nông nghiệp. Ví dụ: Bạn gieo hạt dưa sẽ được quả dưa… Thế nhưng, ở đây lại sử dụng cụm từ “gieo gió”.
Gió là những luồng không khí chuyển động trên cao, khi gió thổi có thể tạo ra những hiện tượng khác như làm lay động, đổ ngã cây cối, thay đổi thời tiết… Trong ngữ cảnh cuộc sống, “gieo gió” ám chỉ những việc làm xấu, gây hại cho người khác.
- Gặt bão: Tượng trưng cho những điều không tốt, gặp nguy hiểm,… Cũng giống như việc một cơn bão hình thành, nó chính là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp như gió mạnh, áp suất, không khí, nhiệt độ… Trong ngữ cảnh cuộc sống, “gặt bão” chính là hậu quả mà chính người gieo gió đã làm.
Cả câu thành ngữ “Gieo gió gặt bão” mang ý nghĩa: Những người sống ác, thích gây sự, gây họa cho người khác sẽ không bao giờ có được kết quả tốt đẹp. Người làm việc xấu sẽ phải nhận lấy hậu quả, đó gọi là luật nhân quả.
Tục ngữ dân gian Pháp cũng có một câu nói nổi tiếng “Qui sème le vent, récolte le typhon”, khi dịch sang tiếng Việt, có nghĩa “Ai gieo gió, ắt sẽ gặt bão”. Câu nói này cũng mang hàm ý về luật nhân quả ở đời.
Bài học nhân văn từ thành ngữ “Gieo gió gặt bão”
Từ một câu thành ngữ ngắn gọn, nhưng ẩn chứa bên trong là triết lý sống làm người sâu sắc. Nghĩ mà xem, mỗi ngày chúng ta gieo đi một ít gió và thấy nó không có gì đáng kể nên nghĩ rằng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng dần dần, gió ngày một nhiều hơn rồi nó tạo thành một cơn bão lớn. Mà người hứng chịu những cơn bão đó không ai khác ngoài chính chúng ta.
Rõ ràng, chẳng ai ép chúng ta phải làm chuyện sai trái, là do bản thân chúng ta không vượt qua nổi sự cám dỗ, không hiểu đạo nghĩa ở đời mà sống ác nghiệp, nói lời ác độc với người khác. Những kẻ gieo gió thì phải gặt bão, đó là hậu quả bản thân phải nhận lãnh, không đời này kiếp này thì sẽ gặp ở đời sau kiếp sau.
Trong cuộc sống cũng như thế, mỗi người chúng ta gặp, mỗi chuyện chúng ta làm đều là quan hệ nhân quả. Hôm nay, chúng ta làm việc này thì về sau sẽ nhận lại nhân quả của nó. Dân gian có câu nói: “Ở hiền gặp lành. Ở ác gặp dữ” quả chẳng sai! Do đó, hãy sống lương thiện để cuộc đời được bình an, may mắn. Nếu đã làm sai, bản thân phải biết chịu trách nhiệm với những hành động mình đã gây ra. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống nghiệt ngã, hay bất cứ người nào khác.
Mỗi người sinh ra đều bình đẳng như nhau, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể chọn cho mình một cách sống tử tế, thiện lương, không làm việc trái đời ngược đạo. Đã có biết bao người vì tham vọng, đồng tiền mà bán đứng người thân, đạp lên người khác để sống, những người như vậy, sớm muộn gì cũng gặp báo ứng tương xứng. “Gieo gió gặt bão” là chuyện thường thấy ở đời.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Chim có tổ người có tông’ là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’ nói lên điều gì?
Những câu chuyện ý nghĩa về “Gieo gió gặt bão”
Luật nhân quả là quy luật khách quan của sự sống trong vũ trụ. Dù chúng ta có tu học Phật pháp hay không chúng ta cũng đều sống trong luật nhân quả. Đọc những câu chuyện về luật nhân quả dưới đây sẽ mang đến cho bạn những chiêm nghiệm cuộc sống quý giá và ý nghĩa.
Cùng làm việc ác, cùng chịu quả báo
Trong kinh Pháp cú kể câu chuyện: Có năm vị Tỳ-kheo, trên đường về thăm Đức Phật thì ghé qua một bản làng để khất thực, vì đã muộn nên các thầy xin được nghỉ lại ở trong một hang núi bên cạnh bản.
Nửa đêm hôm đó, một trận động đất xảy ra khiến một tảng đá lớn ở trên núi lăn xuống và bịt kín cửa hang, nơi các thầy đang nghỉ. Người dân trong làng sau khi biết chuyện đã cùng hợp sức để đẩy hòn đá ra, Tuy nhiên, dù đã dùng mọi phương tiện đẩy nhưng vẫn không thể di chuyển nổi hòn đá. Ở trong hang, năm thầy cũng không có cách nào để ra được nên đành chấp nhận chịu chết.
Đến ngày thứ bảy, một cơn địa chấn xảy ra khiến hòn đá tự lăn đi, rời khỏi hang. Lúc này, cả năm thầy lò dò đi ra, mặt mũi ai nấy đều xanh mét. Sau đó, cả năm thầy được người dân đó về chăm sóc. Sau khi hồi phục sức khỏe, các thầy lại lên đường về thăm Đức Phật.
Khi gặp Đức Phật, năm thầy đã kể lại hành trình của mình, sau đó lại thỉnh bạch Đức Thế Tôn nói về nhân quả của việc hòn đá chặn hang khiến năm thầy suýt mất mạng.
Đức Phật dạy: Trong tiền kiếp, năm thầy là năm chú bé chăn trâu. Có một lần sau khi thả trâu ra ngoài đồng, năm chú bé đi chơi, nhìn thấy một con rắn mối chạy qua nên cùng rủ nhau bắt con rắn mối. Vì con rắn mối chui vào cái hang nhỏ không bắt được con rắn nên các chú bé đã lấy hòn đá bịt cửa hang lại.
Sau một tuần, lúc đi chăn trâu qua chỗ cũ, các chú mới nhớ ra tuần trước mình đã nhốt con rắn mối trong hang này nên đã đến đẩy hòn đá, thả con rắn đi. Khi ra khỏi hang, con rắn run rẩy, gầy tong teo, các chú bé liền thương xót, không giết nữa mà thả nó đi.
Đức Phật dạy năm vị Tỳ-kheo: Do năm thầy cùng nhau tạo ác nghiệp trong tiền kiếp, nhốt con rắn vào trong hang nên kiếp này các thầy cũng bị nhốt trong hang để cùng chịu quả báo này. Nếu con rắn ấy chết thì kiếp này, năm thầy cũng phải chịu chết trong hang.
Câu chuyện này cho chúng ta một bài học nhân quả: Nếu cùng tạo tác một ác nghiệp nào đó thì đến khi trả quả, chúng ta cũng sẽ trả quả. Về thời gian, cũng diễn ra tương tự như vậy.
Hãy từ bỏ nghề sát sinh
Câu chuyện này xảy ra ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh. Một người đàn ông sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền, cuộc sống gia đình rất khá giả. Sau khi ông chết đi ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó.
Một ngày nọ, họ mua một con lợn về chuẩn bị mổ thịt, thì họ bị sửng sốt khi nghe con lợn nói “Làm ơn đừng giết tôi, đừng giết tôi.” Họ hỏi: Ngươi vừa mới nói gì? Con lợn nói: “Ta là cha của các con. Đừng giết ta. Ta được đầu thai thành lợn, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn đó là giết rất nhiều lợn khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để truyền đạt một điều quan trọng: “Hãy từ bỏ nghề mổ lợn và tìm nghề khác mà làm.”
Con lợn chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con lợn này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người đi một đường. Người con trai đầu trở thành đại lý bán gạo; người con trai thứ ba mở một cửa tiệm bán quần áo. Người con trai út vẫn còn rất bé. Người con gái thì theo chồng. Người con trai thứ hai vẫn tiếp tục làm nghề giết mổ lợn bất chấp lời cảnh cáo của cha mình.
Một hôm anh ta dùng hết gia tài của mình mua một bầy lợn. Khi anh lùa bầy lợn qua một bờ đê, một cơn gió mạnh đột ngột tới làm thành bão cát bao phủ cả vùng trời. Gió rất mạnh và tràn khắp vùng làm anh ta không cách nào mở mắt ra được. Anh ta không còn chọn lựa nào khác đành phải ngồi xuống bờ đê và đợi hết gió.
Cơn gió kéo dài 4 giờ đồng hồ, khi anh ta mở mắt ra, không thấy còn con lợn nào cả. Anh ta đã mất sạch hết tiền. Anh ta cảm thấy hối hận, và ngồi ở đó khóc và khóc đến khi đôi mắt bị mù.
Câu chuyện này cũng mang đến chúng ta bài học: Bất kỳ ai đã gieo nhân ác cũng đều gặt quả xấu. Vậy nên hãy cẩn trọng mọi lời nói, hành vi, việc làm để tránh gieo nhân quả xấu cho mình.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Chạy trời không khỏi nắng’ là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’ là gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “họa từ miệng mà ra”
Thành ngữ, tục ngữ ca dao về luật nhân quả
Là một trong những câu thành ngữ quen thuộc về luật nhân quả, “Gieo gió gặt bão” thể hiện ý nghĩa rằng những hành động và quyết định của chúng ta hôm nay sẽ có tác động đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Vì thế, mỗi người cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi muốn thực hiện bất kỳ việc gì để tránh gặp phải hậu quả không mong muốn.
Ngoài câu thành ngữ “Gieo gió gặt bão”, ông cha ta còn để lại cho người đời sau rất nhiều những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về luật nhân quả mang tính giáo dục sâu sắc.
1. Sống tham, chết thối.
2. Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay.
3. Ở hiền gặp lành. Ở ác gặp dữ.
4. Phụ vợ, không gặp vợ.
5. Cây khô không lộc, người độc không con.
6. Mưu thâm họa diệc thâm.
7. Hại người, hại mình.
9. Một đời làm hại, bại hoại ba đời.
10. Gieo nhân nào gặt quả nấy.
11. Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
12. Đạo trời báo phục chẳng lâu
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.
13. Đời xưa quả báo còn chầy
Đời nay quả báo thấy ngay nhãn tiền.
14. Dẫu bà lắm gạo nhiều tiền
Bà chẳng ở hiền cúng cũng như không.
15. Cậy tài, cậy khéo, khoe khôn
Đừng cậy có của đa ngôn quá lời
Của thời mặc của ai ơi
Đừng cậy có của coi người mà khinh.
Trên đây là ý nghĩa thành ngữ "Gieo gió gặt bão" cũng như là lời nhắc nhở của ông cha ta về mối tương quan giữ nhân quả trong cuộc sống. Hãy gieo yêu thương và lòng tốt để nhận lại quả ngọt. Khi chúng ta sống thiện lương tất hưởng được phúc báo và cuộc sống an nhàn.
Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!