“Mưa dầm thấm lâu” - câu thành ngữ quen thuộc, thậm chí trở thành phương châm trong rất nhiều các hoạt động vận động, tuyên truyền trong xã hội. Vậy câu thành ngữ trên có ý nghĩa gì mà được sử dụng rộng rãi trong đời sống cá nhân lẫn cộng đồng? Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “mưa dầm thấm lâu” là gì và cách dùng của câu thành ngữ.
"Mưa dầm thấm lâu" có nghĩa là gì?
Là một trong những câu thành ngữ quen thuộc, có tính ứng dụng cao trong đời sống cộng đồng, “mưa dầm thấm lâu” chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa mà ông cha đã đã góp nhặt từ những kinh nghiệm sống để truyền đạt đến cho con cháu đời sau.
Theo nghĩa đen câu thành ngữ, “mưa dầm” có nghĩa là trời mưa liên tục và kéo dài trong một thời gian dài. Đây là một trạng thái thời tiết mưa kéo dài và đều đặn, không có dấu hiệu ngừng lại.
“Thấm lâu” nghĩa là sự thấm nước, thấm ẩm, hoặc ngấm vào sâu bên trong một cơ cấu, vật phẩm hoặc vùng đất. Trong ngữ cảnh hiểu biết thông thường, "thấm lâu” có thể dùng để chỉ một hiện tượng nước thấm vào bề mặt và từ từ xâm nhập sâu vào bên trong vật liệu hoặc đất đá.
Về nghĩa bóng, thành ngữ “mưa dầm thấm lâu” ám chỉ sự cố gắng, nỗ lực liên tục trong một thời gian dài cho một việc gì đó sẽ nhận lại được kết quả xứng đáng.
“Mưa dầm thấm lâu” trong tình yêu là gì?
Phần lớn những câu thành ngữ thường sử dụng những từ/cụm từ cố định để biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Ý nghĩa của thành ngữ thường được hiểu theo nghĩa bóng, thông qua nghĩa đen của các từ tạo nên nó.
Với thành ngữ “mưa dầm thấm lâu” cũng vậy. Đây là câu thành ngữ chỉ sự cố gắng liên tục, nỗ lực không ngừng nghỉ sau một quá trình dài sẽ được đền đáp xứng đáng. Vậy trong tình yêu, “mưa dầm thấm lâu” có nghĩa là gì?
Trong tình yêu, có hai câu thành ngữ luôn song hành cùng nhau, đó là “mưa dầm thấm lâu” và “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Nếu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” được dùng để chỉ hai người ở gần/sống gần nhau về lâu dài sẽ dễ phát sinh tình cảm, thì “mưa dầm thấm lâu” chỉ sự cố gắng, kiên trì theo đuổi một người sau thời gian dài sẽ có được tình cảm của đối phương.
Có thể thấy, “mưa dầm thấm lâu” trong tình yêu là việc không ngừng cố gắng và nỗ lực để xây dựng cũng như duy trì tình yêu lâu dài. Bởi vì để duy trì và phát triển mối quan hệ yêu đương, không chỉ cần có tình yêu mà còn cần có cả sự kiên trì, nhẫn nại và hy sinh. Đó là một quá trình tạo dựng, nuôi dưỡng theo thời gian, bất kể gặp phải những khó khăn, thử thách hay những cám dỗ trong mối quan hệ.
Thời gian là minh chứng tốt nhất cho một cuộc tình, khi chúng ta đã nắm vững tinh thần kiên trì, chúng ta sẽ hiểu rằng không có gì là không thể.
“Mưa dầm thấm lâu” trong tình yêu chính là hình ảnh của sự cố gắng không ngừng, giữa những cơn mưa đổ xuống đất mềm, hạt mưa mang theo những rung động trong tim người yêu, có thể làm đảo lộn cảm xúc và cảm động đối phương. Góp nhặt từng điều đơn giản và ý nghĩa khiến cho tình yêu ngày càng trở nên mãnh liệt, gắn bó đến mức không thể tách rời.
Xem thêm:
Giải thích thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau
“Mưa dầm thấm lâu” - biện pháp giúp thay đổi nhận thức con người
Dân gian có câu “Giang Sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng “khó” chứ không phải là không thể dời. Đó là lý do “mưa dầm thấm lâu” là một trong những câu thành ngữ được áp dụng rộng rãi trong rất nhiều phương diện cuộc sống sống, khi bàn về những vấn đề liên quan đến việc thay đổi tư duy, nhận thức của con người.
“Mưa dầm thấm lâu” trong giáo dục
“Mưa dầm thấm lâu” được xem như một phương châm giáo dục trong công tác giảng dạy của rất nhiều ngôi trường. Rõ ràng, nếu từ bé đến lớn, chúng ta được thầy cô dạy rằng phải yêu tổ quốc, yêu đồng bào và những điều đó nếu được dạy đủ lâu thì nó sẽ thấm nhuần theo năm tháng và trở thành một hệ tư tưởng trong đầu mỗi người.
Chúng ta sẽ luôn có sẵn trong lòng một tình yêu với tổ quốc, đồng bào và khi tổ quốc lâm nguy, nó lại khơi gợi lên tình yêu đó để chúng ta cùng kề vai sát cánh bảo vệ quê hương.
Phương châm “mưa dầm thấm lâu” vốn đã được áp dụng trên rất nhiều phương diện của ngành giáo dục, chẳng hạn như việc tuyên truyền kiến thức về chủ quyền biển đảo, các chương trình hướng nghiệp cho học sinh THPT, hay mở các lớp phụ đạo cho sinh yếu kém dịp hè… Tuy cách thức thực hiện ở mỗi nơi có thể khác nhau, song tất cả đều là hướng đến mục tiêu chung là mang đến những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ học sinh.
“Mưa dầm thấm lâu” trong đời sống cộng đồng
Thành ngữ "mưa dầm thấm lâu” có thể được áp dụng cho một cá nhân, hay rộng hơn là cả một cộng đồng. Một ví dụ điển hình về vấn đề này, đó là nước ta dưới thời phong kiến từng tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Đây là một tư tưởng cổ hủ, lỗi thời nhưng cho đến nay vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn ở nhiều nơi.
Rất nhiều gia đình hiện có xu hướng “ưa thích con trai” hơn con gái, dẫn đến sự chênh lệch giới tính khi sinh nghiêm trọng. Và truyền thống “mưa dầm thấm lâu” được xem là biện pháp hiệu quả để phá vỡ quan niệm này.
Nhà nước hiện nay đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và thúc đẩy chương trình về bình đẳng giới, giúp người dân hiểu được vai trò và tầm quan trọng của nữ giới trong việc xây dựng tổ ấm và xây dựng đất nước...
Bên cạnh đó, là những hoạt động được tổ chức có bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt vào những dịp ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10), ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10)... để vinh danh, ngợi ca và tri ân vai trò cũng như sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong thời hội nhập.
Mặc dù tư tưởng “trọng nam khinh nữ" hay phải có con trai để nối dõi tông đường… đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt, và để thay đổi không phải chuyện “một sớm một chiều”. Nhưng với các biện pháp đang được áp dụng để thay đổi tư tưởng từ từ, trên tinh thần “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp hạn chế tình trạng “trọng nam khinh nữ”, hay “ưa thích con trai” ở nhiều gia đình.
“Mưa dầm thấm lâu” trong hôn nhân gia đình
Trong đời sống hôn nhân, chúng ta vì yêu mà đến nhưng trên đời vốn dĩ chẳng ai là hòa hợp về tất cả được. Ngay cả bản thân chúng ta vẫn luôn tồn tại hai mặt “thiện” và “ác”, huống chi là với người khác. Cho nên, vợ chồng sẽ khó tránh khỏi những lúc cãi vã hay bất đồng quan điểm.
Thế nhưng, sống với nhau mỗi ngày cũng giống như “mưa dầm thấm lâu”, khi cả hai người thường xuyên chia sẻ, nhường nhịn, yêu thương nhau sẽ giúp cả hai dần hiểu nhau hơn, xóa dần đi khoảng cách trong hệ tư tưởng của mỗi người.
Ví dụ trong một gia đình, nếu người chồng có tính cách lương thiện, hiếu thảo. Còn người vợ lại có tính cách ương bướng, ích kỷ, không coi ai ra gì. Về sống chung một nhà, người chồng hàng ngày truyền đạt những tư tưởng về tính khiêm tốn, hiếu thảo… cho vợ nghe. Dần dần người vợ thay đổi, trở nên khiêm tốn, sống biết điều, hiểu thảo với cha mẹ… Như vậy, người chồng đã thành công trong việc sử dụng chiêu “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi tính cách của vợ mình.
“Mưa dầm thấm lâu” trong tình yêu đôi lứa
Với tình yêu đôi lứa, “mưa dầm thấm lâu” đã được nâng cấp thành một “chiêu” trong việc theo đuổi người yêu. Kiên trì theo đuổi người mình thích có thể khiến người ấy “đổ” một cách từ từ và không cưỡng lại được.
Cái “mưa dầm” ở đây chính là sự quan tâm, hỏi han nhau hàng ngày. Chúng ta không dễ dàng từ bỏ hay nản lòng khi gặp phải xung đột hay hiểu lầm. Chúng ta cũng không chỉ nhìn về mục đích theo đuổi, mà còn phải biết thấu hiểu và tha thứ những sai lầm của đối phương.
Mỗi cái cúi đầu đối mặt với sóng gió, mỗi một nụ cười vượt qua khó khăn, chúng ta đang khẳng định rằng tình yêu của mình đáng giá để kiên nhẫn và đấu tranh. Không một ai hoàn hảo, nhưng sự kiên trì sẽ giúp người ấy nhìn thấy vẻ đẹp ẩn sâu bên trong bạn và sẵn lòng ở cạnh bạn mãi mãi.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Có chí làm quan có gan làm giàu' là gì?
GIải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘tích tiểu thành đại’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ "Năng nhặt chặt bị" khuyên chúng ta điều gì?
Stt mưa dầm thấm lâu, thành ngữ tục ngữ về tính kiên trì
Không chỉ riêng câu “mưa dầm thấm lâu”, kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam còn có rất nhiều câu nói về đức tính kiên trì. Mỗi câu nói đều là một bài học nhân văn sâu sắc, là những kinh nghiệm sống quý giá hay những lời khuyên dạy thâm thúy dành cho con cháu.
Dưới đây là một câu ca dao, tục ngữ thành ngữ, stt mưa dầm thấm lâu được sưu tầm và chọn lọc.
1. Mưa dầm thấm sâu, tiếp xúc lâu sẽ lộ bản chất.
2. Dao năng mài thì sắc, người năng chào thì quen.
3. Mưa dầm thấm đất.
4. Đẹp trai không bằng chai mặt.
5. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.
6. Năng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương.
7. Mưa dầm thấm lâu, mưa ngâu đầy thuyền.
8. Mưu cao chẳng bằng chí dày.
9. Có công mài sắt, có ngày nên kim.
10. Có chí thì nên.
Thành ngữ “Mưa dầm thấm lâu” chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp, rằng chỉ cần chúng ta cố gắng, kiên trì rồi thời gian sẽ trả lại cho chúng ta những phần thưởng xứng đáng. Hy vọng, những kiến thức mà VOH Sống đẹp chia sẻ đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về câu thành ngữ này.