Hiếu thảo là gì? Cách thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ?

(VOH) - Có khi nào bạn tự hỏi bản thân rằng: ‘Hiếu thảo là gì?’. Liệu thực sự chúng ta đã thể hiện tốt lòng hiếu thuận của mình với cha mẹ, ông bà hay chưa?

Từ ngàn đời nay, lòng hiếu thảo đã trở thành một trong những đức tính tốt đẹp và thiêng liêng trong giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Câu ca dao: ‘Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’ luôn nhắc nhở ta cần sống ‘tròn chữ hiếu mới là đạo con’. Vậy hiếu thảo là gì? Và làm thế nào để bày tỏ lòng kính hiếu của mình với cha mẹ, ông bà? Cùng VOH tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé.

1. Lòng hiếu thảo là gì?

Có rất nhiều cách để định nghĩa về tấm lòng hiếu thảo. Dưới góc độ chiết tự từ, “hiếu” là hiếu thuận, hiếu kính, hiếu hạnh còn “thảo” chính là thảo thơm, phải đạo. Trong tiếng Hán, chữ “Hiếu” tượng trưng cho hình ảnh người con cõng cha trên lưng để thể hiện tấm lòng hiếu thảo.

Như vậy, “hiếu thảo” được hiểu là sự thành kính, yêu thương cha mẹ, ông bà của con cháu. Nhất là khi về già, ốm đau thì tấm lòng hiếu thảo càng cần thiết và được đề cao.

Xem thêm: Tổng hợp những câu nói hay về cha mẹ và con cái làm lay động lòng người

2. Vì sao phải bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ?

Ngay từ khi sinh ra, chúng ta luôn được dạy rằng cần phải hiếu thuận với cha mẹ. Để hiểu sâu sắc hơn lý do vì sao, chúng ta hãy dành chút ít thời gian suy ngẫm và đọc tiếp những dòng sau.

2.1 Bày tỏ lòng hiếu thảo để báo đáp công ơn của cha mẹ 

Cha mẹ là bậc sinh thành, là người đã nuôi dưỡng ta từ khi ta cất tiếng khóc chào đời. Công ơn dưỡng dục của cha mẹ không có gì có thể đong đếm được. Thậm chí khi ta trưởng thành, cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh che chở, động viên và hy sinh vô điều kiện. Bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò - Chế Lan Viên). Vì thế, việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà là điều quan trọng.

Hiếu thảo là gì? Làm thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ? 1
Hiếu thảo với bậc sinh thành là đạo mà một người con nên làm

Có câu ca dao: “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Quả thực, đằng sau sự trưởng thành của các con luôn là sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ. Cha mẹ là những người đã vất vả sinh ra ta và nuôi nấng ta thành người. Cha mẹ đã không tiếc công sức, thời gian, tuổi trẻ để lo cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù họ biết phía sau đó, họ có thể nhận lại những nhọc nhằn, vất vả và cả sự già nua. 

Chính vì công ơn của cha mẹ không gì có thể báo đáp được nên phận làm con cần phải thể hiện tấm lòng hiếu thảo. Điều đó giống như nghĩa vụ và trách nhiệm để xứng đáng với những gì cha mẹ đã làm cho chúng ta.

Xem thêm: Rơi nước mắt với những bài thơ về mẹ cha sâu lắng, đầy đức hy sinh

2.2 Tấm lòng hiếu thảo là thước đo nhân cách của mỗi người

Việc thể hiện lòng hiếu thuận với cha mẹ, ông bà không chỉ là bổn phận và trách nhiệm của con cháu mà còn là thước đo giá trị nhân cách của mỗi con người. Bởi những người biết yêu thương cha mẹ, gia đình là những người có đạo đức và nhân cách tốt. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng được mọi người trân trọng và tín nhiệm vì sống có hiếu, có trước có sau.

Hiếu thảo là gì? Làm thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ? 2
Người sống có hiếu với cha mẹ là những người có đạo đức và nhân cách tốt

Ngược lại, những người sống vô tâm, thờ ơ với cha mẹ thường là người vong ơn bội nghĩa. Họ sẽ bị người đời chê trách và có thể gặp báo ứng vì lối sống ích kỷ của chính mình. Câu chuyện “Cái sọt và lòng hiếu thảo” là minh chứng rõ nhất cho điều này. Khi người bố coi người cha già yếu là gánh nặng và đan sọt vứt cha ra ngoài đường thì người con chứng kiến cũng đã làm thế với người bố của mình khi ông già. Giá như lúc ấy, người bố đã sống phải đạo làm con thì có lẽ sẽ không phải chịu báo ứng. 

Có thể thấy, chính thái độ đối xử với cha mẹ, ông bà của chúng ta ngày hôm nay sẽ tạo tiền đề để con cái chúng ta đối xử với chúng ta sau này. Do đó, hãy làm gương cho chính thế hệ trẻ sau này.

Hiếu thảo là gì? Làm thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ? 3
Hãy luôn sống có hiếu với cha mẹ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Xem thêm: Chùm thơ về cha hay và ý nghĩa nhất mà bạn không thể bỏ qua

3. Thể hiện tấm lòng hiếu thảo như thế nào?

Việc bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tưởng chừng phải làm điều gì đó to tát, lớn lao nhưng thực ra lại rất đơn giản. Chỉ qua những lời nói và hành động nhỏ nhặt, gần gũi hàng ngày, chúng ta cũng có thể thể hiện được tình cảm của mình.

Chẳng hạn đơn giản như việc nói năng nhẹ nhàng, lễ phép với cha mẹ. Luôn bày tỏ thái độ tôn trọng, biết ơn cha mẹ bằng việc lắng nghe và làm việc đúng đắn. Tránh làm những việc khiến cha mẹ buồn phiền, lo lắng. 

Hiếu thảo là gì? Làm thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ? 4
Sự hiếu thảo không cần những điều quá đỗi lớn lao và vĩ đại

Kính trọng, yêu thương, chăm sóc, quan tâm đến ông bà, cha mẹ cũng là một trong những cách thể hiện lòng hiếu thảo mà ai ai cũng nên “thuộc lòng”. Bên cạnh đó, chúng ta nên cố gắng rèn luyện bản thân, trở thành người có ích, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc… Hãy khiến ông bà, cha mẹ có thể tự hào, yên tâm về mình bởi suy cho cùng bậc cha mẹ nào cũng mong con mình có một cuộc sống tốt đẹp. 

Qua bài viết trên, có lẽ bạn đọc cũng phần nào tìm được cho mình câu trả lời về lòng “hiếu thảo là gì?” và cách thể hiện tấm lòng hiếu thuận với cha mẹ, ông bà. Để khép lại chủ đề này, VOH xin dành tặng bạn bài thơ hay về tình yêu thương của cha mẹ:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, 

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. 

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, 

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha. 

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, 

Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con. 

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, 

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”

(Sưu tầm)

Xem thêm: Tuyển tập 28 bài thơ lục bát về Mẹ - người phụ nữ tuyệt vời nhất thế gian

Nguồn ảnh: Internet