Giải thích thành ngữ "Được ăn cả, ngã về không" nghĩa là gì?

VOH - “Được ăn cả, ngã về không” là thành ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Vậy, “Được ăn cả, ngã về không” là gì?

Chúng ta thường nghe mọi người nhắc đến câu “Được ăn cả, ngã về không”. Vậy thành ngữ này muốn đề cập điều gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa của thành ngữ "Được ăn cả, ngã về không" và những ẩn dụ đằng sau nhé!

“Được ăn cả, ngã về không” là gì?

Là một thành ngữ quen thuộc và hầu như được sử dụng khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày, thế nhưng, ít ai hiểu rõ một cách tường tận ý nghĩa của câu nói “Được ăn cả, ngã về không”.

Theo Đại Từ điển tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý, “Được ăn cả, ngã về không” nghĩa là cứ liều lĩnh mà làm, được thì sẽ nhận được rất nhiều, bằng không đành chấp nhận thất thiệt hoàn toàn. 

Nguyên gốc của câu này xuất phát từ trò chơi “đỏ đen”, khi người chơi thắng lớn và chiến thắng vượt quá sự mong đợi. Tuy nhiên, chiến thắng này lại không có cơ sở mà nhờ vào vận may. Họ thậm chí nhận thức được khả năng thất bại của mình nhưng vẫn bất chấp đặt cược. 

Như vậy, có thể hiểu câu thành ngữ “Được ăn cả, ngã về không” ngụ ý cho việc hành động quyết đoán dù không chắc có kết quả tốt hay xấu. Quyết định này thường dựa vào may rủi. Nếu thành công thì sẽ được lợi rất nhiều, nếu không đạt được thì sẽ mất hết không còn gì. 

“Được ăn cả, ngã về không” còn phản ánh lối sống nhận định sự việc theo hướng tuyệt đối, hoặc là thành công, hoặc là thất bại. Điều này cũng đồng nghĩa, họ xem thành công hoặc thất bại là việc hiển nhiên.

Giải thích thành ngữ
“Được ăn cả, ngã về không” có thể hiểu là xem một quyết định nào đó như ván cược - Ảnh: Internet

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Nước lã mà vã nên hồ' nói về đức tính nào?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Ăn ốc nói mò” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mất bò mới lo làm chuồng’ răn dạy điều gì?

“Được ăn cả, ngã về không” trong tiếng Anh là gì?

Thành ngữ “Được ăn cả, ngã về không” được dịch sang tiếng Anh là: “Sink or Swim”, “Neck or Nothing”. 

“Sink or Swim” được hiểu theo nghĩa đen là hoặc chìm xuống nước hoặc phải bơi để nổi lên trên mặt nước. Nghĩa bóng là một hành động, việc làm không rõ kết quả, một là sống hai là chết, dựa vào may rủi. Câu thành ngữ này ám chỉ một hoàn cảnh đứng giữa ranh giới thành công và thất bại.

Ví dụ: In a situation like this, you either sink or swim. (Trong tình huống như thế này, bạn chỉ có thể “được ăn cả, ngã về không”).

“Neck or Nothing” có “neck” mang nghĩa táo tợn, liều lĩnh. Vậy, liều lĩnh thực hiện hay là không có gì, cũng đồng nghĩa với “Một mất một còn”.

Được ăn cả, ngã về không: Lối sống “tuyệt đối mọi việc” có tốt không?

“Được ăn cả, ngã về không” là cách nhìn sự việc theo hướng tuyệt đối, hoặc rất tốt hoặc rất tệ, hoặc thành công hoặc thất bại, hoặc hoàn hảo hoặc vô dụng… Khi suy nghĩ theo cách này, chúng ta luôn đặt mình ở một trong hai trạng thái đối lập: được hoặc mất. 

Cách suy nghĩ này đem đến khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực, có thể kể đến như:

  • Cầu toàn: Những người suy nghĩ trắng đen rạch ròi thường đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo. Vì dù chỉ có một khuyết điểm nhỏ, mọi thành quả sẽ biến thành con số không. Vì vậy họ thường cầu toàn, tự gây áp lực cho mình, dễ lo âu, căng thẳng.
  • Nhận định sai về bản thân: Áp dụng lối suy nghĩ này khiến chúng ta không nhìn nhận bản thân trọn vẹn. Thay vì nhìn bản thân có cả điểm mạnh điểm yếu và có thể thay đổi theo thời gian, chúng ta nhìn bản thân chỉ có hai thái cực rất tốt hoặc rất tệ. 
    Ví dụ, khi bạn được khen, bạn nghĩ mình là người tuyệt vời. Nhưng khi vừa bị khiển trách, bạn đã nghĩ mình là người thất bại, tồi tệ. Cách nhìn bản thân này khiến bạn đôi lúc tự cao, đôi lúc tự ti, nhưng hiếm khi giúp bạn tự tin về mình.
  • Đánh giá thấp bản thân và người khác: Khi một người gặp thất bại, không có nghĩa người đó là người vô dụng. Bạn hãy học cách hiểu rõ giá trị bản thân mình và tôn trọng giá trị của người khác. Nếu hôm nay bạn phạm một lỗi nhỏ không chứng minh bạn là một người bất tài.
  • Thiếu mục tiêu: Thiếu sự tập trung vào mục tiêu mà quyết định dựa trên may rủi có thể làm cho bạn mất hướng trong cuộc sống, không biết mình đang hướng tới điều gì.
  • Gặp nhiều rủi ro: Không kiểm soát một số tình huống có thể đưa bạn vào tình trạng nguy hiểm hoặc khó khăn không mong muốn.
Giải thích thành ngữ
“Được ăn cả, ngã về không” là cách nhìn sự việc theo hướng tuyệt đối, thành công hoặc thất bại - Ảnh: Internet

Tuy vậy, lối suy nghĩ “Được ăn cả, ngã về không” cũng có thể mang đến một vài tác động tích cực tùy thuộc vào cách mà bạn thực hiện nó. Dưới đây là một số tác động tích cực mà cách suy nghĩ này mang đến:

  • Khả năng quyết đoán: Khả năng quyết đoán của lối sống tuyệt đối có thể tạo ra sự tự tin trong bạn.
  • Lạc quan: Người có lối sống tuyệt đối có xu hướng xem thành công và thất bại là việc có thể xảy ra.
  • Không sợ thất bại: Khi không sợ thất bại, bạn có thể tận hưởng mọi khoảnh khắc và không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.

Tóm lại, lối sống tuyệt đối vừa mang lại sự tiêu cực lẫn tích cực. Cuộc sống không thể tránh khỏi những thách thức và khó khăn. Ngay cả khi bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi khả năng, vẫn có những tình huống không mong muốn có thể xảy ra. 

Xem thêm:
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay và ý nghĩa
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày

Một số thành ngữ, tục ngữ về thành công và thất bại

Thành công và thất bại tuy ở hai trạng thái đối lập nhưng có sự ảnh hưởng đến nhau. Dưới đây là một số thành ngữ, tục ngữ về thành công và thất bại mà bạn có thể xem như cách truyền động lực cho bản thân mình.

Giải thích thành ngữ

Một số thành ngữ, tục ngữ về sự may mắn

Khi chúng ta đứng trên đỉnh cao danh vọng, gặt hái được nhiều thành công ngoài sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, còn nhờ vào sự may mắn. Có đôi lúc, chỉ cần chúng ta gặp vận may thì làm việc gì cũng suôn sẻ, thuận lợi. Do đó, ông cha ta ngày xưa đã đúc kết những câu tục ngữ thành ngữ nói về sự may mắn nhằm đề cao yếu tố may mắn hiện hữu trong cuộc sống.

  • Buồn ngủ lại gặp chiếu manh
  • Cầu được ước thấy
  • Chó ngáp phải ruồi
  • Chuột sa chĩnh gạo
  • Ông thời đi khỏi, ông giỏi nằm co
  • Học chẳng hay, thi may thì đỗ
  • Không cầu mà được, không ước mà nên
  • Mèo mù vớ được cá rán
  • Ngồi mát ăn bát vàng
  • Tốt số hơn bố giàu​

Hy vọng với sự giải thích trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về câu thành ngữ “Được ăn cả, ngã về không”. Đây là lối sống thực tế, tuy nhiên, cần có sự cân nhắc trước khi quyết định điều gì đó để giảm thiểu khả năng thất bại và thành công hơn.

Đừng bỏ lỡ những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.