Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mất bò mới lo làm chuồng’ răn dạy điều gì?

(VOH) - Trong kho tàng văn học, ông cha ta đã có câu ‘Mất bò mới lo làm chuồng’ như một lời răng dạy con cháu phải biết lo liệu trước sau. Đừng để mọi việc hỏng rồi mới tìm cách ứng phó, giải quyết.

Lần giở từng trang sách, chúng ta ít nhất một lần bắt gặp gặp được câu "Mất bò mới lo làm chuồng". Đây là câu thành ngữ dạy con người làm việc gì cũng phải biết suy nghĩ cẩn thận, suy tính mọi việc. Đừng để mọi việc vỡ lở mới đi dọn dẹp hậu quả thì đã quá muộn, giống như khi “mất bò” chúng ta “mới lo làm chuồng”.

mat-bo-moi-lo-lam-chuong-voh-0

1. “Mất bò mới lo làm chuồng” là gì?

“Mất bò mới lo làm chuồng” là câu thành ngữ chỉ những người làm việc gì cũng không biết đề phòng, suy tính hậu quả. Đến khi xuất hiện rủi ro, biến cố bất ngờ họ mới cuống cuồng lên, tìm cách giải quyết, thế nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Ngoài ra, câu thành ngữ còn có hàm ý ám chỉ những kẻ dốt nát. 

Không phải tự nhiên mà cha ông ta lại răn dạy con cháu mình phải biết lo liệu trước sau, phòng ngừa chuyện bất trắc thông qua câu “Mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi lẽ, trong cuộc sống này, những sự việc không được tính toán, phòng trước diễn ra ngày càng nhiều, gây ra một hệ lụy đáng tiếc, muốn cứu vãn cũng đã muộn màng.

Đây còn là câu thành ngữ nhắc nhở mỗi cá nhân về những sự cố bất ngờ luôn tồn tại trong cuộc sống. Nó lúc nào cũng chực chờ để “nuốt chửng” khi chúng ta chủ quan, mất cảnh giác. Do đó, bản thân mỗi người hãy lập ra kế hoạch cụ thể để loại bỏ được những biến cố phát sinh, đánh bại nó từ khi nó mới ươm mầm.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Nước chảy đá mòn’

2. Câu chuyện ngụ ngôn và ý nghĩa sâu sắc của câu “Mất bò mới lo làm chuồng”

Thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” hình thành dựa vào câu chuyện ngụ ngôn sau:

Ngày xưa, có một nhà nọ tích cóp tiền mua được một con bò đẹp. Chủ nhà ưng bụng lắm, suốt ngày chăm bẵm cho con bò vô cùng kỹ lưỡng. Cạnh nhà anh ta có một gốc tre. Tối đến, anh ta dắt bò ra đấy mà buộc lại. Chẳng may, tên trộm theo dõi nhiều lần, chờ khi cả nhà ngủ say, hắn lẻn vào tháo dây thừng dắt bò đi mất.

Sáng hôm sau, khi chủ nhà thức dậy thì phát hiện con bò nhà mình đã mất, anh ta tức lắm nhưng không biết làm gì để tìm lại nó. Lúc này, có anh hàng xóm sang chơi bảo với anh ta rằng: 

- Nhà bác nuôi bò nhưng không có chuồng để ngăn kẻ trộm, cứ buộc vào gốc tre, nó bị dắt đi mất là phải rồi.

Chủ nhà nghe người hàng xóm nói như vậy thì cho là đúng. Anh ta bèn đi mua cột cây về làm một cái chuồng bò ngay giữa sân vườn. Anh ta tự nhủ rằng:

Xem tên trộm nào còn dám bén mảng đến nhà mà dắt bò của ông đi.

Đến khi người hàng xóm sang thấy thế liền cười bảo:

- Bác làm chuồng bò làm gì cho phí công sức, phí tiền của khi bò đã mất hả bác?

Nghe xong, chủ nhà mới ý thức được bò đã mất, nhà lại không còn con nào, bản thân còn đi làm chuồng làm gì nữa. Thế rồi, anh ta đành tháo ra. 

Câu chuyện “Mất bò mới lo làm chuồng” khép lại nhưng mở ra cho chúng ta những hàm ý sâu xa, bài học xương máu. Nó như những hồi chuông cảnh báo giúp chúng ta nhận ra rằng: “Nếu muốn làm việc gì cũng cần phải có kế hoạch cụ thể, đề ra phương án rủi ro, tính toán được mọi kết quả có thể xảy ra. Đừng đợi mọi việc hỏng rồi mới lo ứng cứu thì đã muộn”.

mat-bo-moi-lo-lam-chuong-voh-1

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp được đâu đó trong những trường hợp thế này. Tên trộm lẻn vào nhà lấy hết đồ đạc có giá trị vì chủ nhà để cửa lỏng lẻo; cờ bạc nên mất sạch tiền lúc nào không hay; học hành không đến nơi đến chốn, tương lai chẳng có công việc ổn định,... Từ bài học của những người đi trước, chúng ta rút ra kinh nghiệm để bản thân không phạm phải sai lầm đáng tiếc, có hối hận cũng không còn kịp nữa. 

Cuộc sống thì không thể lường trước được điều gì, chúng ta cần phải tỉnh táo, chủ động giải quyết mọi việc một cách tốt nhất. Hãy ngăn chặn những điều xấu tiến xa hơn để có thể bảo vệ được bản thân và những người chúng ta thương yêu. Tiền bạc mất đi thì có thể làm lại được, còn những việc liên quan đến mạng sống con người thì không thể cứu vãn được.

Xem thêm: ‘Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm’ có nghĩa là gì? Làm sao để cuộc sống của chúng ta luôn được no đủ?

3. Đừng để bản thân thấy hối hận, đến khi muốn sửa sai cũng đã muộn màng 

Có bao giờ bạn phải thốt lên câu “Giá như tôi…”. “Nếu như tôi…” chưa? Nếu có thì bạn thật sự hối hận về những gì mình đã làm. Chỉ vì sự bồng bột, làm việc không biết lo nghĩ để rồi đến cuối cùng mọi việc đều hư hỏng. Bạn thấy tiếc khi bản thân không suy nghĩ thấu đáo hơn, giống như câu “Mất bò mới lo làm chuồng”.

Cuộc sống này, ai trong chúng ta một lần rơi vào tình huống “Mất bò mới lo làm chuồng” hay “nước tới chân mới nhảy” bởi sự chủ quan, lười biếng và ngu dốt của bản thân. Và hậu quả nhận được, dù nhẹ hay nặng cũng đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. 

Khi đã trưởng thành, chúng ta nên tập cho mình thói quen tự chuẩn bị và dự tính hết mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời cẩn trọng hơn trong tất cả mọi chuyện, để đến khi gặp phải vấn đề, chúng ta còn ứng biến kịp thời. Đừng đợi “mất bò” mới chịu đi “làm chuồng” vì khi ấy dù có hối hận và muốn sửa sai thì cũng đã muộn màng.

mat-bo-moi-lo-lam-chuong-voh-2

Như vậy, câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” chính là bài học xương máu mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ và rút kinh nghiệm cho bản thân. Sự ngu dốt, chủ quan chính là con dao hai lưỡi giết chết chúng ta. Phòng ngừa vẫn tốt hơn là đi dọn dẹp tàn cuộc. Tự bản thân chủ động trong mọi việc là điều tốt nhất giúp chúng ta đi đến thành công dễ dàng hơn. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận