Giải thích ý nghĩa thành ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”

VOH - “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là câu thành ngữ quen thuộc dùng để chỉ những người ban đầu không có thiện cảm, nhưng sau thời gian sống kề cận cùng nhau lại phát sinh tình cảm.

“Mưa dầm thấm lâu” hay “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” đều là những thành ngữ nói về sự thay đổi cách nhìn, cảm xúc, tình cảm của một người dành cho một ai đó sau một thời gian gần gũi, sống gần nhau. Thế nhưng, khi đặt vào cùng một ngữ cảnh, ý nghĩa của hai thành ngữ này lại “rẽ” theo 2 hướng khác nhau.

Hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” và thông điệp trong bài viết sau đây.

Ý nghĩa “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là gì?

Là một thành ngữ quen thuộc trong dân gian và hầu như được sử dụng khá thường xuyên trong đời sống cộng đồng. Thế nhưng, ít ai hiểu rõ một cách tường tận ý nghĩa của câu nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” 1
"Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" là câu thành ngữ quen thuộc được sử dụng nhiều trong nhân dân - Ảnh: Dantri

Từ điển Nguyễn Lân giải thích câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” có nghĩa là hai người nam nữ ở gần nhau lâu ngày tất sinh chuyện yêu đương. Ví dụ: Lúc đầu cô ta chê anh ấy là đần, nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nay họ đã thành vợ chồng.

Theo từ điển tiếng Việt, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” được dùng để chỉ những đôi trai gái gần gũi, tiếp xúc lâu ngày dẫn đến phát sinh chuyện yêu đương, hoặc dùng để chỉ mối quan hệ không chính đáng, dễ gây “điều tai tiếng”. Ví dụ: Họ vừa gặp nhau, tình cảm ngày xưa với chị ấy giống lửa gần rơm lâu ngày cũng bén lại bùng cháy trở lại.

Trong thành ngữ tiếng Trung có câu “干柴烈火 (ɡàn chái liè huǒ)”, nghĩa là: Củi khô dễ cháy. Tuy không tương đồng về nghĩa câu, nhưng “củi khô dễ cháy” và “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” đều có chung một thông điệp nói về sự phát sinh tình cảm giữa nam và nữ khi có cơ hội được tiếp xúc, gần gũi với nhau quá thường xuyên.

“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” và Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên

Không chỉ ở ta, mà cả ở… Tây, cũng tồn tại quan niệm “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Dù không phải xuất phát từ một câu thành ngữ nào nhưng họ cũng có những quan niệm tương đồng cho rằng việc giữa hai người nếu có sự tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lần sẽ hình thành những cảm xúc và dần bị hấp dẫn bởi đối phương.

Đầu tiên, não chúng ta rất thích những thứ quen thuộc. Trong tâm lý học có một hiệu ứng gọi là Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên. Đây là hiệu ứng tâm lý mà chúng ta sẽ thích điều ta thường xuyên được tiếp xúc. Chẳng hạn, bạn có thể không thích một người, nhưng khi tiếp xúc nhiều bạn sẽ dần quen và chấp nhận con người họ. Hay bạn có thể không thích một bài hát, nhưng khi nghe nhiều lần bạn sẽ dần thích nó.

Chính sự tiếp xúc bên ngoài và gần gũi về thể chất dễ dẫn đến nguy cơ “ngã” vào tình yêu của mỗi người. Thế nên mới có những câu chuyện bạn bè chơi thân thiết với nhau dễ dàng chuyển sang tình yêu. Hay những người đồng nghiệp có thời gian tiếp xúc, làm việc với nhau nhiều cũng dễ dàng nảy sinh tình cảm.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” 2
Thường xuyên tiếp xúc có thể khiến hai người nảy sinh tình cảm với nhau - Ảnh: Tamlyhocungdung

Thứ hai, việc não yêu thích những thứ quen thuộc vì nó giúp não “nhàn” hơn. Hiểu đơn giản, khi chúng ta ở gần, tiếp xúc thường xuyên với một người chúng ta sẽ ngày càng hiểu hơn về người đó. Mà khi đã hiểu về một người, trong giao tiếp não sẽ đỡ phải lo nghĩ xem ta cần nói gì, làm gì để không gây mất lòng.

Thứ ba, do ưu ái tính quen thuộc, chúng ta thường dễ gặp và phải lòng những người có cùng “tần số”, có nhiều điểm chung về sở thích, quan điểm, hoàn cảnh… Và nếu thường xuyên tiếp xúc với những người này, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào “lưới tình”.

Giáo sư Ravi Thiruchelvam, nhà nghiên cứu tâm lý học, cho rằng có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng con người thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, thậm chí ngay cả khi ban đầu không hề có thiện cảm và điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Trong một nghiên cứu xoay quanh vấn đề tâm lý xã hội. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp 112 bức ảnh chân dung và đưa cho một nhóm người tham gia thử nghiệm. Đồng thời yêu cầu họ chấm điểm ngoại hình cho từng bức ảnh theo thang điểm từ 1 đến 9, một cách độc lập.

Sau đó cũng chính những bức ảnh này đã được đưa trở lại chấm điểm vòng 2, nhưng theo một trật tự đổi khác.

Kết quả cho thấy, những gương mặt được chấm điểm hấp dẫn ở vòng 1 lại càng được chấm điểm cao hơn ở vòng 2. Đồng thời, máy móc theo dõi sóng não những người tham gia cho thấy, sóng não đã tăng sự phấn khích ở lần thứ hai khi họ nhìn thấy những bức ảnh chân dung hấp dẫn.

“Mũi tên của thần Tình yêu nhiều khi bắn cũng khá chậm. Điều này đến từ việc bộ não con người có những nhận định thay đổi sau nhiều lần tương tác với cùng một đối tượng.”, ông nói thêm.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau
Giải thích thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì?
Giải thích thành ngữ "Đất lành chim đậu" có nghĩa là gì?

Những câu thành ngữ, tục ngữ liên quan đến “lửa”

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, chỉ liên quan đến từ “lửa” thôi cũng đã có rất nhiều câu nói được lưu truyền. Bên cạnh câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” thì dưới đây là một số câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao liên quan đến lửa mà bạn có thể tham khảo:

1. Thành ngữ “Tối lửa tắt đèn”: Thể hiện tấm lòng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người thân thuộc, hàng xóm láng giềng trong những lúc gian nan, nguy cấp.

2. Thành ngữ “Lửa thử vàng gian nan thử sức”: Trải qua thử thách cam go mới biết kẻ đó mới đáng mặt anh hùng.

3. Thành ngữ “Lửa cháy còn đổ thêm dầu”: Một người đang giận mà người khác lại có những lời nói kích động làm cho sự tức giận càng tăng thêm.

4. Tục ngữ “Chơi với lửa”: Việc đùa dại dột với cái nguy hiểm hoặc việc làm mạo hiểm dễ bị phản tác dụng.

5. Tục ngữ “Nóng như lửa”/ “Nóng như bà chằn lửa”: Rất nóng giận.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” 3
Có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ liên quan đến lửa được lưu truyền trong dân gian - Ảnh: Doanhnhan

6. Tục ngữ “Gắp lửa bỏ tay người”: Bịa đặt, vu khống.

7. Tục ngữ “Một lần nhúm bếp lửa một lần khó”: Nhấn mạnh việc cần phải làm cẩn thận và cố gắng từng bước một để đạt được kết quả tốt.

8. Ca dao “Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”.

9. Thơ “Lửa tâm càng dập càng nồng/ Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa” (Truyện Kiều).

10. Bài phú cổ “Nghìn dặm xui nên gặp gỡ, hương duyên đun với lửa tình/ Trăm năm tính cuộc vun tròn, trâm nghĩa sánh cùng quạt ước”.

Khác với kiểu tình yêu sét đánh hay yêu từ cái nhìn đầu tiên, có những thứ tình cảm lại lớn dần lên sau nhiều lần gặp gỡ, dân gian gọi đó là “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa của câu thành ngữ này.

Đừng bỏ lỡ những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.