Sự gắn kết và yêu thương trong cuộc sống luôn là những điều vô cùng đáng trân quý. Chúng không chỉ có trong phạm vi gia đình mà còn xuất hiện cả trong xã hội. “Máu chảy ruột mềm” chính là câu thành ngữ đắt giá bàn về vấn đề này.
Cùng VOH giải thích “Máu chảy ruột mềm” là gì và mang ý nghĩa gì qua bài viết sau.
“Máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì?
“Máu”, “ruột” là những bộ phận có kết nối với nhau trong cơ thể của con người. Về nghĩa đen, câu thành ngữ này được hiểu một cách đơn giản đó chính là khi “máu chảy” thì “ruột mềm”, tức một bên bị tác động, xảy ra vấn đề thì bên còn lại cũng bị ảnh hưởng, cảm nhận được.
Về nghĩa bóng, câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” chỉ về mối quan hệ máu mủ ruột thịt giữa những người thân. Ý chỉ khi một người gặp khó khăn, hoạn nạn thì những người còn lại cũng sẽ không được vui vẻ.
Một ý nghĩa khác của câu thành ngữ trên khi liên hệ ra thực tế đó là mối quan hệ bền chặt, sự liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá nhân trong cộng đồng. Khi có bất cứ tác động nào đến một khu vực, thì những nơi khác cũng đều sẽ bị ảnh hưởng.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Một giọt máu đào hơn ao nước lã’
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Thương người như thể thương thân'
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nhường cơm sẻ áo’ nói đến điều gì?
Bài học, ý nghĩa câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm”
Tình yêu thương trong gia đình
Anh em, cha mẹ, con cái trong nhà là những người “chảy chung một dòng máu”. Vì thế, nếu ai đó có vấn đề gì thì ít nhiều những người còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng hoặc cảm nhận được,
Bởi vậy trong cuộc sống chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, nếu một gia đình có chuyện xui, chuyện đau thương thì con cháu, anh em trong nhà cũng chẳng thể vui vẻ và ngược lại. Dĩ nhiên không phải là mọi gia đình đều như vậy, nhưng phần lớn điều này là đúng.
Mở rộng thêm, bài học sâu xa của câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” là nói về mối quan hệ giữa người với người. Trong cuộc sống nếu thấy kẻ hoạn nạn thì trong lòng mình cũng không lấy làm dễ chịu. Đây cũng là một truyền thống của dân tộc ta, truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ và bảo vệ nhau để góp phần phát triển đất nước.
Sự kết nối, tình yêu thương trong cộng đồng
Tuy có ranh giới hành chính cụ thể, có những khác biệt về phương thức quản lý, văn hóa… nhưng các tỉnh thành ở Việt Nam đều là anh em một nhà. Giữa các khu vực luôn có mối quan hệ gần gũi về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội,...
Sự đoàn kết, yêu thương, tương thân tương ái của cá các nhân trong cộng đồng đã được thể hiện, khẳng định qua hàng ngàn năm lịch sử và mới nhất là đại dịch Covid-19. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất cho câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” mà ông cha ta đã đúc kết.
Như vậy, từ câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” chúng ta có khẳng định những người trong gia đình sẽ có tác động đến nhau. Giữa các thành viên luôn tồn tại sự gắn kết vô hình mà đôi khi chỉ trong hoạn nạn mới thấy rõ. Đó là tình yêu thương, là tình cảm ruột thịt vô giá khó sánh được.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng là một tế bào của xã hội. Gia đình tốt, tình cảm bền chặt thì xã hội cùng như vậy. Cho nên thương yêu đùm bọc nhau, chia sẻ những nỗi đau khổ không chỉ là điều mà chỉ người ruột thịt dành cho nhau mà giữa người với người cũng rất cần thiết và ý nghĩa.
Xem thêm:
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình anh em ruột thịt đầy ý nghĩa có từ ngàn xưa
30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người
250 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tình cảm gia đình hạnh phúc
Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về yêu thương con người
Để nói về tình cảm ruột thịt, gia đình, bạn bè… tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ giữa người với người, chúng ta có thể sử dụng nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao khác. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo.
1. Môi hở răng lạnh: Nói về mối quan hệ thân cận phải giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau nếu không sẽ gây tổn hại cho nhau, ví như môi và răng nếu môi hở thì răng sẽ lạnh. Nếu không giúp đỡ nhau thì sẽ bị ảnh hưởng lẫn nhau.
2. Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn: Câu ca dao chỉ bảo tuy không cùng một cha mẹ sinh ra nhưng cũng chung một dòng máu, nên biết thương nhau, san sẻ với nhau những đắng cay ngọt bùi.
3. Nhường cơm sẻ áo: Nhường cơm sẻ áo, san sẻ giúp đỡ cho nhau những thứ tối cần thiết cho cuộc sống khi thiếu thốn gây khó khăn không chỉ là những người thân trong gia đình mà nên nhường cơm sẻ áo cho những người mà chúng ta có thể giúp đỡ được.
4. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ: “tàu” chỉ máng đựng thức ăn trong chuồng ngựa và “tàu” cũng dùng để gọi chuồng ngựa. Ngựa là một loài vật phải lao động nặng vì thế chúng sẽ ăn rất nhiều. Nhưng khi “một con ngựa đau” mà “cả tàu không ăn cỏ” điều đó cho thấy cả đàn ngựa cũng buồn bã, không thiết đến việc ăn uống. Câu trên ý chỉ tác động đến một cá thể sẽ ảnh hưởng đến tập thể.
5. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng: Câu ca dao với mục đích khuyên nhủ những người chung nòi giống, chung nguồn cội nên yêu thương giúp đỡ lẫn nhau
6. Chị em một ruột mà ra/ Chị giàu em khó hóa ra người ngoài: Chị em có mối quan hệ ruột thịt, từ cùng một mẹ sinh ra. Chị em cùng giúp đỡ nhau đi lên, giúp đỡ nhau phát triển.
Trên đây là những ý nghĩa và bài học về sự kết nối, sự yêu thương mà câu thành ngữ “Máu chảy ruột mềm” đã răng dạy. Hy vọng chúng ta sẽ tự đúc kết ra được những bài học của riêng mình, vận dụng chúng vào thực tế để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cập nhật những kiến thức, bài viết thú vị cùng VOH Sống đẹp.
Nguồn ảnh: Internet