Chờ...

Tại sao tư tưởng trọng nam khinh nữ gây hậu quả xấu cho xã hội hiện nay?

(VOH) - Trọng nam khinh nữ là tư tưởng cổ hủ, lạc hậu cần xóa bỏ. Tư tưởng này hiện vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc trong xã hội. Vậy trọng nam khinh nữ là gì?

"Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô"
(Tạm dịch: Chỉ cần một người đàn ông cũng là có, dù có 10 người phụ nữ cũng là không có gì)

Tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại từ rất lâu trong nhận thức của người dân ở các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là một suy nghĩ lạc hậu của người xưa, ảnh hưởng từ quan điểm Nho giáo, không còn phù hợp với xã hội phát triển hiện nay. Bởi việc đề cao quan điểm này sẽ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và con người. 

1. Trọng nam khinh nữ là gì?

trong-nam-khinh-nu-voh-0
 

Trọng nam khinh nữ (thuật ngữ tiếng anh là Sexism) là một hệ thống tư tưởng có từ thời xưa tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới thời phong kiến. Ngay cả trong thế kỷ 21, khi mà quyền con người và sự công bằng được đề cao, những con người hiện đại, văn minh vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quan niệm lạc hậu này. Để hiểu hơn về tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là gì, chúng ta cùng phân tích từng từ có ở trong câu.

“Nam” và “nữ” là đại diện cho hai giới tính khác nhau trong xã hội. Còn “trọng” là sự ưu ái, coi trọng. Ngược lại, “khinh” là sự khinh thường, thiếu tôn trọng,... Những từ này được đặt xen kẽ trong câu tạo thành một tư tưởng về sự phân biệt giới tính. Theo đó, vai trò nam giới được đề cao, coi trọng hơn so với nữ giới trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

Chúng ta có thể thấy rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam trong các tác phẩm văn học cách đây vài thập kỷ. Người phụ nữ bị chà đạp, khinh thường, chịu nhiều uẩn khuất như nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay nàng Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam xương”,... Còn nam nhi thì được ca ngợi, đề cao là những người đầu đội trời, chân đạp đất, là trụ cột gia đình, gánh vác việc nước.

Trọng nam khinh nữ là một lối tư tưởng sai lệch nhằm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, trong đó coi nam giới quan trọng hơn phụ nữ. Đây là quan niệm cổ hủ, lạc hậu đáng bị lên án và xóa bỏ ngay lập tức. 

2. Những biểu hiện trong tư tưởng trọng nam khinh nữ 

trong-nam-khinh-nu-voh-1
 

Quan niệm “Trọng nam khinh nữ” không phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng nó vẫn là ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ trong các gia đình qua nhiều thế hệ. Biểu hiện trong tư tưởng trọng nam khinh nữ được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống từ xưa đến nay.

Thời phong kiến, chỉ có con trai mới được học hành, thi cử, làm quan. Còn phụ nữ phải công dung ngôn hạnh, gắn với nội trợ, bếp núc, phục vụ chăm sóc gia đình. Hay trong các triều đại phong kiến, ngai vàng chỉ được truyền cho con trai. Thậm chí, người nắm quyền hành, chức vụ trong triều đình cũng chỉ có nam nhi. Phụ nữ thì bị coi như tì thiếp, không hề có tiếng nói trong gia đình, xã hội.

Ngày nay, một số gia đình vẫn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mong muốn có cháu trai hơn cháu gái để nối dõi tông đường. Vì vậy, những cô con dâu mang bầu con trai được yêu thương, coi trọng hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, việc thừa kế tài sản cũng thường chia lại cho con trai trong nhà là chủ yếu. Con gái thường không được quyền thừa kế hoặc nếu chia cũng chỉ là một phần tài sản nhỏ. Điều này bắt nguồn từ quan niệm con gái “xuất giá tòng phu”.

Trong quá khứ, có những người phụ nữ đóng góp to lớn về thành tựu khoa học của thế giới nhưng bị loại bỏ khỏi danh sách đề cử giải Nobel chỉ vì họ là nữ giới. Đặc biệt, cho đến thế kỷ XX, hầu hết các quốc gia trên thế giới, phụ nữ không có quyền tham gia bầu cử, cũng không được đảm nhận một số công việc như sĩ quan quân đội, giám đốc.

Từ đó cho thấy, dù xưa hay nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ luôn tồn tại và biểu hiện rõ nét ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau trong xã hội, cuộc sống.

Xem thêm:
399 câu nói hay về phụ nữ hiện đại độc lập thông minh mạnh mẽ
Chùm thơ hay về vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ Việt Nam
Tại sao con gái phải cố gắng nỗ lực?

3. Lý giải nguyên nhân, nguồn gốc của trọng nam khinh nữ

Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ xưa đến nay, phân phối tư duy của con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân, nguồn gốc của nó.

Nguồn gốc của tư tưởng trọng nam khinh nữ bắt nguồn từ khi loài người khai phá ra các loại công cụ mới, nhằm tăng năng suất lao động. Đàn ông có sức khỏe, sức lực và phù hợp hơn với những công việc cày bừa, tham gia chính vào hoạt động sản xuất. 

Khi xã hội tư bản hình thành và phát triển, vai trò của nông nghiệp nhường chỗ cho công nghiệp. Xã hội vẫn ưu tiên cho nam giới do các công việc đòi hỏi sức khỏe, tư duy kỹ thuật như thợ máy, thợ mỏ,...

Có thể nói, đàn ông thể hiện được vai trò, tầm quan trọng trong các giai đoạn phát triển của xã hội. Chính vì sự đóng góp nhiều của nam giới nên họ được tôn trọng hơn nữ giới. Trong thực tế, tỉ lệ nam giới trong các nhà khoa học hay anh hùng đều cao hơn nữ rất nhiều.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tư tưởng trọng nam khinh nữ là do ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo của Trung Quốc. Tư tưởng Nho giáo chi phối rất nhiều đến các nước phương Đông, trong đó có nước Việt Nam ta. Trong Nho giáo, nam nhi là anh hùng có chí khí, gánh vác cơ đồ, xưng nghiệp đế vương,...Và hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở Trung Quốc vẫn còn rất phổ biến, dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài và đau lòng ở quốc gia này.

Xã hội hiện đại, phụ nữ đã biết đấu tranh và đòi quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, đến một độ tuổi nhất định, phụ nữ sẽ bắt đầu chuyển hướng lui về chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Đặc biệt, phụ nữ trải qua quá trình sinh nở hoặc chu kỳ kinh nguyệt cũng ảnh hưởng rất nhiều trong sự nghiệp. 

Hơn nữa, nữ giới thường bị cảm xúc chi phối, thường có tinh thần thử thách thấp hơn nam giới. Trong khi đó, nam giới lại rất quyết đoán trong giải quyết công việc. Bên cạnh, nữ giới thường nói nhiều hơn còn nam thì hành động nhiều hơn, khả năng logic cao hơn so với nữ. Do đó, nhiều người cho rằng phụ nữ không đảm đương được những công việc lớn lao, vĩ đại như phái mạnh.

4. Những hậu quả của việc trọng nam khinh nữ 

Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng vô cùng lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tư tưởng này đã mang lại những hậu quả khôn lường, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.

trong-nam-khinh-nu-voh-2
Mất cân bằng giới tính khi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại

Đầu tiên phải nhắc đến là mất cân bằng giới tính. Bởi vì tư tưởng trọng nam khinh nữ nên các gia đình đều muốn sinh con trai. Thậm chí, dùng mọi cách để có được một cậu con trai quý tử. Vì vậy, tỉ lệ mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ ngày càng tăng cao khiến nhiều quốc gia đau đầu vô cùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến dân số và gia đình.

Thứ hai là sự bất hòa trong các mối quan hệ. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ luôn đề cao tiếng nói của nam giới, còn người phụ nữ thì không và vai trò của họ trong gia đình bị kìm hãm, không được tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm của bản thân. Do đó, gây nên mâu thuẫn trong các mối quan hệ ở gia đình.

Thứ ba là tiếng nói của người phụ nữ bị ảnh hưởng. Hiện nay, mỗi người đều có quyền bình đẳng, không có lý do gì mà người phụ nữ phải cam chịu và biến mình thành người thấp cổ bé họng. Tuy nhiên, phụ nữ không được hưởng những quyền lợi vốn có như nam giới. Trong một số công việc gia đình, con trai trưởng phải là người quyết định, con gái không có quyền tham gia hoặc lên tiếng.

Thứ tư là ảnh hưởng lớn đến tư tưởng đời sau. Mặc dù, tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn phù hợp với xã hội văn minh ngày nay nhưng nhiều người vẫn mang tư tưởng này với nhiều cấp độ khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến những thế hệ nối tiếp,  không thể chấm dứt trong tương lai.

Xem thêm:
Những câu nói hay về con gái đầu lòng, thơ ca dao tục ngữ về con gái đầu lòng ý nghĩa
110 status hay về con gái bản lĩnh mạnh mẽ
Những câu thơ hay về con gái rượu và cha mẹ vui vẻ ý nghĩa

5. Giải pháp và quy định của nhà nước về bình đẳng giới

trong-nam-khinh-nu-voh-3
 

Vấn đề trọng nam khinh nữ đã gây ảnh hưởng lớn đến bình đẳng giới. Để hướng đến một cuộc sống bình đẳng và văn minh, mỗi cá nhân cần thay đổi quan điểm, tư duy, có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, những giải pháp và quy định của nhà nước cũng góp phần giúp bình đẳng giới ở cộng động được nâng cao.

Giáo dục là giải pháp được nhiều nước áp dụng, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để chúng ta xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu’ vào tâm thức của nhiều người. Từ những sự giáo dục đúng đắn của nhà trường, gia đình sẽ giúp mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ý thức về bình đẳng giới, không phân biệt nam nữ.

Ngoài giáo dục, mỗi quốc gia cần đứng lên bảo vệ quyền phụ nữ, sự bình đẳng với nam giới thông qua các điều luật cụ thể, đảm bảo cho nữ giới có tiếng nói trong xã hội. Hiện nay, nhà nước ta vẫn đang ráo riết thực hiện các công tác truyền thông nhằm đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ, sự công bằng trong các mối quan hệ xã hội của nam và nữ.

Một số quy định rõ ràng về bình đẳng giới nhằm giúp cho người dân có ý thức đúng đắn, tuân thủ thực hiện đã được Nhà nước cũng ban hành như sau:

Theo Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Hay Điều 26, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.” Và đặc biệt là “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Hơn nữa, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Những quy định trong Luật Bình đẳng giới là kim chỉ nam nhằm hướng đến xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, nhằm tạo cơ hội công bằng cho cả nam và nữ trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ giữa nam và nữ trong công việc,...

Cùng với những giải pháp trên, bản thân mỗi người phụ nữ cũng phải không ngừng đấu tranh để chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh, khẳng định tiếng nói, giá trị của mình trong xã hội.

6. Một số câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ hay, ý nghĩa về trọng nam khinh nữ

Vì trọng nam khinh nữ là một tư tưởng có từ lâu đời nên trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam tư tưởng này được thể hiện nhiều trong các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ. 

Sau đây là một số câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa sâu sắc về trọng nam khinh nữ. Hãy tham khảo và suy ngẫm nhé!

  1. Thân em như tấm lụa đào,
    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
  2. Lấy chồng thì phải theo chồng,
    Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
trong-nam-khinh-nu-voh-4
 
  1. Bắc thang lên hỏi trăng già,
    Phải chăng phận gái mưa sa giữa trời.
    May ra gặp được giếng khơi
    Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn.
    Chẳng may số phận gian nan,
    Lầm than phải chịu phàn nàn cùng ai?
  2. Có chồng chẳng được đi đâu
    Có con chẳng được đứng lâu một giờ.
  3. Đau đớn thay phận đàn bà
    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (trích Truyện Kiều)
  4. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.
  5. Trai tay không chẳng ăn mày vợ
    Gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng.
  6. Đàn ông nông nổi giếng khơi
    Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
  7. Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng

Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng lạc hậu và cổ hủ cần được xóa bỏ. Mong rằng, qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội để bản thân có được nhận thức đúng đắn. Từ đó, bình đẳng giới được đẩy mạnh, hướng đến một xã hội hiện đại và văn minh.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet