Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Chạy trời không khỏi nắng’ là gì?

(VOH) - Thành ngữ ‘Chạy trời không khỏi nắng’ nói về việc không thể tránh khỏi những tai họa, những sự việc sẽ phải xảy ra với bản thân và đành phải chấp nhận.

‘Chạy trời không khỏi nắng’ là câu thành ngữ chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua ở đâu đó nhưng có thể chúng ta vẫn chưa hiểu được ý nghĩa đằng sau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ ý nghĩa câu thành ngữ này để từ đó có thể vận dụng chúng vào cuộc sống một cách chuẩn xác nhất.

1. Ý nghĩa của “Chạy trời không khỏi nắng” là gì?

Đầu tiên, cần phải hiểu nghĩa của cụm từ “chạy trời”. “Chạy trời” ở đây chính là đang ám chỉ đến việc trốn tránh một ai đó hoặc một việc gì đó. “Không khỏi nắng” có nghĩa là không trốn thoát được dù cho đã cố gắng đến mấy.

Từ đó có thể hiểu được ý nghĩa của câu “Chạy trời không khỏi nắng” là cho dù bạn có muốn trốn tránh như thế nào, cho dù bạn đã cố chống cự bằng mọi cách thì cũng sẽ không thoát được những việc vốn dĩ đã được an bài cho bạn.

Giải thích ý nghĩa câu ‘Chạy trời không khỏi nắng’ 1

Câu thành ngữ mượn hình ảnh “trời” và “nắng” là bởi vì đây là những thứ gắn liền với sự rộng lớn, chiếu rọi khắp mọi nơi nên không thể tránh được dù ở bất cứ đâu. Nó còn mang ý nghĩa của lẽ phải, xuất hiện trong các câu thành ngữ khác như “Trời cao có mắt”, “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát”,...

Do đó, câu thành ngữ cũng đang ám chỉ đến những người hay làm việc xấu, làm những việc trái với lương tâm và pháp luật thì sớm muộn gì cũng sẽ bị trừng trị bởi pháp luật và luật nhân quả.

Xem thêm: Tuyển chọn 37 bài thơ Phật giáo - lời dạy sâu sắc về nhân sinh

2. “Chạy trời không khỏi nắng” muốn dạy chúng ta điều gì?

Không kể đến việc bạn vô tình mắc phải tai họa không thể tránh được thì câu thành ngữ “Chạy trời không khỏi nắng” cũng mang một ngụ ý muốn khuyên răn con người không nên làm điều sai trái, làm những điều có hại đến người khác. 

Không nói đâu xa, câu thành ngữ áp dụng chính xác ngay cả trong đời sống hàng ngày. Những người làm trái pháp luật, lách luật để làm những điều xấu xa đen tối, không trước thì sau cũng sẽ bị pháp luật trừng  trị và họ phải đối diện với những hình phạt mà Pháp luật đưa ra khi cố tình chống đối. Tuy nhiên, mức hình phạt nhẹ hay nặng sẽ phụ thuộc vào việc họ có hợp tác để quá trình điều tra diễn ra nhanh và tốt đẹp.

Đừng nghĩ rằng những việc sai trái mà bản thân đã/đang làm sẽ không ai biết, hay “thần không biết, quỷ không hay”. Hãy nhớ rằng “người tính không bằng trời tính”, những điều sai, điều ác bạn đã làm sẽ nhanh chóng bị phơi bày và sự trừng phạt sẽ luôn đuổi theo bạn, dù bạn có chối bỏ hay trốn tránh thì cũng không bao giờ thoát khỏi được nó.

Luật nhân quả là một quy luật muôn đời không đổi, vì thế, hãy nằm lòng câu thành ngữ “Chạy trời không khỏi nắng” như một cách tự răn dạy bản thân sống tốt, làm những điều đúng đắn, lấy lương thiện làm cốt yếu để bản thân và các thế hệ sau này có được cuộc sống bình an, vui vẻ.

Thậm chí, ngay cả khi bạn không có khả năng để giúp đỡ người khác thì cũng đừng làm bất cứ điều gì gây hại đến ai, bởi hại người rồi cũng sẽ hại mình. Đến lúc bản thân chịu sự trừng phạt thì dù có thấm nhuần ý nghĩa “Chạy trời không khỏi nắng” cũng đã không còn kịp nữa.

Xem thêm: ‘Ở hiền gặp lành’ rốt cuộc câu tục ngữ này còn ẩn chứa điều gì mà ta chưa biết?

3. Những câu thành ngữ, tục ngữ nói về tai họa

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đã có không ít những bài học nói về tai họa, những điều may rủi trong cuộc sống tương tự như câu “chạy trời không khỏi nắng”.

1. Tránh đầu phải tai.

2. Đã khó chó cắn thêm.

3. Họa vô đơn chí.

4. Tránh hùm mắc hổ.

5. Tránh thằng một nai gặp thằng hai nậm.

6. Tránh anh đánh đau, gặp anh mau đánh.

7. Tránh nơi lưới thả, mắc đường bẫy treo.

8. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Giải thích ý nghĩa câu ‘Chạy trời không khỏi nắng’ 2

Xem thêm: Giải nghĩa câu thành ngữ ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’ và ý nghĩa của câu nói trong văn hóa Việt Nam

4. Những câu ca dao tục ngữ nói về nhân quả, báo ứng

Luật nhân quả là điều luôn được đề cập trong văn học dân gian Việt Nam. Bên cạnh câu “chạy trời không khỏi nắng”, cùng điểm qua một số câu thành ngữ, tục ngữ về nhân quả dưới đây:

  1. Ở hiền gặp lành.
  2. Gieo gió, gặt bão.
  3. Ác giả ác báo
  4. Ai làm người nấy chịu.
  5. Gieo nhân nào gặt quả nấy
  6. Gậy ông đập lưng ông
  7. Sống tham, chết thối.
  8. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước
  9. Một đời làm lại, bại hoại ba đời.
  10. Cây khô không lộc, người độc không con.
  11. Cơ thâm họa diệc thâm
  12. Ao sâu tốt cá, độc dạ khốn thân.
  13. Ai ăn mặn nấy khát nước.
  14. Trêu ong, ong đốt. Trêu bụt, bụt đâm.

Giải thích ý nghĩa câu ‘Chạy trời không khỏi nắng’ 3

  1. Sát nhân, giả tử
  2. Cấy ác thì gặt ác
  3. Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay
  4. Xởi lởi trời cho, co ro trời lấy
  5. Sinh sự, sự sinh.
  6. Của thiên trả địa

Trên đây là lý giải về ý nghĩa của câu thành ngữ “Chạy trời không khỏi nắng”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm cái nhìn sâu sắc về câu nói cũng như có được những bài học đắt giá cho bản thân, biết vận dụng câu nói vào cuộc sống của mình.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận