Ở đời, người biết giữ gìn cái miệng, khéo ăn nói sẽ “được lòng” thiên hạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấu hiểu đạo lý đó. Vì thế, cổ nhân mới có câu “họa từ miệng mà ra”. Vậy ý nghĩa và bài học ẩn chứa đằng sau câu tục ngữ trên là gì? Hãy cùng VOH khám phá nhé!
Tục ngữ “họa từ miệng mà ra” là gì?
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có vô vàn câu tục ngữ về lời nói, lối ứng xử của con người được cha ông ta đúc kết từ bao đời nay, ví như câu “họa từ miệng mà ra”. Vậy “họa từ miệng mà ra” là gì?
Theo Wiktionary, “miệng” là một bộ phận ở mặt người dùng để nói và ăn. Còn “họa” là điều không may, mang lại những tổn thất, khổ đau.
Thông qua phần giải thích trên, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của cả câu như sau: Tai họa thường bắt nguồn do việc ăn nói không cẩn thận, thiếu suy nghĩ mà tạo thành.
Một người khôn ngoan, thông minh không chỉ biết cách dùng lời nói để giúp bản thân thành công mà còn tránh được tai họa. Ngược lại, người dại thường hay thốt ra những lời lẽ ác ý, thiếu suy nghĩ dẫn đến hại mình, hại người.
“Họa từ miệng mà ra” tiếng Trung là gì và có nguồn gốc từ đâu?
Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua câu “họa từ miệng mà ra”. Tuy nhiên, bạn có biết câu nói nổi tiếng này bắt nguồn từ đâu không?
Câu “họa từ miệng mà ra” có nguồn gốc từ cuốn sách Thái bình ngự lãm do nhà Tống (Trung Quốc) biên soạn. Nguyên văn câu đó là 病從口入, 禍從口出 (Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất), tức là ăn uống vô độ nên rước bệnh tật vào người, nói năng vô ý thì gây hại bản thân.
Trong Thái bình ngự lãm, phần Nhân sinh có bàn luận về cái miệng rằng: “Phúc khí đến sẽ có điềm báo trước, tai họa đến cũng có nguyên nhân. Đừng nuông chiều cảm xúc để làm những điều không phù hợp, cũng đừng để bản thân không để ý mà nói quá nhiều lời. Ổ kiến có thể làm cho cả bờ sông sụp đổ, dòng nước nhỏ có thể cuốn trôi cả ngọn núi. Bệnh tật là do ăn uống mà vào, còn họa là do lời nói mà ra”.
Từ triết lý trên, cổ nhân đã xem câu “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” là châm ngôn sống dùng để tu tâm dưỡng tính.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Giàu đổi bạn sang đổi vợ' nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Chiếc áo không làm nên thầy tu'
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Ôn cố tri tân’ nói đến triết lý nào?
Bài học hay qua câu chuyện xưa “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”
Câu tục ngữ “họa từ miệng mà ra” gắn liền với một câu chuyện cũ. Thuở xưa ở cái hồ nọ, Rùa và vợ chồng Cò Trắng là bạn của nhau.
Năm ấy trời hạn hán, không có lấy một giọt mưa. Nắng nóng thiêu đốt cỏ cây khiến chúng héo úa, nước trong hồ cũng nóng lên, làm chết các loài thủy tộc. Vì thế, nguồn thức ăn của Rùa cũng cạn kiệt dần. Chàng ta bắt đầu đứng ngồi không yên, vắt óc suy nghĩ kế thoát thân.
Trong lúc tình thế nguy nan thì có vợ chồng Cò Trắng đến chơi. Thấy bộ dáng thiểu não của Rùa, Cò ân cần hỏi thăm:
- Có chuyện buồn gì mà trông bác bồn chồn, lo lắng thế?
- Hai bác ơi, tôi đang gặp phải đại nạn, phen này chết mà không được gặp mặt hai bác nữa. - Rùa đáp.
Nghe vậy, Cò Trắng vội an ủi:
- Chúng ta là bạn bè thân thiết với nhau, "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu". Bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân làm bác phiền muộn, may ra chúng tôi còn biết để giúp đỡ bác.
Thế rồi, Rùa kể việc mình gặp phải cho hai người bạn nghe. Biết được nguyên do, vợ chồng Cò Trắng khuyên Rùa đến nơi khác sinh sống và hứa sẽ giúp đưa chàng ta tới đó.
Vợ chồng Cò Trắng nghĩ ra cách tha cành cây nhỏ, mỗi người giữ một đầu. Sau đó, họ sẽ để Rùa ngậm ở ngay đoạn giữa và bay đến cái hồ mới. Trước khi khởi hành, Cò Trắng dặn đi dặn lại bạn nhất định phải ngậm chặt khúc cây, không được nói năng hay hỏi han gì cả cho dù gặp bất cứ tình huống nào. Rùa ta đồng ý.
Trên đường đi khi chứng kiến biết bao cảnh lạ, Rùa định mở miệng hỏi để thỏa tính tò mò thì nhớ đến lời nói của Cò Trắng. Lúc bay ngang qua cánh đồng, nhóm bạn bị đám trẻ mục đồng phát hiện. Chúng đuổi theo, trêu đùa Rùa và vợ chồng Cò Trắng: “A ha! Thật giống hai thằng què dắt một ông thầy bói mù! Thầy bói rùa bị cò tha đi.”
Vì quá tức giận, Rùa đã mở miệng trả lời: “Mặc kệ chúng tôi. Đồ nhãi con!” Nhưng than ôi, vừa há miệng, chàng ta đã rơi xuống, va vào tảng đá, chết ngay tại chỗ.
Có thể thấy, Rùa là kẻ hồ đồ, không biết giữ mồm giữ miệng lại thêm tật nóng nảy, cái tâm thích tranh đấu nên mang họa sát thân.
Từ câu chuyện trên, chúng ta rút ra được bài học: Chỉ vì một lời nói thiếu suy nghĩ mà gây tổn thương cho người, hại mình. Do đó, con người cần phải tu tâm dưỡng tính, tránh buông những lời cuồng ngôn, thị phi thì cuộc đời mới an yên, hạnh phúc.
“Họa từ miệng mà ra” - “Tu” cái miệng để tránh rước họa vào thân
Cổ nhân vẫn thường nói: “Người ta chỉ mất 3 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học nghe”. Học nghe ở đây có thể hiểu là học cách im lặng, suy nghĩ thấu đáo trước khi phát ngôn. Bởi mọi tai họa đều bắt nguồn từ lời nói, “họa từ miệng mà ra”. Để tránh hại mình và hại người, chúng ta cần tuân thủ quy tắc 4 “Không” sau đây:
Không buông lời thị phi
Lời nói thị phi vốn mang theo năng lượng tiêu cực. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người nghe mà còn làm xấu đi tâm hồn của người nói.
Mỗi người đều có một cuộc đời để sống. Tốt hay xấu, họa hay phúc là do họ tự chọn. Chúng ta không nên bàn tán, lời ra tiếng vào, can thiệp quá sâu vào việc của người khác. Khi dành nhiều thời gian để quan tâm, săm soi cuộc sống của họ, chúng ta sẽ quên đi, thậm chí là bỏ bê chính mình. Liệu đó có phải là điều chúng ta đang hướng đến?
Một người thông minh sẽ biết việc gì nên làm, lời nào nên nói. Chỉ khi chúng ta học cách dùng “nhân” đối nhân, khoan dung, độ lượng thì mới “gặp dữ hóa lành”, hóa hung thành cát, chuyển họa thành phúc.
Không nói lời oán than
Dẫu biết cuộc sống còn nhiều bất công, đầy rẫy việc không may xảy ra nhưng chúng ta đừng nói lời oán than. Nó chỉ thể hiện sự yếu đuối của con người khiến bạn nản chỉ, chùn bước trước thử thách.
Hơn thế nữa, khi than thở với người khác về những khó khăn mà mình gặp phải, người hiểu thì ít, kẻ cười chê lại nhiều. Họ sẽ bàn tán, phán xét và chúng ta trở thành trò cười của thiên hạ.
Thay vì thất vọng, phàn nàn, bạn hãy học cách chấp nhận, tự cân bằng cảm xúc của mình để bình tâm đối mặt với mọi sóng gió cuộc đời. Đừng để những giây phút yếu lòng mà bản thân mắc sai lầm, nói năng không kiểm soát, rước rắc rối vào người.
Không gieo lời ác ý
Lời nói vô hình nhưng nó là vũ khí lợi hại mà ai đó sử dụng để gây tổn thương cho người khác.Tâm không thiện sẽ buông ra lời nói ác ý. Đôi lúc, những lời nói bông đùa, vô tri ấy khiến mọi người chạnh lòng, đau khổ.
Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình. Do đó, mỗi cá nhân cần chịu trách nhiệm với lời mình thốt ra bởi có những câu nói người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Đồng thời, chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để tránh “họa từ miệng mà ra”.
Không thốt ra lời ngông cuồng
Người lộng ngôn là kẻ tự phụ, cậy vào tài năng của mình mà xem thường người khác. Đây là kiểu người “thùng rỗng kêu to” rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Họ bất tài vô dụng nhưng hay mạnh miệng khoe khoang, cốt để che đậy sự thiếu hụt về trí tuệ từ bản thân.
Sở dĩ, con người gặp tai ương là do “họa từ miệng mà ra”. Vì các phát ngôn ngạo mạn, ngông cuồng trong lúc nóng giận nên sinh ra vô số kẻ thù. Lời nói có thể nâng ta lên nhưng cũng có thể dìm xuống tận cùng. Vì thế, làm người cần khiêm tốn một chút, kiên cường nhưng tuyệt đối không được huênh hoang, kiêu ngạo.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’ khuyên chúng ta điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Kính lão đắc thọ’ dạy ta điều gì?
Những câu ca dao, tục ngữ liên quan về “miệng”
Ngoài câu “họa từ miệng mà ra” thì cha ông ta còn lưu truyền khá nhiều ca dao, tục ngữ liên quan đến từ “miệng”. Điều này chứng tỏ rằng, cổ nhân luôn đề cao lời ăn tiếng nói, sự giao tiếp giữa người với người. Hãy cùng đọc qua một số ví dụ dưới đây nhé!
- Khẩu Phật tâm xà.
- Há miệng chờ sung.
- Bán trôn nuôi miệng.
- Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm.
- Gươm hai lưỡi, miệng trăm hình.
- Vạ bởi miệng ra, bệnh bởi miệng vào.
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
- Đàn ông rộng miệng thì tài,
Đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng. - Miệng mật thường chứa gươm lòng
Những người miệng độc ít hòng hại ai. - Bưng được miệng chĩnh, miệng vò
Nào ai bưng được miệng o, miệng dì.
- Những người giúp miệng giúp môi
Nào ai có giúp cho tôi đồng tiền. - Răng đen nhoẻn miệng em cười
Dẫu trời đương nực cũng nguôi cơn nồng. - Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho răng mình đẹp cho tình anh say. - Nhác trông con mắt đáng trăm
Miệng cười đáng chục, hàm răng đáng nghìn
Nhác trông con mắt ưa nhìn
Đáng trăm cũng chuộng, đáng nghìn cũng mua. - Răng đen nhưng nhức hạt dưa
Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng
Chưa chồng anh kiếm chồng cho
Chưa con anh kiếm cho con mà bồng. - Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười giòn, anh mê. - Răng cao, miệng nhỏ: điêu ngoa
Răng thấp môi kín: thương cha nhớ chồng.
Câu tục ngữ “họa từ miệng mà ra” khuyên nhủ chúng ta làm người đừng quá kiêu căng, ngạo mạn, phải biết giữ mồm giữ miệng để tránh rước họa vào thân. Nó như ngọn đèn chân lý của xã hội, giúp con người khôn ngoan, cẩn trọng hơn trong việc giao tiếp, hành xử.
Đừng quên cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH - Sống đẹp.