Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ nói về điều gì?

VOH - "Tre già măng mọc" là một trong những câu thành ngữ quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ ràng, tường tận về ý nghĩa của nó.

"Tre già măng mọc" là câu thành ngữ chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta. Hãy cùng VOH tìm lời lý giải chi tiết nhất trong bài viết dưới đây nhé!

"Tre già măng mọc" là gì?

Để hiểu chính xác về ý nghĩa của câu thành ngữ này, trước tiên chúng ta cần định nghĩa các yếu tố trong câu.

  • Tre: là loài cây thân cỏ, bên trong rỗng, phân thành nhiều đốt. Đây là loài cây quen thuộc với làng quê Việt Nam, được coi là biểu tượng của người Việt, đặc trưng bởi tính kiên cường, dẻo dai, bất khuất.
  • Măng: là cây non mọc trên mặt đất của tre, thường được dùng để ví sự non trẻ, tuổi trẻ.
  • Già: là tính từ thể hiện sự nhiều tuổi, lâu đời, đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ sinh học.
  • Mọc: là động từ thể hiện hành động nhô lên, tiếp tục lớn, tiếp tục cao lên của chủ thể.

Như vậy, hiểu theo nghĩa đen, câu thành ngữ "Tre già măng mọc" chỉ hiện tượng cây tre già đi sẽ có măng non nhú lên, thay thế cây tre già.

Tre và măng luôn mọc gần nhau. Vì thế, tre già luôn che chở và bảo vệ măng tránh ánh nắng mặt trời để cho măng lớn và phát triển. Hình ảnh tre và măng tựa vào nhau và cứ thế cứ thế, thế hệ này sẽ tiếp nối thế hệ trước để phát huy.

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ 1

"Tre già măng mọc" nghĩa là gì?

Không chỉ đề cập đến sự sinh trưởng, phát triển của cây tre, câu thành ngữ "Tre già măng mọc" còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nghĩa bóng của câu thành ngữ này là thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước; lớp người trước già đi thì đã có lớp người lớp người trẻ ở phía sau thay thế.

Thế hệ trước sẽ đào tạo thế hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra. Sau đó, thế hệ sau này sẽ truyền lại cho thế hệ sau nữa. Cứ thế, thế hệ trẻ sẽ liên tục kế thừa và phát huy nó.

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ 2

Câu thành ngữ này có thể áp dụng vào rất nhiều tình huống trong cuộc sống. Ví dụ:

  • Khi một học sinh đạt được một thành tích cao mà thời kỳ thế hệ thầy cô trước đó chưa làm được, câu thành ngữ này có thể áp dụng như một lời khen: "Đúng là tre già măng mọc".
  • Thế hệ cha ông thấy lớp trẻ sử dụng máy móc và mạng xã hội, có thể áp dụng câu thành ngữ này để bày tỏ cảm xúc: "Thời kỳ tre già măng mọc đến rồi."
  • Những lãnh đạo, quản lý khi gần đến tuổi về hưu muốn nhường cơ hội cho lớp trẻ thực hành và học tập có thể dùng câu thành ngữ này: “Cũng đến lúc tre già măng mọc rồi!”

Có thể thấy, câu thành ngữ "Tre già măng mọc" vừa để chỉ sự lưu truyền, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, vừa bày tỏ lòng biết ơn, coi trọng những giá trị của người đi trước trao truyền cho người đi sau.

Những câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn có ý nghĩa tương tự thành ngữ “Tre già măng mọc” 

Trong kho tàng văn học Việt Nam, những câu tục ngữ, ca dao... về lòng biết ơn, về sự nối tiếp, nối dõi không còn quá xa lạ bởi đây là một trong những truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc.

Tục ngữ

  1. Con hơn cha là nhà có phúc
  2. Ông bảy mươi học ông bảy mốt
  3. Muốn ăn quả chín nhớ ơn người trồng
  4. Chim có tổ, người có tông
  5. Trọng thầy mới được làm thầy
  6. Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi
  7. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
  8. Cây có cội, nước có nguồn
  9. Uống nước nhớ người đào giếng

Ca dao

  1. Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
    Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
    Người ta nguồn gốc từ đâu
    Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
  2. Con người có cố có ông
    Như cây có gốc như sông có nguồn.
  3. Cây kia ăn quả ai trồng
    Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu?
  4. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
  5. Con hơn cha là nhà có phúc
    Trò hơn thầy là đất nước yên vui.
  6. Dù ai đi ngược về xuôi
    Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
    .

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ 3

Danh ngôn

  1. “Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu luôn luôn nhìn thấy những gì mình không có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ được.” - Frank A.Clark
  2. “Nếu một người không biết ơn những gì anh ta đang có, thì anh ta cũng sẽ không có một cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được.” - Frank A.Clark
  3. “Chúng ta cần tìm thời điểm thích hợp để dừng lại và cảm ơn những người đã tạo nên sự khác biệt cho cuộc đời mình.” - John F.Kennedy
  4. "Có lòng ghi tạc công ơn thì cái vui thú đã thọ ơn lại càng thêm lâu dài." - J. Droz
  5. "Nếu thú vật còn biết nhớ ơn, con người há lại không được như thế hay sao?" – Khuyết danh
  6. "Ăn miếng chả trả miếng bùi." - Khuyết danh
  7. "Ơn sâu thì trả nghĩa sâu cho vừa." - Khuyết danh
Ý nghĩa sâu sắc về lòng biết ơn thông qua câu thành ngữ ‘Tre già măng mọc’ 4
  1. "Ăn lộc của người thì phải cứu hoạn nạn cho người." - Khuyết danh
  2. "Hãy trau dồi thói quen biết ơn mọi điều tốt lành đến với bạn, và hãy cảm tạ thật thường xuyên. Bởi vì mọi điều đều giúp bạn tiến lên phía trước. Hãy đem mọi thứ đặt trong lòng biết ơn." - Raphal Waldol Ememson
  3. "Đừng bao giờ quá bận rộn để quên nói làm làm ơn hay cảm ơn." - Khuyết Danh
  4. “Cảm ơn có thể khiến chúng ta trưởng thành, báo ân có thể giúp chúng ta có thành tựu." - Hải Đào Pháp Sư
  5. "Học cách thể hiện lòng cảm kích sẽ buộc bạn phải tập trung vào điều tích cực." - Jim Rohn

Thông qua bài viết này, mong rằng các bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về câu thành ngữ Tre già măng mọc và thấu hiểu thêm về đạo nghĩa tiếp nối, lưu truyền, ghi nhớ công ơn của người đi trước.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.