Chờ...

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước

VOH - Những bài thơ cây tre không chỉ cùng đất nước trải qua bao thăng trầm mà còn ca ngợi tinh thần và cốt cách của người Việt Nam.

Không biết từ bao giờ, cây tre đã có mặt trên khắp các nẻo đường, gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam và trở một biểu tượng quan trọng. Trong tâm thức người Việt, cây tre không chỉ gắn với hình ảnh làng quê yên bình, thân thương mà còn là thành lũy kiên cố giúp chống lại thiên tai, giặc ngoại xâm. Điều này được thể hiện vô cùng rõ nét trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điển hình là những bài thơ cây tre.

Mời bạn đọc cùng VOH điểm qua những bài thơ viết về cây tre để hiểu thêm về biểu tượng luôn gắn liền với quê hương, đất nước này!

Ý nghĩa cây tre

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre có nhiều ý nghĩa. Đặc biệt, cây tre cũng có nhiều đặc điểm tương đồng với tinh thần và cốt cách của người Việt Nam.

Cây tre là biểu tượng của sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất cùng sức sống mãnh liệt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cây tre đã góp phần vào những chiến công vang dội của dân tộc như làm vũ khí, làm thành lũy… Tre cũng dựng nên bức tường kiên cố, bảo vệ làng quê trước những thử thách của thiên nhiên.

Cây tre là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất và văn hóa của người Việt. Cây tre không chỉ có nhiều công dụng trong cuộc sống như làm nhạc cụ, làm đồ dùng, làm vật liệu xây dựng, thức ăn cho gia súc… mà còn tượng trưng cho nhiều điều tốt đẹp. Ví như sự mạnh mẽ, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chọi với thách thức…

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 1

Cây tre là một biểu tượng của sự yên bình, an lạc, gợi lên hình ảnh làng quê bình dị, thân thuộc cũng như con người thanh cao, giản dị mà chí khí.

Cây tre trở thành biểu tượng cho tính cách là tâm hồn dân tộc - gan góc, kiên cường nhưng vẫn chứa chan tình cảm, thủy chung, cương nhu đúng lúc. Tre cũng là biểu tượng của người quân tử, người trọng chữ tín và đạo nghĩa.

Gần gũi với đời sống con người lại mang nhiều ý nghĩa quan trọng nên cây tre trở thành nguồn cảm hứng của các thi sĩ như một lẽ tự nhiên. Những bài thơ cây tre cũng nhờ đó mà chiếm một vị trí quan trọng trong lòng những người con yêu quê hương, yêu đất nước.

Những bài thơ cây tre hay nhất

Cây tre không chỉ đi vào cuộc sống mà còn chiếm giữ vị trí quan trọng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Tre chống lại sắt thép của quân thù, tre bao bọc, che chở cho xóm làng, tre sát cánh cùng người dân, gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đây chính là chất liệu giúp các nhà thơ làm nên những bài thơ cây tre vừa chân thực vừa ý nghĩa.

Thơ cây tre không chỉ tái hiện vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của làng quê mà còn gợi liên tưởng đến những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam. Hơn hết, mỗi vần thơ còn chứa đựng tình cảm dạt dào của những người con xa quê, luôn trông ngóng, hoài niệm về vùng trời tuổi thơ đầy kỷ niệm.

Tuyển tập 13 bài thơ cây tre sau sẽ giúp bạn tìm về với miền ký ức của riêng mình - nơi có lũy tre làng, có bầu trời cao rộng, có cánh diều chao nghiêng, có sự bình yên mà dẫu đi hết đi hết đời này cũng chẳng thể tìm lại.

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 2

Tre Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Duy

Tre xanh,

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.

 

Thân gầy guộc, lá mong manh,

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.

 

Có gì đâu, có gì đâu,

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều.

Rễ siêng không ngại đất nghèo,

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

Vươn mình trong gió tre đu,

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.

 

Bão bùng thân bọc lấy thân,

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.

Thương nhau tre không ở riêng,

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.

Chẳng may thân gãy cành rơi,

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.

Nòi tre đâu chịu mọc cong,

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.

Lưng trần phơi nắng phơi sương,

Có manh áo cộc tre nhường cho con.

 

Măng non là búp măng non,

Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.

Năm qua đi, tháng qua đi,

Tre già măng mọc có gì lạ đâu.

 

Mai sau,

Mai sau,

Mai sau...

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

Lũy tre xanh

Tác giả: Vũ Đình Liên

Lữ khách bao năm xa vời quê cũ

Bỗng chạnh lòng nhớ tới lũy tre xưa

Văng vẳng trong mơ tiếng sáo dật dờ

Lồng trong gió như tiếng tơ trầm bổng

 

Tiếng kẽo kẹt trong đêm khuya hiu quạnh

Vờn trong sương vương điệu nhạc u buồn

Hòa âm cùng tiếng gọi của ễnh ương

Thoảng trong gió âm hồn muôn ngàn kiếp

 

Có những lúc mưa nguồn tuôn như trút

Luỹ tre xanh oằn oại thật thê lương

Cành lá tả tơi trông thật u buồn

Như cố đứng trong tang thương vạn cổ

 

Cũng có lúc lũy tre xưa bật khóc

Lại bật cười giữa vận nước điêu linh

Thăm thẳm tâm tư bầy tỏ chân tình

Nào ai thấu nỗi buồn hằng u uất.

Trên võng tre

Tác giả: Hoàng Trung Thông

Tôi nằm trên võng tre đung đưa

Kẽo kẹt hai đầu tiếng buổi trưa

Tôi nằm trên võng, nằm trong mộng

Vắng tiếng ru hời mẹ hát ngày xưa.

 

Tôi nằm trên võng

Đứng bóng trưa hè,

Râm ran tiếng ve,

Sân nhà bên xã viên trang thóc.

Cô giáo bình dân cao giọng đọc,

Mắt đã lim dim lòng vẫn nghe.

 

Tôi nằm trên võng

Rún nhẹ bàn chân

Như thuyền trên sóng,

Lúc xa, lúc gần

Ôi giấc ngủ sau giờ lao động,

Cái võng tre êm người bạn thân.

 

Đã mấy năm không nằm trên võng

Nhớ mùi hương lúa quyện hương cau

Nhịp võng đung đưa, trưa gió lặng

Chập chờn cánh mộng bay về đâu...

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 3

Lũy tre xanh

Tác giả: Hồ Dzếnh

Làng tôi thắt đáy lưng... tre

Sông dài, cỏ mượt đường đê tứ mùa

Nhịp đời định sẵn từ xưa:

Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng

 

Chợ làng mỗi quý, mươi phiên

Đong ngô đổi gạo, trang tiền bằng khoai

Trong làng lắm gái, thưa trai

Nên thường có luật chồng hai vợ liền

 

Làng gần đô thị, tuy nhiên

Mắt trong vẫn giữ được niềm sắt son

Lâu rồi, truyền tử lưu tôn

Màu duyên ân ái mây còn thoảng bay

 

Tôi yêu... nhưng chính là say

Tình quê Nam-Việt bàn tay dịu dàng

Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng

Con sông be bé, cái làng xa xa.

Cây tre trăm đốt

Tác giả: Bùi Thị Ngọc Điệp

Có anh chàng nghèo khó

Đi ở cho phú nông

Lão phú nông giàu có

Nhưng thường hay bòn công.

 

Anh trai cày cần mẫn

Lại khỏe mạnh, hiền lành

Lão nghĩ cách lường lận

Không trả công cho anh.

 

Cô con gái của lão

Rất thuỳ mị, nết na

Lão gọi anh và bảo:

“Con làm việc cho ta.

 

Phải siêng năng, nổ lực

Để thóc lúa đầy bồ

Sau ba năm gắng sức

Ta sẽ gả con cho.”

 

Thế là kể từ đó

Anh làm ngày, làm đêm

Nhà lão càng giàu có

Thóc cứ đầy, đầy thêm.

 

Ngay khi trời chưa sáng

Anh đã thức dậy rồi

Bao nhiêu việc đồng áng

Đều một tay anh thôi.

 

Chiều về nhà hì hụi

Nào gà vịt, bò trâu

Rồi gánh nước, bửa củi…

Đến trăng treo đỉnh đầu.

 

Ngày qua rồi tháng lại

Ba năm đã đến kỳ

Lời hứa gả con gái

Lão chẳng nhắc nhở chi.

 

Có một tay phú hộ

Thường hay đến chơi nhà

Thấy lão giàu vô số

Muốn kết nghĩa thông gia.

 

Cả hai nhà giao ước

Ngày cưới cũng định rồi

Tìm cách gạt anh trước

Việc cưới hỏi mới xuôi.

 

Muốn anh đi biệt tích

Về chẳng kịp trở tay

Lão phú nông vờ vịt

Bảo cùng anh trai cày.

 

“Ta không đòi tiền bạc

Cũng chẳng thách ruộng vườn

Lễ vật ta hơi khác

Chỉ cây tre bình thường.

 

Nhưng phải đủ trăm đốt

Con vào tận rừng sâu

Tìm được tre trăm đốt

Thì đem về đón dâu.”

 

Anh trai cày mừng rỡ

Vác rựa vào rừng ngay

Tre rừng ôi đủ cỡ

Nhưng trăm đốt?-Khó thay!

 

Anh cứ đi, đi mãi

Vượt qua suối, qua đèo

Bao nhọc nhằn nếm trải

Lại lắm nỗi gieo neo.

 

Phần hai lão giàu có

Lừa được anh trai rồi

Gấp rút mời hai họ

Làm lễ cưới ngay thôi.

 

Anh trai cày tội nghiệp

Cứ đốn tre không ngừng

Không đủ, lại đốn tiếp

Tre trăm đốt?- Chưa từng!

 

Vừa mệt vừa thất vọng

Anh ngồi khóc giữa rừng

Cả một khu rừng rộng

Tiếng khóc anh vang lừng.

 

Bụt hiện ra và hỏi:

“Sao con khóc nơi đây?”

Anh kể hết mọi nỗi

Bụt cười nhìn chàng trai.

 

“Con không cần phải gấp

Cứ chặt trăm đốt tre

Hô khắc nhập, khắc nhập

Sẽ có ngay cây tre.”

 

Anh trai cày chân chất

Liền đốn tre làm ngay

Trăm đốt tre dính chặt

Thành cây tre rất dài.

 

Anh hỏi: “Tre dài quá

Làm sao vác về nhà?”

Bụt bảo: “Không sao cả

Con làm theo lời ta.

 

Hô khắc xuất, khắc xuất

Những đốt tre rời ra

Tìm dây rừng bó chặt

Cứ thế đem về nhà.”

 

Anh làm theo lời Bụt

Tre lập tức rời ra

Anh vui mừng hết sức

Thong thả gánh về nhà.

 

Tiệc cưới đang rôm rả

Anh gánh tre đi vào

Lão phú nông hoảng quá

Cả tiệc cưới xôn xao.

 

Anh vào trình sính lễ

Là một trăm đốt tre

Mọi người chờ có thế

Kéo hết ra sau hè.

 

Lão chửi: “Tại mày dốt

Hay mày chưa kịp nghe?

Tao bảo tre trăm đốt

Đâu phải trăm đốt tre?”

 

Anh trai cày lặng lẽ

Nối dài các đốt tre

Hô “khắc nhập”khe khẽ

Lập tức thành cây tre.

 

Chuyện lạ chưa từng gặp

Lão chủ men tới gần

Anh liền hô khắc nhập

Lão dính chặt vào thân.

 

Cùng chạy đến khẩn cấp

Chàng rể và thông gia

Anh cũng hô khắc nhập

Dính chùm hết cả ba.

 

Chúng la khóc inh ỏi

Anh ung dung đứng nhìn

Cô con gái xin lỗi

Cầu xin tha cha mình.

 

Lão hứa hủy hôn ước

Gả con gái cho anh

Anh trai cày thắng cuộc

Đọc “khắc xuất” thật nhanh.

 

Lão chủ tức muốn chết

Vẫn bấm bụng gả con

Bàn tiệc có sẵn hết

Anh trai cày sướng rơn.

 

Anh trai cày được vợ

Chuyện hiếm có trên đời

Lão phú nông tráo trở

Cũng không qua ý trời.

 

Hai vợ chồng sống tốt

Nên hạnh phúc bên nhau

Chuyện cây tre trăm đốt

Lưu truyền mãi về sau.

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 4

Xem thêm:
8 bài thơ 4 chữ về quê hương vẽ nên bức tranh làng quê bình dị
Tuyển tập thơ về trăng hay và ý nghĩa
Tổng hợp 20 bài thơ về gió hay nhất hiện nay

Tre già ru giấc măng non

Tác giả: Tân Quảng

Cha ru con ngủ con ơi

Ca dao chắp nối thành lời hát ru

Dòng sông bảng lảng sương mù

Lưng đèo vạt nắng cuối thu chập chờn

 

Tre già ru giấc măng non

Đời cha gai góc tuổi con dại khờ

Thương con măng mọc đầu mùa

Cỏ gà lang biết còn mưa bão nhiều

 

Lời ru làm sợi dây diều

Cánh cò  chấp chới trong chiều bình yên

Đội mưa đội nắng mà lên

À ơi... tre cứng lạt mềm nương nhau.

Nhớ con sông quê hương

Tác giả: Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

 

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

Bầy chim non bơi lội trên sông

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng...

 

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”

Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết...

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới

Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng

Không gành thác nào ngăn cản được

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương.

Viếng lăng Bác

Tác giả: Viễn Phương

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

 

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 5

Mưa

Tác giả: Anh Thơ

Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội

 Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi,

 Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rợi,

 Ao rềnh lên bè rau muống xanh tươi.

 Trên nhà vắng gió lùa hơi ướt át,

 Cu bé ngồi nhào đất nặn tò te.

 Dưới bếp lạnh, lũ gà vào bới rác

 Mặc đàn ruồi, đàn nhặng lượn vo ve.

 Ngoài đường lội một vài người về chợ

 Trĩu gánh hàng như trĩu quang mưa.

 Yên ổn nhất trong gian chuồng êm cỏ

 Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa.

Phía sau làng

Tác giả: Trương Trọng Nghĩa

Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng

Ngày xưa bữa cơm chiều

Mẹ nướng dầm nước mắm

Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm

Kí ức tuổi thơ…

 

Ruộng rẫy bây giờ

Không còn những chú cua đồng

Ngày xưa nhiều như rơm rạ

Đêm đồng bằng nghe lời ru buồn bã

"À ơi!…

Về rẫy ăn còng…

Về sông ăn cá về đồng ăn cua…"

 

Những chú ếch đồng ngày xưa

Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa

Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống

Bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…”

 

Tôi đi về phía tuổi thơ

Giẫm lên dấu chân

Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống

Đất không đủ cho sức trai cày ruộng

Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…

Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca

Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…

Cánh đồng làng giờ nhà cửa chen chúc mọc

Đâu còn những lũy tre ngày xưa…

 

Tôi đi về phía làng

Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…

Làng

Tác giả: Trương Trọng Nghĩa

Tôi đi tìm những khúc đồng dao

“Rồng rắn lên mây …”

Cái thời “năm… mười… mười lăm…” xa lắc

Cánh diều vô tư thả nỗi nhớ lên trời…

 

Bên cánh võng ngày xưa tiếng mẹ ru hời

Tuổi thơ tôi gửi hồn làng giữ hộ

Vòng quay cuộc đời nghiệt ngã

Cuốn những mảnh đời lam lũ xa quê

 

Đàn cò về trong tiếng mẹ à ơi

Cổ tích của bà, ca dao của chị

Những mùa trăng dịu dàng xa lắm

Trong lời ru sau lũy tre làng…

 

Con trở về tay chạm mảnh hồn làng

Đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ

Đêm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi

Nuối tiếc cho một thời ấu thơ…

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 6

Tre xanh

Tác giả: Thu Bồn

Tôi đi dưới tre gió bồng chân sáo

Đường hành quân mỗi lần tre níu áo

Lòng bồi hồi rộn bóng tre xưa

Có tiếng chim gù và tiếng võng mẹ ru đưa

Măng đã mọc trong rừng tre kháng chiến

Măng lên xanh cùng tre ra tiền tuyến

Cũng như ta trong cánh tay mềm

Mẹ vắt nguồn vú sửa thức thâu đêm

Ta lớn, ta khôn đi làm chiến sĩ

Ôm bó chông tre theo chân đồng chí

Ta giữ đất này, đất thánh miền Nam

 

Cô em ngồi vót chông tre

Vót cả nắng trưa

Ửng hồng lên đôi má

 

Chông nhảy, chông bom, chông ba lá

Chông làm con cá lặn xuống ao sâu

Chông chống diều hâu, chống đi chận viện

Chông từ dưới biển mọc đến rừng sâu

Ta quen với chông từ những năm đầu

Nhớ hết từng tên, thuộc từng tiếng gọi

Chông không biết nói, chỉ biết căm hờn!

Chông kép, chông đơn

Chông bầy chim sẻ

Ôi những rừng chông lặng lẽ

Những rừng chông đẻ vạn tuyến chông

Chông biết đi rồi trong trận tấn công!

Ai bảo tre xanh không thành vũ khí?

Ai bảo dịu hiền em không làm chiến sĩ?

Trên đời này có gì đẹp bằng chông?!

Quê hương ta có những hàng tre chống Mỹ

 

Cha ông ta xưa khéo trồng tre thành chiến luỹ

Lớp lớp trùng trùng xanh thẳm giữa quê hương

Hãy vót đi em mũi nhọn kiên cường

Bó chông này đây: nhân, nghĩa, yêu, thương

Là gạo trắng nước trong chim về trong gối cưới

Từng mũi nhọn đây từng tia lửa sưởi

Là mặt trời chiến đấu rọi ấm đời ta!

Nhành hồng ơi! Mỗi sớm nở hoa

Hãy đến tặng rừng chông ta đứng đó

 

Không mặc áo nhưng không sờn mưa gió

Hãy đừng quên dòng nước mắt chảy trong tre.

Hàng tre Việt Nam hàng tre kháng chiến

Đưa những binh đoàn chông ra tiền tuyến

Nghìn đời quyết thắng lũ xâm lăng

Tre không tàn vì có vạn thân măng

Mơn mởn lên xanh trọn niền chung thủy

Hàng tre Việt Nam hàng tre thắng Mỹ

Cha ông ta xưa khéo trồng tre thành chiến luỹ

Nên rừng chông đứng sẳn thế xung phong!

Ánh đèn quê hương

Tác giả: Hoàng Trung Thông

Đường dài vun vút xe đêm

Trên xe bỗng thấy ánh đèn quê hương.

Mắt trông còn vướng bụi đường

Mà sao ánh lửa đã vương trong lòng.

Xe đi, ánh lửa đi cùng

Hàng cây lá ngọn, gió đồng hương bay.

Bộn bề công tác hôm nay .

Trên xe chỉ đúng giơ tay vẫy chào.

Ánh đèn thấp thoáng ánh sao

Lòng mang ánh lửa đã bao năm rồi.

Chân đi khắp biển cùng trời

Bao nhiêu lửa đỏ, bao người mến yêu

Quê hương ơi! ánh lửa chiều

Lòng sao khơi dậy bao điều nhớ mong.

Nhịp nhàng khung dệt đêm đông

Đèn soi mắt mẹ, lửa hồng má con;

Trâu về bước nặng đường thôn

Ngọn đèn mới thắp, nồi cơm đang vần;

Ánh đèn lớp học bình dân

Mênh mông trang sách những vần ngân nga;

Đèn treo lơ lửng gian nhà

Chưa xong hội nghi tiếng gà gáy ran.

Bờ tre ngả bóng đầu làng

Biết bao năm tháng đã mang ánh đèn.

Xe đi, nhưng mắt vẫn nhìn

Lung linh ánh lửa, cây đêm chập chùng

Xe đi, ánh lửa đi cùng

Còn mang theo cả gió đồng quê hương.

Xem thêm:
26 bài thơ lục bát về quê hương giúp bạn tìm về ký ức miền quê
35+ bài thơ về thiên nhiên hay, câu thơ về phong cảnh thiên nhiên khiến bạn say đắm
30 bài thơ về dòng sông dạt dào xúc cảm và ý nghĩa sâu sắc

Bài thơ cây tre cho trẻ

Cùng với hoa sen, cây tre đã trở thành một trong những biểu tượng chứa đựng nhiều giá trị đối với đời sống văn hóa của người Việt. Những bài thơ cây tre với ngôn từ giản dị, dễ hiểu cũng dần gắn bó và trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học trò.

Dưới đây là một số bài thơ cây tre hay và ý nghĩa dành cho trẻ do VOH tổng hợp, mời bạn đọc cùng ôn lại.

Cây tre

Tác giả: Khuyết danh (SGK Tập đọc lớp 3 phổ thông, tập 1, NXB Giáo dục, 1977)

Cây tre thanh thanh,

Lá cành xanh xanh,

Đu đưa theo gió,

Trông thật hiền lành.

Cây tre hiền lành,

Mà giặc khiếp kinh.

Nhìn tre giặc sợ,

Thấp thỏm, giật mình.

Một cành tre cong,

Là một mang cung,

Tên tre nhọn hoắt

Nhằm giặc xuyên hông.

Tre thù quân giặc,

Tre yêu xóm làng.

Tre mọc thành hàng,

Chở che bao bọc.

Hàng tre măng mọc,

Ngàn búp xinh xinh.

Mai này măng lớn,

Lại thành tre xanh.

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 7

Búp măng

Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng

Trưa hè oi bức quá

Mẹ tre cũng nhọc nhằn

Đỏ hoe từng mắt lá

Huống hồ chi là măng

 

Bác gió đi từ sáng

Mong lấy hương núi rừng

Bởi vì trời quá nắng

Nên gió trọ triền nương

 

Không có làn gió mát

Măng không ngủ được nào

Dù mẹ tre tha thiết

Dỗ dành bài ca dao

 

Măng non bèn cởi áo

Phơi lưng giữa trưa hè

Nép mình bên chân mẹ

Mơ một ngày thành tre...

Tre

Tác giả: Nguyễn Bao

Đứng trên bờ ao

Tre nghiêng soi bóng

Mặt hồ gợn sóng

Tre thả thuyền trôi

Trưa hè nắng nôi

Tre trùm bóng mát

Buổi chiều gió hát

Võng tre êm đềm

Tre làm nôi êm

Ru em ngon giấc

Làm chông nhọn hoắt

Ngăn bước quân thù

Đường đi tới lớp

Vai rợp bóng tre...

 

Sâu thẳm trời khuya

Ngọn tre cao vút

Treo ông trăng vàng

Soi khắp đường làng

Ngọn đèn không tắt.

 

- Lắng nghe, lắng nghe

Rì rào khúc hát

Bốn mùa tiếng tre.

18 bài thơ cây tre Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương, đất nước 8

Lũy tre

Tác giả: Nguyễn Công Dương

Mỗi sớm mai thức dậy,

Lũy tre xanh rì rào,

Ngọn tre cong gọng vó

Kéo mặt trời lên cao.

 

Những trưa đồng đầy nắng,

Trâu nằm nhai bóng râm,

Tre bần thần nhớ gió,

Chợt về đầy tiếng chim.

 

Mặt trời xuống núi ngủ,

Tre nâng vầng trăng lên.

Sao, sao treo đầy cành,

Suốt đêm dài thắp sáng.

 

Bỗng gà lên tiếng gáy

Xôn xao ngoài lũy tre.

Đêm chuyển dần về sáng,

Mầm măng đợi nắng về.

Măng tre

Tác giả: Võ Quảng

Tôi cây măng tre

Mọc lên giữa bụi

Chưa tròn một tuổi

Cành chửa thành cành

Lá vừa nẩy xanh

Mỏng như cánh bướm

Thức dậy buổi sớm

Nghe tiếng chim ca

Hớp giọt sương sa

Lòng nghe mát rượi

Nóng lòng tôi đợi

Sang đến mùa xuân

Nắng mới tưng bừng

Tôi vươn cao vút.

 

Tôi nhìn được khắp

Sông núi xóm làng

Mương máng dọc ngang

Đẹp như tranh vẽ

Cành mềm mát mẻ

Rủ bóng ao sâu

Cò, vạc bảo nhau:

- “Ồ, tre chóng lớn!”

Tre là người bạn đồng hành của con người từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Tre đồng hành cùng ông cha ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đến nay, chúng không chỉ trở thành biểu tượng cho cốt cách của người Việt Nam mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.

Mong rằng, tuyển tập 18 bài thơ cây tre được VOH chọn lọc ở trên sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về tre xanh - biểu tượng không thể thay thế của dân tộc!

Sưu tầm