Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Truyện cổ tích là gì? Một số truyện cổ tích Việt Nam hay và ý nghĩa

(VOH) – Truyện cổ tích là gì? Nó là một loại truyện gắn liền với tuổi thơ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ đúng khái niệm. Hôm nay bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Bạn có bao giờ thắc mắc truyện cổ tích là gì? Nó có đặc điểm, nội dung và phân loại như thế nào? Nếu bạn đang có thắc mắc như vậy thì hãy đọc kỹ bài viết dưới đây để tìm cho mình đáp án nhé!

1. Truyện cổ tích là gì?

Từ nhỏ ông, bà, cha mẹ đã kể cho con cháu nghe truyện cổ tích. Thế nhưng khi lớn bạn có bao giờ thắc mắc khái niệm “Truyện cổ tích” là gì? Nếu câu trả lời là có, trước tiên bạn hãy cùng chúng tôi phân tích từ “Cổ tích”.

1.1 Cổ tích là gì?

Theo bạn từ “Cổ tích” có nghĩa là gì và nó được bắt nguồn từ đâu? Bật mí cho bạn rằng đây là một từ Hán Việt mang nghĩa là Đồng thoại và được ông cha ta sử dụng rất nhiều. Từ “Cổ” ở đây chính là xa xưa, thời gian cũ rất nhiều năm về trước. Ví dụ “Cổ thụ” là một cái cây sống lâu, “Nhà cổ” dùng để mô tả ngôi nhà có từ lâu đời,…

Còn “tích” chính là dấu vết còn sót lại. Thế nên, khi gộp 2 từ trên lại với nhau ta sẽ có cụm từ miêu tả sự tồn tại của một sự vật, sự việc gì đó đã trôi qua rất lâu nhưng bây giờ dấu vết vẫn còn lưu lại.

1.2 Khái niệm truyện cổ tích

Qua định nghĩa ở trên, khái niệm truyện cổ tích cũng phần nào được sáng tỏ. Nó chính là một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu và vẫn được nhớ, lưu giữ, truyền lại đến ngày nay. 

Nói đúng hơn, truyện cổ tích là một thể loại văn học dân gian cổ xưa về những câu chuyện hư cấu 100%, hoặc phóng tác từ câu chuyện gốc để trở nên thú vị nhằm truyền tải một hay nhiều thông điệp và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Đề tài của truyện cổ tích thường có nội dung là cuộc đời của một số nhân vật tưởng tượng quen thuộc như anh hùng, tiên nữ, yêu tinh, thần, quỷ và thường mang yếu tố phép thuật, ảo diệu.

Bên cạnh đó, truyện thuộc thể loại cổ tích vẫn liên hệ với đời sống hằng ngày thông qua những các nội dung, ngôn ngữ, cốt truyện, hình tượng nghệ thuật,... Nhiều câu chuyện cổ tích có nguồn gốc từ xa xưa phản ánh được các quan hệ xã hội nguyên thủy, hoạt động tín ngưỡng của dân gian.

Truyện cổ tích là gì? Đặc điểm, phân loại của loại truyện này như thế nào? 1

Không chỉ Việt Nam mới có truyện cổ tích mà các nước khác như Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản,… cũng có các câu chuyện xưa cổ của riêng nó.

Trong tiếng Anh truyện cổ tích là “fairy tales”. Ví dụ khi muốn miêu tả một câu chuyện nào đó mang màu sắc cổ xưa, thần bí nói về một vùng đất bí ẩn ta có thể nói “Fairy tales take us to Wonderland”.

2. Đặc điểm của truyện cổ tích là gì?

Thế nào là đặc điểm của truyện cổ tích, nó có điều gì đặc biệt để phân biệt với các loại truyện khác? Gợi ý cho bạn là truyện có 3 nét đặc trưng dưới đây.

  • Về nghệ thuật: loại truyện mang yếu tố hư cấu, kì ảo và có phần hoang đường.
  • Về cốt truyện: Cốt truyện đã hoàn chỉnh, hoàn tất, thường trãi qua các giai đoạn với cấu trúc giống nhau như: mở đầu - gặp biến cố - hoá giải được biến cố - kết cục (thường là có hậu).
  • Nội dung, ý nghĩa: Nội dung truyện cổ tích mang tính giáo huấn cao. Mỗi câu chuyện thường chứa đựng một bài học về đạo đức, qua đó thể hiện được rằng cái thiện sẽ thắng cái ác, cái tốt sẽ luôn thắng cái xấu, sự công bằng sẽ chiến thắng sự bất công.

Xem thêm: 
Truyện đồng thoại là gì? Giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu
Điển tích điển cố: Thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong văn học
10 câu chuyện ngắn kể về Bác Hồ với thiếu nhi đầy ý nghĩ

3. Các nhóm phân loại của truyện cổ tích

Dựa vào các nhân vật chính và tính chất của sự việc được kể lại, có thể chia truyện cổ tích ra làm 3 loại: Truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích thế tục (cổ tích sinh hoạt).  

3.1 Truyện cổ tích về loài vật

Như tên gọi, ắt hẳn bạn cũng đã biết truyện cổ tích về loài vật là gì rồi. Đây là loại truyện kể về các loài động vật được “nhân cách hoá” khi có khả năng nói chuyện, hoạt động, suy nghĩ giống với con người. 

Truyện cổ tích thần kỳ được chia làm 2 nhóm là đề tài nói về con vật nuôi trong nhà và đề tài về động vật hoang dã. Ở nhóm thứ nhất truyện thường miêu tả đến nguồn gốc đặc điểm con vật như trâu, gà, chó,…

Nhóm truyện động vật hoang dã nói về các con vật sống trong rừng, các con vật thông minh, có tài trí vượt trội so với những con vật mạnh hơn. Qua truyện, người ta hàm ý rằng trí khôn, trí thông minh có thể chiến thắng tất cả.

Một số truyện cổ tích về loài vật của Việt Nam gồm có: Sự tích con dế, Tình bạn giữa hổ và mèo, Sự tích cá heo, Con thỏ khôn ngoan, Chim ri đi kiện, Bảy chú dê con, Sự tích chim Đỗ Quyên,…

Ở nước ngoài có một số truyện sau đây: Tại sao gà trống có mào đỏ (Truyện cổ tích Trung Quốc), Chuyện khỉ ăn trộm ngô (Campuchia), Sự hoá thân của gấu và lợn lòi, Chim én có phép màu (Triều Tiên),...

Lưu ý rằng, loài vật không chỉ xuất hiện ở truyện cổ tích mà còn được xuất hiện ở cả truyện thần thoại và ngụ ngôn. Ở mỗi truyện, các loài vật lại được nhân cách hoá theo cách khác nhau. Chẳng hạn trong truyện thần thoại con vật được nhân hoá gắn với quan điểm vạn vật hữu linh, trong trong ngụ ngôn, tác giả dùng câu chuyện để diễn đạt ý niệm trừu tượng

Đọc truyện cổ tích tiêu biểu về loài vật là Cóc kiện trời tại đây

3.2 Truyện cổ tích thần kỳ

Truyện cổ tích thần kì là những tác phẩm này kể về các sự việc gắn chặt với đời sống gia đình, xã hội, đối tượng chính miêu tả và phản ánh là con người.

Trong giai đoạn đầu, truyện cổ tích thần kỳ thường gắn liền với thần thoại bởi các yếu tố kì ảo, ma thuật. Hiện nay, truyện được phân ra làm 2 nhóm là nhóm về nhân vật tài giỏi và bất hạnh

3.2.1 Nhóm truyện về nhân vật tài giỏi

Nhân vật chính sẽ có một tài đặc biệt nào đó ví dụ lặn, chữa bệnh, vẽ,… nội dung là cuộc phiêu lưu của họ. Cuối cùng những người này sẽ giành được phần thắng (đại diện cái thiện luôn thắng cái ác). Ví dụ như Thạch Sanh, Người thợ lặn và mụ chằng, ba chàng dũng sĩ (truyện cổ người Bana), Khoa Phụ đuổi mặt trời (Cổ tích Trung Quốc),…

Đọc truyện cổ tích tiêu biểu có nhân vật tài giỏi: Thạch Sanh tại đây

3.2.2 Truyện về nhân vật bất hạnh

Đối tượng chính của truyện là các nhân vật như con riêng, mồ côi, tên khờ,…những người bị áp bức, ngược đãi nhưng sống có đạo đức, có tài. Kết truyện là trải qua vô vàn thử thách khác nhau, họ đã vượt qua và đổi đời, hạnh phúc về sau. 

Một số truyện sau sẽ là minh chứng điển hình cho thể loại này: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc,...

Đọc truyện cổ tích điển hình có nhân vật bất hạnh: Sọ Dừa tại đây

3.3 Truyện cổ tích thế tục/truyện cổ tích sinh hoạt

Nếu truyện cổ tích thần kỳ kể về các sự việc gắn liền với đời sống hằng của con người, vậy thế nào là truyện cổ tích thế tục? Tương tự, truyện cũng kể lại các sự kiện đặc biệt, ly kỳ nhưng những sự việc này được rút ra từ thế giới trần tục.

Nhưng yếu tố màu nhiệm, ảo tượng không có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của câu chuyện. Nhân vật chính đa phần mang tính chủ động và tích cực, các xung đột trong loại truyện được giải quyết theo hướng logic hiện thực. Đề tài của truyện cũng rất đa dạng như: nội dung nói về nhân vật bất hạnh, phê phán, truyện về người thông minh và ngốc nghếch.

Dưới đây là một số truyện cổ tích sinh hoạt phổ biến, được biết đến rộng rãi: Trương Chi - Mỵ Nương, Sự tích chim hít cô, Sự tích chim quốc (nói về nhân vật bất hạnh); Gái ngoan dạy chồng, Đứa con trời đánh (truyện cổ tích có nội dung phê phán); Xử kiện tài tình, Em bé thông minh, Nói dối như cuội (viết về người thông minh); Cuối cùng là nhóm truyện về người ngốc nghếch có Chàng ngốc đi kiện, Làm theo vợ dặn,…

Đọc truyện cổ tích sinh hoạt Em bé thông minh tại đây

4. Mục đích của truyện cổ tích tồn tại trong đời sống

Khái niệm truyện cổ tích đã tồn tại lâu dài trong đời sống hằng ngày của dân gian nên nó ít nhiều cũng tác động đến hành vi của con người. Ông cha ta ngày xưa thường hay kể cho con cháu nghe các câu chuyện cổ tích và nó được duy trì, gìn giữ qua bao thế hệ.

Albert Einstein, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại đã từng nói: “Nếu muốn con trẻ thông minh, hãy đọc cho chúng nghe truyện cổ tích. Nếu muốn chúng thông minh hơn nữa, hãy đọc cho chúng nghe nhiều truyện cổ tích hơn nữa” nên nó lại một phần nào nói lên tác động của truyện đến trẻ nhỏ.

Thật vậy, truyện cổ tích có ảnh hưởng tích cực đến đến lối sống và bản năng con người. Cụ thể là.

  • Giúp trẻ luôn hướng đến điều tốt đẹp

Truyện cổ tích luôn mang tinh thần tích cực, tốt lành, cái thiện sẽ thắng cái ác, cái đẹp sẽ thắng cái xấu. Thế nên khi bạn kể cho bé nghe những loại truyện này, nó giúp trẻ hình thành nhân cách sống tốt, sống ngay thẳng, chính nghĩa khi trưởng thành.

  • Giúp nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn

Trong truyện cổ tích luôn chứa đầy những cảm xúc vui sướng, buồn đau, giận dữ,... Chính vì vậy, trẻ nhỏ sẽ được tô dưỡng cảm xúc cùng nhân vật chính, hình thành tính cách yêu thương, biết san sẻ.

  • Nuôi dưỡng trí tưởng tượng

Vì mang yếu tố kì ảo, huyền bí nên truyện cổ tích sẽ mang đến cho con trẻ khả năng tưởng tượng phong phú. Nhờ vào đó, khi lớn lên các bé có thể sửa đổi và phát triển môi trường xung quanh để rồi tạo và phát minh ra những ý tưởng, cấu trúc, công nghệ mới.

  • Giúp trẻ nhỏ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc

Những câu truyện cổ tích dân gian Việt Nam được sáng tác đều bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc. Qua đó giúp bé hiểu được thế nào là tình yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc, ghi nhớ công ơn của tổ tiên.

Xem thêm: 
Tổng hợp những mẩu truyện ngắn về mẹ sẽ khiến bạn rơi lệ

39 mẩu chuyện ngắn ý nghĩa về Bác và bài học kinh nghiệm
Phim cổ tích Việt Nam và những câu chuyện đi cùng năm tháng

5. Một số tác phẩm truyện cổ tích nổi bật trong văn học Việt Nam

Không chỉ tồn tại trong dân gian qua việc truyền miệng mà truyện cổ tích còn được đưa vào sách văn học giáo dục. Thông qua điều này, học sinh có thể hiểu hơn về truyện cổ tích, nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Một số truyện cổ tích Việt Nam sau đây được dùng trong việc giảng dạy, học tập.

5.1 Cóc kiện trời – Vừa là cổ tích loài vật, vừa là truyện thần thoại.

Cóc kiện trời” là một câu chuyện cổ tích của Việt Nam. Tác phẩm đã giải thích được hiện tượng tự nhiên “Tại sao khi trời gần mưa thì cóc lại nghiến răng”. Qua truyện, ông cha ta còn muốn đề cao tinh thần đoàn kết, chính nghĩa và hãy luôn bảo vệ loài cóc – một con vật tuy xấu xí nhưng có ích.

 

ĐỌC TRUYỆN

Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.

Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm, các con vật họp bàn nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.

Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cửa có đặt cái trống rất to. Theo tục lệ nếu ai có điều gì oan ức thì đánh trống lên. Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược, nhìn xuôi mãi cũng không thấy ai, chỉ thấy con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết

Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng để kêu oan, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng.

- Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí kinh khủng, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói như vậy thì lấy làm giận lắm, bèn sai bầy Gà ra mổ Cóc. Nhưng bầy Gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ bụi rậm xong ra vồ gà.

Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa “Gâu gâu gâu ” mấy tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không còn sót một người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận thành làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:

- “Cậu” lên đây có việc gì?

Cóc thưa:

- Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

Ngọc Hoàng cho gọi thần mưa đến. Té ra thần Mưa mải rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:

- Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về dưới đất. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông, suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:

“Con cóc là cậu ông trời

Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”.

 

Truyện cổ tích là gì? Đặc điểm, phân loại của loại truyện này như thế nào? 2

5.2 Sọ dừa – truyện cổ tích thần kì.

Sọ dừa” (được biên soạn vào sách ngữ văn lớp 6) là truyện cổ tích kể về nhân vật bất hạnh. Hiện thực của truyện phản ảnh những con người chịu số phận bất thiệt thòi. Họ là người bị khiếm khuyết, cơ thể dị dạng nhưng lại phải chịu thêm nỗi đau tinh thần là sự khinh khi, dè biểu của mọi người.

Thế nhưng những con người như thế luôn có khát vọng sống mãnh liệt, niềm mơ ước, khát vọng cháy bỏng về cuộc đời. Qua đó thể hiện sự vươn lên vượt qua hoàn cảnh tìm đến hạnh phúc. Đồng thời ca ngợi sự yêu thương đùm bọc và tinh thần tương thân tương ái giữa người với người.

ĐỌC TRUYỆN

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.

Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.

– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.

Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.

Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.

Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

ò… ó… o

Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

 

Truyện cổ tích là gì? Đặc điểm, phân loại của loại truyện này như thế nào? 3

5.3 Thạch Sanh – truyện cổ tích thần kỳ

Truyện cổ tích “Thạch Sanh” kể về người dũng sĩ, can đảm diệt trừ cái ác, bảo vệ cái chân, thiện, mỹ. Qua đó tác phẩm thể hiện được ước mơ, khát vọng, niềm tin về đạo đức công lý xã hội của nhân dân ta.

ĐỌC TRUYỆN

Xưa ở quận Cao Bình có gia đình bác tiều phu Thạch Nghĩa, vợ chồng tuổi cao mà vẫn không con. Ông bà lo buồn và ra sức làm việc nghĩa. Ông thì sửa cầu, sửa cống, khơi rãnh, đắp đường. Bà thì nấu nước cho người qua đường uống. Việc làm của gia đình họ Thạch thấu đến trời, Ngọc Hoàng cho Thái tử đầu thai xuống trần làm con nhà họ Thạch. Thạch bà thụ thai ba năm, chưa sinh con thì Thạch ông mất. Sau đó, Thạch bà sinh một con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Thạch Sanh. Cách ít năm sau, Thạch bà cũng mất, Thạch Sanh sống côi cút một mình trong túp lều tranh dưới gốc đa với một mảnh khố che thân và một cái búa đốn củi.

Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên ông xuống dạy cho chàng các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.

Một hôm có anh hàng rượu tên là Lý Thông, đi bán rượu ghé vào gốc đa nghỉ chân, thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lanh lợi, ở một mình, bèn kết làm anh em và đưa Thạch Sanh về nhà.

Bấy giờ ở trong vùng có một con Trăn Tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa; nhà vua phải cho lập miếu thờ và mỗi năm nộp mạng một người cho nó. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải nộp mình. Mẹ con Lý Thông nghe tin hoảng hốt, bàn mưu tính kế đưa Thạch Sanh đi thế mạng. Khi Thạch Sanh đi lấy củi về, Lý Thông đon đả mời chàng uống rượu và nói: “Ðêm nay anh phải đi canh miếu thờ trong rừng, nhưng trót cất mẻ rượu, anh đi sợ hỏng, nhờ em thay anh canh miếu một đêm”. Thạch Sanh vui vẻ nhận lời và đi ngay.

Nửa đêm Trăn Tinh hiện về, giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh trổ tài đánh nhau với Trăn Tinh, cuối cùng chàng chém được đầu nó, đốt xác nó thành than, và thấy hiện lên trong miếu một bộ cung tên bằng vàng ngời sáng. Thạch Sanh mừng rỡ giắt búa, đeo cung và xách đầu Trăn Tinh chạy thẳng một mạch về nhà. Nghe tiếng Thạch Sanh gọi, mẹ con Lý Thông hoảng sợ, cho là oan hồn của Thạch Sanh sau khi bị Trăn Tinh ăn thịt, trở về nhà oán trách, bèn cất lời cầu khấn, van xin: “Sống khôn, thác thiêng em hãy tạm đi, ngày mai mẹ cùng anh sẽ mua sắm vàng hương, cơm canh, cỗ bàn cúng em chu tất!”. Bấy giờ, Thạch Sanh mới biết rõ tâm địa và mưu kế của mẹ con Lý Thông nhưng chàng không giận, vẫn vui vẻ kể chuyện giết Trăn Tinh cho mẹ con họ Lý nghe. Lý Thông liền nảy ra một mưu thâm độc mới. Nó nói Trăn Tinh là báu vật nhà vua nuôi, ai giết sẽ bị tội lớn. Thạch Sanh lo sợ, Lý Thông bảo Thạch Sanh trốn đi cho an toàn, một mình y sẽ tự lo liệu thu xếp giúp cho.

Sau khi Thạch Sanh từ giã mẹ con Lý Thông trở về gốc đa xưa, Lý Thông đi ngay về Kinh, tâu vua là đã trừ được Trăn Tinh. Nhà vua vui mừng trọng thưởng và phong cho Lý Thông làm Ðô đốc quận công. Tiếp đó, nhà vua mở hội kén chồng cho con gái là công chúa Quỳnh Nga. Hội kén chồng kéo dài hàng tháng nhưng công chúa không chọn được ai vừa ý đẹp lòng. Một hôm công chúa đang dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ khác sà xuống cắp đi. Thấy chim cắp người bay qua, Thạch Sanh giương cung bắn, đại bàng bị trúng tên vào cánh trái, nó dùng mỏ ngậm tên rút ra rồi bay tiếp về hang ổ. Thạch Sanh lần theo vết máu tìm đến cửa hang đại bàng, chàng đánh dấu cửa hang ác điểu rồi trở lại gốc đa.

Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, tìm được thì sẽ được lấy công chúa, làm phò mã, nối ngôi vua, không tìm được phải chịu tội. Lý Thông vừa mừng, vừa lo, y lập kế mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng dò la tin tức. Ðến ngày thứ mười, biết tin Lý Thông mở hội, Thạch Sanh đến thăm và kể cho Lý Thông nghe việc bắn chim đại bàng, Lý Thông mừng vui khôn xiết, hậu đãi Thạch Sanh và nhờ chàng dẫn đường đến hang Ðại bàng cứu công chúa.

Thạch Sanh dùng thang dây xuống hang gặp công chúa và đưa thuốc mê cho đại bàng uống. Công chúa hẹn ước kết duyên cùng Thạch Sanh rồi Thạch Sanh buộc dây đưa nàng lên mặt đất. Lý Thông sai quân lính đưa công chúa lên kiệu rước về cung, còn y nói dối là ở lại đánh nhau với quái vật. Sau đó, Lý Thông dùng đá lấp kín cửa hang và trở về triều đình mạo nhận công trạng. Không thấy Thạch Sanh trở về, công chúa buồn thương rầu rĩ và bặt câm, không hé môi nói nửa lời. Nhà vua buồn bã, Lý Thông cầu đảo thuốc thang khắp nơi đều vô hiệu, việc tổ chức cưới xin phải đình hoãn.

Hết liều thuốc mê, đại bàng tỉnh dậy hóa phép thần thông hãm hại Thạch Sanh, chàng dũng sĩ “mặt đỏ mày xanh”, đã dám cả gan “phá nhà, cướp vợ” của nó. Thạch Sanh dùng tài võ nghệ và phép thần thông của mình tiêu diệt được đại bàng. Nhìn lên cửa hang kín bưng không còn một khe hở nhỏ, Thạch Sanh dạo khắp hang động của đại bàng và gặp Thái tử con vua Thủy Tề đang bị yêu quái nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh phá tan cũi sắt giải thoát cho Thái tử. Thái tử mời Thạch Sanh về Thủy Tề gặp vua cha. Vua Thủy Tề cảm ơn và hậu đãi chàng. Trong thời gian lưu lại thủy cung, một hôm Thạch Sanh đang cùng Thái tử dạo chơi thì một con Hồ Tinh xuất hiện, biến thành một cô gái xinh đẹp để cám dỗ, mê hoặc hại chàng. Thạch Sanh bắt nó phải hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi và hóa phép giam nó lại. Vua Thủy Tề mời Thạch Sanh ở lại thủy cung và sẽ phong chức tước cho chàng, nhưng Thạch Sanh từ chối. Vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn thần và sai sứ giả rẽ nước đưa chàng trở lại trần gian. Thạch Sanh lại về với gốc đa xưa. Vắng bóng Thạch Sanh cây đa buồn ủ ê, khi Thạch Sanh trở về cây đa lại xanh tươi như cũ. Hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết (Trăn Tinh và Ðại Bàng) gặp nhau tìm cách hãm hại Thạch Sanh. Chúng vào kho châu báu của nhà vua lấy cắp vàng bạc ném vào gốc đa nơi Thạch Sanh ở. Quân lính nhà vua bắt Thạch Sanh tống ngục, nhà vua giao cho Lý Thông xử tội. Lý Thông khép Thạch Sanh vào tội tử hình để bịt đầu mối. Trong lúc bị giam trong ngục, chờ hành hình, Thạch Sanh đem đàn ra gảy. Cây đàn thần vang lên tiếng tơ, tiếng trúc, cung thảm, cung sầu; cung thì kể tội Lý Thông vong ân, bạc nghĩa, cướp công Thạch Sanh; cung thì trách nàng công chúa sai lời hẹn ước dưới hang (tích tịch tình tang, ai đem công Chúa dưới hang mà về?)…

Nghe tiếng đàn, công chúa bừng tỉnh dậy, cười cười, nói nói. Nhà vua vui mừng nghe công chúa nói rõ ngọn ngành. Lập tức nhà vua hạ lệnh tha cho Thạch Sanh và bắt Lý Thông tống ngục. Tiếp đó, vua làm lễ thành hôn cho Thạch Sanh cùng công chúa và truyền ngôi cho Thạch Sanh. Vua giao toàn quyền cho Thạch Sanh xử tội Lý Thông. Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, cho mẹ con họ Lý về quê quán làm ăn. Nhưng về giữa đường, trời nổi giông gió, mẹ con Lý Thông bạc ác bị sét đánh chết, Lý Thông hóa thành con bọ hung suốt đời chui rúc nơi bẩn thỉu.

Biết tin Thạch Sanh kết duyên với công chúa Quỳnh Nga và lên ngôi trị vì thiên hạ, các hoàng tử, công hầu của mười tám nước chư hầu, những người đã từng kéo đến cầu hôn công chúa không được, vô cùng ghen tức, họ kéo quân đến gây sự với Thạch Sanh và công chúa. Thạch Sanh cùng công chúa ra tiếp đãi họ một cách tử tế. Tiếng đàn thần của Thạch Sanh phân rõ lẽ thiệt hơn, phải trái, làm cho quân sĩ các nước chư hầu mềm lòng, nản chí. Kẻ nhớ mẹ nhớ cha, người thương con nhớ vợ, ai cũng muốn về và ngại việc binh đao, cuối cùng các nước chư hầu đều thuận lui binh. Thạch Sanh mời họ ăn cơm. Chàng có niêu cơm thần nhỏ bé nhưng xới bao nhiêu bát, cơm vẫn đầy lên như cũ, khiến cho các nước chư hầu càng thêm kính phục.

Truyện cổ tích là gì? Đặc điểm, phân loại của loại truyện này như thế nào? 4

5.4 Em bé thông minh - Truyện cổ tích thế tục, sinh hoạt

Nếu qua phần giải thích ở trên bạn vẫn chưa hiểu truyện cổ tích thế tục là gì thì bạn hãy đọc “Em bé thông minh”, đây là câu chuyện điển hình thuộc loại này. Qua truyện người ta đề cao được sự thông minh và trí khôn dân gian. Cuối cùng nó còn tạo tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.

ĐỌC TRUYỆN

Ngày xưa có một ông vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu ông cũng ra những câu đố oái oăm để hỏi mọi người, nhưng tuy mất nhiều công mà chưa thấy có người nào thật lỗi lạc.

Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi:

– Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?

Người cha đứng ngẩn người ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy, tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:

– Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.

Viên quan nghe nó hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Ông thầm nghĩ, nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu mất công, bèn hỏi tên họ làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.

Nghe nói, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng, để biết đích xác hơn nữa, vua sai thử lại. Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.

Khi dân làng nhận được lệnh vua thì ai nấy đều chưng hửng và lo lắng không hiểu thế là thế nào. Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn tán, vẫn không có cách gì giải quyết cả. Từ trên xuống dưới, mọi người đều tin là tai vạ. Việc đến tai em bé con nhà thợ cày. Em liền bảo cha:

– Chả mấy khi được lộc vua ban, bố cứ thưa với làng làm thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho bố con ta trẩy kinh lo việc đó.

– Ðã ăn thì còn lo liệu thế nào? Ðừng có làm dại mà mất đầu đó con ạ!

Nhưng đứa con quả quyết:

– Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc.

Người cha vội ra đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén.

Sau đó mấy hôm, hai cha con khăn gói tìm đường tiến kinh. Ðến hoàng cung, con bảo cha đứng ở ngoài, còn mình thì nhè lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu vào, phán hỏi:

– Thằng bé kia, có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?

– Tâu đức vua – em bé đáp – mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.

Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua phán:

– Muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố mày, chứ bố mày là giống đực, làm sao mà đẻ được!

Em bé bỗng tươi tỉnh:

– Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!

Vua cười bảo:

– Ta thử đấy thôi mà! Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?

- Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp, biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.

Vua và đình thần chịu chú bé là thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn còn muốn thử một lần nữa. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới cho một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé bảo cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

– Phiền ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.

Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu.

Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi nước ta. Ðể dò xem bên này có nhân tài hay không, họ sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, yêu cầu xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.

Sau khi nghe sứ thần trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan nhìn nhau. Không trả lời được câu đố oái oăm ấy tức là tỏ ra thua kém và thừa nhận sự thần phục của mình đối với nước láng giềng. Các đại thần đều vò đầu suy nghĩ. Có người dùng miệng hút. Có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu v.v… Nhưng, tất cả mọi cách đều vô hiệu, bao nhiêu ông Trạng và các nhà thông thái triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành mời sứ thần ra ở công quán để có thì giờ đi hỏi ý kiến em bé thông minh nọ.

Khi một viên quan mang dụ chỉ của vua đến thì em còn đùa nghịch ở sau nhà. Và khi nghe nói xâu chỉ vào vỏ ốc, em bé hát lên một câu:

Tang tình tang! Tính tình tang

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng

Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Tang tình tang…

Rồi bảo:

– Cứ theo cách đó là xâu được ngay!

Viên quan sung sướng, lật đật trở về tâu vua. Vua và các quan triều thần nghe nói thì mừng lắm. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.

Rồi sau đó, vua phong cho em bé làm Trạng nguyên. Vua lại sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở, để tiện hỏi han.

 

Truyện cổ tích là gì? Đặc điểm, phân loại của loại truyện này như thế nào? 5

Trên đây chúng tôi đã trình bày khái niệm “Truyện cổ tích là gì” và đưa ra một số tác phẩm hay nhất của nó. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu thêm về đặc điểm và mục đích sử dụng của loại truyện trên. Để có thêm nhiều kiến thức bổ ích, thú vị, bạn hãy ghé thăm VOH mỗi ngày nhé!

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: internet)

Bình luận