Điển cố thường được dùng như phép ẩn dụ hay hoán dụ tạo ra câu văn ý tại ngôn ngoại. Sử dụng điển cố điển tích trong văn học, thi ca hoặc một vài trường hợp trong đời sống hằng ngày là khiến cách diễn đạt trở nên tinh tế hơn.
1. Điển cố là gì?
Điển cố (hay còn gọi là điển tích) là một từ Hán Việt, ý chỉ một chuyện xưa tích cũ về những tấm gương sáng (người con hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, tấm gương đạo đức…) hoặc một sự kiện đặc biệt, qua đó làm nổi bật lên những triết lý nhân sinh bất hủ cho thế hệ sau.
Nguồn gốc của các điển cố điển tích chủ yếu xuất phát từ những tác phẩm văn học cổ hay văn học dân gian (thường là văn học Trung Quốc). Điển cố điển tích còn được biết đến như một nghệ thuật tu từ được nhiều nhà thơ nhà văn sử dụng trong những tác phẩm văn học kinh điển.
Điển cố điển tích thường được đúc kết ngắn gọn trong một câu, đặc biệt có những điển cố chỉ cần nói tên nhân vật đã có thể truyền tải được hàm ý của tác giả.
Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Thư Pháp: nét đẹp của chữ và tâm hồn người cầm bút
2. Đặc trưng của điển cố là gì?
Điển cố điển tích là chất liệu dân gian có giá trị nghệ thuật cao góp phần cho sự thành công của nhiều tác phẩm.
2.1 Nghệ thuật “ý tại ngôn ngoại”
Điển cố điển tích thường được sử dụng trong thi ca bởi đặc trưng “ý tại ngôn ngoại”. Dùng một điển tích điển cố đặc trưng và có tính hình tượng cao mang lại giá trị nghệ thuật và thể hiện ý nghĩa sâu sắc hơn.
Bởi vì, điển cố điển tích cho phép người đọc được tự do thưởng thức nó theo cách của riêng mình. Đó cũng chính là lý do góp phần khiến một tác phẩm trở nên bất hủ. Vì với mỗi độc giả quyển sách lại vẽ nên một thế giới tinh thần rất riêng.
2.2 Gây ấn tượng và gợi nhớ sâu sắc
Một triết lý nhân sinh được truyền đạt thông qua thi liệu dân gian như điển cố điển tích sẽ khiến người đọc ghi nhớ và có ấn tượng hơn so với cách diễn đạt thông thường.
Bởi vì khi một người có thể hiểu được tường tận ý nghĩa của một điển cố, nghĩa là họ phải dành thời gian tìm hiểu rất nhiều tư liệu. Lúc này thông điệp trở nên giá trị hơn vì nó còn có thể trở thành một kiến thức mới cho những người thưởng thức nó.
Xem thêm: Hiểu rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn bài học về lòng biết ơn
3. Hiệu quả nghệ thuật của điển cố điển tích
Mỗi điển tích điển cố thể hiện một phương diện không giống nhau vì thể có thể sẽ có sự khác biệt trong hiệu quả về nội dung và nghệ thuật khi phân tích hai điển cố khác nhau. Sau đây là hiệu quả nghệ thuật tu từ của điển cố điển tích văn học:
3.1 Tính liên tưởng
Điển cố vốn tồn tại trong một sự tích hay một câu chuyện cụ thể, nghĩa là điển cố gắn liền với một ngữ cảnh văn học nhất định. Cho nên khi sử dụng điển cố trong các tác phẩm văn chương sẽ giúp người đọc hình thành một sự liên kết đến bối cảnh liên quan trong nhận thức và cách họ tiếp nhận tác phẩm.
Lúc này điển cố điển tích không chỉ truyền tải một thông điệp mà còn là chất xúc tác cho quá trình cảm thụ tác phẩm của người đọc.
Ví dụ, dân gian Việt Nam có điển tích, truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” - khuyên răn con người nên biết kiên định với những quyết định của bản thân. Điển tích này là sự phối hợp giữa các chuỗi sự kiện và nhân vật để đúc kết ra một triết lý liên quan đến việc tránh chạy theo ý kiến của người khác gói gọn trong cụm từ “Đẽo cày giữa đường”, mà khi nhắc đến cụm từ này người đọc, người nghe có thể tự mình liên tưởng đến câu chuyện, bối cảnh cũng như ý nghĩa.
3.2 Tính hình tượng và hàm súc
Điển tích điển cố thường ngắn gọn nhưng lại có thể chỉ ra được một nội dung bao quát. Trong nhiều trường hợp, điển tích có thể thay thế một công cụ mô tả chi tiết, giúp người đọc có thể hình dung về đặc điểm của sự vật hiện tượng một cách tinh tế.
Ví dụ, ngày nay hình tượng “Sở Khanh” được sử dụng để mô ta những người đàn ông tồi, lừa gạt phụ nữ và có vẻ ngoài rất đạo mạo.
3.3 Tính linh hoạt
Tính linh hoạt của điển cố thể hiện ở chỗ, cùng một điển cố, khi tác giả sử dụng trong những văn cảnh khác nhau thì lại có thể được hiểu theo một nghĩa khác.
Ví dụ trong 2 câu thơ:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Từ “bể dâu” là biến thể của điển cố nguyên gốc “Thương hải tang điền” diễn tả sự thay đổi lớn lao của cuộc đời qua thời gian. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có sự kết hợp từ “bể dâu” (dịch nghĩa của “tang điền”) với yếu tố cấu thành danh ngữ “cuộc” tạo thành danh ngữ “cuộc bể dâu”, để miêu tả những gian truân của cuộc đời Kiều.
Xem thêm: Tổng hợp 3254 câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du
3.4 Tính khái quát
Điển cố thường sẽ bộc lộ ý nghĩa sâu sắc bằng cách dẫn dắt người đọc một thế giới cổ xưa để đi đến một nghĩa chung, khái quát. Nghĩa của điển cố thường được giải thích dựa trên nghĩa đen và nghĩa bóng.Tính khái quát của điển cố thể hiện rõ rệt nhất khi chúng đại diện cho một nhóm người hay một thời kỳ. Khi ấy, chỉ cần điển cố được vận dụng vào thi ca có thể tạo nên một thế giới quan mang tính biểu trưng cao.
4. Cách khai thác điển cố điển tích
Muốn khai thác được ý nghĩa sâu xa của điển cố, bạn cần phải tìm hiểu trên hai phương diện hình thành nên ý nghĩa chính của chính:
Về ngữ nghĩa: Khi phân tích điển cố bạn cần tìm hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Nghĩa đen: Là nghĩa trên mặt chữ, thường mang tính biểu tượng. Nghĩa đen của điển cố thường khái quát nội dung và tạo tiền đề cho sự liên tưởng.
- Nghĩa bóng: Nghĩa bóng là ý nghĩa sâu xa của điển cố. Thông thường nghĩa bóng của điển cố sẽ được suy luận từ một số nghệ thuật tu từ như ẩn dụ, hoán dụ….
Về nguồn gốc: Điển cố được đúc kết từ những câu chuyện xưa, trong một hoàn cảnh cụ thể, vì thế điển cố có thể phản ánh được đời sống tinh thần của người xưa thông qua: bối cảnh văn hóa - xã hội, quốc gia, dân tộc và tôn giáo.
Xem thêm: Hiểu biết về bản ngã trong Phật giáo để biết cái tôi là tốt hay xấu
Ngày nay, điển cố điển tích không chỉ là thi liệu cho văn chương mà còn được sử dụng trong một số tình huống giao tiếp trong đời sống. Hy vọng bạn đã có thể nắm bắt được điển cố là gì để có cách vận dụng thật hiệu quả.
Sưu tầm
Nguồn: Internet