“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Bốn câu thơ nổi tiếng về “Ông đồ” của Vũ Đình Liên đã phác họa hình ảnh của một môn nghệ thuật từng rất phổ biến: nghệ thuật Thư Pháp. Ngày nay tuy không còn được chú ý như trước, nhưng một số bạn trẻ vẫn có hứng thú với môn nghệ thuật này, tiếp nối phát huy để không bị mai một.
Thư Pháp là gì?
Thư Pháp là nghệ thuật viết chữ bằng bút lông, thể hiện qua nét chữ những tâm tình và gửi gắm của người viết. Viết Thư Pháp không chỉ đòi hỏi chữ đẹp, mà bố cục còn phải hài hòa, đôi khi phải hợp phong thủy.
Thư Pháp vốn xuất thân từ Trung Hoa. Do nét chữ tượng hình đặc trưng, Thư Pháp Trung Quốc phát triển rực rỡ với nhiều dạng chữ như chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Nghệ thuật Thư Pháp ảnh hưởng và lan rộng qua các nước láng giềng như Hàn Quốc (Thư Nghệ), Nhật Bản (Thư Đạo).
Ở Việt Nam, Thư Pháp chữ Hán – Nôm đã từng rất phổ biến, hiện nay thi thoảng vẫn được sử dụng. Về sau, cùng với sự phát triển và phổ biến của chữ Quốc Ngữ, Thư Pháp Việt ra đời vừa mang tính đổi mới với việc sử dụng chữ La tinh, vừa đậm nét truyền thống với phong cách nghệ thuật cổ xưa.
“Văn phòng tứ bảo” gồm những gì?
Để viết Thư Pháp, cần đến Văn phòng tứ bảo, tức là bốn món bảo vật trong thư phòng. Những món ấy gồm: bút lông, mực, nghiên mực và giấy viết.
Văn phòng tứ bảo trong Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Bút lông
Bút lông là công cụ quan trọng nhất để thi triển Thư Pháp. Được ví như bảo kiếm của tướng sĩ khi ra trận, bạn nên tìm hiểu về bút lông trước khi chọn mua bút viết Thư Pháp để chắc chắn dùng thuận tay nhất và thỏa sức phóng tác.
Bút lông được phân loại theo nguyên liệu đầu bút (lông chuột, lông thỏ, lông chồn, …), kích thước (tiểu khải, trung khải, đại khải, …), mục đích sử dụng (viết chữ hay vẽ tranh), độ đàn hồi (nhuyễn hào, ngạch hào, kiêm hào, …), hình thái (viên hào, tiêm hào, …).
Bút lông dùng trong Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Một cây bút lông tốt thì sẽ hội đủ các yếu tố sau đây: Tiêm, Tề, Viên, Kiện.
- "Tiêm" nghĩa là nhọn, khi nhúng ngọn bút vào mực hay nước thì lông bút túm lại đến phần đầu bút phải thật nhọn.
- "Tề" là ngay ngắn, tất cả các sợi lông phải được xếp đều đặn ngay ngắn từ gốc đến ngọn, không xiên qua xéo lại. Lúc bút lông khô, xoè ngọn bút lông ra trên mặt giấy, nếu thấy lông bút lông xoè đều ra như hình rẽ quạt thì là bút tốt.
- "Viên" là tròn đều, quan sát thấy xung quanh ngọn bút no đầy, bốn mặt tròn đều không bị lõm vào hay lồi ra.
- "Kiện" là cứng cáp, ngọn bút có độ đàn hồi cao, nhấn bút xuống mặt giấy khi nhấc lên, ngọn bút trở lại trạng thái ban đầu.
Tuy nhiên, khi mua bút chúng ta chỉ quan sát được ngọn bút có nhọn và tròn đều hay không thôi, vì bút được nhúng một loại hồ đặc biệt của nhà sản xuất. Sau khi mua về, các bạn nhớ ngâm bút trong nước để rửa sạch hồ và thử bút nhé.
Tìm mua được bút ưng ý, bạn cũng cần lưu ý bảo quản bút thật tốt: rửa bút trước và sau khi dùng, cất nơi khô ráo để đảm bảo lông bút mềm, đàn hồi tốt, sạch mực. Bạn cũng đừng quên kiểm tra, bỏ bớt các lông bút bị đứt để tránh làm xấu nét khi viết.
Mực tàu
Mực và bút là hai vật phẩm quan trọng nhất khi viết chữ. Mực tốt thì viết ra chữ đẹp.
Việc làm mực rất công phu, chọn một thỏi mực quý và tốt cũng công phu không kém. Cho nên, người ta thường nói: "Vàng dễ kiếm mà mực khó tìm". Hiện nay có hai loại mực tàu là mực nước và mực thỏi.
Mực tàu – Mực nước dùng trong Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Mực nước dạng lỏng, khi cần có thể đổ ra dùng ngay, cực kỳ tiện lợi.
Mực thỏi thì tốn thêm chút công phu mài mực. Nếu xem Thư Pháp là một môn nghệ thuật, thì việc mài mực cũng không hề kém cạnh.
Một thỏi mực tốt sẽ có mùi hương dễ chịu, mịn, cầm nặng tay, khô ráo, mực đen ánh lên sắc tía; có thể để lâu, càng lâu càng tốt. Mực xấu thì nặng mùi keo, ẩm, để lâu không dùng được.
Mực tàu – Mực thỏi dùng trong Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Để mài mực, bạn cho một ít nước sạch vào nghiên mực, dựng thỏi mực đứng theo chiều kim đồng hồ, mài nhẹ nhàng thư thái. Lượng nước và thời gian mài tùy vào lượng mực và độ đậm nhạt bạn cần, thường chúng ta sẽ mài đến khi màu mực đen sậm và có độ keo sệt.
Tịnh tâm mài mực cũng là lúc tâm hồn bạn được tĩnh lặng, cơ tay được rèn luyện, thần trí minh mẫn sảng khoái, có lẽ đây là bước chuẩn bị tốt cho một bức Thư Pháp đẹp.
Mài mực cũng là một nghệ thuật (Nguồn: Internet)
Nghiên mực
Nghiên là dụng cụ để mài và chứa mực tàu. Nghiên có thể làm từ đất sét, đồng thiếc, sắt hoặc sứ. Nghiên có thể có bề mặt trơn nhẵn, cũng có khi được chạm trổ tinh xảo.
Nghiên mực trong Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Thời xưa nghiên mực còn được đặc biệt chế tác từ ngọc thạch, đá quý. Chất liệu nghiên mực phản ánh vị thế và chức phận của chủ nhân. Các hình chạm khắc trên nghiên còn đa dạng tùy thuộc vào sở thích và tín ngưỡng của chủ. Lịch sử ghi nhận nhiều nghiên mực chạm trổ hình long lân quy phụng, các vị la hán, tiên ông, hoặc cảnh hoa lá cầu kỳ.
Giấy viết
Nếu bạn là người mới luyện chữ, giấy không cần quá cầu kỳ, không quá nhẵn hoặc quá thấm là được, bạn có thể sử dụng các loại giấy thông dụng trên thị trường.
Giấy viết chữ Thư Pháp (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên để tạo ra các tác phẩm Thư Pháp đẹp mắt hơn, bạn cũng cần tìm hiểu vài loại giấy chuyên dụng hơn. Ở Việt Nam hiện nay, có một số loại giấy thường dùng trong Thư Pháp như sau:
- Dòng giấy ốp, ganh, nhung với những ưu điểm: dễ bám mực tàu, nhanh khô mực, tạo nét xước đẹp khi viết thư pháp Việt, chất liệu giấy phổ biến, giá thành rẻ, có sẵn nhiều kích cỡ khác nhau, có nhiều mẫu in tranh, in viền, người viết thư pháp có nhiều sự lựa chọn.
- Giấy xuyến (hay còn gọi giấy Tuyên Chỉ) có tính chất mềm dai, màu trắng, được ví sáng bóng như ngọc (giấy xuyến truyền thống có màu trắng), không bị mối mọt, mục nát, ít bị biến sắc qua thời gian. Khi viết “mặc phân ngũ sắc”, tức có thể có thể tạo ra năm dải màu đậm nhạt khác nhau.
- Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, ít nhoè mực khi viết vẽ, ít bị mối mọt, giòn gãy, ẩm nát, có khả năng chống ẩm cao. Giấy dó rất bền với thời gian nên được ứng dụng làm sắc phong, gia phả, sổ sách lưu trữ, làm tranh dân gian, đồ chơi trung thu, v.v. Trong thư pháp, giấy dó rất phù hợp để viết tác phẩm cỡ chữ nhỏ do giấy dó có độ thấm mực tốt, ít bị loang, nhoè mực.
- Giấy Mao Biên Chỉ là loại giấy vàng nhạt, chất liệu giấy tinh tế, mỏng nhưng bề mặt lại xốp mềm, khả năng thấm mực, hút nước tốt. Đặc biệt phù hợp để viết chữ, chế tạo sách cổ.
Thế nào là chữ Thư Pháp đẹp?
Đẹp hay không và thế nào thì mới đẹp luôn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, Thư Pháp cũng không ngoại lệ. Có người cảm thấy chữ dễ đọc là chữ đẹp, có người lại cho rằng ngoằn ngoèo trừu tượng một tí mới xứng là nghệ thuật.
Nghệ thuật là tùy vào cảm nhận của mỗi người, khó có thể phân định ai đúng ai sai. Một tác phẩm Thư Pháp cân đối hài hòa, đường nét câu chữ nói lên cái tình cái tâm của người viết, màu sắc gợi cho bạn những hỉ nộ ái ố khác biệt, tùy mức độ bạn cảm thụ được mà cho rằng có đẹp hay không.
Không giống như khi chúng ta dùng điện thoại hay máy tính, nét chữ mặc định giống nhau cả. Chữ Thư Pháp mỗi người mỗi khác, cho dù bạn học theo ai, dần dần con chữ cũng sẽ mang cá tính riêng của bạn, tùy thuộc cả tâm ý lúc viết chữ nữa. Nên nếu như bạn có ý định theo đuổi, nghiên cứu môn nghệ thuật này, hãy tự tin lên nhé.
Hãy cùng xem qua một số tác phẩm Thư Pháp dưới đây để chiêm nghiệm thêm về môn nghệ thuật này nhé.
Thư Pháp chữ Nhẫn (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ An (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Tâm (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Phúc (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Lộc (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Thọ (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Phúc Lộc Thọ (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ An Khang Thịnh Vượng (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Cha Mẹ (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Tài (Nguồn: Internet)
Thư Pháp chữ Đức (Nguồn: Internet)
Tựu chung lại, Thư Pháp là một môn nghệ thuật thú vị và đặc sắc cần được lưu giữ. Trong mỗi tác phẩm đều chất chứa cái hồn của dân tộc, mộc mạc nhưng trữ tình, giàu cảm xúc, tinh tế và sâu sắc. Hy vọng các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy hơn nữa nghệ thuật Thư Pháp.