“Uống nước nhớ nguồn” là câu tục ngữ mà chúng ta được dạy từ những ngày thơ bé, là câu tục ngữ nhắc nhở con cháu về lòng biết ơn, lòng kính trọng những thế hệ đi trước. Không những vậy, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” còn trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Uống nước nhớ nguồn là gì?
“Uống nước nhớ nguồn” là lời khuyên, lời nhắn nhủ đồng thời là bài học đạo lý sâu sắc mà thế hệ đi trước muốn để lại cho con cháu.
Câu tục ngữ gồm bốn từ, trong đó, “uống nước” là điều kiện và “nhớ nguồn” là hệ quả.
“Nguồn” là nơi bắt đầu, nơi xuất phát của dòng nước mát.
“Uống” là một động từ chỉ hành động tiêu thụ chất lỏng qua đường miệng.
“Nhớ” là giữ lại trong tâm trí mình những điều đã được biết để rồi sau đó có thể tái hiện lại được.
Như vậy, nghĩa đen của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở chúng ta khi uống những dòng nước mát thì hãy nhớ về nguồn cội, nơi cung cấp dòng nước, rộng hơn là biết ơn thiên nhiên đã cho chúng ta nguồn nước quý giá đó.
Nhờ có “nguồn” mà sông, suối, ao hồ, biển cả có nguồn nước quanh năm, sự sống được duy trì, cây cối đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, khi thu hoạch, khi cầm quả ngọt… trên tay, bạn hãy nhớ đến “nguồn” - thứ giúp chúng ta nhận được những điều tuyệt vời này.
Nếu hiểu rộng ra, ý nghĩa câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ đơn giản là nhắc chúng ta nhớ đến nơi khởi nguồn của dòng nước mà còn là lời khuyên, lời dạy về lòng biết ơn, sự tri ân, giữ gìn, phát huy thành quả của người tạo ra chúng. Trong đó “nước” chính là chỉ thành quả của thế hệ đi trước, của cha ông ta, “uống nước” chính là sự hưởng thụ thành quả cả về vật chất lẫn tinh thần.
Xem thêm: Học câu ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ đã lâu, vậy đến nay bạn đã thực hiện những gì về lòng biết ơn rồi?
Đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
“Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Chúng ta có nhiều ngày lễ lớn để kỷ niệm và tôn vinh những thế hệ cha ông đi trước - những người đã giúp chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay. Ví như ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3) là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn với công lao dựng nước của các Vua Hùng. Hay ngày 27/7 hàng năm - ngày Thương binh liệt sĩ - Đảng và Nhà nước có nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa với những người đã ngã xuống vì dân tộc, những người đã chiến đấu hết mình vì hòa bình, độc lập, tự do hay những người trở về từ chiến trường.
Học trò thì có ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam - để tỏ lòng tri ân đối với những người thầy, người cô ngày đêm bên giáo án, bục giảng nhằm tạo nên nhiều bài học hay, đưa từng lớp học sinh đến với bến bờ tri thức, gặt hái được thành công.
Ở làng, xã có ngày truyền thống để nhớ đến những thế hệ đi trước, những người đã khai canh. Trong từng gia đình, có ngày giỗ hàng năm của những người đã khuất là dịp để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã cho ta hình hài nuôi dưỡng ta thành người…
Tất cả những điều đó đều cho thấy, người Việt Nam không chỉ coi trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn khiến chúng trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh đó, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá:
Thứ nhất, bài học về lòng biết ơn.
Ăn một hạt cơm nhớ công người cấy, qua cầu nhớ người xây cầu, thành công nhớ người cho chữ… Trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó. Chính vì vậy, khi chúng ta hưởng được những điều tốt đẹp hãy biết ơn người tạo dựng.
Chính sự biết ơn sẽ giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn, hoàn thiện nhân cách đồng thời có động lực để cố gắng giữ gìn và phát huy thành quả ấy.
Thứ hai, xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Trong cuộc sống đã không ít lần chúng ta nhận được sự giúp đỡ của những người bên cạnh rồi tìm cơ hội để đền ơn, đáp nghĩa. Chính lòng biết ơn đó đã giúp chúng ta sống thủy chung, ân nghĩa, tạo dựng mối quan hệ vững chắc với mọi người thậm chí là xây dựng, hàn gắn các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, “Uống nước nhớ nguồn” cũng là đạo lý giúp xây dựng một xã hội tương thân, tương ái và đoàn kết hơn.
“Uống nước nhớ nguồn” tiếng Anh là gì?
Tục ngữ Việt Nam không chỉ được sử dụng trong đời sống hàng ngày của người Việt mà trong nhiều hoàn cảnh chúng còn được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác.
Trong tiếng Anh, bạn có thể dùng các bản dịch như “When drinking water, remember its source”, “to be grateful to one’s benefactor” hay “When you eat a fruit, think of the man who planted the tree” để diễn đạt ý tương tự câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, chúng sẽ khó truyền tải được hết ý nghĩa.
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ liên quan "Uống nước nhớ nguồn”
Ngoài câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, ông cha ta còn có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ mang cả nghĩa tương tự lẫn nghĩa trái ngược. Nếu quan tâm, bạn nhớ tham khảo.
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa
Để nói lên lòng biết ơn, về đạo lý ghi nhớ công lao của người đi trước, người tạo ra thành quả, ngoài cách sử dụng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” chúng ta có thể sử dụng những gợi ý sau.
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng. - Ăn cây nào, rào cây ấy.
- Đường đi cách bến cách sông
Muốn qua dòng nước nhớ ông lái đò! - Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba. - Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
- Không thầy đố mày làm nên.
- Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng. - Ta đừng phụ nghĩa vong ân
Uống nơi nước lã nhớ chừng nguồn kia. - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có bát cơm đầy nhớ đến nhà nông. - Ai ơi uống nước nhớ hồ
Ăn cơm nhớ ruộng, qua đò nhớ sông
Ăn trái nhớ kẻ vun trồng
Nhờ ai ta được yên lòng hôm nay. - Mang ơn thì phải đền ơn
Bát cơm phiếu mẫu trả ơn ngàn vàng. - Làm ơn nên thoảng như không
Chịu ơn nên tạc vào lòng chớ quên. - Bảo vâng, gọi dạ, con ơi
Vâng lời sau trước, con thời chớ quên
Công cha nghĩa mẹ khôn đền,
Vào thưa, ra gửi mới nên con người.. - Ơn ai một chút chớ quên
Oán ai một chút cất bên dạ này.
Xem thêm: 55 câu ca dao tục ngữ về lòng biết ơn - lời dạy trân quý nghĩa tình cuộc đời
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trái nghĩa
Xã hội ngày nay không thiếu những người vong ân, bội nghĩa, sống chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân. Để phê phán những trường hợp ấy, ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam có những câu nói sau.
- Ăn cháo đá bát.
- Qua cầu rút ván.
- Có mới nới cũ.
- Ăn cây táo, rào cây sung.
- Được chim bẻ ná, được cá quên nơm.
- Vắt chanh bỏ vỏ.
- Đánh trống bỏ dùi.
- Công anh bắt tép nuôi cò
Cò ăn cò lớn, cò dò lên cây. - Ăn no, trách cả nồi cơm
Mượn vay không trả, còn hờn trách nhau. - Dây nhờ cây dây lên cao
Dây cao dây lại cười sao cây lùn
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về cách ứng xử, cách sống mà còn thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Hi vọng, với những bài học trên, mỗi người sẽ càng thêm trân trọng cũng như có ý thức hơn với việc giữ gìn và phát huy những thành quả mà cha ông ta tạo dựng.
Nguồn ảnh: Internet