Trong cuộc đời, ai cũng muốn được trải nghiệm, nếm thử hương vị nhiều món ngon, vật lạ trên đời. Tuy nhiên lại có một “món ăn” mà bạn không nên thử và càng tránh đem tặng cho người khác, đó chính là “Ăn cây táo rào cây sung”!. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về câu tục ngữ này ngay sau đây.
1. Ăn cây táo rào cây sung là gì?
Tục ngữ Việt Nam được tích lũy từ kinh nghiệm sống của ông cha ta từ xa xưa, trải qua cùng năm tháng chúng vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Theo nghĩa thực tế, ta dễ nhận thấy “Ăn cây táo, rào cây sung” là ăn quả của cây táo, nhưng lại đi chăm sóc và bảo vệ quả cây sung.
Qua đó, chỉ ra những người hưởng lợi lộc nơi này nhưng lạ̣i đi bảo vệ, làm lợi cho một nơi khác. Hay chính là việc bạn hưởng quyền lợi kể cả vật chất, hay tinh thần từ một cá nhân/ tổ chức này, nhưng lại mang lòng tham lam, muốn được nhận thêm giá trị từ một cá nhân/tổ chức khác.
Thế nên, sống ở đời đừng quá tham lam, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt để rồi đánh mất đạo đức và giá trị bản thân. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Có lẽ, điều này cũng bắt nguồn từ “mầm mống” của sự vô ơn, phản bội lại chính nơi đã giúp đỡ mình.
“Ăn cây táo rào cây sung” đã mang đến bài học đạo đức giúp hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Phê phán lối sống tiêu cực.
Xem thêm: Lời dạy quý báu của cha ông ta qua câu thành ngữ ‘há miệng chờ sung’
2. Câu chuyện về anh nhân viên “Ăn cây táo rào cây sung”
Công sở chính là nơi dễ xảy ra chuyện “ăn cây táo rào cây sung”, theo đó những kẻ mang danh nhân viên công ty sẽ lợi dụng để trục lợi cho bản thân. Câu chuyện kể về H, chàng nhân viên “chân ướt chân ráo” từ dưới quê lên Sài Gòn lập nghiệp, mang ước mơ đổi đời để gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn vất vả.
May mắn thay, H xin được việc làm tại một công ty được cho là lý tưởng. Nơi đây H nhận được sự nâng đỡ từ sếp và nhiều đồng nghiệp. Suốt 4 năm làm việc, đủ cho anh thông thạo mọi công việc, cũng như nắm giữ trong tay khá nhiều tài liệu quan trọng.
Trước mặt sếp và đồng nghiệp anh H chính là nhân viên chuẩn mực. Ấy thế mà, H lại âm thầm móc nối với đối thủ cạnh tranh, bán thông tin của công ty ra bên ngoài, nhằm đổi lấy tiền tài và cơ hội thăng tiến trong xã hội.
Tham vọng làm anh ta trở thành kẻ “ăn cây táo rào cây sung”, đánh mất danh dự, sự tin cậy từ mọi người và biến bản thân trở thành con người vô ơn. Hành vi này này không chỉ đưa anh ta vào vòng lao lý, mà còn vi phạm đạo đức, cách sống cách làm người nghiêm trọng.
Con đường đi đến thành công hiếm khi bằng phẳng, đối mặt với nhiều thử thách. Nhưng khi ta làm giàu từ sự cố gắng, đi lên bằng năng lực của bản thân mới thực sự bền vững. Thiết nghĩ, liệu mang danh dự ra đánh đổi lấy vật chất có xứng đáng không?
Bạn biết đó, mỗi người mỗi tính cách khác nhau, hằng ngày chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều người. Bạn có thể sẽ gặp phải những kẻ vô ơn, phản bội ít nhất một lần trong đời.
Chúng ta cần phê phán những người có cách hành xử, lối sống “ăn cây táo rào cây sung”. Nhưng không có nghĩa sẽ dồn họ đến con đường cùng, cần tha thứ cho những người biết nhận ra lỗi lầm, như lời dạy “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.
3. Tổng hợp những câu tục ngữ, thành ngữ về những điều nên và không nên “ăn” trong cuộc sống
Bên cạnh “Ăn cây táo rào cây sung”, ta còn những câu tục ngữ sử dụng hình ảnh “ăn” với nhiều ý nghĩa. Cùng điểm qua những câu tục ngữ thành ngữ nên và không nên ngay dưới đây:
3.1 Không nên “ăn” gì?
- Ăn không nói có.
- Ăn gian nói dối.
- Ăn không ngồi rồi.
- Ăn cháo đá bát
- Ăn cơm nhà nọ kháo cà nhà kia
- Ăn cơm Phật đốt râu thầy chùa
3.2 Nên “ăn” gì để nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách
- Ăn ngay ở thẳng.
- Ăn miếng ngọt, trả miếng bùi.
- Ăn lấy chắc, mặc lấy bền.
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
- Ăn cá nhả xương, ăn đường nuốt chậm.
4. Những câu nói hay về sự vô ơn đáng ngẫm nghĩ
Tục ngữ “ăn cây táo rào cây sung” như một lời nhắc nhở về lối sống vô ơn, bạc tình bạc nghĩa. Người không có lòng biết ơn, sẵn sàng “quay lưng” với người đã giúp đỡ sẽ khó thành công trên đường đời.
- Những người bạc bẽo, vô ơn sẽ chỉ tự phá hoại cuộc đời của mình.
- Những người vô ơn, khi rơi vào khó khăn sẽ không được ai cứu giúp.
- Rõ ràng trong lòng cố ý mà lại nói rằng vì bất đắc dĩ. Rõ ràng là thờ ơ lạnh nhạt mà lại nói rằng lực bất tòng tâm. Rõ ràng là ân đoạn nghĩa tuyệt mà lại nói là vong ân bội nghĩa.
- Sinh ra một đứa con vong ơn bội nghĩa còn tổn thương người hơn cả nọc độc của loài rắn độc.
- Thường xuyên ghi nhớ ân tình ủa người khác. Đối xử với mọi người xung quanh và hoàn cảnh xung quanh bằng một trái tim biết ơn. Thì thế gian này sẽ là thiên đường. Nếu đối xử với mọi người xung quanh và sự vật xung quanh bằng sự vô ơn, bạc bẽo. Thì thế gian này sẽ là địa ngục.
- Con cái vô ơn giống như một bàn tay đưa thức ăn vào miệng. Nhưng cái miệng đó lại cắn luôn cả bàn tay.
- Vô ơn là bản tính của con người. Nó giống như là cỏ dại mọc sinh trưởng ở khắp nơi. Biết ơn thì lại giống như hoa hồng, cần phải tận tâm vun trồng và tưới tắm bằng tình yêu.
- Nhân loại vô ơn bạc bẽo. Khi bạn không còn làm việc cho họ nữa, họ sẽ quên hết tất cả mọi thứ tốt đẹp về bạn. Đồng thời sản sinh thù hận.
- Một người vô ơn bạc bẽo. Họ có thể bán rẻ người nô bộc trung thành nhất của mình và người bạn trung thực nhất của mình. Vì một sự đố kỵ hay sợ hãi nào đó.
- Nói một cách nghiêm ngặt, trên thế giới này không hề tồn tại cái gọi là vong ơn bội nghĩa. Chỉ là bản thân chúng ta nhìn sai người lúc ban đầu mà thôi.
Chúng ta không ở trong hoàn cảnh của nhau, có lẽ sẽ khó lòng thấu hiểu những suy nghĩ hay hành động của đối phương. Nhưng dẫu cuộc sống có đẩy bạn vào “hố sâu” cuộc đời, thì chẳng qua chỉ là bài học cần phải trải qua.
Vì thế, hãy thôi đổ lỗi cho hoàn cảnh, chỉ có bạn mới quyết định lối sống và nhân cách của mình. “Ăn cây táo rào cây sung” chính là cách đối xử tệ với nhau, đánh mất lòng tin của mọi người xung quanh và tạo ra hệ lụy khiến bản thân phải hối tiếc trong tương lai.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet