Chờ...

Chi tiết các lễ trong đám cưới của người Việt

VOH - Các lễ trong đám cưới gồm những nghi thức lễ cưới quan trọng, là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam.

Theo quan niệm của người xưa, cưới xin là việc quan trọng của đời người. Do đó, trước khi về chung một nhà, các đôi vợ chồng cần thực hiện đầy đủ các lễ trong đám cưới để có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Đặc biệt, những nghi thức lễ cưới truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của người Việt. 

1. 6 lễ trong đám cưới xưa của người Việt

Theo tục lệ của cha ông ngày xưa, khi tổ chức đám cưới, nhà trai và nhà gái cần tuân thủ đầy đủ 6 lễ trong đám cưới (lục lễ). Các nghi lễ trong đám cưới bao gồm lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp trưng, lễ thỉnh kỳ và lễ thân nghinh.

1.1 Lễ nạp thái

Ngày xưa, khi đến tuổi lập gia đình, nhà trai thường sẽ nhờ bà mối tìm nhà gái tốt lành, “môn đăng hộ đối” để cưới vợ cho con. Lễ nạp thái (lễ chạm ngõ) là nghi thức đầu tiên trong lễ cưới. “Nạp thái” có nghĩa là “thu nạp những sính lễ mà nhà trai mang đến để thưa chuyện với nhà gái”. 

Lễ vật được sử dụng là đôi chim nhạn. Lý do người ta dùng chim nhạn vì đây là loài chim biểu tượng cho sự thuận theo thời tiết âm dương, có hàm ý người vợ nghe theo đạo nghĩa của chồng. Chim nhạn là chim mùa, đến và đi rất có quy luật. Chúng thường sinh sống ở phương bắc vào mùa hè, mùa đông thì di cư đến phương nam.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-0
Nhà trai đến nhà gái để xem mặt cô dâu - Ảnh: Tonywedding

Ngoài chim nhạn thì lễ vật nạp thái có 50 loại rất đa dạng và phong phú. Nhưng về sau, các sính lễ càng ngày giản lược.

Lễ nạp thái là nghi lễ đơn giản để bà mối dẫn đoàn nhà trai sang thăm nhà gái với mục đích xem tướng, gia cảnh và gia phong cô dâu tương lai. Phía nhà trai không cần quá nhiều người, trong đó cần người giỏi ăn nói, đối đáp, trò chuyện với nhà gái và phải có chú rể đi cùng.

Lễ nạp thái không mang tính ràng buộc. Do đó, một trong hai bên không bằng lòng chỉ cần nói với bà mối để không tiến hành các lễ phía sau.

1.2 Lễ vấn danh

Lễ vấn danh cũng giống như lễ nạp thái, chưa phải là bước quyết định hôn nhân của đôi bạn trẻ. Nhà trai cử đại diện vài ba người mang lễ vật (chè, rượu, trầu, cau) sang nhà gái xin ngày tháng năm sinh, đôi lúc cả giờ sinh của cô gái để về xem tuổi. Sau khi được nhà trai ngỏ lời, đàng gái sẽ đưa tờ giấy ghi đầy đủ các thông tin trên.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-1
Hai bên gia đình gặp nhau để xin ngày tháng năm sinh cô dâu - Ảnh: Xephangthuonghieu

1.3 Lễ nạp cát

Sau lễ vấn danh, nếu đôi uyên ương hợp tuổi, nhà trai sẽ đánh tiếng để xin làm lễ nạp cát (lễ ăn hỏi). Đồng thời, phía nhà trai sẽ hỏi nhà gái về số lượng lễ vật và chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.

Thông thường, lễ vật sẽ có buồng cau to, vài chai rượu nếp, một mâm xôi gấc. Nếu nhà trai nào có điều kiện thì chuẩn bị thêm con lợn sữa quay, thủ lợn, trà và bánh trái,...

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-2
Trong lễ nạp cát, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái - Ảnh: Cuoihoitrongoiphuonganh

Sau này, các lễ vật như lợn quay, mâm xôi gấc được thay bằng bánh phu thê (bánh su sê), bánh dày, bánh chưng, bánh cốm,... Bánh cốm, bánh thu phê tượng trưng cho âm dương, biểu thị nam và nữ, trời và đất nên được nhiều nơi sử dụng.

1.4 Lễ nạp trưng

Lễ nạp trưng còn gọi là lễ thách cưới. Nhà gái có quyền yêu cầu nhà trai phải nạp sính lễ. Các sính lễ nhà gái đòi hỏi thường rất cao như hoa tai, vòng, vàng, xuyến, bạc trắng, tiền giấy, gạo, lợn,... Nếu sính lễ thách cưới quá nhiều, nhà trai có thể thương lượng. 

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-3
Nhà gái thách cưới nhà trai phải nạp nhiều sính lễ giá trị cao - Ảnh: Tonywedding

1.5 Lễ thỉnh kỳ

Lễ thỉnh kỳ là nghi lễ định ngày giờ làm lễ cưới. Theo phong tục xưa, nhà trai sẽ quyết định ngày giờ. Sau đó, họ chỉ hỏi lại ý kiến bên nhà gái. 

1.6 Lễ thân nghinh

Lễ thân nghinh là nghi thức cuối cùng của đám cưới xưa. Khi nhà gái ưng thuận ngày giờ đã định trong lễ thỉnh kỳ, nhà trai sẽ mang lễ vật sang rước dâu về. Trước giờ đón dâu khoảng 1 tiếng, đại diện nhà trai đến nhà gái với cơi trầu xếp đủ 12 miếng trầu cánh phượng, 12 miếng cau cánh tiên và báo xin giờ đón dâu.

Nghi lễ rước dâu sát ngày giờ cưới để đảm bảo lễ cưới suôn sẻ, tránh những chuyện không may xảy ra. Đặc biệt, người xưa luôn tuân thủ các điều cấm kỵ trong ngày vui. 

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-4
Đoàn nhà trai đến đón cô dâu về nhà chồng - Ảnh: TuArt Wedding

Xem thêm:
Nam và nữ đeo nhẫn cưới tay nào, ngón nào là đúng nhất?
Vì sao chiếc nhẫn được lấy làm đại diện cho tình yêu và hôn nhân? Ý nghĩa phía sau vô cùng thiêng liêng!
Ý nghĩa và tên gọi mốc kỷ niệm ngày cưới qua các năm

2. Các lễ trong đám cưới của người Việt Nam ngày nay

Đám cưới là một trong những sự kiện quan trọng của đời người. Thời nay, các lễ trong đám cưới đã thay đổi và được giản lược bớt do sự du nhập của nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, nó vẫn giữ được những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam.

2.1 Lễ chạm ngõ

Lễ chạm ngõ (lễ xem mặt, lễ dạm ngõ) là nghi lễ đầu tiên trong đám cưới. Đây là buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên của hai bên gia đình nhằm xác định cho hai bạn trẻ tìm hiểu kỹ trước khi tiến tới hôn nhân. Không những vậy, thông qua buổi gặp mặt này, hai nhà có thể biết thêm về văn hóa, gia cảnh, con người,... của đôi bên.

Lễ xem mặt này không cần có người mai mối hẹn trước hay những sính lễ rườm rà. Lễ vật rất đơn giản, chỉ gồm trầu cau, chè thuốc, bánh kẹo,... Tuy nhiên, các lễ vật này phải được chọn loại ngon và đẹp nhất để thể hiện sự trân trọng đối với nhà gái.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-5
Buổi gặp gỡ chính thức của hai bên gia đình vào ngày dạm ngõ - Ảnh: Cuoihoithienxuan

2.2 Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi (lễ đính hôn) là nghi thức xác nhận việc hứa gả giữa hai nhà. Điều này có nghĩa là cô gái trở thành vợ sắp cưới của chàng trai, chàng trai chính thức làm con rể nhà gái. Đôi trai gái chỉ chờ ngày cưới để công bố với quan viên hai họ.

Sau khi thống nhất việc tổ chức đám cưới, bố mẹ cô dâu sẽ dẫn đôi tân hôn đi thắp hương, cúng bái, báo cáo với gia tiên của cô dâu. Cuối cùng, hai vợ chồng sẽ ra mắt, rót nước, mời trầu hai họ.

Vào ngày lễ đính hôn, nhà trai sẽ mang các tráp đựng sính lễ đến ra mắt nhà gái. Mỗi mâm tráp chứa một lễ vật khác nhau theo số lễ vật tối thiểu của tục lệ cổ truyền. Tráp thường là số lẻ, còn đồ lễ là số chẵn.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-6
Lễ đính hôn là nghi thức giúp cặp đôi xác nhận mối quan hệ vợ chồng - Ảnh: Quốc Việt - Quang Huy

2.3 Lễ xin dâu

Lễ xin dâu là một nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Việt Nam. Theo phong tục, lễ này được tổ chức tại nhà của cô dâu. Trước giờ đón dâu, mẹ và một người thân của chú rể đến nhà gái. Họ đem theo tráp xin dâu (cơi trầu, chai rượu), thông báo giờ đoàn đón dâu tới để nhà gái yên tâm. Sau đó, nhà trai xin phép ra về để chuẩn bị các nghi thức tiếp theo.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-7
Nhà trai mang tráp xin dâu đến nhà gái để thông báo ngày giờ đón dâu - Ảnh: Lichngaytot

2.4 Lễ rước dâu

Lễ rước dâu (lễ cưới) được tổ chức vào buổi sáng của ngày cưới. Nghi lễ này sẽ diễn ra ngay sau lễ xin dâu. Gia đình chú rể sẽ đến nhà gái để rước cô dâu về nhà.

Cô dâu sẽ được trang điểm và mặc váy cưới trắng hoặc áo dài, đợi ở nhà cho tới khi đoàn rước dâu đến. Nhà trai sẽ chuẩn bị một số phương tiện như ô tô, xe hoa và dàn bưng quả.

Khi nhà trai đến, nhà gái sẽ đón tiếp. Hai bên tiến hành trao đổi lễ vật, của hồi môn cho cô dâu như một lời chúc phúc cho cặp vợ chồng. Sau đó, cô dâu lên xe hoa, đi cùng với chú rể và đoàn rước dâu về nhà chồng. Cuối cùng, nhà trai tổ chức lễ thành hôn để hoàn thành nghi thức đám cưới.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-8
Cô dâu được trang điểm xinh đẹp chờ nhà trai đến rước về nhà chồng - Ảnh: Remystudio

2.5 Lễ lại mặt

Sau lễ rước dâu 1 ngày sẽ là lễ lại mặt (lễ nhị hỷ). Đây là nghi lễ cuối cùng của một lễ cưới. Các cặp vợ chồng trẻ về thăm nhà ngoại với lễ vật như gà trống, gạo nếp hoặc bánh kẹo, rượu thuốc và ở lại dùng bữa cùng bố mẹ vợ.

Xem thêm:
9 mẫu bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của họ nhà trai và nhà gái
10 bài phát biểu đám cưới của họ nhà trai và nhà gái hay nhất
7 bài phát biểu lễ dạm ngõ của họ nhà trai và nhà gái hay nhất

3. Nghi thức lễ cưới

Nghi thức lễ cưới không chỉ đơn thuần là một nghi lễ mà còn mang giá trị tâm linh và truyền thống văn hóa sâu sắc. Với những nghi thức, lời hẹn ước trang trọng, nó đánh dấu sự thống nhất và cam kết của hai con người với nhau, trở thành một gia đình mới, xây dựng một tương lai hạnh phúc

3.1 Nghi thức lễ cưới Công giáo

Lễ cưới Công giáo là một nghi thức trang trọng và linh thiêng. Ngoài các nghi lễ truyền thống, cặp đôi cần tuân thủ những nghi thức Hôn phối đặc trưng theo tôn giáo của mình.

  • Thẩm vấn đôi tân hôn: Bắt đầu buổi lễ, cha xứ sẽ hỏi đôi vợ chồng 3 câu hỏi liên quan đến sự tự do, yêu thương nhau suốt đời và việc đón nhận con cái. Các câu hỏi này giúp xác nhận họ đã trưởng thành và ý thức được việc kết hôn.
  • Trao lời thề nguyện: Cặp đôi sẽ trao lời hẹn ước, thề nguyền sẽ gắn bó với nhau trước mặt những người tham dự lễ cưới.
  • Làm phép và trao nhẫn cưới: Cha xứ tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng. Lúc này, chú rể sẽ hôn và đeo nhẫn cho cô dâu. Đặc biệt, một số đám cưới Công giáo còn có nghi thức thắp nến. Mỗi người sẽ cầm một ngọn nến tượng trưng cho cuộc sống của mình. Sau đó, họ cùng thắp chung một cây nến khác và thổi tắt hai cây nến kia.
  • Ký tên vào sổ Hôn phối: Cô dâu chú rể, hai người chứng giám lễ cưới và linh mục sẽ cùng ký tên vào sổ Hôn phối. Việc ký tên có thể được thực hiện sau khi kết thúc lễ cưới. 
  • Gửi lời cảm ơn và kết thúc Hôn phối: Đôi vợ chồng sẽ gửi lời cảm ơn đến cha xứ, người thân, quan khách, ca đoàn, ban ngành đã đến tham dự cũng như hỗ trợ lễ cưới diễn ra thành công.
cac-le-trong-dam-cuoi-voh-9
Nghi thức lễ cưới Công giáo rất trang nghiêm và linh thiêng - Ảnh: FB Khánh Hà

3.2 Nghi thức lễ cưới ở nhà gái 

Nghi thức lễ cưới ở nhà gái gồm thắp hương bàn thờ, lễ gia tiên, lễ mừng và lễ lại quả. 

Đối với nghi thức thắp hương bàn thờ, các phù rể sẽ xếp thành hàng ngang và trao lễ vật cho phù dâu để họ mang vào đặt lên bàn thờ gia tiên. Đại diện nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải bàn thờ. Người chủ hôn bên đàng trai sẽ giải thích ý nghĩa của việc đem lễ vật, mở nắp mâm quả và khăn phủ lễ vật. Kế tiếp, cô dâu được mẹ dắt ra mắt họ hàng, chú rể trao hoa cho cô dâu. 

Lễ gia tiên ở họ nhà gái, cặp đôi sẽ lễ bàn thờ gia tiên 4 lễ, theo nguyên tắc chủ rể bái bối, cô dâu ngồi bệt. Sau cùng, đôi tân hôn lạy cha mẹ trước bàn thờ để tỏ lòng biết ơn sinh thành và dưỡng dục.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-11
Lễ vu quy là một trong những nghi thức lễ cưới ở nhà gái - Ảnh: Canva

Lễ gia tiên hoàn thành, cặp đôi ra lễ mừng cha mẹ vợ. Nhà gái mời nhà trai dùng nước, ăn trầu và gửi những lời chúc tốt đẹp đến đôi tân hôn. Đến giờ tốt, nhà trai xin phép rước dâu về nhà.

Cuối cùng, nhà gái chia đồ lại quả và trả các mâm tráp cho nhà trai. Khi thực hiện lễ lại quả, nắp tráp phải để ngửa lên mà không được đóng. Phù rể đứng hàng ngang theo thứ tự ban đầu để nhận lại quả từ các phù dâu.

3.3 Nghi thức lễ cưới ở nhà trai

Nghi thức lễ cưới ở nhà trai không cầu kỳ như đàng gái. Lễ thành hôn có thể diễn ra ở nhà hoặc tại khách sạn.

Sau khi rước dâu về, đôi vợ chồng sẽ thắp hương trước bàn thờ gia tiên. Đại diện nhà trai phát biểu, trao quà. Tiếp theo, chú rể dẫn cô dâu chào quan viên hai họ và dùng tiệc mặn cùng chương trình văn nghệ đã chuẩn bị.

Nếu lễ thành hôn diễn ra tại khách sạn, nhà trai và nhà gái phải có mặt trước giờ mời khách khoảng 30 phút. Cô dâu sẽ ở trong phòng chờ trang điểm và mặc váy cưới. Sau đó, hai bên gia đình cùng ra đón khách. Trong buổi lễ, cô dâu chú rể và bố mẹ sẽ lên sân khấu ra mắt mọi người. Họ sẽ nâng ly chúc mừng, đi đến từng bàn cụng ly chia vui và chụp hình lưu giữ kỷ niệm.

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-10
Lế thành hôn được nhà trai tổ chức tại khách sạn - Ảnh: Thechateau

Xem thêm:
70 lời cảm ơn sau đám cưới ngắn gọn hay nhất
Status đám cưới hay nhất – Nơi để bạn trao gửi tình yêu ngọt ngào cho người bạn đời của mình

4. Sự khác nhau trong phong tục cưới hỏi của 3 miền

"Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" là quy luật tất yếu của đời người. Với sự khác biệt về vị trí địa lý nên đặc trưng văn hóa và phong tục tập quán ở từng vùng miền cũng khác nhau. Do đó, cách tổ chức và các nghi thức cưới hỏi ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có vài điểm không tương đồng.

4.1 Nghi thức lễ cưới miền Tây

Theo truyền thống xưa, 6 lễ trong đám cưới miền Tây bao gồm lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ phản bái. 

  • Lễ giáp lời (lễ dạm ngỏ): Nhà trai sẽ đến nhà gái để nói chuyện, trao đổi về tuổi tác, bàn việc hôn nhân và định trước giờ cưới cho hai con.
  • Lễ thông gia: Phía đàng trai ngỏ lời mời họ đàng gái sang thăm nhà để biết gia cảnh, nơi ăn chốn ở mà an tâm gả con gái. 
  • Lễ cầu thân: Khi hai bên đồng ý cho đôi trẻ đến với nhau, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái. Nghi thức này còn được gọi là cho đồ hay bỏ hàng rào thưa. Tuy nhiên, ngày nay lễ này thường được bỏ qua do các cặp đôi đã tìm hiểu nhau trước đó.
  • Lễ ăn hỏi: Đây là nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi ở miền Tây. Nhà gái sẽ treo bảng lễ đăng khoa hay lễ đính hôn. Trình tự diễn ra các nghi thức tại nhà gái gồm ông thông lễ khai trình lễ y kỳ, trình lễ khai hòa kiến gia tiên, sau khi trưởng tộc nhà trai rót rượu tiến hành trình lễ thượng đăng, lễ bái gia tiên, lễ đỡ mâm trầu, trình lễ kiếu. Mâm lễ vật nhà trai chuẩn bị thường là số chẵn, có 4 đến 12 mâm tùy theo mỗi gia đình.
  • Lễ cưới và rước dâu: Lễ cưới diễn ra ở cả hai bên thông gia. Nhà gái treo bảng vu quy, nhà trai treo bảng tân hôn. Cổng cưới được làm từ lá dừa, cây chuối, hoa cau, cây tre hay đủng đỉnh, nhìn đơn sơ nhưng rất đẹp mắt. Điểm thú vị ở đây là mọi người rước dâu bằng ghe, phà. Mặc dù ngày nay, đường bộ đã được mở rộng nhưng nhiều gia đình vẫn lựa chọn phương tiện này để đón dâu, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. 
  • Lễ phản bái: Một trong những nét khác lạ, độc đáo trong tục cưới hỏi miền Tây là lễ phản bái. Sau khi cưới ba ngày, đôi tân hôn trở về nhà cha mẹ vợ. Họ sẽ mang theo lễ vật (cặp vịt trống lớn và rượu) để con rể bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ vợ vì đã gả con gái cho mình. Ngoài ra, cha mẹ chú rể cũng có thể đi cùng.
cac-le-trong-dam-cuoi-voh-11
Cổng cưới là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người miền Tây - Ảnh: Vntravellive

4.2 Nghi lễ cưới hỏi miền Bắc

Người miền Bắc sống rất quy củ và nghiêm chỉnh nên các nghi thức cưới hỏi nơi đây được tổ chức một cách nề nếp, cầu toàn. Đối với họ, lễ cưới phải có 3 lễ chính là lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ rước dâu.

  • Lễ dạm ngõ: Đây là buổi gặp mặt thân mật giữa hai gia đình. Nhà trai chuẩn bị sính lễ cho gia đình cô dâu. Còn nhà gái chuẩn bị bánh kẹo, trái cây và trà để tiếp đón đàng trai. Các lễ vật sẽ được đặt ngay ngắn lên bàn thờ tổ tiên và thắp hương. Sau đó, hai nhà ngồi bàn bạc và thống nhất các nghi lễ tiếp theo.
  • Lễ ăn hỏi: Lễ này sẽ diễn ra trước đám cưới ít nhất 1 tuần đến 10 ngày. Lễ vật của người miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội luôn có cốm và hồng. Số lượng tráp là số lẻ (tượng trưng cho yếu tố “dương”) và số lễ vật lại là số chẵn (mang hàm ý có đôi có cặp).
  • Lễ rước dâu: Theo quan niệm "cha đưa mẹ đón" của người Bắc, cha đẻ sẽ là người đưa cô dâu về nhà chồng, cô gái phải đi thẳng một mạch, không được ngoảnh lại. Mẹ không tiễn cô dâu để tránh cảnh chia ly buồn bã. Còn phía nhà trai, mẹ chồng là người đón cô dâu về với gia đình. Đặc biệt, theo quan niệm dân gian của một số tỉnh miền Bắc, các cô dâu thường đổi hoa cưới khi gặp nhau trên đường.
cac-le-trong-dam-cuoi-voh-12
Cô dâu chú rể hạnh phúc tay trong tay khi thực hiện nghi lễ cưới hỏi - Ảnh: Canva

4.3 Nghi lễ cưới hỏi miền Trung

Nghi lễ cưới hỏi miền Trung sẽ diễn ra các lễ xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, lễ rước dâu ở nhà gái. Còn lễ đón dâu và lễ gia tiên tổ chức tại nhà trai. Quy trình tổ chức ở đây diễn ra đơn giản, không phô trương.

Ở Huế, nhà gái không có tục thách cưới. Lễ vật chỉ gồm các món tối thiểu như mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Lễ cưới luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ (1 trai 1 gái, tuổi tương đương nhau, trên tay cầm lồng đèn hoặc hoa đi trước dẫn đường). Trong đêm tân hôn, đôi vợ chồng mới cưới làm lễ giao bôi hợp cẩn. Họ phải nhai hết 12 miếng trầu để mong sao 12 tháng hòa hợp trong năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Còn ăn muối, ăn gừng cầu cho nghĩa tình nồng thắm.  

4.4 Nghi lễ cưới hỏi miền Nam

cac-le-trong-dam-cuoi-voh-13
Đôi tân hôn cùng nhau làm lễ lên đèn - Ảnh: Webdamcuoi

Có thể nói, tư tưởng của người miền Nam khá cởi mở và phóng khoáng. Do đó, họ thường lược bớt các nghi thức để tiện cho việc đi lại cho thông gia hai nhà. Ngày nay, nhiều gia đình bỏ qua lễ dạm ngõ, tiến hành lễ ăn hỏi và đón dâu trong cùng một ngày.

Mặc dù đơn giản hóa vài nghi lễ nhưng người miền Nam vẫn giữ lại lễ lên đèn (lễ thượng đăng). Trong lúc đón dâu, nhà trai mang theo cặp đèn cầy to để đôi tân hôn sẽ tự tay thắp lên. Điều này có nghĩa là họ xin phép tổ tiên cho hai người chính thức trở thành vợ chồng, bảo ban và gắn kết với nhau đến đầu bạc răng long. 

Xem thêm:
Hướng dẫn những cách cắm hoa để bàn ngày cưới sang, xịn, giúp ngày cưới của bạn thêm hoàn hảo
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì?

Tóm lại, các lễ trong đám cưới xưa hay nay đều mang ý nghĩa sâu sắc về truyền thống lâu đời. Mỗi vùng miền từ Bắc vào Nam có những phong tục tập quán, nghi thức cưới hỏi riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú và thú vị cho văn hóa cưới hỏi Việt Nam. Qua các lễ trong đám cưới, người ta thấy được sự kết nối giữa con người và truyền thống văn hóa của đất nước cũng như sự đoàn kết, tình yêu, hạnh phúc của mỗi gia đình.