Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì?

(VOH) - Mâm quả cưới từ lâu đã là phong tục không thể thiếu trong các nghi thức cưới hỏi của Việt Nam. Vậy mâm quả cưới gồm những gì? Khác biệt như thế nào trong văn hóa ba miền?

Xã hội hiện đại kéo theo các lễ nghi cũng dần thay đổi, trong đó lễ cưới hỏi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cho dù có thay đổi như thế nào thì mâm quả cưới vẫn được giữ gìn qua năm tháng, và đóng một vai trò quan trọng không thể thay thế trong phong tục cưới hỏi của người Việt.

1. Mâm quả cưới là gì?

Mâm quả cưới bắt nguồn từ lễ nạp tài (một trong sáu lễ cưới của người xưa). Đây là nghi thức nhà trai sẽ mang các lễ vật để làm quà cho nhà gái trong lễ ăn hỏi. Trước đây, những lễ vật này thường do nhà gái thách cưới, tức là khi nhà trai muốn sang thưa chuyện cưới hỏi với nhà gái thì phải dựa theo yêu cầu của nhà gái mà mang theo sính lễ - chính là mâm quả cưới ngày nay. 

Theo thời gian, mâm quả cưới trở thành điều không thể thiếu trong lễ cưới hỏi, tuy có khác nhau giữa các vùng miền nhưng mâm quả cưới đều mang đến ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho cô dâu chú rể.

Ngoài ra, một mâm quả cưới đẹp sẽ thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái, thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với cha mẹ cô dâu đã nuôi dưỡng cô con gái của mình được như ngày hôm nay.

2. Mâm quả cưới gồm những gì?

Trầu - cau, trà - rượu, mặn - ngọt là những yếu tố cần phải có trong mâm quả cưới, nhằm tượng trưng cho sự trọn vẹn và đủ đầy các gia vị và cung bậc trong cuộc sống. 

Đối với trầu - cau và trà - rượu thì tên gọi cũng chính là tên sính lễ. Còn mặn - ngọt thì sẽ có đa dạng sự lựa chọn như đối với mặn là xôi gà, heo quay, heo sữa quay, giò chả; đối với ngọt là trái cây, bánh phu thê, bánh cốm, bánh kem, bánh đậu xanh, bánh pía, bánh thuẫn,...

Tùy theo phong tục từng vùng miền hay cách thức ở mỗi gia đình, việc lựa chọn “nội dung” cho mâm quả cưới sẽ có sự khác nhau, song vẫn đáp ứng đủ những yếu tố này.

Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 1
Trầu - cau, trà - rượu, mặn - ngọt là những yếu tố cần có của mâm quả cưới

3. Ý nghĩa của từng loại mâm quả cưới

Không phải ngẫu nhiên mà mâm quả đám cưới có các yếu tố trầu - cau, trà - rượu, mặn - ngọt. Đó là bởi vì mỗi mâm quả cưới sẽ thể hiện một ý nghĩa đặc biệt khác nhau để tạo nên những điều tốt đẹp cho cô dâu chú rể

3.1 Mâm trầu cau

Trầu cau là mâm cơ bản nhất nhưng cũng là mâm bắt buộc phải có trong mâm quả cưới. Trầu cau mang hình ảnh dây trầu xanh tươi quấn quanh cây cau thẳng đứng, tượng trưng cho sự gắn bó và thủy chung. Bên cạnh đó, trầu kết hợp với cau cùng vôi trắng khi ăn tạo thành màu đỏ son tượng trưng cho sự sắc son và mặn nồng của đôi vợ chồng mới cưới.

3.2 Mâm trà, rượu và nến đỏ

Đây là mâm thể hiện lòng biết ơn và thành kính của con cháu đối với tổ tiên, đồng thời cũng là mâm tượng trưng cho sự chứng giám của ông bà cho ngày trọng đại trong cuộc đời cô dâu và chú rể. Nến đỏ sẽ được thắp lên khi trao sính lễ để bắt đầu những nghi thức cần có trong buổi lễ đón dâu.

3.3 Mâm bánh

Bánh chủ đạo trong mâm này thường là bánh phu thê, có thể thêm vào các loại bánh khác như bánh cốm, bánh đậu xanh, bánh in… Vị ngọt của bánh mang ý nghĩa chúc cho tình cảm của đôi vợ chồng sẽ ngày càng ngọt ngào đậm sâu như hương vị của từng chiếc bánh.

Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 2
Bánh phu thê

3.4 Mâm xôi gà

Thông thường mâm xôi sẽ là xôi gấc đi kèm với một con gà luộc phía bên trên. Sỡ dĩ là xôi gấc bởi vì màu đỏ đặc trưng của nó tượng trưng cho sự may mắn sẽ đến với cặp đôi. Đồng thời, xôi còn mang ý nghĩa của sự sung túc, ấm no và đủ đầy. 

3.5 Mâm trái cây

Mâm trái cây gồm những loại quả như nho, táo, cam, xoài, lê… mang ý nghĩa thể hiện tình yêu và cuộc sống của cặp vợ chồng sẽ luôn luôn tươi mới, ngọt ngào và nhanh chóng “kết trái”. Bên cạnh đó, mâm trái cây có thể cùng với trà và rượu dâng lên bàn thờ tổ tiên để ông bà chứng giám cho mối lương duyên của cặp vợ chồng. 

3.6 Mâm heo quay

Mâm heo quay là mâm không bắt buộc phải có, tuy nhiên nếu nhà trai mong muốn mâm quả cưới của mình thêm phần phong phú thì có thể chuẩn bị thêm (nếu có mâm xôi gà rồi thì không cần thêm mâm heo quay, có thể thay thế thành mâm quả cưới khác). Mâm heo quay mang ý nghĩa chúc cho đôi vợ chồng son nhanh có con và sớm phát tài.

Xem thêm:
Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa
Những thủ tục khi đính hôn và câu hỏi thường gặp về lễ đính hôn
9 mẫu bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của họ nhà trai và nhà gái

4. Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam

Mâm quả cưới của các miền khá tương tự nhau, chỉ thay đổi một số chi tiết như số mâm quả cưới, cách sắp xếp dựa theo quan niệm riêng của từng miền và nội dung của mâm quả dựa theo một số đặc sản riêng của từng vùng.

4.1 Mâm quả cưới miền Bắc

Miền Bắc luôn chọn số lượng mâm quả cưới là số lẻ như 3, 5, 7, 9, 11 nhưng số lễ vật trên mâm phải là số chẵn như 2 chai rượu, 50 cái bánh,... nhằm tượng trưng cho việc vợ chồng đồng lòng có nhau. Các tráp ăn hỏi được chuẩn bị và trình bày rất trang trọng, thường theo hình tháp, trang trí nơ, hoa xung quanh hoặc phủ khăn đỏ. 

Cách làm mâm quả cưới cho từng số lượng tráp ở miền Bắc:

  • 3 tráp bao gồm: mâm trầu cau (là lễ vật bắt buộc phải có), mâm chè, mâm hạt sen.
  • 5 tráp bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm hạt sen, mâm rượu và trà, mâm bánh cốm.
  • 7 tráp bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và trà, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê, mâm bánh đậu xanh.
  • 9 tráp bao gồm: mâm trầu cau, mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và trà, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê, mâm bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết rồng phụng, mâm lợn sữa quay.
  • 11 tráp sẽ bao gồm 9 tráp như trên và bổ sung thêm mâm bánh nướng bánh dẻo, mâm xôi gấc trang trí đậu xanh…
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 3
Mâm quả cưới miền Bắc

4.2 Mâm quả cưới miền Trung

Người miền Trung chân chất thật thà nên không quá cầu kỳ về mâm quả cưới, nhưng bắt buộc phải đầy đủ 4 lễ vật quan trọng nhất đó là: trầu cau (105 quả), bánh phu thê, chè rượu và nến tơ hồng. Một số nơi ở miền Trung quan niệm tổng số người rước dâu bưng mâm quả phải ứng với số sinh hoặc lão là 5 hoặc 6

  • Mâm 5 quả bao gồm: Mâm trầu cau; trà, rượu và nến; bánh phu thê; xôi gấc + gà luộc; trái cây.
  • Mâm 6 quả bao gồm: Mâm trầu cau; trà, rượu và nến; bánh phu thê; xôi gấc + gà luộc; trái cây; nem chả (hoặc chè).

4.3 Mâm quả cưới miền Nam

Người miền Nam xem trọng việc có đôi có cặp nên số mâm quả sẽ luôn là số chẵn như 4, 6, 8, 10. Trong đó, số 6 được xem là thông dụng nhất vì nó đại diện cho tài lộc, may mắn và hạnh phúc. Đồng thời, 6 mâm quả cưới cũng được xem là đầy đủ và không quá phô trương. Có một điều đặc biệt trong tráp ăn hỏi của miền Nam là sẽ có thêm một tráp gồm áo dài và bông tai do mẹ chồng chuẩn bị để thể hiện sự chăm sóc của mẹ chồng với con dâu.

Miền Nam sẽ có nền ẩm thực khác so với hai miền còn lại, đó là họ thường dùng  bánh phu thê (bánh su sê, bánh âm dương) có hình vuông được gói bằng lá dứa thể hiện sự đồng lòng, gắn kết phu thê. 

Một số mâm quả cưới thông dụng nhất của người miền Nam:

  • Mâm 6 quả bao gồm: Mâm trầu cau; trà, rượu và nến (loại nến khắc long phụng); bánh phu thê; xôi gấc hình trái tim; hoa quả; heo quay.
  • Mâm 8 quả bao gồm: Mâm trầu cau; trà, rượu và nến; bánh phu thê; xôi gấc hình trái tim; hoa quả; heo quay; bánh kem; áo dài, vàng vòng, nhẫn cưới.
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 4
Mâm quả cưới miền Nam

4.4 Mâm quả đám cưới miền Tây

Là một phần của miền Nam nên mâm quả cưới miền Tây hoàn toàn tương tự như mâm quả cưới của người miền Nam. Tuy nhiên, người miền Tây lại rất hào phóng nên số lượng mâm quả cưới thường là nhiều hơn, thậm chí có thể lên đến 16, 18, hoặc 20 mâm quả.

5. Mâm quả đám hỏi có khác với mâm quả cưới hay không?

Mâm quả đám hỏi và mâm quả cưới sẽ có nội dung các loại sính lễ giống nhau nhưng lại khác nhau về số lượng. Sính lễ đám hỏi sẽ ít và đơn giản hơn, không nhiều và cầu kỳ như sính lễ đám cưới.

Ví dụ: Người miền Bắc nếu chọn 3 tráp hoặc 5 tráp đám hỏi thì tráp đám cưới sẽ phải là 5 tráp hoặc 7 tráp. Tương tự, người miền Nam khi chọn 4 mâm hoặc 6 mâm đám hỏi thì số lượng mâm quả đám cưới sẽ là 6 mâm hoặc 8 mâm quả cưới. 

Tuy nhiên, người xưa thường sẽ coi trọng lễ đính hôn (đám hỏi) hơn lễ cưới. Họ cho rằng lễ đính hôn là đại đăng khoa còn lễ cưới là tiểu đăng khoa nên lễ đính hôn được tổ chức rất hoành tráng với số lượng mâm quả nhiều hơn lễ cưới. Điều này hiện nay vẫn còn được một số địa phương trong cả nước áp dụng, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm:
Cúng thất là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của nghi lễ cúng thất
Ý nghĩa của lễ nhập trạch trước khi vào nhà mới là gì?
Tại sao phải chống mê tín dị đoan?

6. Top những mâm quả cưới đẹp nhất 

Số lượng và cách bày trí của mâm quả cưới ngày nay rất đa dạng, từ đơn giản truyền thống cho đến cầu kỳ hiện đại. Bài viết sẽ giới thiệu những mâm quả cưới đẹp nhất mà bạn có thể tham khảo để chọn ra một mâm quả cưới ưng ý.

Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 5
Mâm quả phú quý
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 6
Mâm quả 9 tráp đẹp
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 7
Mâm quả cát tường
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 8
Mâm quả cưới hiện đại 
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 9
Mâm quả cưới 9 tráp
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 10
Mâm quả cưới 11 tráp sang trọng
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 11
Mâm quả cưới truyền thống
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 12
Mâm quả phú quý
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 13
Mâm quả rồng phụng bắt mắt
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì? 14
Mâm quả 11 tráp cầu kỳ

Chuẩn bị một mâm quả cưới đầy đủ, bày biện đẹp mắt là điều quan trọng bởi vì mâm quả cưới không phải chỉ để cho đúng lễ nghi mà nó còn thể hiện sự thành kính, biết ơn của nhà trai đối với nhà gái. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nét đẹp này trong văn hóa Việt Nam.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận