Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ chúng ta đã từng được chứng kiến những hành vi tâm linh như ông đồng, bà cốt, xin xăm bói quẻ, cúng tế vong linh, cô hồn,... Các hành vi này được xem là mê tín dị đoan, tin vào những thứ mơ hồ, nhảm nhí và không có thật, trái với quy luật tự nhiên. Đồng thời, nó còn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, làm ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
1. Mê tín dị đoan là gì?
Trước khi tìm hiểu mê tín dị đoan là gì, chúng ta cần nắm được khái niệm cơ bản về từ “mê tín”. Mê tín là niềm tin, sự tin tưởng tuyệt đối trong mối quan hệ nhân quả bất kì. Theo từ Hán Việt, “mê” và “tín” chính là “say mê” và “tín ngưỡng”, là say mê một điều gì đó có tín tâm, tin tưởng vào nó ở mức độ cao. Nhưng hiện nay, từ “mê tín” đã bị khoác lên mình chiếc áo tiêu cực khi gắn liền chữ “dị đoan”.
Mê tín dị đoan chưa có một khái niệm nào cụ thể. Người ta thường dựa vào cách dùng thực tế để đưa ra định nghĩa của nó. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, mê tín dị đoan là đặt niềm tin một cách mù quáng vào những thứ không có thật, những điều vô lý, đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Nó gây ảnh hưởng xấu đến mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Mê tín dị đoan xuất hiện ở mọi nền văn hóa từ lạc hậu cho đến văn minh. Duy chỉ có mức độ và phạm vi ảnh hưởng của chúng ở mỗi nơi là khác nhau. Đặc biệt, tập tục và truyền thống của mỗi nền văn hóa là không giống nhau, có nơi xem đây là truyền thống cần được gìn giữ và phát huy nhưng nó sẽ bị coi là mê tín dị đoan khi ở một nơi khác.
1.1 Các hành vi được xem là mê tín dị đoan
Hiện nay, các hoạt động, hành vi mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng nhiều, khiến cuộc sống của mọi người dần bị đảo lộn. Dưới đây là một số hành vi được xem là mê tín dị đoan.
Các hành vi mê tín dị đoan mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp là cúng tế, cầu xin như cúng vong linh, cô hồn, cầu tình duyên, cầu tài lộc, xin xăm, số đề hay hiến tế, quan hệ nam nữ bất thường, nhảy múa điên cuồng, thậm chí là dày vò thân xác. Ngoài ra, hình thức bói toán, xem tướng số như nhìn chỉ tay, mai rùa, chân gà, chữ ký, lá bài,... để bói tình duyên, sự nghiệp của một ai đó cũng được xem là mê tín dị đoan.
Hành vi mê tín dị đoan còn thể hiện ở việc chữa bệnh bằng ma thuật như thư yểm bùa, trừ tà ma, đồng bóng,... Hoặc hình thức kiêng cữ vô căn cứ như kiêng tặng mực cho nhau vào đầu năm, kiêng phụ nữ mang thai dự cỗ cưới, cỗ ma và xông đất đầu năm, kiêng mèo tự nhiên vào nhà,...
Xem thêm: Trốc tru là gì? Khu mấn là gì? Phương ngữ miền Trung sẽ khiến bạn bất ngờ
1.2 Sự khác biệt giữa tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan
Ngày nay vẫn còn một số người tin vào những chuyện thờ cúng vô lý và hiểu nhầm nó là tín ngưỡng. Xin đừng nhầm lẫn giữa tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan. Để phân biệt được chúng ta cần hiểu rõ khái niệm của hai loại hình này.
Tín ngưỡng là niềm tin của con người thông qua các hoạt động, lễ nghi gắn liền với phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của ông cha ta. Nhằm mang đến sự an yên về mặt tinh thần cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Tôn giáo cũng là niềm tin của con người được xây dựng dựa trên hệ thống quan niệm và hoạt động về giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức, đối tượng tôn thờ.
Cả tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan có điểm giống nhau là tin vào những điều mắt không nhìn thấy, tai không nghe. Đặc biệt, tín điều của hai loại hình này đều có khả năng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với gia đình và cộng đồng.
Điểm khác nhau đầu tiên giữa tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan phải xét đến mục đích. Với tín ngưỡng tôn giáo, mục đích chỉ thiên về đời sống tinh thần và đời sống tâm linh. Còn mê tín dị đoan chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, lợi dụng vào sự nhẹ dạ cả tin của mọi người nhằm trục lợi, chỉ làm việc khi khách hàng có tiền.
Thứ hai, tín ngưỡng không có bất cứ ai làm việc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Riêng mê tín dị đoan thì có hẳn hoạt động bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều người gây dựng sự nghiệp và trục lợi bất chính bằng ngành nghề này.
Thứ ba, tín ngưỡng sẽ có nơi thờ cúng riêng như miếu, đình, từ đường,... thì mê tín dị đoan lại không có nơi chốn nhất định. Chỉ hoạt động ở những không gian như tư gia hoặc các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian.
Thứ tư, những người sinh hoạt tín ngưỡng sẽ có thời gian nhất định vào mồng một, ngày rằm hoặc ngày giỗ ông bà, bố mẹ,... và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Còn mê tín dị đoan hoạt động không định kỳ, nó chỉ diễn ra khi khách hàng gặp biến cố trong cuộc sống (mất của, hỏa hoạn, ốm đau,...) và không được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
Xem thêm: Tìm hiểu về nền văn hiến văn vật ngàn năm của Việt Nam
2. Tại sao phải chống mê tín dị đoan?
Mê tín dị đoan không chỉ có ảnh hưởng không tốt đến cá nhân mang tư tưởng này mà còn gây hại đến người thân, bạn bè và những người xung quanh họ. Nó có sức ảnh hưởng tiêu cực về mặt tư tưởng, hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống sinh hoạt xã hội.
2.1 Ảnh hưởng về mặt tư tưởng
Sự phát triển nhanh chóng của mê tín dị đoan đã dẫn đến những sự thay đổi về mặt tư tưởng. Hiện tượng này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thế giới quan duy vật biện chứng trong xã hội, làm hệ tư tưởng và những phát kiến khoa học tiến bộ của nhân loại đang có nguy cơ bị xâm lấn, đẩy lùi.
Nếu chúng ta đặt niềm tin vào một thế giới siêu thực một cách mù quáng hay nghe theo và bị chi phối bởi những lời phán của “ông thầy, bà cô” khi thay mặt thần tiên, ma quỷ thì niềm tin vào bản thân sẽ bị bào mòn. Chính vì sự tin tưởng mù quáng đã làm cho con người mất đi sức mạnh, ý chí cải tạo thế giới tự nhiên, xã hội dần thiếu đi động lực phát triển.
Một khi con người hoàn toàn chìm đắm vào những điều mê tín dị đoan thì những chân lý khoa học sẽ bị phủ nhận hoàn toàn, xã hội ngừng phát triển, con người sống trong nỗi sợ hãi, hoang mang về thế giới siêu nhiên, hoang đường. Do đó, mê tín dị đoan trở thành rào cản đáng lo ngại và cần được đẩy lùi, dẹp bỏ ngay lập tức.
2.2 Ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất, kinh tế
Mê tín dị đoan gây ra hậu quả nghiêm trọng khi làm chúng ta mất đi động lực, ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ bảo thủ trong việc chọn giờ “hoàng đạo”, “hắc đạo”, làm lỡ thời gian ký kết hợp đồng kinh tế quan trọng.
Không những thế, các công ty dựa vào cơ sở dịch lý âm dương để lựa chọn đối tác. Hay nhiều địa phương chọn ngày lành tháng tốt để thu hoạch, dẫn đến tình trạng đình đốn nghiêm trọng, gây thất thoát to lớn cho nền kinh tế cả nước.
2.3 Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt xã hội
Các hiện tượng mê tín dị đoan như cúng tế, cầu xin thần linh, rải tiền vàng mã,... gây ô nhiễm môi trường lại tốn kém. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân đã phải bỏ mạng vì sự tin tưởng mù quáng vào các thầy mo. Các cặp tình nhân phải chia lìa nhau vì lời phán vớ vẩn của những người thầy bói. Chính vì sự tin tưởng mù quáng đó đã làm suy tàn đi tính nhân đạo của con người, khiến họ trở nên nhỏ nhen, ích kỷ.
Mê tín dị đoan gây ảnh hưởng to lớn đến trật tự xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc khi nhiều người lôi kéo, rủ rê bạn bè, người thân tham gia vào các hoạt động mê tín.
3. Phòng chống mê tín dị đoan bằng cách nào?
Dù nhà nước đã đưa ra nhiều mức hình phạt nghiêm khắc nhưng những hoạt động mê tín dị đoan vẫn diễn ra thường xuyên và không có dấu hiệu thuyên giảm. Mức độ hoạt động của mê tín dị đoan ngày càng tinh vi hơn do nhiều người lợi dụng vào tự do tôn giáo, tín ngưỡng để tuyên truyền. Dưới đây là các cách phòng chống mê tín dị đoan để xóa bỏ tệ nạn dai dẳng này.
Một là mỗi cá nhân cần phân biệt rõ ràng tín ngưỡng và tôn giáo là gì. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo và nhận biết những hành vi không đúng đắn, sai trái.
Hai là chung tay tuyên truyền đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan. Đây là việc của cả cộng đồng chứ không phải của riêng cá nhân nào. Chúng ta hãy bảo vệ những nét đẹp truyền thống của dân tộc và môi trường lành mạnh cho các thế hệ sau.
Ba là triệt tiêu hoàn toàn mọi đường sống của các hoạt động mê tín dị đoan bằng cách nâng cao trình độ dân trí, đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Xem thêm: Định kiến thường gặp và cách vượt qua định kiến trong cuộc sống
4. Quy định pháp luật về xử lý hành vi mê tín dị đoan
Để ngăn cấm các hành vi, hoạt động mê tín dị đoan, nhà nước đã đưa ra những quy định pháp luật mạnh mẽ nhằm răn đe, xử lý những kẻ đang hành nghề mê tín dị đoan.
4.1 Các yếu tố cấu thành tội
Có 4 yếu tố cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan đó là:
Dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm được xét dựa trên hành vi đó gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác.
Dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm chỉ những tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và nằm trong độ tuổi theo luật định.
Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm chỉ những người có hành vi bói toán (đoán về quá khứ, tương lai), lên đồng (nói chuyện giữa người chết và người sống), đồng bóng (thần thánh, hồn ma nhập vào người). Ngoài ra, còn có các hoạt động mê tín dị đoan khác như yểm bùa, cúng trừ tà ma, cúng giải hạn, chữa bệnh bằng việc mời thầy cúng,...
Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm chỉ những người thực hiện các hành vi mê tín dị đoan là do cố ý. Đây cũng được xem là yếu tố cấu thành tội, bị nhà nước nghiêm cấm và xử phạt.
4.2 Hậu quả của hành vi hành nghề mê tín dị đoan
Vì những hành vi mê tín dị đoan một cách mù quáng của con người đã gây nên hậu quả nghiêm trọng cho chính mình, người thân, bạn bè và những người xung quanh.
Khi thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan thường gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác. Tuy nhiên, người hành nghề trên sẽ không chịu trách nhiệm hình sự nếu không gây ra bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào.
Những hoạt động mê tín dị đoan sẽ gây ra mất trật tự công cộng. Đối với những trường hợp bị xử phạt hành chính, bị kết án tội, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4.3 Hình phạt về hành nghề mê tín, dị đoan
Để giảm thiểu và xóa bỏ hoàn toàn các hoạt động mê tín dị đoan, nhà nước đã đưa ra những hình phạt cụ thể như sau.
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 320 - Bộ luật hình sự năm 2015 có mức phạt:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với những cá nhân dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích nhưng vẫn vi phạm.
Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm thuộc một trong các trường hợp như: Làm chết người; Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thứ hai, tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Chính phủ ra quy định xử phạt:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;
- Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cá nhân buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi không được nhà nước cho phép.
Thứ ba, tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), quy định:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với cá nhân bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mê tín dị đoan là một trong những tệ nạn xã hội cần được đẩy lùi và triệt bỏ hoàn toàn trong cuộc sống. Sự tồn tại của nó làm ảnh hưởng đến đời sống con người, kinh tế đất nước, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta - những con người bản lĩnh nên giữ đầu óc tỉnh táo để nhận biết những việc nên và không nên làm. Hãy cùng bảo vệ môi trường văn minh, trong lành cho thế hệ con cháu của chúng ta.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet