Chờ...

Nam và nữ đeo nhẫn cưới tay nào, ngón nào là đúng nhất?

(VOH) - Đeo nhẫn cưới được xem là việc làm cực kỳ quan trọng và không thể thiếu khi tổ chức hôn lễ. Vậy đeo nhẫn cưới như thế nào là chính xác nhất?

Nhẫn cưới chính là minh chứng cho tình yêu đôi lứa, khi chiếc nhẫn cưới được lồng vào tay, nó là biểu tượng của sự ràng buộc giữa hai con người. Do đó, đeo nhẫn cưới đúng cách mang một ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự bền vững, lâu dài và vĩnh viễn. Tuy nhiên, chắc hẳn vẫn còn rất nhiều cặp đôi chưa biết cách đeo nhẫn cưới cho chính xác. 

1. Vị trí đeo nhẫn cưới ở các nước phương Tây và phương Đông

Chúng ta thường thấy tất cả mọi người đều đeo nhẫn cưới ở bên bàn tay trái. Tuy nhiên, vì phương Tây và phương Đông có văn hóa khác biệt nên việc đeo nhẫn cưới cũng có một số khác biệt nhỏ, thậm ở một số nơi còn không đeo nhẫn cưới khi kết hôn.

Người phương Tây, điển hình như các cặp vợ chồng ở Trung và Bắc Âu như Na Uy, Áo, Đan Mạch,… và một số nước ở Đông Âu như Nga, Ucraina, Hy Lạp,… đều đeo nhẫn cưới ở ngón tay phải. Riêng người Đức, khi đính hôn sẽ đeo nhẫn cưới ở tay trái và khi kết hôn họ sẽ chuyển sang đeo nhẫn cưới tay phải. Theo quan niệm phương Tây đeo nhẫn cưới ở tay phải thể hiện sự hòa hợp giữa vợ chồng.

Tương tự, với người Ấn Độ họ luôn đeo nhẫn cưới bên tay phải vì cho rằng tay trái không may mắn và không sạch sẽ. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện nay các cặp vợ chồng phương Tây khi kết hôn đã đeo nhẫn cưới trên tay trái.

Khác với phương Tây, quan niệm phương Đông cho rằng, ngón cái là đại diện cho cha mẹ, ngón trỏ đại diện cho anh em, ngón giữa tượng trưng cho cái tôi, ngón áp út tượng trưng cho tình yêu nồng thắm với nửa kia của cuộc đời và ngón út tượng trưng cho sự độc thân cũng như cuộc sống độc thân. Do đó, các cặp vợ chồng phương Đông thường đeo nhẫn cưới ở ngón áp út (nam đeo bên trái, nữ đeo bên phải). 

Bên cạnh đó, một số quốc gia hoặc một số tôn giáo sẽ có những quan niệm khác về việc đeo nhẫn cưới. Chẳng hạn, những cô dâu Do Thái thường theo nhẫn cưới ở ngón trỏ, bởi vì đó là ngón là đối với nó họ chỉ vào kinh Torah khi đọc. Còn những người theo Thanh Giáo, họ từ chối đeo nhẫn bởi họ coi đồ trang sức là phù phiếm.

2. Đeo nhẫn cưới tay nào là chính xác?

Việc đeo nhẫn cưới tay nào là chính xác vẫn còn khiến khá nhiều cặp đôi sắp tổ chức hôn lễ bối rối, bởi ngày nay phần lớn mọi người thường đeo nhẫn cưới ở ngón áp út tay trái. Tuy nhiên, theo phong tục cưới hỏi truyền thống Việt Nam, ngón tay đeo nhẫn cưới của cô dâu và chú rể là không giống nhau. 

2.1 Con gái đeo nhẫn cưới tay nào?

Việt Nam có phong tục “nam tả, nữ hữu” (nam trái, nữ phải) nên cô dâu sẽ đeo nhẫn cưới vào ngón áp út tay phải. Nếu cô dâu có thêm nhẫn đính hôn thì nhẫn đính hôn sẽ được đeo ở ngón giữa.

2.2 Nam đeo nhẫn cưới tay nào?

Cũng theo phong tục “nam tả, nữ hữu” đã nêu phía trên, chú rể sẽ đeo nhẫn cưới vào ngón áp út tay trái. 

Tuy nhiên, hiện nay tay đeo nhẫn cưới là trái hay phải đã không còn quá đặt nặng như theo phong tục nữa, cô dâu và chú rể sẽ đề cao tính thuận tiện theo thói quen hoặc theo sở thích hơn. Suy cho cùng, tay trái hay tay phải đều không quan trọng bằng tình yêu vĩnh cửu của cả hai, bằng sự hướng về nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn sóng gió.

(xong) Đeo nhẫn cưới tay nào là đúng nhất? 1
Đeo nhẫn cưới tay nào sẽ phụ thuộc vào cô dâu và chú rể

3. Tại sao phải đeo nhẫn cưới ngón áp út

Theo như văn hóa phương Đông về ý nghĩa của các ngón tay đã nêu phía trên,  ngón áp út tượng trưng cho tình yêu nồng thắm với nửa kia của cuộc đời nên ngón tay này được lựa chọn để đeo nhẫn cưới nhằm thể hiện ý nghĩa tình yêu của cặp đôi.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian xưa, việc đeo nhẫn cưới ngón áp út còn bắt nguồn từ trò chơi gập ngón tay. Theo đó, khi bạn gập ngón tay lại khi úp hay ngửa bàn tay thì các ngón tay khác đều dễ dàng tách ra, chỉ riêng ngón áp út là không thể tách rời. Điều này khiến ngón áp út được liên tưởng đến cuộc sống vợ chồng gắn bó bền chặt, từ đó hình thành nên việc đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.

Xem thêm: 
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì?
Những thủ tục khi đính hôn và câu hỏi thường gặp về lễ đính hôn
Sính lễ là gì? 8 mâm sính lễ đám cưới không thể thiếu

4. Một số lưu ý, kiêng kỵ khi đeo nhẫn cưới

Nhẫn cưới mang một ý nghĩa rất quan trọng về tình yêu và hôn nhân. Do đó, ngoài việc đeo nhẫn sao cho đúng, bạn cũng không nên phạm phải những điều cấm kỵ dưới đây để có thể giữ cho cuộc sống hôn nhân được êm ấm và nhiều may mắn.

4.1 Ngón đeo nhẫn cưới không đúng

Như đã đề cập phía trên, mỗi ngón tay mang một ý nghĩa riêng. Vì thế, nếu bạn đeo nhẫn cưới sai ngón thì sẽ không còn thể hiện được ý nghĩa của ngón đeo nhẫn. Đặc biệt là khi bạn đeo nhẫn cưới vào ngón giữa hoặc ngón út, tượng trưng cho sự độc thân và không ràng buộc, điều này sẽ làm tổn thương người bạn đời của mình.

Do đó, nếu nhẫn cưới của bạn không vừa với ngón tay, bạn có thể đến nơi mua nhẫn cưới để điều chỉnh lại kích thước, tuyệt đối không nên đeo nhẫn sang ngón khác để tránh mất đi ý nghĩa vốn có của nó.

4.2 Đeo nhẫn cưới trước khi tổ chức hôn lễ

Người xưa quan niệm rằng nếu đeo nhẫn cưới trước khi cưới thì sẽ không tốt cho cô dâu và chú rể, mang đến nhiều xui xẻo khiến hôn lễ sẽ khó thành, cuộc sống hôn nhân sau này cũng trở nên không hòa thuận và vững bền. Chính vì thế, nhẫn cưới chỉ được đeo khi tổ chức lễ cưới, có sự chứng giám của gia đình và bạn bè hai bên. 

4.3 Nhẫn cưới có hình thức quá lệch nhau

Nhẫn cưới luôn có thiết kế khá tương đồng nhau vì nó đại diện cho sự đồng tâm, hòa quyện của hai tâm hồn. Do đó, nếu nhẫn cưới có hình thức quá lệch nhau sẽ thể hiện sự bất đồng ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Tuy nhẫn của cô dâu có thể được thiết kế cầu kỳ với nhiều loại đá quý trang trí hơn nhưng vẫn phải giữ được sự tương đồng về kiểu dáng với nhẫn của chú rể.

(xong) Đeo nhẫn cưới tay nào là đúng nhất? 2
Nhẫn cưới đại diện cho sự đồng tâm nên không được có hình thức quá lệch nhau

4.4 Bán hoặc làm mất nhẫn cưới

Nhẫn cưới không còn chỉ là một trang sức, nó còn là tín vật thiêng liêng vô giá của tình yêu và chứa đựng nhiều kỷ niệm. Do đó, gìn giữ nhẫn cưới là cách mà bạn tôn trọng vợ/chồng của mình cũng như tôn trọng tình yêu và cuộc hôn nhân này. Việc làm mất nhẫn cưới thể hiện bạn không để tâm vào mối quan hệ, điều này khiến người bạn đời của bạn bị tổn thương, dẫn đến rạn nứt hạnh phúc gia đình.

4.5 Chỉ vợ hoặc chồng đeo nhẫn

Việc chỉ có một trong hai người đeo nhẫn cưới là điều xảy ra khá phổ biến do nguyên nhân chính là vì cảm thấy không thuận tiện khi làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Hãy để cho người mình yêu thấy được sự trân trọng, gìn giữ và tự nguyện đeo nhẫn cưới suốt đời nhé.

Có thể thấy, việc đeo nhẫn cưới mang một ý nghĩa rất liêng thiêng. Tuy không quá quan trọng việc đeo tay nào là đúng nhưng bạn cũng đừng phạm phải những kiêng kỵ phía trên để tránh làm tổn thương bạn đời cũng như có thể giữ gìn một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc nhé.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet